Từ chứng tích tổ tiên để lại, suy ngẫm về cội nguồn dân tộc

Truyền thống thờ cúng Tổ tiên đã trở thành lẽ sống, đạo lý làm người Trung-Hiếu-Nhân-Nghĩa của dân tộc, người Việt luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tiền nhân để lại. Đời sống văn hóa tâm linh hướng về Tiên tổ là mối giao tiếp vĩnh hằng, không một thế lực nào có thể xuyên tạc, chia cắt; đó cũng là nguồn sức mạnh để dân tộc trường tồn trước những thế lực ngoại xâm âm mưu đồng hóa từ hàng nghìn năm trước.

v1-1672723030.png

Bảm đồ Bách Việt xưa

Không ít người tin rằng; người phương Tây đem văn minh tới Trung Hoa; đến lượt mình, người Trung Hoa lại mang văn minh đến An Nam mông muội. Trong bối cảnh này, một số nghiên cứu cho rằng, 70% ngôn ngữ tiếng Việt được lấy từ tiếng Hán hoặc văn hóa Việt Nam là sự vay mượn chưa đến nơi đến chốn của nền văn hóa Trung Hoa.

Cội nguồn dân tộc là vấn đề rộng lớn, không chỉ là việc làm của hiện tại mà liên quan đến tộc người của nhiều quốc gia và những sự kiện diễn ra theo dòng chảy thời gian. Để có niềm tin và tự hào về cội nguồn cần có hiểu biết để không vướng vào bi kịch “mồ cha không khóc đi khóc đống mối”.

Từ huyền thoại và trong những chứng tích ở các đình, chùa, đền, miếu và trong tục lệ dân gian; Tổ tiên đã để lại dấu vết ông Tổ Phục Hy giáo dân làm ra Dịch, bà Tổ Nữ Oa đội đá vá trời; Viêm đế làm vua xứ nóng; Thần Nông dậy dân trồng lúa, sáng tác nghệ thuật tạo nền văn hóa tiền sử rực rỡ. Hậu duệ Thần Nông với Đế Minh, Đế Nghi và Ba công Đại vương lập nên nước Xích Quỷ. Tiếp nối đời sau, Kinh Dương Vương khai sáng, mở ra triều đại Hùng vương với 100 đời vua kế tiếp trị vì trên vùng đất rộng lớn mang tên Bách Việt. Song từ hạn chế ghi trong chính sử, nguồn gốc Tổ tiên đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhiều chứng tích bị xâm hại; thậm chí còn bị triệt phá qua nhiều giai đoạn. Bài viết gợi ra những nội dung cốt lõi để cùng suy ngẫm.

Cội nguồn dân tộc từ góc nhìn thế lực xâm lăng và học giả trong nước

Truyền thuyết lịch sử Trung Hoa cho rằng: Hoàng Đế nguyên là một trong những thủ lĩnh của bộ lạc Viêm Đế; khi hùng mạnh, đánh thắng Đế Viêm trở thành thủ lĩnh của bộ lạc mới. Khi nảy sinh sung đột với bộ lạc Xi Vưu ở phía Đông Nam, Hoàng Đế đánh thắng đối thủ tại trận Trác Lộc (Năm 2.697 TCN), thiết lập địa vị bá chủ trong vùng. Hậu duệ Hoàng Đế là Chuyên Húc rồi Đế Khốc kế nghiệp nắm vai trò thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Đế Khốc qua đời, Đế Nghiêu nối nghiệp sáng lập định chế truyền hiền, truyền ngôi cho con là Đế Thuấn. Theo truyền thuyết này, Hoàng Đế là người thuộc thị tộc Hiên Viên, Viêm Đế thuộc thị tộc Thần Nông; còn Trác Lộc là một địa danh ở bờ Nam Hoàng Hà (thuộc tỉnh Hà Bắc) phía Bắc Thủ đô Bắc Kinh.

Hầu hết sách sử Trung Hoa đều cho rằng, sau trận chiến Trác Lộc, người Hán tràn xuống Nam Hoàng Hà đuổi người Việt chạy qua sông Dương Tử. Thủy kinh chú sở từng miệt thị “Nước Giao Chỉ có 8 giống Man, xăm mình, giao ngón chân, có giống không ăn ngũ cốc…” . Vào đầu thiên niên kỷ 2.000; trong “Thông sử Thế giới vạn năm” sử gia Trung Hoa công bố với nhân loại “ khoảng 2.000 năm trước công nguyên, bán đảo Đông Dương bước vào thời kỳ đồ đá mới, Người Lạc Việt là một nhánh của Bách Việt ở Nam Ttrung Hoa, họ tiến xuống châu thổ song Hồng, ổn định nghề nông”. Với thông điệp này, lịch sử Trung Hoa coi như không có triều đại Hùng Vương và nhìn nhận, Việt Nam chỉ là một tộc người trong Bách Việt thuộc Tầu.

