Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - một con người tuyệt đẹp

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - một con người tuyệt đẹp” của tác giả TS. Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển NNNT trong cuốn sách quý nói trên

Bác Đào Thế Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại trí thức nổi tiếng cả về trí tuệ và tinh thần yêu nước. Mẹ của Bác là cụ bà Trần Như Mân một nhà giáo và hoạt động xã hội. Cha là cụ Đào Duy Anh, nhà sử học, địa lý, nhà từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam; người đã được từ điển Larousse gọi là “nhà bách khoa toàn thư” của Việt Nam thời hiện đại. Các em của cụ Đào Duy Anh là thủ lĩnh thanh niên cách mạng Đào Duy Kỳ, nhà bảo tàng học, nhà sử học, nhà báo; Đào Hùng, nhà cách mạng, nhà báo; Đào Duy Dếnh, đều là những nhà trí thức, nhà cách mạng nổi tiếng.

vvb-1663728636.png
TS. Đặng Kim Sơn Ảnh: Việt Tuấn.

Cụ Đào Duy Anh là nhà yêu nước gắn bó với lớp cách mạng dân tộc tiền bối như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cụ đã làm Tổng Bí thư của tổ chức yêu nước Tân Việt Cách mạng Đảng, và lập ra cơ quan xuất bản Quan Hải Tùng Thư để phổ biến chủ nghĩa Mác vào Việt Nam từ cuối thập niên 1920. Trong gia đình họ Đào, các chú, thím, cô, các em của bác hầu hết đều tham gia cách mạng và có nhiều nhà trí thức suất sắc. Bạn bè, đồng chí của gia đình cũng là các nhà cách mạng và văn hoá nổi tiếng. 

Bác lớn lên trong một môi trường yêu nước và học vấn lý tưởng. Trước hết là học từ sách vở. Tủ sách gia đình rất phong phú, không những có sách nghiên cứu, mà cả sách văn học bằng tiếng Việt và Pháp. Cụ Đào Duy Anh đã đi thăm các nhà thế gia ở miền Trung để mượn và sao chép nhiều tài liệu lịch sử quý giá, mà ngay các thư viện cũng không có. Cụ mời một nhà nho giúp sao chép các sách mượn về và dạy cậu Tuấn học chữ Hán. Gia đình mở hiệu sách Vân Hoà (lớn nhất ở Huế khi đó), và sau đó xây dựng thành một thư viện lớn, nên cậu Tuấn từ nhỏ đã say mê đọc và học hỏi từ sách vở.

Một nguồn học vấn đến từ những người bạn đặc biệt của gia đình. Từ bé, bác Tuấn đã thấy cụ Đào Duy Anh nghiên cứu khoa học và mạn đàm chính sự với cụ Phan Bội Châu; nghe ông Bùi Ái kể chuyện phiêu lưu ở Nga, ở Pháp; được học vẽ từ họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung; được đi theo nghe nhà địa lý tốt nghiệp ở Pháp Nguyễn Thiệu Lâu bàn về lịch sử và địa lý. Khi đi học phổ thông cậu học bằng tiếng Pháp, lên lớp 6 thì bắt đầu học thêm tiếng Anh và tiếng Latin. Tiếng Việt mẹ dạy ở nhà. Cha cho học thêm chữ Hán. Vốn ngoại ngữ phong phú sau này được bổ sung thêm tiếng Nga, giúp bác Đào Thế Tuấn mở rộng khả năng trao đổi và tiếp thu kiến thức uyên bác.

Cả bố và mẹ đều là thầy dạy cho bác Tuấn, dạy rất thiết thực. Cụ bà Trần Như Mân dòng dõi nhà quan đã truyền cho con tư tưởng yêu nước tiến bộ và lòng yêu nghề canh nông. Bà đã dạy cho con kỹ thuật  nuôi tằm để vừa học vừa chơi. Sau này khi thấy bác Tuấn theo học nông nghiệp, bà rất mừng. Những câu chuyện mẹ kể về nổi khổ cực của nông dân và những chuyến đi cùng bố, mẹ về miền quê, đã định hình mối quan tâm đến nông thôn trong tâm hồn non trẻ của cậu bé Tuấn.

tt-1663728292.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Cha hướng dẫn cậu vào các hoạt động xã hội. Từ năm 6 tuổi Đào Thế Tuấn đã gia nhập Hướng đạo sinh, rồi Thiếu sinh Lê Lai đi theo các huynh trưởng hướng đạo như các ông Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu...; nhờ đó dù nhỏ đã biết nấu ăn, may vá, làm công việc thủ công, hoạt động xã hội, làm từ thiện và hình thành lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước sâu sắc. Qua bố và bạn bè của bố, bác Đào Thế Tuấn tiếp xúc với kiến thức chính trị sớm, đọc nhiều tài liệu Việt Minh, về chủ nghĩa Mác Lenin bằng tiếng Việt, tiếng Pháp trong tủ sách của cha và bắt đầu tham gia công tác từ bé.

