Nông sản được đảm bảo cho nhân dân Thủ đô

Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường.

Nguồn cung cấp nông sản dồi dào

Ông Nguyễn Văn Hào (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, hiện nay xã viên viên hợp tác xã đang tập trung gieo trồng, chăm sóc rau vụ đông theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 33ha. Hợp tác xã đã ký hợp đồng với chuỗi siêu thị Winmart, Mega Mart, các cửa hàng rau quả, trung bình một ngày cung ứng 15-20 tấn rau sạch, vào dịp Tết Nguyên đán, con số này có thể lên tới 30 tấn.

Chăm sóc rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Đỗ Tâm

Tết không thể thiếu thịt lợn trên mâm cơm của mọi gia đình, thịt lợn được cho là loại thực phẩm chế biến được nhiều loại món ăn khác nhau, trong đó bánh trưng không thể thiếu thịt lợn để làm nhân bánh. Với quy mô chuồng nuôi 300 con lợn, mỗi tháng, hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm đưa ra thị trường khoảng 30 tấn thịt lợn, 4-7 tấn giò, chả, xúc xích. Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng sản phẩm có thể tăng 10-20%. Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường (huyện Quốc Oai) cho biết.

Sản lượng gia cầm đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân Thủ đô; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn… đáp ứng 70-90%; nhưng nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ nông sản sẽ tăng 20-30%. Ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch để triển khai các giải pháp sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh… sẽ tăng cao. Để ổn định nguồn cung cho thị trường, Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường...

Chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu người dân Thủ đô

Như thường lệ vào dịp cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng đột biến, giá cả cũng vì thế mà tăng theo từng ngày, do đó để đảm bảo đủ nguồn cung cấp thực phẩm gia súc, gia cầm đòi hỏi các địa phương và các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, bám sát thị trường để bảo đảm hàng hóa không bị thiếu, dẫn đến giá cả tăng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Thu hoạch trứng gà tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động nguồn cung nông sản dịp Tết, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương nắm tình hình sản xuất, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, bảo vệ đàn vật nuôi, không để xảy ra dịch bệnh. Mặt khác, Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thiết yếu bám sát thị trường, chuẩn bị lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo nguồn cung hàng hóa ổn định. Đặc biệt, để ngăn chặn các loại nông sản kém chất lượng, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong điều tiết, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường. Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ (huyện Thường Tín) cho biết, Công ty đã ký kết hợp đồng với các trang trại, hộ nông dân để chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm; đồng thời theo dõi thông tin cung - cầu để có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng bị động.

Bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để không xảy ra tình trạng "sốt giá" cục bộ, các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội cần theo dõi sát tình hình khí tượng, thủy văn để chỉ đạo sản xuất; đồng thời tăng cường định hướng sản xuất dòng sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng mặt hàng thịt lợn, các địa phương cần hướng dẫn trang trại, hộ nông dân tập trung tái đàn, bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá; đồng thời triển khai công tác phòng, chống dịch và phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học.

Theo dõi chặt chẽ sự biến động của kinh tế thế giới cũng như sự ứng phó của các quốc gia, đặc biệt là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ cập nhật tình hình cung - cầu cũng như giá cả các loại hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế, kịp thời có giải pháp phù hợp để không thiếu nông sản, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Ngọc Thủy (KTNT)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nong-san-duoc-dam-bao-cho-nhan-dan-thu-do-a2938.html