 Nhìn nhận về cội nguồn Việt tộc, các nhà khoa học Viễn Đông Bác Cổ mang quan niệm Âu Trung, coi châu Âu là trung tâm của văn minh nhân loại và cho rằng, văn minh Thế giới xuất phát từ Lưỡng Hà qua Hy La sang châu Âu đến Trung Á để vào Trung Hoa, rồi truyền xuống Đông Nam Á. Dưới mắt họ, Việt Nam chỉ là một vùng nước đọng của lịch sử bắt đầu từ những cổ thư Trung Hoa.

Theo học giả L.Aurousseau: Người Việt trước ở Trung Hoa sau di cư đến Bắc Việt Nam;  ông cho rằng, nước Sở xuất hiện vào thế kỷ XI TCN trên lãnh thổ của tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam (Trung Quốc) ngày nay thuộc dòng Bách Việt. Thế kỷ thứ IX TCN, một nhánh người nước Sở di cư về phương Nam theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết Giang lập nên nước của Việt Vương Câu Tiễn (thế kỷ VI TCN). Năm 333 TCN, Sở đánh bại nước Việt; người Việt lại chạy về phương Nam hình thành các nhóm Việt Đông ở miền Ôn Châu, Mân Việt ở Phúc Kiến; Nam Việt ở Quảng Đông, Quảng Tây và Lạc Việt ở Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Theo thời gian, những tộc người này đều bị Hán hóa; duy nhất chỉ còn Lạc Việt tồn tại cho đến ngày nay. Aurousseau khẳng định, người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt vong vào năm 333 TCN (L. Aurousseau 1924)

Quan điểm của Viễn Đông Bác Cổ dương như xuyên suốt trong tư tưởng của các nhà sử học nổi tiếng trong nước. Chịu ảnh hưởng của những sử liệu phương Bắc và học giả phương Tây, cây đại thụ Trần Trong Kim trong “Việt Nam sử lược” hoài nghi và cho rằng “ Truyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực “ (Trần Trọng Kim 2004); học giả Đào Duy Anh ghi nhận “dân cư đầu tiên trên đất Việt Nam là người Melanesien; khi người Indonesien từ Ấn Độ di cư đến, họ bị xua đuổi ra những hải đảo Đông Nam Á.Đến khi người Mongoloid từ Trung Hoa xuống xâm chiếm, người Indonesien bị đẩy lên vùng rừng núi..” (Đào Duy Anh 2003). Cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận định “ từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, do cuộc xâm lăng của nhà Hán, có sự tiếp biến cưỡng bức giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nước ta chịu một nghìn năm Bắc thuộc, tính cách nào thì cũng một nghìn năm quan sang rồi lính tới, chúng ta bị Hán hóa đứt đuôi” (Hà Văn Thùy 2014).  

Từ nhận định của những bộ sử xưa Đại Việt sử lược” (thế kỷ XIV) ghi nhận về nước Văn Lang và 18 đời vua Hùng xuất hiện vào thế kỷ thứ VII TCN; nhà nghiên cứu Phan Duy Kha cho rằng, chỉ dụ của vua Tự Đức về bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cắt phần Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân trong bộ Đại Việt Sử ký toàn thư của  Ngô Sỹ Liên là một quyết định hợp lý (Phan Duy Kha 2008)   

Quan niệm cư dân Việt Nam bị Hán hóa, đồng nghĩa với nhận định người Việt là một bộ phận của người Hán, chi phối nặng nề đến đời sống cũng như khoa học nhân văn; dễ dẫn đến cách nhìn phiến diện trong nghiên cứu lịch sử cội nguồn và dễ bỏ qua những vấn đề cốt lõi có thể rút ra từ thực tiễn và trong truyền thống dân gian.

Do lùi ranh giới nước Văn Lang từ Nam Dương Tử xuống biên giới hiện tại, mối liên hệ văn hóa cũng như chủng tộc có sự cô lập giả tạo; Việt Nam đã bị tách khỏi trung tâm của nền văn hóa Việt cổ, làm mất đi kho dữ liệu quan trọng khi văn hóa cổ Bách Việt ở Nam Trung Hoa được coi là văn hóa Tàu.

