Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 28

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ  28.

Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên. Cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội ở các cấp là Ban Chấp hành Đảng bộ, Chi bộ (Cấp uỷ ). Ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, Đại hội Đại biểu Tỉnh đảng bộ (Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố) bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ (Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, gọi tắt là Thành uỷ ) trong đó hạt nhân là Thường vụ tỉnh uỷ (Thường vụ thành uỷ ) do Bí thư tỉnh uỷ (Bí thư thành uỷ đứng đầu). Giúp việc cho Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ (Thành uỷ) có Chánh, Phó văn phòng tỉnh uỷ (Thành uỷ) đứng đầu. Giúp việc chuyên môn còn có các Ban do các Trưởng ban đứng đầu: Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Kiểm tra. Ở cấp huyện (quận, thị xã) Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện (quận, thị xã) bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (quận, thị xã) mà hạt nhân là Thường vụ huyện uỷ (quận ủy, thị ủy) đứng đầu là Bí thư huyện uỷ (Bí thư quận uỷ, Bí thư thị uỷ). Giúp việc chuyên môn cho Huyện uỷ (Quận uỷ, Thị uỷ) có các Ban như Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận do các Trưởng ban đứng đầu. Còn có Văn phòng Huyện uỷ (Quận uỷ, Thị uỷ) do Chánh, Phó văn phòng đứng đầu. Ở cấp xã (phường, thị trấn), Đại hội đại biểu Đảng bộ xã (phường, thị trấn) bầu ra Ban Chấp hành Đảng uỷ xã (phường, thị trấn) đứng đầu là Bí thư đảng uỷ xã (phường, thị trấn). Ngoài ra các tổ chức Đảng còn được thành lập ở tất cả các cơ quan, các trường học, trong quân đội, trong công an, cảnh sát. Cách thức tổ chức như vậy bảo đảm cho sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Đơn vị nhỏ nhất của tổ chức Đảng là chi bộ Đảng mà hạt nhân là Ban chi uỷ đứng đầu là Bí thư chi bộ do Đại hội đảng viên bầu ra. Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công, lật nhào ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến. Ngày nay với 5 triệu đảng viên, đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công cuộc đổi mới và công cuộc bảo vệ tổ quốc. Sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh của toàn dân, của dân tộc, từ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

 Cùng với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ngày càng phát triển về mọi mặt. Ví như về số lượng năm 1930 Đảng có 560 đảng viên, năm 1945 có 5.000 đảng viên, Đại hội 2 của Đảng năm 1951 có 766.349 đảng viên, Đại Hội 3 năm 1960 có 50 vạn đảng viên, Đại hội 4 có 1,4 triệu, Đại hội V có 1,7 triệu đảng viên,  Đại hội VI có 1,9 triệu, Đại hội VII có 2,1 triệu, Đại hội VIII có 2,13 triệu đảng viên, Đại hội IX có 2,4 triệu, Đại hội X ta có 3,1 triệu đảng viên. Về tên gọi, từ 3-2-1930 đến tháng 10-1930 là Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 10-1930 đến năm 1951 là Đảng Cộng sản Đông Dương, từ 1951 đến 1975 là Đảng Lao động Việt Nam và từ 1976 đến nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

 4. Xây dựng hệ thống pháp luật: Ngoài xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị, ta đã ra sức xây dựng một hệ thống pháp luật trong đó đã xây dựng các bản hiến pháp qua các thời kỳ làm đạo luật cơ bản. Hiến pháp đầu tiên là hiến pháp năm 1946 được Quốc hội khoa I thông qua trong kỳ họp lần thứ 2. Hiến pháp này đã xác định chế độ chính trị là Nhà nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân. Lần đầu tiên hiến pháp quy định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, bao gồm quyền chính trị, quyền lợi về kinh tế,  quyền học tập. Công dân phải có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp quy định hoạt động tổ chức của bộ máy nhà nước. Hiến pháp quy định điều kiện để sửa đổi hiến pháp, đó là phải được 2/3 số đại biểu Quốc hội yêu cầu và phải được toàn dân phúc quyết. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu sự phát triển của pháp luật Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật và nhà nước cộng hoà. Hiến pháp 1946 còn là cương lĩnh để tập hợp lực lượng kháng chiến.

