Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, chia sẻ với Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng mà vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tổng kết lại năm 2022, dù rất nhiều khó khăn dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả đáng tự hào. Tự hào không phải nằm ở con số của ngành này ngành kia, những con số đó chỉ thể hiện những gì chúng ta nhìn thấy được. Nhưng có những niềm tự hào mà chúng ta không nhìn thấy được, là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Hay nói cách khác, nó làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội. Điều này không thể hiện ra những con số.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng mà vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. 

Ông Hoan đưa ra ví dụ như đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy, nhưng ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội. Vấn đề bao trùm là chúng ta chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để tìm kiếm sự hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực.

“Điều này để nói rằng, sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng, vấn đề bao trùm cho hàng chục triệu nông dân ở nông thôn, hàng chục triệu lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ. Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nhiều khi nếu chúng ta chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được tác động của ngành với xã hội”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Nhiều diễn đàn đã tổ chức đi theo hướng đó. Chúng ta thấy rằng, không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022.

"Chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được một điều là nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất. Đó là những tín hiệu cho thấy, bắt đầu từ Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới thích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao vai trò của hàng chục triệu hộ nông dân chúng ta, mặc dù rất khó khăn khi nguyên vật liệu đầu vào, giá cả đầu ra không như mong muốn nhưng có nhiều mô hình của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, Đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc đã tìm những mô hình có thể có giá trị như một gợi ý cho Bộ NN-PTNT. Chúng ta không chỉ lo cho một nông nghiệp mà chúng ta hay gọi là quy mô hàng hóa lớn, mà đang chăm lo cho những nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại giá trị tri thức bản địa lớn. Ví dụ, lúa bậc thang của đồng bào vùng Trung du hay miền núi làm sao so sánh được với Đồng bằng sông Hồng và càng không thể so được với ĐBSCL nhưng đồng bào miền núi biết phát huy giá trị đặc trưng của vùng núi, như kể một câu chuyện để làm du lịch nông thôn. Để từ đó lãnh đạo địa phương biết chăm chút hơn từng sản phẩm nông nghiệp dù quy mô nhỏ nhưng giá trị sẽ cao nếu chúng ta tiếp tục hành động, đổi mới như thời gian vừa qua. Đó là giá trị của sự liên kết giữa nhà nước, thị trường và xã hội, giữa nhà nước và doanh nghiệp nông nghiệp với bà con nông dân, hợp tác xã, đó nhà những giá trị bao trùm trong năm 2022.

Ảnh minh họa

Năm 2022, ngành nông nghiệp đạt kết quả đáng tự hào. 

“Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để  tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy thị trường - sản xuất làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay thị trường Nhật là minh chứng rằng chúng ta đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau”, ông Hoan khẳng định.

Theo ông Hoan, câu chuyện gạo sang EU dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy sự thay đổi đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Điều này dẫn dắt lại người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ngay từ khi ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản, trong đó có hạt gạo  cho từng thị trường. Hay nói cách khác là doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình  thị trường lâu dài. Chỉ khí đó chúng ta mới có thể liên kết với người nông dân một cách ổn định, lâu dài.

"Khác trước khi có đơn hàng mới bắt đầu thu mua, nay rất nhiều doanh nghiệp như Tân Long, Trung An và nhiều doanh nghiệp thấy rằng cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài, từ chiến lược thị trường lâu dài này sẽ liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực, yêu cầu của thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân. Hiện nay, nông dân đang dần ổn định từng vùng nguyên liệu, ví dụ tại An Giang đã có những doanh nghiệp như Tân Long đã định hình vùng nguyên liệu lúa cho từng thị trường, thì trường nào cần loại lúa gì, phẩm cấp ra sao… Tức là đã dần hình thành một cách tự nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững. Tôi nghĩ đó là những cái được của ngành nông nghiệp, thoát đi “lời nguyền” nông  dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái  niệm “mùa vụ” hay “thương vụ”, không nghĩ ngắn mà phải nghĩ dài, không nghĩ cho 1 bên mà phải nghĩ cho cả 2 bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân”, ông Hoan nói.

 

Minh Trí

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/bo-truong-le-minh-hoan-su-menh-cua-nganh-nong-nghiep-khong-chi-giai-quyet-van-de-tang-truong-a3555.html