Từ Hương ước trong xã hội nông thôn truyền thống đến Hội đồng quản lý và phát triển thôn, bản đôi điều suy ngẫm

Chủ thuyết chuyên chế coi nhẹ dân tộc tìm cách hạ thấp giá trị liên kết làng xã, coi đó là cổ lỗ trái với xu hướng tiến hóa. Ngày nay, nhiều người đã nhận ra đó là hướng đi tai hại cần gỡ bỏ để bảo vệ những cộng đồng đã từng xây dựng đất nước như làng xã, gia đình (Eitten Rophe 1971). Tổ tiên người Việt đã làm cho dân tộc hùng cường, không nô lệ vào những gì cũ kỹ hoặc phụ thuộc bên ngoài. Nhờ đó, đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ toàn vẹn đất nước.

Cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới (NTM) tạo chuyển biến sâu sắc trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) nông thôn và khơi dậy truyền thống văn hóa, dân chủ để làm giàu đẹp nhiều miền quê. Từ những khác biệt của phương Đông và đặc thù văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ, bài viết đề cập đến một số khía cạnh để cùng trao đổi.

nong-thon-moi-1677908524.jpg

Triết lý phương Đông với quan niệm nhân sinh trong văn hóa Việt

Người phương Tây quan niệm, cái ra đời sau thường phủ nhận cái có trước; ngược lại, ở phương Đông, người ta lại cho đó là sự phát triển toàn vẹn tổng thể. Theo đó, cái phát triển sau là sự kế thừa phù hợp và tất yếu dựa trên nền tảng những gì có trước. Nói cách khác, nhân tố truyền thống mở rộng tương lai nhằm hoàn thiện để tạo nên bản sắc vững bền.

Triết lý xưa coi tâm linh là trạng thái đắc đạo hay đạt tới mọi sự tác hành đi đến tận cùng để hoàn thiện nguồn sống và nguồn sáng theo vận động của âm dương, ngũ hành bao gồm cả vật chất năng lượng, sinh vật và khoáng chất được đất (Thổ) dung hòa trở thành nguồn sống. Con người trong vũ trụ thuộc hành Thổ, nơi quy tụ Trời-Đất hoặc là kết tinh của năng lượng sinh vạn vật. Trong quá trình phát triển, tâm thức con người đã từ bái vật đến ý thức hệ tâm linh để đạt tới cái toàn thể, là nơi khởi sinh ý thức nhân sinh và vũ trụ quan (Lê Nguyên Cẩn 2015).

Đi lên từ nền nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt xưa đã phải hợp sức để cùng chống lại thiên tai với ý niệm nhân sinh (nhân chủ, thái hòa) thấm đậm dấu ấn từ buổi ban đầu dựng nước. Là chủ thể vũ trụ hợp thành của Thiên-Địa-Nhân, thấu hiểu nhân chủ, thái hòa, người Việt cổ đã giữ được quan hệ hòa hợp với thiên nhiên để có dủ bản lĩnh cảm thông, linh ứng cùng thế giới tự nhiên. Tổ tiên đã thể hiện trên họa tiết trống đồng đặc trưng lưỡng nhất, các cặp đôi được sắp đặt đa chiều, hài hòa theo tiết nhịp của vũ trụ đươc cho là chói chang huyền sử. Tục lệ sống động trong các cộng đồng làng, xã phát triển đã trở thành phép nước. Nước có lễ trị, đó là thành quả của quá trình tiến hóa tâm thức con người từ bái vật đến ý thức hệ tâm linh.

Từ quan niệm nhân sinh, trong xã hội tự do và bình sản, người Việt cổ đã sản sinh ra những mẫu hình đặc trưng mà những nền văn minh khác không dễ có được. Từ cổ xưa xã hội Việt Nam đã là những cộng đồng như một đại gia đình với cơ cấu Làng-Nước, Quân vương-Thần Dân; có tôn ty trật tự, trọng hiền tài và mọi người đều có cơ hội như nhau (Lê An Vi 2015).