Việc nhận định không thỏa đáng về phạm vi và thời điểm hình thành đất nước dẫn đến không chấp nhận nhà nước Xích Quỷ (2.879 TCN), coi đó là truyền thuyết hoang đường. Sử gia Việt Nam dựa trên An Nam chỉ lược để lấy thời điểm hưng thịnh nhất của trống đồng Đông Sơn (cách nay 2.700 năm) làm căn cứ hình thành nước Văn Lang cùng triều đại của các vua Hùng. Với việc làm này, chúng ta đã từ bỏ cả thời tiền sử nhiều nghìn năm của dân tộc với những chứng tích hiện còn trong tục lệ thờ cúng, trong các đình, chùa, đền, miếu và ngược dòng so với những phát hiện gần đây của khoa học di truyền và nhân chủng học về nguồn gốc loài người.

Cội nguồn dân tộc, những khoảng trống còn trong chính sử

Trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc, giặc xâm lăng luôn mang ý đồ đồng hóa; nhiều giá trịvăn hóa Việt Nam đã bị chiếm đoạt, triệt xóa, bóp méo hoặc vu cáo, gây nhiễu. Để bảo tồn, Tổ tiên đã có nhiều đối sách; tạo những địa danh chứng tích thực, giả lẫn lộn; đưa những giá trị lịch sử văn hóa vào tục lệ thờ cúng, phong tục, lễ hội nhằm che mắt kẻ thù. Cho đến thế kỷ thứ X, khi Ngô Quyền giành lại nền độc lập và các triều đại sau này mới có điều kiện ghi lại lịch sử dân tộc.

Trong những sử liệu gốc, Đại Việt sử ký toàn thư gồm 2 phần (ngoại ký và bản ký), nguồn gốc Tổ tiên được được xếp vào ngoại ký được cho là truyền thuyết. Theo đó, Tổ tiên dân tộc Việt được ghi nhận” Hoàng đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ ở phía Tây Nam xa ngoài đất Bách Việt; Kinh Dương Vương tên húy Lộc Tục con cháu họ Thần Nông là bậc Thánh trí cai quản phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ,Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra 100 con trai, tục truyền là tổ của Bách Việt. Hùng Quốc Vương con Lạc Long Quân, đóng đô ở Phong Châu, quốc hiệu là Văn Lang“(Ngô Sỹ Liên 2006). Nước Văn Lang ngày ấy phía Đông giáp Nam Hải, mặt Tây giáp Ba Thục, Bắc là Hồ Động Đình và phía nam là nước Hồ Tôn , chiếm cả một vùng đất đai rộng lớn .

Với nhìn nhận Tổ tiên chỉ giới hạn từ thời đại Hùng Vương dựng nước; nhiều vấn đề tiền sử có chứng tích hiện còn trên đất Việt, chính sử còn chưa thống nhất. Đế Minh và Đế Nghi là 2 anh em có di tích mộ táng ở giếng Ngọc làng Định Công Hà Nội, song có những tài liệu lại cho rằng, Vua Đế Minh có con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, con thứ là Lộc Tục (Kinh Dương Vương) làm vua phương Nam (UBND huyện Thanh Oai 2014). Triều đại Hùng Vương tồn tại trên 2.600 năm, chính sử chỉ ghi có 18 đời vua dẫn đến nhiều nghi hoặc.

Nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy cho rằng; từ hàng vạn năm trước, khi nhân loại còn vùi trong băng giá thì từ Việt Nam, người Việt cổ đã mang rìu đá đi lên khai thác đất Trung Hoa. Ông cho rằng, tiếng Trung Hoa được sinh ra từ tiếng Việt; chữ tượng hình Giáp cốt do người Việt sáng tạo; kinh Thư, kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ là của người Việt; thuật Âm Dương, Ngũ Hành, Thiên Can, Địa Chi, Bát Quái và Dịch Lý cũng do người Việt tạo. Ông khẳng định: Nếu lịch sử quốc gia là lịch sử của những cộng đồng dân cư chủ đạo làm nên, thì lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử của người Việt đã và đang sống trên đất Trung Hoa (Hà Văn Thùy 2014). Nhận định của Hà Văn Thùy cũng dẫn đến nhiều tranh cãi, phải chăng đó là sự ngộ nhận để vơ về minh?

Từ sâu thẳm tâm hồn người dân Việt; qua những truyền thuyết, tục lệ, lễ hội dân gian ; phong tục thờ cúng trong các đình chùa, đền, miếu; thần phả, ngọc phả của các làng xã, gia đình, dòng họ và những chứng tích hiện còn có thể làm sáng tỏ những điều còn đang nghi hoặc.

Cội nguồn dân tộc qua những ngọc phả, thần phả tiền nhân để lại

v2-1672723039.png

Chùa Tây Phương (Hà Nội) một trong những chứng tích cội nguồn

Thấm nhuần tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh và lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn “ Thời  gian lịch sử  không tìm thấy trong sách vở, chúng ta có thể tìm hiểu trong dân gian  những khả năng tốt, quý báu”. Theo hướng tiếp cận này, từ  những chứng tích hiện còn và phong tục tập quán, lễ hội chúng tôi đã thu nhận được một số thông tin có thể là căn cứ để phát hiện vấn đề chính sử chưa làm sáng tỏ.

