Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn: Nhà Khoa học với tư duy hệ thống

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn: Nhà Khoa học với tư duy hệ thống” của tác giả PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong cuốn sách quý nói trên.

Tôi không sống và làm việc cùng thời với GS. Đào Thế Tuấn nên không có nhiều kỷ niệm về ông. Nhưng qua tài liệu, các công trình nghiên cứu của ông thì tôi “Biết” ông từ rất lâu trước khi gặp ông ngoài đời.

Do không làm việc cùng ông nên tôi không thể và càng không nên viết về các đóng góp của ông về khoa học và công nghệ, cho dù tôi được cho là một trong những người kế tục sự nghiệp quản lý Viện Khoa học Nông nghiệp, nơi ông gắn bó cả cuộc đời của mình. Nhưng chỉ với mấy năm làm việc tại viện, trực tiếp trao đổi với ông, tôi nhận thấy ông là một con người của tư duy hệ thống, luôn mong muốn  đổi mới. Chẳng thế mà, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng nói với tôi đại ý: Cố gắng mà nghe những gì ông Tuấn nói, sẽ chắt lọc được nhiều ý tưởng mới và hay. Trải nghiệm của tôi sau này chứng minh điều đó là đúng. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, tôi chỉ xin tâm sự về một kỷ niệm mà với cá nhân tôi rất có ý nghĩa.

Tháng 10 năm 2005 tôi nhận quyết định về làm Phó giám đốc thường trực Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), giúp việc cho giám đốc là Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kiêm nhiệm. Viện mới hình thành, mọi thứ đều phải làm từ đầu, muôn vàn khó khăn.

Như đoán biết trước các thách thức mà tôi sẽ gặp phải, GS. Tuấn chủ động gặp tôi trao đổi riêng về mô hình viện VAAS, những khó khăn và thuận lợi của mô hình “mới” mà cũng “không mới” này, bởi ông đã là người trong cuộc của quá trình triển khai 2 quyết định tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học nông nghiệp không thành công trước đây là Nghị định số 275-CP, ngày 08/10/1977, về tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, trong đó có tổ chức lại hệ thống các viện nghiên cứu và Quyết định số 782/TTg, ngày 24/10/1996 về việc sắp xếp các cơ quan nghiên cứu-triển khai khoa học và công nghệ.

Điểm lại lịch sử của giai đoạn cải tổ mô hình tổ chức Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam với nhiều thất bại hơn là thành công, GS Tuấn kể: Tôi làm viện phó Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1970 nên hiểu rất rõ về giai đoạn này. Khi đó, tổ chức của Viện khá đơn giản, gồm 4 ban: Trồng trọt, Chăn nuôi-Thú y, Kinh tế nông nghiệp và Cơ khí nông nghiệp, không kể 2 phòng quản lý giúp việc. Khi đó, GS. Bùi Huy Đáp được cử làm Viện trưởng (1963 - 1977). Giúp việc cho GS. Đáp, ngoài tôi, còn có các Phó Viện trưởng khác như: Tiến sỹ nông học Lương Định Của (1963 - 1968) và KS. Phạm Văn Thích (1963 - 1976).

bbb-1662959884.png
GS.TS Nguyễn Văn Bộ nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Hoạt động được 14 năm khá ổn định, đến 1977, Chính phủ ban hành Nghị định số 275-CP, ngày 08/10/1977, về tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, trong đó đổi tên Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam thành Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam. Mô hình tổ chức của viện bao gồm: Các bộ môn nghiên cứu cơ bản (do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp quyết định thành lập) và các viện chuyên đề và chuyên ngành, đó là: i) Viện nông hóa, thổ nhưỡng, ii) Viện cây lương thực và cây thực phẩm, iii) Viện cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc, iv) Viện bảo vệ thực vật, v) Viện chăn nuôi, vi) Viện thú y. Ngoài ra, Viện còn được thành lập một số cơ sở nghiên cứu thực nghiệm thuộc diện quản lý của Bộ.