Đất nước tuy không có quân đội chính quy, nhưng khi có ngoại xâm cả nước cùng đánh giặc. Trong xã hội không có chế độ nô lệ,mọi người dân đều được tham dự đối với tài sản quốc gia, định kỳ phân quân tài sản. Bình sản là cơ chế đảm bảo sự công bằng xã hội trong phân chia thu nhập cộng đồng. Đến nay trong ký ức của lớp người cao tuổi vẫn còn đọng lại cách phân chia tài sản thời xưa. Theo đó, cộng đồng làng xã cùng chung sức khai hoang, họ hình thành những khu ruộng vuông vắn, sau đó chia thành 9 phần bằng nhau, 8 phần xung quanh giao cho các gia đình cày cấy. Phần còn lại ở chính giữa mọi gia đình cùng chung sức chăm bón được gọi là ruộng Tỉnh Điền để có thóc nộp nhà chức trách và sử dụng vào việc công trong làng. Ruộng đất xưa là của chung làng xã (công điền, công thổ), 3 năm một lần làng chia lại cho dân cày cấy, không tuyệt đối hóa quyền tư hữu. Chế độ bình sản kéo dài đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Cho đến cách mạng tháng 8.1945, cả nước vẫn còn trên 20% đất đai là ruộng công điền.

Có thể thấy, tinh thần nhân văn trong văn hóa cội nguồn đã thấm sâu vào những hương ước cổ, đó là nguồn sáng trong quản lý xã hội nông thôn Việt Nam.

Từ Hương ước trong các làng xã Việt Nam….

1-9-1677908636.png

Nhiều năm Điền dã ở các vùng quê đã giúp chúng tôi nhận ra, làng xã Viêt Nam tồn tại bền vững là nhờ luật tục. Luật tục tồn tại phổ biến là quy ước truyền miệng, khi Hương ước thể hiện thành văn, nó đã kế thừa luật lệ truyền miệng với mục đích làm cho gia tộc thịnh giầu, dân làng sống có nề nếp, kỷ cương văn hóa.

Mặc dù còn có sự thao túng về ngôi thứ, địa vị của chức sắc thời xưa, song Hương ước luôn giữ được vị trí quan trọng, bởi sức mạnh bắt nguồn từ thực tế xã hội. Với những quy định cụ thể về lối sống, nghĩa vụ, trách nhiệm và bảo vệ lợi ích cộng đồng, Hương ước có vai trò như một “cương lĩnh tinh thần” để điều chỉnh hành vi của mọi tổ chức, cá nhân sống ở nông thôn.

Ở mọi vùng quê, Hương ước đều thể hiện có phần thể chế và phong tục với những nội dung được quy định thành điều khoản cụ thể, bao gồm cả nghĩa vụ và quyền hạn của người dân đối với Nhà nước và cộng đồng theo quan điểm nhân sinh, nhân chủ, thái hòa.

Nghiên cứu Hương ước Làng Huyền Kỳ (Quận Hà Đông) được xây dựng thời vua Khải Định (1916-1925) chúng tôi được biết, Hương ước được soạn thảo gồm 211 điều quy định về mọi lĩnh vực trong xã hội nông thôn như cơ cấu tổ chức; các quan hệ xã hội,văn hóa giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội; vệ nông; vệ sinh, trật tự, an ninh …được xem là bộ luật Làng. Trong 99 điều của phần thể chế, trọng số lớn nhất 19,2% rơi vào thu chi tài chính (19 diều), thứ 2 là tổ chức Hội đồng tộc biểu 18,2%; canh giữ, đảm bảo an ninh trong làng và ngoài đồng chiếm 13,1%; vệ nông, bảo vệ cầu cống, dường sá 10,1%; vệ sinh môi trường 8,1% và đại diện thừa hành việc quan trí khoảng 4%.

Hương ước định rõ Hội đồng tộc biểu gồm đại diện của các tộc cử ra để trông coi việc làng với kỳ hạn 3 năm. Hội đồng tộc biểu có các ban coi sóc tiền bạc, mua bán tu sửa công trình, sửa sang đường xá…, mỗi ban giữ việc một năm. Trừ phi có việc bất thường, hàng tháng Hội đồng tộc biểu họp vào ngày Mồng Một và Rằm để bàn việc làng, những việc làng bàn phải có quá nửa số người thống nhất, hợp ý mới đươc chấp nhận thi hành.

Hương ước định rõ. Khi quan trên hỏi ý kiến và những việc có liên quan đến quyền lợi chung của dân làng thì tộc biểu và lý trưởng không được tự ý quyết định mà phải họp Hội đồng tộc biểu, khi mọi người thống nhất mới được trình quan. Khi quan tòa hoặc quan cai trị hỏi đến làng, Hội đồng tộc biểu phải cử người trong ban đi cùng Lý trưởng.

Chánh, phó Lý trưởng không được tự ý quyết định, phải theo ý chung của cả Hội đồng tộc biểu;. được dự họp Hội đồng Làng; hàng năm đến kỳ thuế, Làng  trích chi cho Lý trưởng và Phó Lý một khoản tiền làm việc trong năm.