Bách Việt Thiệu tổ lưu giữ ở từ đường họ Nguyễn làng Vân Nội (Quận Hà Đông) có ghi  “Bách Việt khởi đầu từ họ Việt Thường sống bằng hái lượm, cuộc đời lao khổ. Người ngày càng đông,sản vật hiếm và ruộng đồng ít đi, họ phải tiến công đến những nơi có đồng điền hoang dã, khai sơn phá thạch, lập ấp định cư, cấy trồng ngũ cốc”.Từ vạn cổ Bách Việt  đã  có quốc đạo Sa môn Phật giáo, phụng sự Tổ tiên, tôn hiệu là Trời, Đât, Phật, Thánh, Thần, Tiên, Ngọc Hoàng, Vương Mẫu. 3 nghìn năm sau, Thái tử Ấn Độ Tất Đạt Đa mới đến Lôi Giã Việt tu hành đắc đạo, thỉnh Lôi Âm Chân kinh ở chùa Bảo Sái (Tây Phương) về nước lập Ấn Độ giáo theo Sa Môn Phật. Điều Này có thể ký giải vì sao trong các ngôi chùa Việt Nam, Thái tử Ấn Độ chỉ được thờ ở nhà thờ Tổ?

Sa Môn Phật giáo thờ Sơn Thủy Bách Thần, gọi là Bách Dân Chân Kinh. Những vua trị vì từ Bách Việt Thiệu Tổ trở về trước (từ Hùng Duệ Vương) đều được tôn xưng Phật hiệu. Thời đại Ngô, Đinh (968-980) khi đất nước độc lập, Đường thượng Nguyên trưởng Nguyễn Quang Huy cùng người em trai làm Thái giám Ngô Vương là Nguyễn Huy Hoàng được phụng sự Nam Thiên bảy mươi hai (72) đền thờ làm bằng cỏ Bồng lai. Đến thời Lý, Trần đền thờ “Bồng lai cung khuyết” thay bằng gạch ngói, tạo nên hình ảnh trụ cột đệ nhất Nam Thiên. Từ đời vua Lý Thái Tổ  (năm 1010),  Bách Dân Chân Kinh được đổi  là Ngũ Bách Danh Chân Kinh; các vị Bách Việt Đường thượng Nguyên trưởng cũng được tôn xưng Phật hiệu

v3-1672723085.png

Sa môn Thiên vương Phù Đổng  Ảnh minh họa

Thời vua Lê thánh Tông (1.492), sách Lĩnh Nam Chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh viết“Lĩnh Nam là miền đât phía Nam núi Nghĩa Lĩnh. Một địa vực rộng lớn, nơi phát sinh và sinh tụ của người Việt” . Hồng Bàng thị truyện viết về họ Hồng Bàng từ Đế Minh đến Lạc Long Quân-Âu Cơ cũng ghi rõ địa vực của nước Văn Lang.

Nguyễn tộc Từ đường Phả lực chính bản viết vào ngày Sóc tháng 8 âm lịch năm 1.755 còn ghi “Tổ tiên ta lấy cần cù vun gốc rễ, lấy thiện đức để mở nguồn dòng, tu nhân tích đức. Không việc gì là không phải mưu kế cho con cháu nhờ cậy. Hậu duệ họ Thần Nông bắt đầu từ tỉnh Sơn Tây, huyện Thạch Thất, xã Bình Yên, làng Vân Lôi. Tổ tiên lấy Nghĩa xuất thân, lấy Nhân xuất Tổ, lập cõi Viêm Bang, lấy Tây Phương-Cực Lạc làm quốc đô nên gọi nước là Cực Lạc, phật hiệu Di Đà, đế nghiệp mới nên, Phật đạo mới mở; rồi sau thành nước, con cháu chút chit  muôn đời không quên.

Tiên tổ là Đế Hòa Phục Hy bắt đầu vạch bát quái, tạo chữ viết sinh ra sách. Đế Viêm kế nghiệp, làm ra nông cụ, vũ khí; dậy dân ăn chin, dùng thuốc chữa bệnh. Đế Viêm đổi tên nước là Viêm Bang, đô đóng ở Động Hoàng Xá (Quốc Oai, Sơn Tây). Đế Viêm sinh Đế Khôi tức Thần Nông. Khi vị thành niên Đế Khôi được Lão Long Cát nuôi dậy làm đệ tử ”