Bác bước vào con đường cách mạng tự nhiên như con đường đến với học vấn. Cách mạng Tháng Tám thành công, bác tham gia Đội liên lạc chuyển công văn, thư từ của Giải phóng quân. Rồi tham gia Đội trinh sát điều tra tin tức của Pháp. Năm 15 tuổi, là đội viên ít tuổi nhất trong Đội Tuyên truyền Xung phong Trung Bộ. Chàng thanh niên tốt nghiệp trung học phải đi bộ từ Thanh Hoá vào Hà Tĩnh để xin học trường Huỳnh Thúc Kháng, rồi quay ra Diễn Châu xin vào trường Nguyễn Xuân Ôn của ông Cao Xuân Huy. Khi vào học trường cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền, bác vẫn là học sinh đã tham gia Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác; và tháng 5 năm 1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi tham gia chi uỷ của chi bộ trường, phụ trách tuyên huấn.

Tháng 5 năm 1950, bác Đào Thế Tuấn gia nhập quân đội, công tác ở Bộ Tổng tham mưu, lúc đầu thuộc Cục Tình báo, sau chuyển về ban bí thư của Phó Tổng Tham mưu trưởng; chiến đấu ở bộ phận tham mưu tiền phương trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Trung Du và Hoàng Hoa Thám ở Đông Bắc. Năm 1951, bác Đào Thế Tuấn được cử đi học lớp Trung - Sơ cấp Quân sự ở trường Lục quân Việt Nam. Năm 1952, được điều về Tổng cục Hậu cần tham gia chiến dịch Tây Bắc, đánh đồn Nghĩa Lộ và giải phóng Sơn La. Năm 1953, giữa lúc cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt, con đường học vấn của bác Đào Thế Tuấn sang bước ngoặt mới khi cùng 50 thanh niên được cử đi du học Liên Xô, chuẩn bị xây dựng tổ quốc tương lai.

Có điều kiện học hành, năng lực của ông lập tức tỏa sáng. Chỉ sau một tháng bập bõm tiếng Nga, 10 sinh viên về trường đại học nông nghiệp Tashkent vừa học tiếng, vừa học các môn chương trình năm thứ nhất và ngay học kỳ hai đã học cùng sinh viên Liên Xô trong khoa Nông học. Năm 1955, là sinh viên năm thứ ba, bác đã tham gia công trình nghiên cứu đầu tiên về cây trồng Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của nhà sinh lý học nổi tiếng, Giáo sư Eryghin. Sau 5 năm, trước sự ngạc nhiên của mọi người, với kết quả trình bày luận văn tốt nghiệp xuất sắc năm 1958, Đào Thế Tuấn nhận bằng Kỹ sư nông học, cùng lúc trình bày thành công luận án  Phó Tiến sĩ trước thời hạn 3 năm. Quyển sách đầu tay của ông cũng được Viện Hàn lâm Nông nghiệp xuất bản bằng tiếng Nga.

Cuối năm 1958, ông là Phó Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô đào tạo (nay là Tiến sĩ), về nước công tác ở Học viện Nông lâm, dạy Môn Sinh lý Thực vật sau đó trở thành trưởng Bộ môn Sinh lý Thực vật kiêm Trưởng phòng Khoa học của Học viện. Năm 1963, Học viện Nông lâm tách ra thành Viện Khoa học Nông nghiệp và Trường Đại học Nông nghiệp, TS. Đào Thế Tuấn về Viện, làm Trưởng ban Trồng trọt kiêm Trưởng phòng Sinh lý Cây trồng. Học trong chiến tranh chống Pháp, nghiên cứu lại trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam; ông cùng Viện KHNN sơ tán về nông thôn, cùng sống và nghiên cứu với nông dân trong các hợp tác xã. Năm 1967, ông vào Nghệ An cùng đoàn cán bộ giúp tỉnh chỉ đạo sản xuất.

