Tháo gỡ khó khăn để sản phẩm OCOP "phủ sóng" các siêu thị tại tỉnh Vĩnh Phúc

Theo thông tin của ngành Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 100 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm truyền thống, chủ lực chất lượng cao được thị trường trong nước tin dùng và xuất khẩu ra nước ngoài. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển là cơ hội thuận lợi để đưa các sản phẩm OCOP vào quảng bá, tiêu thụ. Trên cơ sở đó, ngành Công Thương đã xúc tiến chương trình kết nối cung cầu, tiêu thụ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh giữa các bên.

 Nhiều siêu thị lớn thiếu vắng sản phẩm OCOP của địa phương

Có một thực tế là, mặc dù số lượng sản phẩm OCOP lớn song trên thực tế, người tiêu dùng rất khó tìm mua các sản phẩm chất lượng của tỉnh ở siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Hay nói cách khác, sản phẩm OCOP dù nhiều, nhưng lại chưa được “phủ sóng” ở các siêu thị khiến người dân khó tiếp cận, còn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vẫn chật vật tìm đầu ra.

Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Trước đây, tôi được bạn bè tặng sản phẩm sữa gạo lứt rất tốt. Tìm hiểu được biết, đây là sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên, cơ sở sản xuất ở thành phố Phúc Yên. Dù muốn sử dụng sữa gạo lứt thường xuyên, hoặc mua để làm quà biếu cho người thân, nhưng việc tìm mua sản phẩm rất khó khăn vì ở siêu thị không có. Tại thành phố Vĩnh Yên cũng chưa có các đại lý, điểm bán sản phẩm, nên mỗi khi cần dùng đều phải nhờ người nhà mua giúp rồi chuyển ship rất phiền phức”.

Theo đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên, hiện nay các sản phẩm của công ty chưa được bày bán tại các siêu thị, chủ yếu cung ứng qua chuỗi hệ thống bán thực phẩm sạch tại Hà Nội, các đại lý bán hàng ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Còn tại Vĩnh Phúc, các sản phẩm đang được giới thiệu, bày bán ở các gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP của tỉnh như Trạm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Km6 xã Kim Long, huyện Tam Dương; Trung tâm Giống nông nghiệp, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương. Tại đây, sức tiêu thụ không lớn do đối tượng khách hàng chủ yếu là khách du lịch.

Phát biểu tại hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngọc Phi cho rằng, tỉnh ta có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa theo quy định.

Trong số 105 sản phẩm OCOP, có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao đã được thị trường trong nước tin dùng và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hiện nay, các sản phẩm này chưa được giới thiệu, bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn. Từ thực tế này, ngành Công Thương sẽ tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi bán lẻ… giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nâng cao sức tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Ghi nhận tại một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên cho thấy, trong khi các sản phẩm OCOP của địa phương vắng bóng thì thực phẩm, hàng hóa của các tỉnh bạn lại rất nhiều. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng trăn trở mà ngay chính các chủ thể OCOP cũng cảm thấy băn khoăn.

Đại diện Siêu thị Go!Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay, Siêu thị Go!Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm OCOP nhưng đều ở các tỉnh, thành lân cận, riêng Vĩnh Phúc chưa có. Chúng tôi mong muốn siêu thị có thêm gian hàng OCOP của tỉnh nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, nâng cao doanh thu từ việc đẩy mạnh sức tiêu thụ các sản phẩm có chất lượng của địa phương. Chúng tôi đã phổ biến cụ thể, chi tiết các yêu cầu, điều kiện, tiêu chí về hồ sơ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các chủ thể OCOP có nhu cầu đưa sản phẩm vào giới thiệu, bày bán tại Siêu thị Go!Vĩnh Phúc cần đăng ký các nhóm, ngành hàng và hoàn thiện, nộp hồ sơ cho Sở Công Thương để làm các thủ tục đưa sản phẩm vào siêu thị".

Cũng theo đại diện Siêu thị Go!Vĩnh Phúc, đơn vị mong muốn có nhiều sản phẩm OCOP góp mặt tại siêu thị để làm nổi bật gian hàng của tỉnh. Doanh nghiệp sẽ ưu tiên những vị trí trung tâm để trưng bày giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ nhà cung cấp trang trí quầy kệ đẹp, có tạo hình logo nhằm tăng sự nhận diện cho sản phẩm, tạo điểm nhấn nổi bật nhằm thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Tháo gỡ khó khăn để sản phẩm OCOP "phủ sóng" các siêu thị
 
Theo các chủ thể OCOP cũng như doanh nghiệp bán lẻ, để đưa các sản phẩm vào siêu thị đã khó, nhưng để người dân tin dùng hàng hóa của địa phương lại càng khó hơn. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ tối đa của ngành Công Thương và doanh nghiệp bán lẻ thì nhà cung cấp cần phải có chiến lược kinh doanh tốt để thúc đẩy sức mua hàng hóa trong siêu thị.

Trao đổi băn khoăn này, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Bình Minh Mạc Tuấn Hải cho biết: “Sản phẩm xúc xích, thịt lợn thảo quế của chúng tôi sau nhiều năm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đến nay cũng chưa được đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Vấn đề không phải do hồ sơ sản phẩm không đủ điều kiện, tiêu chí, mà đối với thực phẩm tươi sống có những khó khăn nhất định. Thông thường, các siêu thị lớn hiện nay đều thực hiện quy tắc đổi trả. Việc nhà bán lẻ bán hàng không “nhanh tay” khiến sản phẩm bị hết hạn, “cận date” dẫn đến phải đổi trả, ảnh hưởng tài chính lớn cho nhà cung cấp. Chưa kể tình trạng nhà cung cấp bị tồn đọng vốn lớn nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, thậm chí lỗ là rất lớn".

Cũng theo ông Hải, hàng vào siêu thị thì dễ, nhưng có bán được ra hay không lại là câu chuyện khác. Hay nói cách khác, các sản phẩm OCOP vào siêu thị dễ dàng “lên kệ” nhưng không phải “xuống kệ” ngay trong một sớm một chiều được.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Siêu thị Go!Vĩnh Phúc khẳng định, không phải sản phẩm nào vào siêu thị cũng đẩy mạnh tiêu thụ được nếu không có sự đầu tư đúng mức về truyền thông. Một thương hiệu sản phẩm muốn được khách hàng ghi nhận cơ bản phải có sự truyền thông tốt. Phần việc này do nhà cung cấp thực hiện, còn nhà bán lẻ chỉ có thể hỗ trợ. Do đó, nhà cung cấp phải có chiến lược quảng bá sản phẩm tốt cũng như tăng cường phối hợp với siêu thị để đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng thì kinh doanh mới thành công.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên, để đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh thì thời gian tới doanh nghiệp phải mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản lượng. Về vấn đề này, doanh nghiệp đã có sự tính toán, định hướng phát triển để có những bước tiến xa hơn.

Theo đánh giá của ngành Công Thương, mặc dù hệ thống bán lẻ của tỉnh phát triển, nhưng để đưa thành công các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm mua sắm phải có sự đồng thuận, hợp tác từ 2 phía là nhà cung cấp và nhà bán lẻ. Các bên phải có sự trao đổi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để tìm tiếng nói chung trong kinh doanh. Có như vậy, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh mới có cơ hội, điều kiện phát triển theo hướng bền vững.

Minh Trí

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/thao-go-kho-khan-de-san-pham-ocop-phu-song-cac-sieu-thi-tai-tinh-vinh-phuc-a3959.html