Sách Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư do Thái Bảo Hương Quận Công Nguyễn Vân Chí phụng sao vào triều Tự Đức (1.848) ghi lại “ Thủa khai Thiên, lập Địa; Tổ tiên ta sinh cơ lập nghiệp ở miền Tây (Tây vực), thủy chung đã 7.000 năm, Núi có nhà hang đá (thach thất); rừng có vô vàn cây cối phồn tạp, đủ hoa tươi cỏ lạ tốt tươi. Muôn đời tôn xưng người đứng đầu (Chủ trưởng) là Phục Hy Vua Cả, tên nước là Cực Lạc, đóng đô ở đó. Từ đấy về sau, cày cấy, đào giếng gọi là họ Phục Hy (Phục Hy Thị). Cuối đời Phục Hy, nước dâng mênh mông thành đại hồng thủy; Hiên Viên dấy binh làm phản; Đế Khôi mời Hội đồng trăm họ Sơn Quân đem quân đánh đuổi gian nô Hiên Viên ra khỏi bờ cõi… 

Bách Việt Ngọc phả truyền thư xác định“con Đế Viêm là Đế Khôi xưng Thần Nông, cai quản từ Giang Nam trở về Nam. Thần Nông thừa hưởng sự nghiệp của Tổ tiên thi hành chính sách sáng suốt, dân chúng một lòng tin yêu. Từ miền Tây Phương trở xuống, lấy ngọn Phương Lĩnh Trầm đỉnh là chính và ngọn Linh Sơn, Tiên Lữ, tiếp đến Phong Châu làm thành một dải; Thần Nông dậy dân làm ruộng, lấy lá chữa bệnh, cứu dân độ thế. Ông còn phát minh nghề trồng lúa nước, sáng chế lưỡi cày bằng gỗ cứng để dân làm ruộng. Đế đem đất đai chia cho dân nghèo (khoảng 70 dặm thuộc 65 ấp). Người dân làm ruộng cấy lúa nước lấy vỏ cây che thân chắn bùn, được gọi là cái thường (váy,xiêm). Thường được dân dùng lan rộng từ Nam đến Bắc, do đó họ Thần Nông còn có tên gọi là họ Việt Thường”.

Sau đời Thần Nông, Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư cho biết“Tới Sở Minh Công kế nghiệp, sinh ra 3 con trai: Nguyễn Minh Khiết (Đế Minh) Nguyễn Nghi Nhân (Đế Nghi) Nguyễn Long Cảnh (Ba Công Đại Vương) tiếp tục trị vì, chia đất nước thành 3 vùng có chủ , hiệu chung là Xích Quỷ, kinh đô ở Phong Châu…”  Xích Quỷ của các bộ tộc Việt cổ được hình thành vào năm 2.879 TCN nằm ở Nam sông Dương Tử; Bắc giáp hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục; phía Đông là biển và Nam là nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).

Nguyên tộc từ đường Phả lục chính bản còn ghi “ Đế Minh là Chủ trưởng phương Nam, mộ phần an tang tại làng Định Công, bên Giếng Ngọc, giỗ 12 tháng 2. Hoàng Hậu bị phế truất, sinh con trưởng Nguyễn Quảng, sử sách ghi là Lộc Tục hiệu Kinh Dương Vương tự là Phúc Lộc. Hoàng hậu xuất gia, tu hành đắc đạo, làm Sa Bà giáo chủ, pháp danh Hương Vân Cái Bồ tát, đạo Tiên tôn là Đệ nhất Thiên tiên Thành mẫu; mộ táng ở Ba La, chùa Đại Bi; ngày sinh mồng 8 tháng 4; ngày hóa Rằm tháng 7, tức ngày xá tội vong nhân” Kế nghiệp Đế Minh, Kinh Dương Vương đứng đầu làm chủ của cả 3 nước.

Theo Bách Việt Ngọc Phả truyền thư “Kinh Dương Vương lấy Động Đình Quân Nữ, cư ở Nghĩa Lĩnh, dựng nước nghìn dặm núi xanh, sáng lập kinh đô Hùng, mở đầu con đường Thánh đế Minh vương, giúp người, quý vật; thống nhất đất nước, là ông Tổ dựng nên Bách Việt; được tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, húy ngày 25 tháng chạp; thờ phụng tại cung Linh Tiêu ( Phong Châu), do dân kiến tạo dựng ở dưới mặt đất...”

Ngọc phả Thực lục ở La Nội và Ỷ La (thuộc Quận Hà Đông) còn cho biết; dấu vết rùa, hiến chim trĩ chép trong chuyện ký đời Nghiêu, Thuấn thể hiện họ Việt Thường đã dâng hiến rùa Thần nghìn năm tuổi gọi là quy rùa, trên lưng có loại hình chữ Khoa Đẩu (hình chữ như con nòng nọc), chép lại lịch sử từ khai thiên lập địa có ghi Trải từ trời Nam mở vận; dòng họ Hồng Bàng, là bậc Quân Vương đã thụ mệnh trời, đầu tiên là Kinh Dương Vương, Người là hậu duệ của Đế Thần-Thần Nông.