Năm 1972, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Ban Thống nhất Trung ương yêu cầu ông nghiên cứu về nông nghiệp miền Nam. Năm 1975, ông theo sát bước quân giải phóng đi Tây Nguyên, rồi xuống duyên hải miền Trung, tiếp đó vào thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để chuẩn bị cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp sau chiến tranh. Từ 1976, TS. Đào Thế Tuấn là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp; năm 1978, viện đổi tên thành Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Ông tiếp tục tham gia vào nhiều chương trình đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước. Năm 1977, ông được UBKHKTNN cử làm Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Sinh vật học và Cách mạng xanh, và tập trung nghiên cứu cơ cấu cây trồng.

Từ đầu năm 1980, giáo sư nghiên cứu hệ thống canh tác rồi hệ thống nông nghiệp và tham gia vào Tổ Xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo. Từ năm 1983, giáo sư Đào Thế Tuấn là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, kiêm trưởng Bộ môn Sinh thái Canh tác Nông nghiệp, sau này là Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng Đào Thế Tuấn, viện đã từng bước hiện đại hoá, đổi mới thiết bị, phát triển mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao đáng kể trình độ nghiên cứu.

Trong quá trình công tác, giáo sư đã có nhiều dịp đi thăm và làm việc tại Liên Xô, Hungaria, Bulgaria, Đức, Ấn Độ, Pháp, Philippine, Thái Lan, Indonexia, Bangladesh.... Đây là những dịp tốt để ông học hỏi và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp khoa học nước ngoài, trở thành nhà khoa học Việt Nam có uy tín và đóng góp nhiều cho các chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế. Đặc biệt, ông gắn bó với các nhà nghiên cứu của Pháp trong Chương trình Nghiên cứu Lưu vực sông Hồng.

Tiến sĩ Đào Thế Tuấn được nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1980, và năm 1985 được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô, sau này là Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên bang Nga. Từ năm 1990, giáo sư là Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Phát triển Nông thôn KX-08. Từ 1995 đến 2003, ông tiếp tục là Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp; và năm 2004 sau khi nghỉ hưu, giao lại bộ môn cho con trai là Tiến sĩ Đào Thế Anh. Năm 2006, ông thành lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội, giáo sư Đào Thế Tuấn vẫn miệt mài làm việc, tự mình biên soạn và xuất bản bản tin nhỏ “Phát triển nông thôn”, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự nghiệp khoa học.

Dưới sự chỉ đạo của giáo sư Đào Thế Tuấn, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu để áp dụng từ thập kỷ 1950 đến 2000 như: Các vấn đề ứng dụng nghiên cứu sinh lý để thâm canh cây trồng, nhiều giống lúa, ngô, đậu tương mới; lý luận và phương pháp nghiên cứu hệ thống canh tác, nghiên cứu hộ nông dân, các mô hình nghiên cứu phát triển nông thôn; cùng với kết quả nghiên cứu là 7 cuốn sách kỹ thuật và giáo khoa về phân bón, sinh lý cây trồng, cơ cấu cây trồng, hệ sinh thái nông nghiệp và kinh tế hộ nông dân.

Nhà trí thức tài hoa Đào Thế Tuấn yêu nước từ thủa ấu thơ, có giặc thì cầm súng bảo vệ tổ quốc, hoà bình thì trồng lúa giúp dân, người lãnh đạo mà tài sản quí nhất trong nhà là sách vở. Ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của ông, giáo sư đã được trao tặng Huân chương Chiến thắng Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Hai, Huân chương Công trạng Nông nghiệp của Pháp; năm 2000, được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2005, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Chính phủ Pháp thưởng cho ông 3 Huân chương Công trạng Nông nghiệp (Hạng Nhất, Hạng Nhì và Hạng Ba) của Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục, và Giải thưởng Rene Dumont Vì sự Phát triển của Nông dân.

Đối với ông, vinh dự to lớn nhất là sự yêu mến của đông đảo nông dân Việt Nam. Trong tình cảm quý trọng của các lớp cán bộ, học sinh, đồng nghiệp, còn mãi giọng nói miền Trung sang sảng của giáo sư khẳng khái tranh cãi học thuật; còn đó nụ cười hóm hỉnh, dí dỏm của giáo sư khi bàn luận về lẽ đời; nhớ mãi dáng vẻ ngơ ngác, cặm cụi tìm tòi của con người mà trí tuệ và lòng bao dung đã vượt mọi trăn trở, bon chen đời thường.

 

 

 

 

TS. Đặng Kim Sơn

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/giao-su-vien-si-dao-the-tuan-mot-con-nguoi-tuyet-dep-a2459.html