 Hiến pháp 1959 được Quốc hội khoá 1 thông qua trong kỳ họp thứ 11, được công bố ngày 1-1-1960. Hiến pháp gồm lời nói đầu, 10 chương, 112 điều. Hiến pháp 1959 quy định bản chất Nhà nước Dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hiến pháp 1959 xác định mục tiêu cơ bản về đường lối kinh tế, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp cũng quy định về tổ chức bộ máy nhà nước.

 Hiến pháp 1980 được thông qua bởi Quốc hội khoá VI ngày 18-12-1980 gồm lời nói đầu, 12 chương, 147 điều. Hiến pháp khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và hệ thống chính trị, khẳng định quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối xây dựng kinh tế mới, văn hoá mới, con ngươì mới và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Hiến pháp khẳng định quyền và nghĩa vụ của công dân, quy định cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước.

 Hiến pháp 1992 do Quốc Hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992 bao gồm lời nói đầu, 12 chương và 147 điều. Hiến pháp đã khẳng định thành tựu về mọi mặt qua nhiều năm đổi mới, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đời sống xã hội và hệ thống chính trị. Quy định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước có nét khác với hiến pháp 1980 như không còn chức danh Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng được gọi là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Hiến pháp quy định sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Hiến pháp 1992 là cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Hiến pháp 2013, có hiệu lực từ  ngày 1-1-2014 là hiến pháp sửa đổi đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế xã hội, văn hóa của con người. Mọi điều khoản của Hiến pháp đều hướng tới nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn. Bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách sát thực hơn trong thực tế.

 Trên cơ sở Hiến pháp, chúng ta đã ra sức xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Luật Hiến pháp bao gồm các luật liên quan đến điều chỉnh các quan hệ quyền lực nhà nước như luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ta đã xây dựng các Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự, Lụât Tố tụng, Luật về Kinh tế, Luật về Văn hoá, Luật về Xây, dựng quốc phòng và an ninh.

4. Phát tiển kinh tế: Nhà nước đã thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại trong thời kỳ đổi mới. Về đối nội, Nhà nước đã tổ chức, động viên, quản lý nhân dân xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội hướng tới thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện chính sách xoá đói giảm ngheo đối với nông thôn, thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đối với các dân tộc thiểu số, với các dự án chương trình 134,135. Năm 2007 Nhà nước đã nâng cấp cơ sở nông thôn miền núi, xây dựng được 4.213 công trình cơ sở hạ tầng, góp phần nâng tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm 96 %,  97 % xã miền núi có trạm y tế, 84 % số xã có đủ trường lớp tiểu học và trung học cơ sở, 90 % xã có điện lưới quốc gia, 81% số xã có công trình thuỷ lợi nhỏ. Năm 2007 cũng đã hỗ trợ được 330.293 nhà ở cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số, đã giải quyết đất cho 78 % số hộ với 74 % diện tích theo kế hoạch, giải quyết đất sản xuất cho 70. 549 hộ với diện tích 25.151 ha. Năm 2008 chương trình 135 có vốn 3.043 tỉ đồng, trong đó vốn cho các xã dặc biệt khó khăn là 1.976 tỉ, vốn cho thôn bản đặc biệt khó khăn khu vực 2 là 635 tỉ, vốn cho các nhiệm vụ khác 432 tỉ đồng. (Báo Đại đoàn kết số 179-2007). Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 17 % (năm 2000) xuống còn 7 % năm 2005. Theo chuẩn mới tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 22 % (đầu 2006) còn khoảng 14, 87 % (2007). Đời sống nhân dân, nhất là các vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Chính phủ cũng cương quyết cùng nhân dân chống bão lũ lụt, hỗ trợ kịp thời để khắc phục và giảm thiểu khó khăn, kiên quyết ngăn chặn và dập tắt các ổ dịch gia cầm, gia súc hoành hành dữ dội vào những năm cuối thế kỷ XX . Cấm và loại bỏ hoàn toàn hủ tục đốt pháo trong những ngày Tết nguyên đán, kiên quyết trấn ấp các loại tội phạm, nhiều biện phạm quyết liệt để giảm thiểu tai nạn giao thông, quy định việc đội mũ bảo hiểm xe máy trở thành bắt buộc của pháp luật đối với người tham gia giao thông. Chính phủ đề ra nhiều chính sách để giải quyết nạn thất nghiệp. Năm 2003, Nhà nước đã tạo được việc làm cho 1.325.000 người, năm 2007 đạt 1.700.000 người lao động có việc làm, đạt 105,3 % kế hoạch (Thời báo Kinh tế Việt Nam, số tháng 2-2008 ).