Kinh dương Vương nối ngôi Đế Minh cai quản Nam Việt; truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy cháu gái Đế Lai, sinh 100 con trai, đó là những Thủy tổ của Người Bách Việt. Con trai trưởng Lạc Long Quân lên ngôi hiệu  Hùng Quốc Vương, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia đất nước thành 15 bộ để, mở đầu thời đại của các vua Hùng kéo dài trên 2.600 năm.

Ngọc Phả Hùng Vương  ghi lại“Khải chung Hùng gia hữu Sơn Thủy Bách thần” được hiểu là từ khởi đầu (khải) đến khi kết thúc (chung) có 100 đời kế tiếp. Dân trong vùng Tổng Xốm đến nay vẫn còn lưu truyền lời thơ cổ được dịch nghĩa với nội dung            Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương

               Thống nhất non sông mười tám vương

                            Hơn một trăm vua truyền tại đó

                                           Ức năm hương lửa ức năm thơm

v4-1672723097.png

Hung Vươngdựng nước Ảnh minh họa

Ngọc phả Hùng Vương và gia phả họ Nguyễn ở làng Vân nội còn ghi chi tiết tên, miếu hiệu của các vua Hùng; đặc biệt là 18 triều vua có nhiều công tích được tôn vinh và mộ phần sau này được cải táng ở 9 tòa Cửu Long trong vùng Tổng Xốm.

Tìm trong thư tịch và những Ngọc phả, Thần phả chúng tôi được biết; Người Việt Cổ đã từ những hang động của vùng núi Hòa Bình xuống định cư ở vùng Lôi Bằng (Thạch Thất) lập nước Việt cổ; khởi đầu từ Đế Hòa (Phục Hy) định đô ở vũng Cực Lạc, rồi đến Đế Viêm lập Viêm Bang đô ở Sài Sơn; tiếp đó là Thần Nông đóng đô ở Trầm Sơn và hậu duệ là Đế Tiết, Đế Thừa. Đế Thừa hiệu Sở Minh Công, truyền ngôi cho Nguyễn Minh Khiết (Đế Minh) còn gọi là Thái Khương Công đứng đầu cả nước; Nguyễn Nghi Nhân Chủ trưởng nước Sở và Nguyễn Long Cảnh Chủ trưởng Chiêm Thành. Đế Minh rời đô về Phong Châu lập nước Xich Quỷ (Tam Vương), mở rộng bờ cõi bao gồm cả đất Nam Hải; truyền ngôi cho con là Nguyễn Quảng tức Kinh Dương Vương, dựng họ Hồng Bàng, được coi là ông Tổ của Bách Việt.

Kinh Dương Vương có 5 con trai song người nối ngôi là con thứ 4 húy Nguyễn Khoản tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân truyền ngôi cho con trưởng là Nguyễn Lân lấy hiệu là Hùng Quốc Vương mở đầu triều đại nhà Hùng. Triều Đại Hùng Vương kết thúc khi Thục Phán, là Lạc tướng đất Ba Thục mưu cùng Cao Lỗ tạo phản, giết hại cả họ Hùng Duệ Vương, tự xưng là An Dương Vương đổi quốc hiệu Văn Lang thành Âu Lạc.

Chứng tích cội nguồn để lại cho đời sau

Các bậc tiền nhân có nhiều cách lưu giữ thông tin, nhằm gửi lại cho đời sau những thông điệp quý giá về lịch sử cội nguồn, bí mật lưu giữ trong dân; cất dấu trong các hang động hoặc thể hiện trong các Ngọc phả, Thần phả của làng quê, gia đình, dòng họ. Hình thức phổ biến dưới dạng huyền sử để dân dựng tượng, lập đình, chùa, đền, miếu thờ cúng  trong lễ hội và những ngày húy nhật để tưởng nhớ công đức của bậcThánh nhân.

v5-1672723102.png

Cực lạc cảnh giới tự Cảnh chùa Cực Lạc (Hà Nội)

Khai thác tư liệu thu thập được ở các làng quê; chúng tôi đã ghi nhận được địa danh mộ phần, ngày húy nhật của Liệt tổ, liệt Tông từ Đế Hòa Phục Hy đến Hùng Quốc Vương và các vương triều Hùng  tóm lược trong bảng  dưới đây

Liệt tổ-liệt tông, Tổ mẫu

Nơi an táng

Ngày húy kỵ

Đế Hòa-Phục Hy

Cực Lạc (Thạch Thất)

