Để HTX trở thành thể chế quan trọng ở nông thôn và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi tới bạn đọc góc nhìn của TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và TS. Nguyễn Tiến Định, TP. Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.

1. Trên thế giới, nhất là ở các nước kinh tế thị trường phát triển, HTX đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cho đến nay cả thế giới đã có trên 3,0 triệu HTX với hơn 1,2 tỷ thành viên HTX. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ (ví dụ Hà Lan; Quebec - Canada) số lượng thành viên HTX lớn hơn cả dân số của quốc gia, vùng lãnh thổ đó, bởi mỗi người dân có thể tham gia nhiều HTX. Khu vực HTX không chỉ cung cấp các dịch vụ, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất mà còn đảm nhiệm nhiều các dịch vụ kinh tế - xã hội khác để hỗ trợ kinh tế hộ thành viên như: Tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại hóa trung bình từ 40% đến 60% tổng sản lượng nông sản quốc gia; cung cấp tín dụng, vốn cho sản xuất; thực hiện các quy trình sản xuất an toàn và quản trị chất lượng nông sản và nhiều dịch vụ khác như các dịch vụ khuyến nông, thông tin thị trường, kể cả tạo công ăn việc làm mới cho nông dân, đào tạo lao động nông nghiệp, bảo vệ môi trường…. Giúp cho sản xuất nông nghiêp phát triển, sản phẩm nông sản cạnh tranh, phúc lợi xã hội cho người dân nông thôn được cải thiện.

ffff-1671437504.png

Đặc biệt từ kinh nghiệm cả thế giới phải chống chọi với dịch bệnh Covid19 và tác động xấu của BĐKH vừa qua, báo cáo của Đại hội đồng Liên hiệp quốc và Liên minh HTX thế giới đã khẳng định: “HTX với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm là công cụ mạnh mẽ để phục hồi xã hội một cách toàn diện và bền vững trong và sau cuộc khủng hoảng, cũng như để thực hiện các mục tiêu phát triển (SGD) mà thế giới đang hướng tới”.

2. Ở nước ta, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò lớn trong việc phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động, nâng cao phúc lợi cho người dân và góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội ở nông thôn... Trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

3. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 29.017 hợp tác xã. Riêng các hợp tác xã nông nghiệp là khoảng 19.384 hợp tác xã, chiếm 67% tổng số HTX cả nước. Các HTX nông nghiệp thu hút được khoảng 3,4 triệu thành viên (trong đó thành viên là hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 84%, số thành viên còn lại là các thành phần khác như các cá nhân, tổ nhóm, doanh nghiệp). Như vậy, bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 176 thành viên và HTX mới chỉ thu hút được khoảng 31% tổng số hộ nông lâm thủy sản cả nước (9,10 triệu hộ). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp khoảng 550  nghìn người (tăng 143 nghìn so với năm 2013). Trong đó, lao động là thành viên HTX 259 nghìn người, chiếm tỷ lệ 47%. Bình quân vốn mỗi HTX là khoảng 1,6 tỷ đồng và doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã khoảng 2,44 tỷ đồng/hợp tác xã. Giai đoạn 2013-2021, số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới khoảng 10.770 HTX, giải thể khoảng 3.620 HTX. Do vậy số lượng chung của HTX nông nghiệp tăng nhanh 10 năm qua. Chất lượng hoạt động của các HTX cũng đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt (theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (năm 2016) và trên 60% năm 2020-2021. Đặc biệt nhiều mô hình mới xuất hiện trong đó phải kể đến 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trên 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ số, 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX, 145 HTX nông nghiệp hoạt động trực tiếp gia xuất nhập khẩu và khoảng 823 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước;

Mặc dù vậy, các HTX nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: i) Quy mô thành viên và quy mô doanh thu nhỏ; ii) Năng lực quản lý và quản trị điều hành của cán bộ HTX còn hạn chế; iii) Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đều thiếu vốn, tài sản, đất đai, đặc biệt là thiếu hạ tầng phục sản xuất kinh doanh nhất là các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản; iv) Lợi ích mang lại cho thành viên thấp, chưa thu hút được đông đảo hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản tham gia HTX; v) Tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị, tổ chức tiêu thụ sản phẩm nông sản cho HTX chưa cao (khoảng 24%)…

Bên cạnh đó mô hình hoạt động của các HTX nông nghiệp có nhiều đặc thù khác biệt với các loại hình HTX trong các lĩnh vực khác như: Thành viên đa số là các hộ nông dân, quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế; lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện BĐKH; HTX nông nghiệp phải đóng vai trò trung gian hỗ trợ hộ nông dân sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường hiệu quả, thu hút được đông đảo hộ nông dân tham gia HTX; đặc biệt ngoài sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản, các HTX nông nghiệp còn phải tham gia cung cấp các dịch vụ công ích (tưới tiêu, bảo vệ môi trường, đào tạo, huấn luyện, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân,…)

4. Bởi vậy, để phát triển HTX nông nghiệp trở thành thể chế quan trọng ở nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, theo yêu cầu, quan điểm của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022, đề nghị trong việc sửa đổi Luật HTX lần này cần làm rõ một số nội dung sau đây:

- Thứ nhất, Luật cần thiết phải tiếp tục có quy định cụ thể nhằm tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể (nhất là các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, bình đẳng) và phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.