6. Thành tựu đối ngoại: Về đối ngoại, đang trên lộ trình xây dựng đường biên giới hữu nghị hoà bình với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Trung Quốc. Việt Nam đã xây dựng được tình hữu nghị với các nước Đông Nam Á và gia nhập khối “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” (ASEAN) năm 1995, xây dựng tình hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và ngày16-10-2007 được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, được tham gia vào cơ quan quyền lực cao của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, góp phần giải quyết vấn đề hoà bình và an ninh thế giới thế giới. Hiện nay Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với 167 nước, trong đó có 50 nước ở cấp đại sứ. Việt Nam là thành viên của ASEAN, Khối Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn hợp tác kinh tế các nước châu Á Thái Bình dương (APEC), Hội nghị Hợp tác kinh tế Thái Bình Dưong (PECC), Liên Hợp Quốc. Nhà nước Việt Nam khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Cộng đồng dân tộc Việt Nam. Năm 2007, nước ta cũng đã thực hiện miễn thị thực nhập cảnh đối với Việt kiều.

7. Xây dựng và phát triển kinh tế 1976-2014

 7. 1. Từ 1975-1985: Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ, tập trung-hành chính-mệnh lệnh quan liêu bao cấp. Sau khi thống nhất đất nước, miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đại hội IV và Đại hội V. Nội dung của đường lối đó là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa được coi là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng làm cho Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công nông nghiệp hiện đại, văn hoá khoa học kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc.

 Thực hiện đường lối trên, Việt Nam đã thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, bước đầu có được cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa, cải thiện một bước đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân. Qua 5 năm thực hiện kế hoạch kinh tế này, nền kinh tế nước ta được khôi phục, hàn gắn được vết thương chiến tranh. Tuy nhiên những thành tựu kinh tế còn thấp so với kế hoạch, mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế quốc dân, chưa bảo đảm được tiêu dùng cho toàn xã hội. Thiếu thốn các nhu yếu phẩm như lương thực, vải vóc... khiến đời sống nhân dân lao động khó khăn. Thiếu thốn năng lượng, vật tư, giao thông vận tải không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đi lại, không tạo được tích luỹ vốn, chênh lệch giữa thu và chi, giữa hàng và tiền, nhập khẩu so với xuất khẩu còn chênh lệch quá lớn.

 Những khó khăn trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan là do ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, sản xuất tiểu nông, lại bị chiến tranh lâu dài tàn phá. Về nguyên nhân chủ quan chúng ta nhận định tình hình đất nước sau chiến tranh còn thiên về thuận lợi, chưa lường hết những khó khăn thách thức. Từ đó đề ra chủ trương công nghiệp hoá khi chưa có những tiền đề. Trong xây dựng kinh tế thiên về công nghiệp và xây dựng cơ bản, không tập trung phát triển nông nghiệp , thực phẩm và hàng tiêu dùng dẫn đến thiếu trầm trọng những hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Nóng vội khi chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Chậm xoá bỏ chế độ quan liêu bao cấp, không xử lý nghiêm những hành động vi phạm pháp luật. Tham nhũng đã trở thành một hiện tượng nhưng không được đè bẹp để sau này chúng ngày càng phát triển thành một nguy cơ đối với chế độ vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

 Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần V của Đảng họp vào tháng 3-1982 nhận thức rằng đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng kinh tế là chung cho cả thời kỳ quá độ. Muốn thực hiện thắng lợi phải cụ thể đường lối đó thành những chặng đường với những nhiệm vụ và biện pháp cụ thể hợp với khả năng và yêu cầu của từng chặng đường. Từ nhận thức đó Đại hội V xác định trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80 cần tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-28-a21286.html