Mùng một tháng tư

Vợ Đế Hòa-Phục Hy

Cực Lạc (Thạch Thất)

Mùng một tháng tư

Đế Viêm

Động Hoàng Xá (Sài Sơn)

Mung bốn tháng tư

Đế Thần- Thần Nông

Trầm Sơn (Chương Mỹ)

Mùng một tháng sáu

Đế Tiết (Đức Thánh Cả)

Phong Châu (Hà Đông)

Mùng chin tháng giêng

Đế Thừa(Đức Thánh Hai)

Phong Châu (Hà Đông)

Mùng một tháng sáu

Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết)

Phong Châu (Hà Đông)

Mười hai tháng hai

Đỗ Quý Thị(Hương Vân Cái Bồ tát)

Phong Châu (Hà Đông)

Rằm tháng bảy

Bát Bộ Kim Cương

Phong Châu (Hà Đông)

 

Kinh Dương Vương

Phong Châu (Hà Đông)

Hai lăm tháng chạp

Hồng Đăng Ngàn(vợ Knh Dương Vương)

Phong Châu (Hà Đông)

Mùng ba tháng ba

Lạc Long Quân

Phong Châu (Hà Đông)

Hai tám tháng hai

Âu Cơ (vợ Lạc Long Quân)

Phong Châu (Hà Đông)

Mùng năm tháng năm

Hùng Quốc Vương

Phong Châu (Hà Đông)

Hai sáu tháng giêng

18 đời vua Hùng có công lớn

Thờ ở 9tòa CửuLong Phong Châu

 

Các đời vua Hùng còn lại

Phong Châu (xứ Mả Đế)

 

Vợ các vua Hùng

PhongChâu(xứ Xích Hậu)

 

Có thể hệ thống những cụm di tích từ Vân Lôi (Bình Yên huyện Thạch Thất), Đế Hòa ở Cực Lạc đến những khu miếu mộ thờ các thế hệ Vua Hùng ở vùng Tổng Xốm (Quận Hà Đông) và xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) để cùng suy ngẫm về những huyền thoại được truyền tụng lâu đời, gắn với cội nguồn Quốc Tổ  Hệ thống di tích hiện còn tạo thành một quần thể di tích bao gồm:

  1. Cụm Đình-Chùa-Đền Cảnh Tiên ở làng Vân Lôi (Thạch Thất), là nơi định cư đầu tiên của Tổ Tiên gắn với tên Bàn Cổ. Tại đây còn lưu giữ được đôi voi tạc từ đá ong, Đình làng còn ghi đại tự “Lịch Đại Đế Vương”
  2. Cụm cố đô Cực Lạc gồm 2 khu đồi, núi của chùa Tây Phương và Cực Lạc gắn với những truyền thuyết xưa về Nữ Oa đội đá vá trời. Ở đây còn phần mộ các cụ Đế Hòa, Địa Mẫu ở thôn Yên Lạc, xã Thạch Xá (Thạch Thất)
  3. Cụm Hoàng Xá, Chùa Vàng gồm những hang động chùa Thầy, chùa Vàng, động Hoàng Xá, miếu và mộ vọng Đế Viêm ở huyện Quốc Oai. được coi là kinh đô Viêm Bang cũ
  4. Cụm đồi làng Sở, núi Trầm, thuộc xã Tiên Phương (Chương Mỹ) bao gồm nhiều đình, chùa, hang động. Ở đây còn mộ Thần Nông, mộ Lão Long Cát (thầy dậy Thần Nông), chùa Vô Vi; mộ vợ Thần Nông, bia đá thờ mẹ Thần Nông, dấu tích giếng nước và nhiều chứng tích liên quan đến những truyền thuyết về Thần Nông.
  5. Vùng Tổng Xốm (Phong Châu) được cho là di tích kinh đô của nước Xích Quỷ thuộc phường Phú Lương, Phú Lãm Quận Hà Đông. Tại đây còn một quần thể Đình, Chùa, Đền, Miếu; phần lớn đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia với Chùa Sùng Nghiêm,Tường Quang, đền thờ và miếu mộ của Đế Tiết, Đế Thừa, hậu duệ là Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, đấu vết còn lại của dòng sông Hát, chứng tích về Hai Bà Trưng và đặc biệt là phong tục lễ hội, tập quán thờ cúng liên quan mật thiết đến những truyền thuyết xưa về các vua Hùng ( bản đồ Phong Châu và những hình ảnh đình đền miếu mộ).

Ngoài ra, hai cụm di chỉ mồ mả ở xứ đồng Mả Đế (phường Phú Lương), Xích Hậu (Văn La), Gò Thiềm thừ, mộ Hương Vân Cái Bồ tát trong vùng đất thuộc Quận Hà Đông,cũng còn để lại rất nhiều dấu tích về thời của các vua Hùng.

