Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 30

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 30.

8. Xã hội Việt Nam 1976-2014.

8. 1. Giai cấp công nhân.

 Sang thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân vẫn là động lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước. Trong thời kỳ đổi mới số lượng công nhân phát triển nhanh. Công nhân chiếm 7,4 % dân số toàn quốc, chiếm 14,5% lực lượng lao động. Lao động của công nhân hằng năm tạo được 70 % tổng sản phẩm trong nước, đảm bảo 60% ngân sách nhà nước. “Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là giai cấp những người lao động chân tay và lao động trí óc, làm việc ăn lương trong các ngành công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội” (Thông tin công tác lý luận số 9-2007). Thời kỳ đổi mới, trong sản xuất kinh doanh xuất hiện nhiều thành phần kinh tế làm cho cơ cấu thành phần giai cấp công nhân thay đổi. Kinh tế cá thể tiểu chủ với kinh tế tư bản tư nhân trong nước được gọi là thành phần kinh tế tư nhân, thứ hai là thành phần kinh tế tư bản nước ngoài, thứ ba là thành phần kinh tế nhà nước chiếm hơn 5 vạn nhà máy, xí nghiệp, công ty là thành phần kinh tế chủ đạo và lớn nhất. Như vậy, giai cấp công nhân Việt Nam có một bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận làm việc trong doanh nghiệp tư nhân, một bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp hỗn hợp giữa tư nhân và nhà nước, bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp tư bản nước ngoài (vốn đầu tư nước ngoài), một bộ phận xuất khẩu lao động. Tổng số công nhân tính đến năm 2004 khoảng 6 triệu, trong đó lao động ngoài nước khoảng 400.000 người. Năm 2001 lao động công nhân viên chức cả nước khoảng gần 9 triệu người (chưa tính số người đi lao động nước ngoài), trong đó số công nhân lao động sản xuất ở các doanh nghiệp, ở các cơ sở sản xuất khoảng gần 5 triệu người. Quy luật kinh tế thị trương đã tác động vào giai cấp công nhân. Một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

 Nhược điểm của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là trình độ kỹ thuật, nghề nghiệp thấp, có tới 74 % chưa qua đào tạo, công nhân tri thức chỉ chiếm khoảng  4%, công nhân thợ bậc 6-7 ở tại Hà Nội chỉ chiếm gần 12 %, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm hơn 6 %. Ở 14 tỉnh gần 68 % công nhân không biết ngoại ngữ, có tỉnh chiếm 90 %. Đa số công nhân xuất thân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại. Công nhân chỉ chiếm 10 % trong Đảng. “Nhìn tổng quát, lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình, việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vố đầu tư nước ngoài”.(Nhân Dân-số 19-2-2008) . Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thành một giai cấp “ Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật ” (Hồ Chí Minh)  để họ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp tục phát huy là giai cấp lãnh đạo cách mạng, xứng đáng là một trong những cơ sở xã hội chính trị vững chắc của Đảng và nhà nước.

8. 2. Giai cấp nông dân `

 Giai cấp nông dân miền Bắc (1958-1975) và nông dân cả nước (1975-1986) là giai cấp nông dân tập thể trong mô hình xã hội chủ nghĩa bao cấp, ở miền Bắc cho đến năm 1965 hơn 90% tổng số nông hộ đã vào hợp tác xã, hơn 80 % diện tích đất đai được tập thể hoá, trong đó có 72 % số nông hộ vào hợp tác xã bậc cao. Quan hệ xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp được xác lập, giai cấp nông dân trở thành giai cấp nông dân tập thể với các yếu tố sở hữu tập thể, phân phối theo lao động.