Thu chi tài chính là vấn đề lớn trong hoạt động của Hội đồng tộc biểu, để tránh tổn hại cho dân phải có sổ quản lý việc thu, chi. Hàng năm cứ đến ngày 01 tháng Mười; Chánh Hội phải họp bàn với Lý trưởng và Thư ký dự tính các khoản thu chi, lập thành sổ rồi đưa ra toàn Hội đồng bàn định.  Nếu thống nhất mới được trình quan sở tại xét duyệt và đến đầu tháng Giêng năm sau mới được thi hành.

cong-lang-co-duong-lam-anh-van-phuc-1677908716.jpg

Sổ thu chi của Làng giao cho Chánh Hội giữ. Chánh Hội được quyền cho thu, chi những khoản đã được dự tính, những khoản chi chưa được ghi trong sổ phải mở Hội đồng làm rõ, có biên bản đính kèm vào sổ thu chi mới là hợp lệ. Hàng tháng Hội đồng tộc biểu phải kiểm quỹ một lần, hết năm phải phải tính sổ, ghi rõ các khoản thu chi và niêm yết công khai tại Đình làng vào tháng Giêng để mọi người đều biết. Khoản tiền dư trong quỹ Làng được dùng vào công việc sinh lời, nếu cho dân vay với lãi suất thấp; người vay phải thế chấp làm tin. Để dân có đủ niềm  tin, Hương ước nghiêm cấm những người trong Hội đồng và vợ con họ được vay tiền của làng.

Quản lý giữ gìn trật tự an ninh trong làng và ngoài đồng là điểm nổi bật của tinh thần tự quản, Hương ước quy định “Việc canh phòng để giữ tính mạng ,tài sản chung trai làng từ 18 đến 49 tuổi đều phải đi tuần, phó Lý trưởng là người đốc tuần trang canh phòng”. Lệ tuần mỗi năm một lượt, người đi tuần hễ nghe lệnh là phải đến điếm canh. Vào tháng Năm và tháng Mười, khi mùa lúa chín, hoặc có hoa màu tuần phải cắt lượt canh đồng, mất đâu phải bồi thường đó. Lệ tuần trang cho phép được thu thu lệ phí trâu bò, gia súc và gia cầm.

Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường là nét nổi bật của Hương ước. Muốn dân làng mạnh khỏe phải theo phép vệ sinh, phòng và chữa bệnh. Từ nhiều thế kỷ đã qua, Hương ước khuyên người dân giữ nhà riêng và đường đi chung sạch sẽ, cấm vứt những vật ô uế ra đường; cấm vứt đồ vật của người ốm hoặc chết ra hồ ao; những người vi phạm bị phạt lấy tiền xung công quỹ. Các giếng nước phải tìm cách giữ gìn sạch đẹp, phí tổn tổn được làng trích tiền công chi. Hương ước cũng nghiêm cấm việc làm chuồng lợn, cầu tiêu bên đường hoặc nơi có thể chảy xuống hồ ao,kênh rạch; người vi phạm bị phạt nặng và phải đi rời đi ngay.

Trong xây dựng , bảo trì đường xá, cầu cống Hương ước làng Huyền Kỳ có quy định thống nhất bề rộng đường, ngõ có rãnh thoát nước;  Làng cử ban lục lộ để trông nom đường xá, cầu cống; hễ thấy hư hỏng phải trình Hội đồng để sửa. Đường đi chung, nếu hư hỏng nặng thì chiếu dân đinh phân phần phải tu sửa lại.

04d1f10e3441e91fb050-1677908820.jpg

Về phong tục. tùy theo từng vùng có sự khác biệt; song nhìn chung Hương ước đều quy định phép quân điền thổ đối với đất công, hôn lễ, tang lễ, việc tế lễ và khao vọng…. Hương ước xác định, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chộng là nghĩa vụ của người làm cha mẹ. Lệ làng quy định,nhà có con gái gả chồng được lấy một số tiền nhất định, nộp cho quỹ làng một khoản nhỏ, không được mời dân làng ăn uống linh đình, ai phá lệ làng phạt xung công quỹ. Tang lễ là sự buồn rầu, đau đớn, đặt tiệc mời khách là trái lẽ thường. Hương ước cũng quy định hộ tang là nghĩa vụ không ai được chối từ. Sau an táng, tang chủ cảm tạ dân làng ngay tại mộ là đủ, không ai được kéo nhau vào nhà tang chủ ăn uống.

