Phú Xuyên: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh làng nghề với phát triển du lịch

Có tiềm năng về du lịch gắn liền với các cảnh quan, sinh thái, di tích văn hoá đình chùa, làng nghề truyền thống, ẩm thực và sản phẩm OCOP,… chính quyền “vùng đất trăm nghề” Phú Xuyên (TP. Hà Nội) đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Phú Xuyên có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo nổi tiếng như làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ đã có gần 1.000 năm, làng nghề cỏ tế xã Phú Túc có lịch sử trên 300 năm, làng nghề may Comple xã Vân Từ, làng nghề giày da xã Phú Yên cũng đã có trên 100 năm… Và làng nghề nặn tò he ở thôn Xuân La xã Phượng Dực nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam đã có trên 300 năm. Điểm đáng chú ý là bên cạnh những nghề truyền thống hàng trăm năm lịch sử, huyện Phú Xuyên còn phát triển nhiều nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chỗ đứng tại thị trường trong nước. Một số sản phẩm như Sơn màu, Mây giang đan… được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

phu-xuyen-5-1670669664.jpg
Phú Xuyên: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh làng nghề với phát triển du lịch

Phát triển làng nghề, du lịch làng nghề của huyện Phú Xuyên luôn được thành phố, huyện quan tâm chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề  nổi tiếng như: May mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, bánh kẹo Cổ Đường, cơ khí…hoạt động mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho các lao động trên địa bàn và khu vực khác với mức lương từ 300.000 đến 500.000 nghìn đồng/ngày. Các làng nghề hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ, 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những “phố nghề” sầm uất, khang trang mang nét đặc trưng riêng của một huyện phía Nam thành phố.

Phú Xuyên từ lâu được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những di tích lịch sử và cái nôi của các làng nghề nổi tiếng Hà Nội. Có thẻ kể đến làng nghề khảm trai – sơn mài Chuyên Mỹ; làng nghề đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; làng nghề cơ kim khí Đại Thắng; sản xuất mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; làm tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực; giày da Phú Yên; may mặc Vân Từ và một số làng nghề chế biến nông sản thực phẩm khác,...

Mỗi năm, với chất lượng và uy tín của mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề Phú Xuyên có mặt khắp thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương mà còn giúp giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp làng nghề truyền thống ông cha để lại.

anh1-1670670530.jpg
Ngày 18/6, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022”.

Vốn được mệnh danh là đất trăm nghề, người dân Phú Xuyên cần cù, sáng tạo và có tinh thần ham học hỏi, ông Lã Văn Chiu – Tổng giám đốc, chủ tịch HDDQT công ty cổ phần dệt và may Hồng Hải cho biết: Là một doanh nghiệp hoạt động trong đa lĩnh vực Sản xuất, kinh doanh màn tuyn, màn hoa và chăn, ga, gối, đệm … Với các quy trình làm việc chuyên nghiệp, con người Hồng Hải luôn được đào tạo, trau dồi, tu dưỡng và ý thức được sứ mệnh phục vụ khách hàng của mình. Sau đại dịch covid 19, đây là dịp để công ty càng chứng minh được sản phẩm may mặc của mình trên thị trường. Công ty chúng tôi có hệ thống nhà xưởng và trang thiết bị máy móc phục vụ để may các sản phẩm chất lượng phục vụ trên khắp thị trường Việt Nam. 

Còn ông Đào Ngọc Hùng – Giám đốc Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến cho biết: Tham gia chương trình OCOP nhiều sản phẩm của may mặc Hùng Luyến mở rộng, tiếp cận được thị trường khắp tỉnh thành. Một số sản phẩm như vest; comple được nhiều khách hàng nam ưa chuộng với mẫu mã da dạng, sang trọng. 

Mỗi năm, với chất lượng và uy tín của mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề Phú Xuyên có mặt khắp thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương mà còn giúp giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp làng nghề truyền thống ông cha để lại.

tr2-1670670704.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của Phú Xuyên được người tiêu dùng tín nhiệm

Nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hoá nghề và làng nghề truyền thống chính quyền huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều chương trình phát triển du lịch làng nghề. Từ năm 2011, chính quyền địa phương chọn ngày 26/10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề và tổ chức Lễ hội “Vinh danh làng nghề truyền thống”. Trong ngày hội, các sản phẩm làng nghề sẽ được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến khách hàng. Những tiết mục biểu diễn tay nghề của nghệ nhân, trò chơi dân gian,… cũng làm tăng thêm sức thu hút cho du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên.

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên: Với những tiềm năng sẵn có cùng sự đầu tư khai thác hiệu quả từ chính quyền địa phương, ngành du lịch huyện Phú Xuyên đang dần phát triển mạnh mẽ, hình thành nên nhiều điểm đến thú vị, góp phần gìn giữ truyền thống làng nghề. Tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và trở thành địa bàn kinh tế - du lịch quan trọng của TP. Hà Nội. 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Hà Nội đang hỗ trợ các làng nghề truyền thống; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; giai đoạn 2022-2025, dự kiến hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Về đào tạo nguồn nhân lực làng nghề, thành phố sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề, đặc biệt là đối với nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một; giai đoạn 2022- 2025, dự kiến tổ chức 50 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề. 

festival-2-1-1670671075.jpg
 “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022”  diễn ra tại huyện Phú Xuyên là cơ hội quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương này

Trước đó, ngày 18/6, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022”. Sự kiện với quy mô 220 gian hàng, trong đó 160 gian hàng làng nghề truyền thống và ẩm thực của huyện Phú Xuyên; 40 gian hàng doanh nghiệp và làng nghề của nhiều quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội; 20 gian hàng của các tỉnh, thành như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị, Lâm Đồng.

Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Festival được Ban tổ chức lựa chọn kỹ từ các nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, vật tư nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương.

---

BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

Ngọc Anh

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/phu-xuyen-phat-huy-the-manh-hien-co-gan-san-pham-ocop-lang-nghe-voi-phat-trien-du-lich-a2806.html