Sau đổi mới, người nông dân được giao quyền sở hữu ruộng đất lâu dài ổn định từ 15 đến 20 năm. Từ người nông dân tập thể, nông dân trở thành nông dân cá thể, được làm chủ ruộng đất. Do đó người nông dân tích cực chủ động sáng tạo trong sản xuất. Từ đó nền nông nghiệp nước ta từng bước đi lên và đạt nhiều thành tựu, kinh tế nông thôn phát triển ổn định. Ngay từ khi bắt đầu đổi mới với chính sách khoán 10 năm 1988, chỉ trong 4 năm (1989-1992) nông nghiệp được chuyển biến mạnh mẽ, lương thực của người dân tăng lên. Từ chỗ thiếu lương thực thời bao cấp đến năm 1989 ta tự túc đủ lương thực và sau đó có thừa lương thực để xuất khẩu. Đến năm 1990 ta đã xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan. Nông dân Việt Nam về cơ bản đã đạt được những mục tiêu và nguyện vọng mà hàng nghìn năm trong lịch sử chỉ là niềm mơ ước: Đó là độc lập, dân chủ và ruộng đất, những mục tiêu mà họ đã hi sinh biết bao xương máu mới giành được.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân của lịch sử để lại, nước ta ngày nay vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu với hơn 70 % vùng lãnh thổ là nông thôn và nông dân. Hầu hết nền kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch sang cơ cấu kinh tế hàng hoá thị trường, chưa phá được thế độc canh. Kinh tế nông thôn vẫn là nền kinh tế tự túc tự cấp. Vùng nào có nghề thủ công nghiệp, vùng có đất trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản mới có khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nông thôn Việt Nam còn phải đối mặt với nạn dân số gia tăng cho nên ruộng đất vốn đã ít thì nay càng ít hơn, nhất là khu vực miền Trung và vùng châu thổ sông Hồng. Tại đây 90% dân số chỉ sử dụng diện tích canh tác từ 0,5 đến 0,25 ha/lao động. Mỗi hộ nông dân Việt Nam sử dụng từng thửa đất phân tán nhiều nơi khác nhau, tạo nên sự manh mún, cản trở sự cơ giới hoá nông nghiệp và nhiều vấn đề quy hoạch khác. Năm 1998 cả nước có 12 triệu hộ nông dân canh tác trên 80 triệu mảnh đất to nhỏ.

 Sau khi hợp tác xã giải thể thì người nông dân Việt Nam trở thành nông dân cá thể, tư hữu. Chế độ tư hữu tư liệu sản xuất vốn tuân theo quy luật phân hoá giàu nghèo. Đã diễn ra hiện tượng một bộ phận nông dân do nhiều nguyên nhân đã phá sản, đã phải chuyển nhượng ruộng đất cho người khác và mất ruộng đất. Hiện tượng này diễn ra nhiều nhất ở đồng bằng Nam Bộ. Năm 1988 số nông hộ không có ruộng đất chiếm 0,7%, đến năm 1998 đã lên 5,6 % (NCLS số 6-2004 ). Sự tích tụ ruộng đất vào tay một số người diễn ra theo chiều hướng gia tăng. Sản phẩm nông nghiệp ở nước ta rẻ và bị giảm giá vì sản phẩm kém chất lượng, do bị cạnh tranh chèn ép làm cho ngươì nông dân khó khăn. Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho nông dân qua các chương trình xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Nhưng do đầu tư còn ít và phân tán, vùng nông thôn quá rộng lớn cho nên đầu tư của Chính phủ chưa đủ sức mạnh tạo nên sự chuyển biến có tính chất đột phá cho nông thôn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa của miền núi. Vì vậy đa số nông dân vẫn sống ở mức nghèo khó, ngay cả nông dân Nam Bộ nhiều ruộng vườn, là vựa lúa và hoa quả của cả nước và của Đông Nam Á. Dân số gia tăng, ruộng đất ít, nông dân phải đối mặt với nạn thiếu việc làm vì lực lượng lao động tự nhiên tăng mỗi năm 1,2 triệu người mà nông thôn là nơi tăng mạnh nhất. Cho đến năm 2000 ở nông thôn có 9 triệu người thiếu việc làm. Thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền Bắc và miền Trung tản mác về các đô thị kiếm việc làm, vào làm ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc xuất khẩu lao động ra ngoài nước. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX nông dân liên tục phải đối mặt với nạn lũ lụt bão gió, đại dịch HIV, dịch cúm gia cầm, gia súc. Tất cả đã gây thiệt hại to lớn cho nông thôn và nông dân. Nông dân là giai cấp chủ yếu cung cấp nguồn bổ sung cho giai cấp công nhân, cho trí thức, cho thị dân, cho quân đội, công an, cảnh sát... đóng vai trò chính trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân vẫn là một trong những lực lượng xã hội làm chỗ dựa chính trị vững chắc cho Đảng và nhà nước, cùng với công nhân là nền tảng cho Mặt trận đoàn kết dân tộc. Nông dân là một trong những lực lượng chính trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tương lai của giai cấp nông dân cũng phụ thuộc vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phụ thuộc vào tương lai vận mệnh của dân tộc. Công nghiệp hóa hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu nông thôn đang là một sự nghiệp to lớn và bức thiết của toàn Đảng và của toàn dân trong những thập kỷ tới.