Tuy nhiên, có thể nói mô hình của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (VASI) theo Nghị định số 275-CP chỉ nằm trên giấy. Khi đó các nhóm chuyên môn không đồng ý với mô hình “Viện mẹ-Viện con” nên không hợp tác để vận hành. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp (tên Bộ khi đó) buông xuôi, lãnh đạo VASI không kết nối được các đơn vị thành viên. Hoạt động hình thức của mô hình “Viện mẹ-Viện con” được một vài năm thì các Viện được nêu tên trong Nghị định số 275-CP của Chính phủ lần lượt quay về trực thuộc Bộ Nông nghiệp theo như tinh thần Nghị định số 24/CP, ngày 09/02/1968 của Chủ tịch Hội đồng Chính phủ quy định tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp. Trong quyết định này, có các viện nghiên cứu sau: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Viện Cây công nghiệp, Cây ăn quả và Cây làm thuốc; Viện Thổ nhưỡng Nông hóa; Viện Chăn nuôi; Viện Bảo vệ thực vật; Viện Thú y; Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp. Khi đó VASI trở về mô hình Viện nghiên cứu với các bộ môn cho đến năm 2005.

Phân tích về thời kỳ sóng gió này, GS. Đào Thế Tuấn (Viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam trong các năm từ 1983 - 1994) chia sẻ: Nguyên nhân thất bại lớn nhất về mô hình tổ chức Viện mẹ-Viện con là “xu hướng ly khai, muốn độc lập” của mỗi viện, trong khi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp lại không có văn bản pháp lý quy định rõ ràng về trách nhiệm và nhất là quyền hạn của “Viện mẹ”. GS. Tuấn lo ngại rằng, mô hình của VAAS nếu không cẩn thận sẽ lại đi vào vết xe đổ của mô hình tổ chức hệ thống nghiên cứu theo Nghị định số 275-CP. Ông lưu ý tôi, quan trọng nhất là làm sao để VAAS thực sự là cơ quan chiến lược, tổ chức được công tác nghiên cứu mang tính hệ thống về chuyên môn và xuyên suốt về địa lý trên toàn quốc, huy động được nguồn lực tổng hợp từ các đơn vị, hỗ trợ và bù đắp cho nhau. Sau này khi triển khai hoạt động của VAAS, chúng tôi đều kiên quyết với nguyên tắc, mỗi đơn vị thành viên dù hoạt động ở đâu, với nhiệm vụ gì đều phải được coi chính là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đang triển khai nhiệm vụ đó, tại địa bàn đó.

qq-1662959400.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

 Không hài lòng với sự phân tán của các viện nghiên cứu, Chính phủ lại ban hành Quyết định 782/TTg, ngày 24/10/1996 về việc sắp xếp các cơ quan nghiên cứu-triển khai khoa học và công nghệ, trong đó thành lập Trung tâm Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hoá, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Cây lương thực và Viện Kinh tế nông nghiệp. Thực chất quyết định 782/TTg là giải tán các viện nêu trên để tổ chức thành một tổ chức mới với các bộ môn nghiên cứu như nó vốn có từ năm 1963 (theo Quyết định số 137-CP ngày 21/9/1963). Tuy nhiên, Quyết định 782/TTg cũng lại không được triển khai trên thực tế bởi các viện nghiên cứu “bị giải tán” không đồng ý với mô hình mới này. Lý do chủ yếu là: Quyết định 782/TTg là văn bản pháp lý cụ thể hóa Quyết định số 324-CT ngày 11 tháng 9 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, song bản thân Quyết định 782/TTg lại chưa tuân thủ nguyên tắc do Quyết định số 324-CT đề ra. Đó là, tại Điều 2 của Quyết định số 324-CT có nêu: Tổ chức lại mạng lưới các cơ quan khoa học và công nghệ theo các hướng khoa học và công nghệ trọng điểm, ưu tiên cho đến năm 2000, trong đó “Về khoa học nông nghiệp (kể cả lâm nghiệp, ngư nghiệp) có: cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, công nghệ chế biến nông lâm sản, phát triển nền nông nghiệp sinh thái”. Tuy nhiên, Trung tâm Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam lại chỉ bao gồm chuyên môn của rất ít chuyên ngành, ngoài ra lại có 8 đơn vị nghiên cứu khác cùng cấp trực thuộc Bộ, làm cho tính hệ thống không đảm bảo. Như vậy, trên thực tế, các viện nghiên cứu vẫn hoạt động theo mô hình cũ, coi như chưa hề có Quyết định 782/TTg.

