Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Glong, toàn huyện hiện có khoảng 800ha rau ăn lá, ăn củ, ăn quả các loại. Diện tích rau xanh tập trung chủ yếu ở các xã Đắk Ha, Quảng Sơn, Quảng Khê. Điều đáng mừng là diện tích rau có sự liên kết, hợp tác tăng lên, hiện đạt trên 100ha rau, củ có liên kết khá ổn định, bao tiêu với các chợ đầu mối, siêu thị, doanh nghiệp trong cả nước.
Theo ghi nhận, những năm gần đây, ngành hàng rau củ liên kết ngày càng được người dân chú ý phát triển. Đến đầu năm 2024, tỉnh mới có 6 liên kết ổn định, quy mô lớn, với diện tích khoảng gần 200ha. So sánh trong tổng sản lượng thu hoạch, sản lượng liên kết mới chiếm khoảng 10%. Do đó, ngành chức năng, các đoàn thể, địa phương tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh tìm kiếm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng, mở rộng các liên kết. Ngành Nông nghiệp Đắk Nông nhận định, đến hết năm 2024, số liên kết và quy mô liên kết đều tăng. Trong đó, ngoài quy mô, chất lượng sản phẩm được đặc biệt coi trọng.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô cho biết đơn vị đã liên kết với một số tập thể, cá nhân xây dựng các chuỗi giá trị rau sạch như cải thảo, củ cải, bắp sú…
Theo bà Mai chia sẻ, hiện HTX đang duy trì sản xuất 2ha rau tại địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Bà Mai cho rằng, HTX sẽ hướng dẫn, hỗ trợ bà con các khâu như về giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho người dân. Tuy nhiên, quy trình canh tác phải đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.
Tính trung bình 1ha đất trồng cải thảo, sau khoảng 60 ngày xuống giống, thu về khoảng 20 tấn, với giá 8 triệu đồng/tấn, mỗi ha thu về khoảng 160 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng đạt mức lãi ít nhất là 80 triệu đồng. HTX sẽ thực hiện luân canh các loại rau, củ để phòng chống dịch bệnh, đa dạng sản phẩm.
HTX đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận hữu cơ; OCOP 4 sao. Sản phẩm của HTX có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở trong nước. Đây chính là tiền đề thuận lợi để HTX mở rộng liên kết, tăng quy mô, chủng loại hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, những năm gần đây, người dân đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên các loại cây rau, đậu ngắn ngày. Người dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bón phân cân đối và hợp lý.
Bà con đẩy mạnh các biện pháp sinh học, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học. Khi sử dụng thuốc, nhà nông đã cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng là đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc. Điều này đã giúp cho nông sản ngắn ngày của tỉnh ngày càng đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Tổng hợp
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/day-manh-lien-ket-san-xuat-tao-them-gia-tri-cho-nong-san-dak-nong-a21264.html