8. 3. Trí thức Việt Nam.  

 Trong mọi thời đại trí thức là một tầng lớp quan trọng trong xã hội. Về phương diện nhà nước từ cổ đại cho đến ngày nay nhà nước chung quy chỉ có ba bộ phận: Bộ phận hành chính, thứ hai là cơ quan sức mạnh bao gồm quân đội và các lực lượng khác, bộ phận thứ ba là trí thức, hoặc là cả tăng lữ và trí thức. Trí thức theo các lý thuyết thì không phải là một giai cấp vì họ không có tư liệu sản xuất, không gắn với một hệ thống sản xuất xã hội. Họ phục vụ cho giai cấp nào thì mang tính từ của giai cấp đó như trí thức chủ nô thời cổ đại, trí thức phong kiến thời kỳ trung đại, trí thức tư sản, trí thức xã hôị hội chủ nghĩa thời kỳ cận hiện đại.

 Ở nước ta, tầng lớp trí thức mới, trí thức cách mạng ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ban đầu là những trí thức được đào tạo dưới thời thuộc địa Pháp nhưng họ có tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, lại do chính sách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ chí Minh, của nhà nước nên họ đã đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân, đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền văn hoá mới. Tầng lớp này được gọi là trí thức cách mạng, trí thức kháng chiến và khi đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội thì được gọi là trí thức xã hội chủ nghĩa. Đây là những thế hệ trí thức mới được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng trong nước hoặc từ các trường đại học, các học viện của các nước xã hội chủ nghĩa mà nhiều nhất là Liên Xô. Trong thời kỳ 1954-1985 học vị phó tiến sĩ, tiến sĩ ta chưa đào tạo được trong nước mà nguồn hoàn toàn do Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa anh em như Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức, Cu Ba, Tiệp Khắc...đào tạo, trong đó Liên Xô đóng vai trò đào tạo chủ yếu nguồn trí thức cao cấp cho nước ta. Tính đến năm 1986 khoảng 2.000 tiến sĩ và phó tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Tầng lớp trí thức của ta đã phục vụ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, văn hoá, nghệ thuật, xây dựng kiến trúc, giao thông vận tải, cơ khí, quân sự, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, báo chí, truyền thông, y dược, ngân hàng, chứng khoán. Sau năm 1991 nguồn trí thức từ đại học trở lên do ta tự đào tạo trong nước. Số ít được đào tạo ở Nga, Nhật, Mỹ, Otstrâylia, Trung Quốc và một số nước khác. Một thế hệ trí thức mới ra đời với trình độ mới do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại mang lại, có khả năng phục vụ cho việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến của nước nhà. Chúng ta cũng đã chuẩn hoá lại học vị, bỏ học vị Phó tiến sĩ, quy định học vị cử nhân, thạc sĩ, Tiến sĩ cho phù hợp với quy định của thế giới. Người có học vị Tiến sĩ có nhiều công lao trong nghiên cứu khoa học và đào tạo được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư và Giáo sư. Ở nước ta Giáo sư là đỉnh cao nhất của trí tuệ học thức và cống hiến. Năm 2007 ta đã có khoảng 6.050 Giáo sư và Phó giáo sư, hàng vạn Tiến sĩ, thạc sĩ và cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng, cán bộ ở các Viện nghiên cứu, ở các bệnh viện, trong các cơ quan dân sự và quân sự. Còn có một triệu giáo viên trong hệ thống tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Trí thức Việt Nam hiện đại còn bao gồm cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và những nguời làm việc trong các ngành văn hoá nghệ thuật.