Rút kinh nghiệm từ hai quyết định tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học nông nghiệp chưa thành công trước đây, Chính phủ ban hành quyết định tổ chức lại hệ thống theo hai giai đoạn, để vừa làm vừa tổng kết, hoàn thiện, đó là các quyết định số 220/2005/QĐ-TTg, ngày 09/9/2005 về việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và quyết định số 930/QĐ-TTg, ngày 09/9/2005 phê duyệt Đề án sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quá trình triển khai hai quyết định này kéo dài từ 2005 cho đến tận ngày nay, để VAAS từ một tổ chức với 10 đơn vị thành viên ban đầu, nay đã có 19 thành viên, trải dài khắp các vùng miền của Tổ quốc. Có thể nói, sự thận trọng này về cơ bản đã tránh được các tồn tại như khi triển khai Nghị định số 275-CP, ngày 08/10/1977 và Quyết định số 782/TTg, ngày 24/10/1996.

Để đảm bảo cho mô hình VAAS hoạt động hiệu quả, ngoài quyết định hành chính của Thủ tướng, sự ủng hộ và đồng hành của nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát là rất quan trọng. Ông đã ban hành Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, kiến nghị Bộ Nội vụ xếp hạng đặc biệt đối với Viện. Nhiều quyết định  phân cấp về tổ chức và cán bộ, về quản lý khoa học, HTQT, tài chính được Bộ trưởng Cao Đức Phát đáp ứng. Tuy nhiên, rất tiếc là quá trình phân cấp này có vẻ như càng ngày càng thụt lùi.

Có thể nói, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay sau 16 năm là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng của Bộ cũng như sự đồng lòng chung sức của các thế hệ lãnh đạo, các nhà khoa học trong hệ thống VAAS. Tuy nhiên, bài học từ triển khai Nghị định số 275-CP, ngày 08/10/1977 và Quyết định số 782/TTg, ngày 24/10/1996 về việc sắp xếp các cơ quan nghiên cứu-triển khai khoa học và công nghệ chưa bao giờ cũ. Các kinh nghiệm về tổ chức hệ thống nghiên cứu mà GS. Đào Thế Tuấn chia sẻ vẫn còn nguyên giá trị. Mô hình VAAS đã và đang bộc lộ các tồn tại cả về tổ chức, cơ chế vận hành, nếu không nhanh chóng rút ra các nguyên nhân để điều chỉnh thì VAAS không thể trở thành tổ chức nghiên cứu vững mạnh như mong muốn của Chỉnh phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sự cố gắng của bản thân VAAS và các đơn vị thành viên là không đủ mà cần sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý để không biến VAAS thành tổ chức “Bưu điện” chỉ có chức năng chuyển tiếp các quyết định của cấp trên và trình các kiến nghị của cấp dưới. Mong muốn duy nhất của chúng tôi và của cố GS. Đào Thế Tuấn là có một viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia hàng đầu thật sự hoàn thiện về mô hình tổ chức, vững mạnh về khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đóng góp hiệu quả vào xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh.

   

 

 

 

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/giao-su-vien-si-dao-the-tuan-nha-khoa-hoc-voi-tu-duy-he-thong-a2336.html