Lệ làng ở nhiều nơi đều tôn trọng những người cao niên. Hương ước làng Huyền Kỳ quy định

người từ 58 tuổi trở lên được gọi là lão thượng, đến tuổi 74 lão thượng được biếu một khoảnh ruộng dưỡng già, đến tuổi 80 được làng biếu thêm một áo lụa đỏ. Từ 90 tuổi trở lên được biếu thêm một số quan tiền để tỏ lòng trọng xỉ.

Ở nhiều nơi thường niên, cứ đến một ngày nhất định Thư ký Hội đồng tộc biểu phải đọc lại toàn bộ Hương ước để toàn dân làng nghe, thấu hiểu để cùng làm theo. Với những quy định được cụ thể hóa thành những điều khoản thi hành, nội dung Hương ước đã thể hiện rõ quan hệ phát triển tổng hòa cả về kinh tế xã hội và môi trường trong phát triển bền vững, Hương ước ở các làng quê đậm tính nhân chủ, thái hòa mà cơ chế dân chủ cơ sở ngày nay có thể tiếp nối để đảm bảo quyền làm chủ của người dân trong quản lý nhà nước và xây dựng xã hội nông thôn.

...đến Hội đồng quản lý thôn bản trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều làng xã, thôn bản đã khơi lại truyền thống đoàn kết, phát huy nguồn lực cộng đồng để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống dân cư, Với cách làm sáng tạo, Hội đồng tự quản thôn, bản đã được hình thành ở nhiều nơi. Xây dựng NTM đã tiếp thu và phát triển giá trị nhân bản truyền thống để nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng xã hội nông thôn. Có thể rút ra từ đây việc làm nhạy bén của các cấp lãnh đạo Vị Xuyên, một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang.

tai-xuong-1677908900.jpg

Chúng tôi đễn bản Chang (Hà Giang) vào một buổi sáng cuối Thu, đồng bào các dân tộc trong trang phục Tày, Nùng, Dao, Mông , Thái… hồ hởi  chào đón cởi mở, chân tình như đón người thân trở về. Tìm hiểu tình hình địa phương chúng tôi đươc biết, thôn Chang có diện tích tự nhiên 124 ha, đất nông nghiệp chiếm 43,4%,31,5% là đất lâm nghiệp. Toàn thôn có 120 hộ vời trên 490 người sinh sống; số người trong độ tuổi lao động chiếm 65%; sản xuất kinh doanh chủ yếu là là nông nghiệp. Bước vào xây dựng NTM, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 90% tổng sản phẩm xã hội,tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thôn mới đạt 4/19 tiêu  chí xây dựng  NTM.

Trao đổi cùng dân bản chúng tôi hiểu rõ thêm, cuộc vận động xây dựng NTM đã được thực hiện theo hướng dân là chủ thể nên thu hút được sự đồng tình, tích cực hưởng ứng của toàn dân. Người dân tham gia với trách nhiệm cao trên tinh thần tự quản, mọi công trình xây dựng đều tự nguyện đóng góp công sức; cùng làm và tự kiểm tra, giám sát. Từ thảo luận bàn bạc dân chủ  trong dân, xây dựng NTM đã tập trung vào làm đường thôn, ngõ xóm, dựng cầu qua suối, xây cống qua đường; làm quang đường làng, sạch nhà ở và đồng ruộng .

Sau 3 năm xây dựng NTM, thôn Chang Đã đạt 19/19 tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16 triệu đồng/năm với sản lượng lương thực 750kg/người/năm; trên 42,5% số hộ từ khá giả trở lên và tỷ lệ hộ nghèo còn 4,1%.

duong-hoa-nong-thon-moi-3jpg-1651856623245380107764-1677908938.jpg

Với tâm nguyện của mọi người dân, nhằm nâng cao hoạt động tự quản trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng và phát huy dân chủ cơ sở, lãnh đạo thôn Chang đã chủ động đề xuất thành lập mô hình Hội đồng tự quản thôn gồm 9 thành viên, đại diện cho các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư. Hội đồng chịu trách nhiệm bàn bạc và quyết định mọi công việc trong xây dựng NTM; thực hiện các phương án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng và quản lý công trình phúc lợi trong thôn;đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Lãnh đạo huyện Vị Xuyên đã có kết luận về hoạt động quản lý và phát triển, Ủy Ban Nhân dân xã Việt Lâm đã có quyết định thành lập Hội đồng Quản lý và Phát triển (QL&PT) thôn Chang, đã ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng này.