Phong Châu đồ bản  có từ 1.000 năm TCN, lưu trữ tại Viễn Đông Bác Cổ xác định; kinh đô Phong Châu, phía Nam giáp Nam Sang, Bắc là sông Chu Diên (sông Đáy), Tây giáp Chu Diên và Trầm Sơn, còn phía Đông là biển Nam Hải. Phong châu xưa gồm 7 tổng đó là Đại Lôi, Đại La, Đại Định, Đại Ơn, Đại Hữu, Đại Mỗ, Đại Thanh với 275 làng xã liên quan đến Quận Hà Đông; huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức và Chương Mỹ ngày nay. Tại Phong Châu xưa có 72 tòa đền sở (thất thập nhị từ) tượng trưng cho 72 dân tộc có cùng huyết thống, cùng một dòng tộc.

Kết quả khai quật khu di tích Phú Lương (gồm vùng đất cao thuộc làng Vân Nội và khu mộ táng rộng trên 1 vạn m2) của Viện Khảo cổ từ ngày 8 tháng 12 năm 1.984 đến 8 tháng 01 năm 1985 đã rút ra những nhận xét rất đáng quan tâm. Chỉ với 4 hố khai quật gần khu Mả Đế trên diện tích 248 m2, nhóm khảo cổ đã tìm thấy 28 ngôi mộ cổ (gồm 18 mộ đất, 9 mộ thân cây). Các mộ có quan tài thân cây ở dạng hung táng, đồ tùy táng là những rìu đá, khuyên tai đá, đồ xương; đồ đồng có rìu, dao, khuyên tai, hoa tai, thạp, đĩa, mâm.v..v…Các nhà khảo cổ cho rằng, giới hạn trên của khu mộ táng và toàn di tích được tồn tại từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước công nguyên ( Hà Văn Phùng 1985).

Tìm hiểu, kiểm chứng những địa danh, di tích còn lưu giữ được liên quan đến kinh đô cổ, có thể nhận thấy: Nếu kinh đô cổ nước ta ở vùng này thì nó đã nằm trên một dải bán sơn địa, sau lưng là nguồn lâm sản, phía trước là đồng bằng sông ngòi thuận lợi cho nghề trồng lúa và đánh bắt thủy sản. Với hệ thống sông, suối thuận tiện cho giao thông thủy, nơi đây tạo thuận lợi để mở mang kinh tế và tiến lui, phòng thủ hi cần. Nằm trong dải đứt gẫy sông Hồng cắm sâu vào lòng đất, vùng này còn tiếp nhận được nguồn năng lượng địa khí từ dưới đi lên cùng với thiên khí của dải núi Ba Vì-Tản Viên mang lại. Như vậy là, dải địa hình này trùng hợp với đai năng lượng vũ trụ cao để cung cấp nguyên khí cho con người (Lê Thành Ý 2010)

Thay lời kết luận

Từ những thông tin thu nhận được, đối chiếu với những dấu tích hiện còn, nhiều địa danh cổ và thực tế hiện nay có sự thống nhất. Tổng hợp những tư liệu thu nhận được có thể rút ra, Việt Nam có thể là một trong những cái nôi loài người ở Đông Nam Á với nền văn hóa Hòa Bình được hội nghị Quốc tế năm 1.932 thừa nhận xuất hiện từ trên 16.000 năm trước cùng với người nguyên thủy tồn tại qua các hình thái của tổ chức thị tộc, bộ tộc, bộ lạc sinh tụ và phát triển trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Trong thư gửi tạp chí Thầy thuốc Canada, Dr.Michael Roberts đề nghị vui lòng chuyển lời xin lỗi chân thành của mình tới những người bị xúc phạm.Trong thư gửi đến nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, ông đã viết “Tôi rất tiếc là đã gây ra một lỗi lầm khủng khiếp và ân hận đã làm cho người đọc hiểu sai về nguồn gốc người Việt Nam. Người Việt Nam có một nền văn minh duy nhất, phân biệt rõ ràng với văn minh Trung Hoa. Là người bị thống trị trong nhiều thế kỷ, người Việt Nam đã chịu đau khổ và tôi lấy làm tiếc vì sự xúc phạm tới bất kỳ người đọc nào”.

Với những phát hiện khảo cổ và từ những di cốt, di vật được khẳng định tồn tại từ trước công nguyên; rất có thể kinh đô Phong Châu xưa của các Vua Hùng đã nằm ở vùng Tổng Xốm ngày nay.

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/tu-chung-tich-to-tien-de-lai-suy-ngam-ve-coi-nguon-dan-toc-a3419.html