Kế hoạch hành động và lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận phát triển kinh tế mới thay thế cách tiếp cận truyền thống ở nước ta. Khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020) và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Thực hiện theo Điều 139 của Nghị định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện KTTH. Theo tinh thần này,Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (TN&MT) được Bộ TN&MT giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện.

kinh-te-tuan-hoan-1678930371.png

 

Mô hình kinh tế Tuần hoàn

Để có căn cứ xây dựng, hoàn thiện KHHĐQG thực hiện KTTH. Ngày 14 tháng 3 năm 2023, tại Hà Nội, Viện TN&MT đã phối hợp cùng Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn về “Kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện KTTH”.

Sau phát biểu khai mạc của Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ và đại diện của Quỹ HSF Việt Nam, Michael Siergner, các đại biểu tham dự Hội thảo đã sôi nổi trao đổi về kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng lộ trình KTTH cũng như lựa chọn lĩnh vực triển khai từ Hội đồng Doanh nghiệp về sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tiếp đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận về đề cương kế hoạch hành động quốc gia, những lĩnh vực trọng tâm và tiêu chí phù hợp trong thực hiện KTTH. Có thể nói, đây là trọng tâm cốt lõi của của Hội thảo kỳ này.

Giới thiệu đề cương kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH, TS. Lại Văn Mạnh đại diện cho Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, cần lấy lợi ích kinh tế môi trường và xã hội là động lực thúc đẩy KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm, thiết bị và lập quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phát triển Việt Nam thành một quốc gia đi tiên phong trong thực hiện KTTH với việc tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng thực hiện của từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền để cung ứng giải pháp dịch vụ công nghệ thích hợp.

Là quá trình lâu dài và liên tục phát triển, nhiều đại biểu cho rằng, cần phát triển những công nghệ đột phá, kết nối thiết thực để từng bước hình thành và hướng tới tăng trưởng hài hoà giữa mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên với phát sinh chất thải. Theo đó, trong tầm nhìn đến năm 2050, cần hình thành được hệ thống cơ cấu kinh tế bền vững, đạt mục tiêu không chất thải, hồi phục tự nhiên, phát thải ròng bằng 0 và một xã hội tuần hoàn vật chất. Hướng tới tầm nhìn 2050, trong thời gian đến năm 2025, dự thảo Kế hoạch KTTH phải lồng ghép được các chiến lược, quy hoạch phát triển, tái chế và  tái sử dụng chất thải ở các ngành, các cấp trong từng lĩnh vực và từng địa phương để tạo dựng nét văn minh mới trong áp dụng KTTH.

kinh-te-tuan-hoan-xu-the-tat-yeu-1678930433.jpg

Kinh tế tuần hoàn một xu thế tất yếu  (Nguồn: Vneconomy)

Nhằm đạt được tiêu chí ứng dụng hiệu quả tài nguyên tái chế, sử dụng chất thải ở mức tương đương với các quốc gia hàng đầu khu vực, trong ứng phó với BĐKH và quản lý tài nguyên cần đặt bảo vệ môi trường (BVMT) ở vị trí trung tâm để đảm bảo quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT. Mục tiêu đặt ra là phải giảm được mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên và vật liệu cần thiết theo hướng tiết kiệm năng lượng; tái chế,tái sử dụng chất thải và thu hồi năng lượng phái sinh. Theo đó, phải giảm được lượng phát thải/GDP ít nhất là 15% trong năm 2030 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Đối với các ngành cần tập trung vào khai khoáng; nông lâm ngư nghiệp; giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo; năng lượng, cấp nước; các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch, thông tin truyền thông và quản lý chất thải. Về loại hình đầu tư xây dựng cần lưu ý các hình thức đó là dự án đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và chế tạo sản phẩm.

Từ mục tiêu phát triển, nhiệm vụ giải pháp và lộ trình trọng tâm được đề xuất đã tập trung vào. Trước hết là nâng cao nhận thức và kỹ năng về KTTH để thay đổi thói quen và hành động, nhằm thay đổi tư duy coi trọng trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua lợi ích môi trường. Phải coi chất thải là một trong những đầu vào quan trọng của sản xuất kinh doanh; Thiết lập KTTH với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trọng tâm gắn sản phẩm với môi trường theo nguyên tắc cơ bản của thiết kế sinh thái; Thí điểm và nhân rộng mô hình KTTH trọng tâm nhằm tập trung nguồn lực nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện cơ chế chính sách điều hành để nhân rộng trong thực tiễn. Việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật thúc đẩy KTTH phải nhằm vào hình thành cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành để hoàn thiện và phát huy vai trò của các quy định luật pháp. Để hình thành và phát triển thi trường KTTH, cần từng bước thay thế công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ theo hướng thân thiện môi trường và hạn chế những rào cản thương mại có liên quan. Theo đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ; cung cấp tông tin dữ liệu và mạng lưới KTTH là điều kiện cần thiết.

Những vấn đề đăt ra đòi hỏi phải tăng cường liên kết vùng, ngành và nhiều lĩnh vực nhằm đa dạng hóa hình thức liên kết theo hướng thiết thực và phù hợp. Với mục tiêu tăng cường kết nối toàn cầu và trong khu vực nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng là một nội dung cần thiết.

Hy vọng vấn đề rút ra từ Hội thảo này sẽ tạo nhiều  thuận lợi cho phát triển KTTH ở nước ta./.

 

 

 

 

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ke-hoach-hanh-dong-va-linh-vuc-uu-tien-trong-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan-a3937.html