Hội đồng QL&PT thôn là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện trực tiếp và rộng rãi  dân chủ nhằm phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước và các nhiệm vụ được giao. Với những nội dung quy định, Hội đồng QL&PT thôn Chang được bầu cử trực tiếp, có nhiệm vụ tổ chức cộng đồng dân cư cùng thảo luận và biểu quyết những nội dung trình cấp có thẩm quyền theo luật pháp. Hội đồng cùng bàn bạc để quyết định hoạt động tự quản theo quy định xây dựng NTM trong phát triển sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện tốt dương lối của Đảng; chính sách, luật pháp Nhà nước; thực hiện nghĩa vụ công dân; đảm bảo đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch; giữ gìn trật tự an toàn, vệ sinh môi trường; phòng  chống tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Quy chế hoạt động của Hội đồng QL&PT thôn, bản quy định những nội dung hướng vào dân chủ cơ sở; tham gia vào cuộc vận động” Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” Hội đồng hạt động theo nghị quỷết của Hội nghị toàn dân thôn, bản được tổ chức định kỳ hàng tháng, có sơ kết 6 tháng và tổng kết cuối năm để dánh giá việc thực hiện và xây dựng phương hướng hoạt động cho thời gian sau

Ghi nhận rút ra từ góc nhìn văn hóa

Cho dù ra đời cách nhau hàng thế kỷ, song Hương ước và Quy chế của Hội đòng QL&PT thôn bản vẫn có những nét tương đồng. Nội dung đều toát lên tinh thần văn hóa nhân bản; coi trọng nhân chủ thái hòa để phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng cộng đồng, tạo thuận lợi để mọi gia tộc đều thịnh giầu, dân làng sống có văn hóa, nề nếp,kỷ cương.

Hương ước và Quy chế Hội đồng QL&PT thôn bản đều hướng vào quy định những vấn đè cụ thể gắn với hoàn cảnh, phong tục tập quán lâu đời liên quan thiết thực đến lợi ích của người dân sống trong thôn, bản dựa trên nguyên tắc đao đức, quan niệm truyền thống và thiết chế nông thôn với nhiều hình thức tổ chức và quan hệ xã hội đan xen, chồng chéo.

Trong nhiều thế kỷ, Hương ước song song tồn tại cùng luật pháp, giữ vai trò là công cụ điều chỉnh quan hệ cộng đồng nông thôn. Đây là sợi dây ràng buộc hữu cơ mọi thành viên và tổ chức trong quản lý làng xã. Đó cũng là phương tiện để chuyển tải, hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật trong xử lý những vụ việc nảy sinh, giúp nhà nước can thiệp và diều hòa lợi ích của Làng với Nước. Hương ước đã phản ánh đời sống văn hóa, đưa dân làng vào khuôn khổ, gắn bó thành một cộng đồng bền chắc vì trách nhiệm và quyền lợi chung.

Do nhà nước chỉ tập trung quản lý các nguồn thu thuế, lính và phu phen, còn làng tự điều chỉnh các mối quan hệ. Làng được quyền tự trị tương đối để duy trì tập tục mà nội dung không đối lập với luật pháp của các triều đình nên thực hiện Hương ước đã thể hiện rõ tính chủ động theo truyền thống hiếu nghĩa, thuận đạo gia dình, tình làng nghĩa xóm và củng cố sự gắn kết cộng đồng. Nhờ quyền tự trị trong duy trì tập quán địa phương, Hương ước đã thể hiện được sức mạnh quản lý toàn diện xã hội nông thôn. Hội đồng tộc biểu đại diện cho các gia đình, dòng họ đã nói lên nguyện vọng của người dân, không bị áp đặt bởi người thừa hành việc quan.

Nghiên cứu cụ thể những quy định trong Hương ước của làng Huyền Kỳ và Hội đồng QL&PT thôn Chang chúng tôi nhận thấy Hương ước đã cụ thể hóa và toàn diện hơn, Hương ước nhấn mạnh nội dung tài chính, điều này dường như Hội đồng QL&PT thôn bản đã không đề cập, Quy chế Hội đông QL&PT thôn bản còn nặng về những nội dung chính trị, thiếu những định chế cụ thể để người dân dễ dàng thực hiện,

Từ nhìn nhận tổng hợp về phát triển nông thôn truyền thống và hiện đại có thể rút ra, Hương ước đã vận dụng những kinh nghiệm và quan niệm tổng hòa về nhân văn, dân chủ, thái hòa của tiền nhân từ buổi ban đầu dựng nước.

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/tu-huong-uoc-trong-xa-hoi-nong-thon-truyen-thong-den-hoi-dong-quan-ly-va-phat-trien-thon-ban-doi-dieu-suy-ngam-a3841.html