- Thứ hai, Luật hợp tác xã ngoài việc giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên đây cho các HTX, còn phải giúp các HTX nông nghiệp thu hút nhiều đông đảo nông dân tham gia HTX, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập. Cần tránh việc hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra bên ngoài; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường.

- Thứ ba, Luật cần phải có các quy định giúp các HTX nói chung, đặc biệt là các HTX nông nghiệp thực hiện hài hòa lợi ích của thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Cần phải có các quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các HTX, đặc biệt là các HTX quy mô vừa và nhỏ chưa/không đủ năng lực; quan tâm hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo các thành viên, đặc biệt là lãnh đạo HTX. Tạo ra các dòng ngân sách riêng và quy định tỷ lệ chi tiêu ngân sách tối thiểu để hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp.

- Thứ tư, các chính sách hỗ đặc thù cho các HTX nông nghiệp cần tập trung vào một số mục tiêu cụ thể và giải quyết những khó khăn hiện nay của các HTX nông nghiệp như:

+ Giúp cho các HTX tăng được quy mô vốn liếng, tích lũy tài sản, huy động động vốn nhàn rỗi trong các thành viên để phục vụ sản xuất kinh doanh của acsc HTX. Muốn vậy trong Luật lần này cần phải có quy định cụ thể hơn việc việc vốn hóa các tài sản của nhà nước, cộng đồng ủy thác cho HTX khác thác (trạm bơm, cầu cống, mương máng…); các quy định về chứng nhận, xác nhận giá tài sản của HTX, thành viên HTX nhất là các tài sản trên đất (nhà màn, nhà kinh, hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại..); quy định về tín dụng nội bộ và việc huy động vốn trong hợp tác xã.

+ Quan tâm đặc biệt đến một số các chính sách thiết yếu và hiệu quả thực thi chính sách, tránh tình trạng chính sách quy định một cách dàn trải, thiếu nguồn lực thực hiện. Các chính sách quan trọng hỗ trợ trợ phát triển HTX nông gnhieepj cần được luật hóa bao gồm: Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho cán bộ HTX; trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia có quỹ đất dành cho HTX phát triển vùng chuyên canh lớn, xây dựng Cụm công nghiệp chế biến, Trung tâm hỗ trợ phát triển HTX; tăng cường quản lý thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho HTX được chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị; hỗ trợ để các HTX phát triển các cơ sở chế biến, bảo quản và thương mại nông sản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường; bảo hiểm nông nghiệp thực hiện qua các HTX; hỗ trợ các HTX nông nghiệp chuyển đổi số và chính sách miễn, giảm thiểu thuế thu nhập, thuế giá gia tăng đối với các dịch vụ của  HTX, nhất là các dịch vụ nâng cao phúc lợi ở nông thôn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, dịch vụ môi trường, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn; các chính sách giúp HTX nông nghiệp tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển thành viên, tăng cường liên kết chuỗi hiệu quả…

- Thứ năm, quy định về về tổ chức đối với HTX: Luật sửa đổi cần giúp cho các HTX nông nghiệp có thể thu hút đông đạo người dân quan tâm vào HTX bao gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết (không góp vốn, chỉ sử dụng dịch vụ của HTX hoặc ngược lại); gips các HTX có thể lựa chọn mô hình quản lý (Ban quản lý/Hội đồng quản trị/Ban giám đốc/Giám đốc/Ban kiểm soát/Kiểm soát viên) một cách đơn giản, hiệu quả nhất tùy theo quy mô thành viên, giai đoạn phát triển của các HTX nông nghiệp. Quy định các tiêu chí phân loại theo lĩnh vực hoạt động, trong đó, nội dung chi tiết các tiêu chí phân loại và mục đích, mục tiêu áp dụng theo từng tiêu chí cần được nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết trong Luật HTX sửa đổi.

- Thứ sáu, Luật HTX sửa đổi cần có quy định cụ thể về thành lập, phát triển doanh nghiệp trong HTX, liên hiệp HTX, làm rõ về loại hình doanh nghiệp, mối quan hệ quản lý, quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp, hoặc các tác nhân khác trong chuỗi giá trị nông sản.

Cuối cùng, với vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, quy mô đông đảo về mặt số lượng HTX nông nghiệp trong trong tổng số HTX cả nước và  để thực hiện được các yêu cầu nội dung trên đây, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chỉ trì tham mưu sửa đổi Luật hợp tác nghiên cứu hoặc xây dựng một Chương riêng quy định về nội dung tổ chức, hoạt động và các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; hoặc có quy định để Chính phủ ban hành riêng 01 Nghị định về phát triển HTX nông nghiệp. Tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Chương trình phát triển HTX giai đoạn 2023-2030, trong tâm là phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, theo yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022.

 

 

TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

TS. Nguyễn Tiến Định, TP. Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/de-hop-tac-xa-co-the-tro-thanh-the-che-quan-trong-o-nong-thon-a3275.html