 Tầng lớp trí thức Việt Nam hiện đại xuất thân từ nhiều giai tầng khác nhau: Từ gia đình trí thức, thị dân thành thị, con em công nhân viên chức nhà nước, thương nhân, nhưng phần lớn trí thức Việt Nam xuất thân từ gia đình nông dân và công nhân. Cho nên có thể nói trí thức Việt Nam hiện đại là con đẻ, là sự tổ hợp đủ mọi giai tầng xã hội. Nguồn gốc xuất thân này bảo đảm tính cách của trí thức Việt Nam, gần gũi với nhân dân lao động, giàu tình yêu quê hương đất nước,  đồng cảm,  chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Khi họ đã đạt đến đỉnh cao trí tuệ thì cũng là lúc họ thấu hiểu sâu sắc cái đức: Trung với nước và hiếu với dân. Do hoàn cảnh đất nước còn nghèo nên đồng lương của trí thức Việt Nam nhìn chung chỉ bảo đảm cuộc sống bình thường nhưng họ không bao giờ chểnh mảng với công việc, phần vì ham mê sáng tạo, phần vì tận tuỵ vì dân vì nước. Trí thức Việt Nam đóng một vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, trong sự nghiệp phát triển văn hoá khoa học kỹ thuật, trong sự nghiệp giáo dục, trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Vì trí thức Việt Nam là người có trí thức, truyền bá kiến thức, đào tạo các thế hệ trí thức mới cho nước nhà,  nghiên cứu khoa học để giải quyết những vấn đề mà công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước đặt ra. Một bộ phận lớn trí thức đã trực tiếp tham gia lao động. Trí thức Việt Nam ngày càng đông đảo trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiêu chí của một đất nước phát triển văn minh sẽ là trí thức chiếm phần lớn phần trăm trong tỉ lệ dân cư.

8. 4. Tầng lớp thị dân.                                                                                 

Có thể coi những người sống và làm việc ở các đô thị và các thành phố là thị dân bao gồm một bộ phận hầu hết các giai tầng của xã hội Việt Nam hiện đại. Nhưng thị dân trong lịch sử chỉ đề cập đến những người không có tư liệu sản xuất, không phải trí thức, cũng không phải là công chức. Đó là những người làm nghề thủ công,  những người buôn bán nhỏ, những người bán hàng rong trên các hè phố. Từ năm 1986 đến 2007 do chính sách đổi mới với nhiều thành phần kinh tế, đô thị mọc lên nhiều và ngày càng phồn vinh là cơ sở kinh tế địa bàn để thị dân phát triển mạnh. Trong quy luật của cơ chế thị trường, thị dân cũng bị phân hoá giàu nghèo. Thị dân Việt Nam hiện đại cũng đóng vai trò trong nền kinh tế, gạch nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Tương lai của họ cũng như các tầng lớp khác trong xã hội phụ thuộc vào tương lai của dân tộc, phụ thuộc vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 Tầng lớp doanh nhân: Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế bao gồm doanh nhiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Tương ứng với các nền kinh tế đó xuất hiện tầng lớp doanh nhân. Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thì quyền sở hữu nhà máy, xí nghiệp công ty thuộc nhà nước, những người lãnh đạo các cơ sở kinh tế này chỉ có quyền sử dụng tài sản và vốn đầu tư của nhà nước để kinh doanh. Kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế quốc dân.  Cho đến năm 2000 có khoảng 5.280 doanh nghiệp nhà nước với số vốn 116.000 tỉ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp sử dụng 22 tỉ đồng, chiếm khoảng 45,5 tổng tài sản cố định của nền kinh tế. Trong doanh nghiệp nhà nước vừa có doanh nghiệp trung ương vừa có doanh nghiệp địa phương. Đứng về mặt sở hữu, những doanh nhân của doanh nghiệp nhà nước không thể gọi là tư sản. Tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là của nhà nước, không phải của một cá nhân nào. Các Tổng Giám đốc, Giám đốc chỉ thay mặt nhà nước quản lý, vận hành kinh doanh và chịu hoạch toán với nhà nước.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-30-a21372.html