Bảo tồn văn hóa truyền thống với thành công chữa trị của y học dân tộc

Những năm đầu thế kỷ XX, khi đến với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận xét rất tinh tế đó là, trong nghiên cứu, những công trình của Mác còn có khoảng trống về kinh tế xã hội Phương Đông.

Phương Đông theo Người dùng để chỉ các nước châu Á với những tôn giáo lớn ở các lưu vực sông đông dân; còn phương Tây chủ yếu là Tây Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Tây Ban Nha và cả Hoa Kỳ. Ngoài vị trí địa lý khác nhau, Đông-Tây còn có sự khác biệt đáng kể về cách tiếp cận và lối sống. Giữa 2 khu vực không chỉ bị chi phối bởi địa hình, mà còn do những trường phái tư tưởng đến từ những hoạt động khác nhau. Đặc điểm khác biệt giữa Đông-Tây là tính ổn định đối nghịch với động thái biến đổi nhanh để tạo những nên những nét riêng trong đời sống xã hội. Nếu biết cách vận dụng, kết hợp được các chủ đề phân tích có thể đem lại ảnh hưởng tích cực đến nhiều vấn đề về tình huống và thực tế diễn ra.

Từ tiến bộ của khoa học và công nghệ, không ít quốc gia đã từng coi nhẹ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm để chuyển sang khoa học thực chứng. Ngày nay, khi tìm về văn hóa bản địa thì những gì còn lại chỉ là những kiến thức tản mạn, thất truyền hoặc qua truyền miệng. Từ những nét nổi bật về y học phương Đông, bài viết đề cập đến một số vấn đề để cùng trao đổi.

1. Sự khác biệt giữa triết lý Đông-Tâyvà nét cơ bản của văn hóa phương Đông

Triết lý phương Tây thường đi từ gốc lên ngọn, từ thế giới quan, vũ trụ quan và bản thể luận để xây dựng nhân sinh quan. Ngược lại, triết học phương Đông lại đi từ ngọn xuống gốc, từ nhân sinh quan, cách sống rồi mới đến vũ trụ quan và bản thể luận. Triết Đông mềm dẻo, còn ở triết Tây lại theo hệ thống chặt chẽ; nếu phương Tây gắn với khoa học, nhất là khoa học tự nhiên thì ở phương Đông lại gắn bó với hiền triết là những nhà tôn giáo, giáo dục và chính trị-xã hội.

Triết học phương Tây thiên về giải thích thế giới, còn mục đích của triết lý phương Đông lại là cải tạo thế giới về xã hội, giải thoát con người và làm cho họ hoà đồng cùng với thiên nhiên. Đối tượng của triết học phương Tây rộng lớn, bao gồm toàn bộ tự nhiên, xã hội, với triết lý lấy bên ngoài giải thích cái bên trong theo xu hướng duy vật. Ngược lại, triết học phương Đông lại lấy xã hội, cá nhân làm gốc, là tâm để nhìn nhận nên đối tượng chủ yếu lại là xã hội, chính trị, đạo đức, tâm linh và do vậy hướng nội, lấy bên trong để giải thích cho hiện tượng bên ngoài và trở thành xu hướng chính.

Có thể thấy, Triết học phương Tây hướng về tư duy duy lý, phân tích mổ xẻ; còn triết Đông lại thiên về trực giác. Thế mạnh phương Tây là khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đi từ phát triển nhận thức hướng đến chân lý vô hạn, thông qua những vấn đề trừu tượng trong xu thế giảm tính tổng thể. Ngược với xu thế này, triết Đông lại dùng trực giác để đi thẳng đến mọi hiểu biết. Phương Tây có xu hướng tách chủ thể với khách thể để nhận thức khách quan, còn phương Đông thường đặt con người và đối tượng nhận thức vào cùng 1 hệ quy chiếu. Nhận thức của triết học phương Tây là khái niệm, mệnh đề; dùng biểu thức lôgíc để mô tả đối tượng. Ngược lại, phương Đông thường sử dụng phép ẩn dụ, liên tưởng, hình ảnh, ngụ ngôn với tính đa nghĩa, khác biệt để mô tả. Cho dù có thay đổi, nhưng vẫn lấy phần gốc lõi làm nền. Do phương Tây thiên về thay đổi nhảy vọt về chất nên càng tiến hoá lại càng phong phú, càng xa với gốc ban đầu.

Trong giải thích quy luật vận động, khác với phương Đông nghiêng về thống nhất hay vận động tuần hoàn; phương Tây lại thiên về tranh đấu để phát triển. Phân tích tư liệu còn cho thấy, triết học phương Tây thiện về hướng ngoại, đấu tranh sống còn; cạnh tranh, bành trướng với tri thức suy luận, khoa học và thiên về thực thể. Ngược lại, phương Đông là hướng nội với tư duy trực giác, quân bình, hoà hợp tập thể, tổng hợp, tâm linh và chú ý nhiều đến các mối quan hệ xã hội.

Là những trường phái tư tưởng chịu ảnh hưởng rõ nét của nền văn minh, sự khác biệt giữa triết học Đông-Tây là chủ nghĩa cá nhân của phương Tây và tập thể ở phương Đông. Triết lý phương Đông thu hút các nhóm xã hội hành động và cùng suy nghẫm để tìm ra ý nghĩa cuộc sống thoát khỏi khái niệm giả dối và khám phá thực sự mọi mối quan hệ xung quanh. Ngược lại, phương Tây lại mang tính cá nhân để tìm ra ý nghĩa cuộc sống mà bản thân được đặt ở trung tâm.

Có thể nhận thấy nguyên tắc triết học phương Đông là sự thống nhất. Thống nhất vũ trụ là điểm chính trong hành trình tìm về thực tại cuộc sống và sự tái diễn để hình thành vòng luân hồi khép kín. Đây là điều quan trọng của đạo đức dựa trên hành vi và sự phụ thuộc từ trong ra ngoài. Để giải thoát, trước hết nội tâm cần phù hợp với thế giới xung quanh. 

Ở phương Đông, Âm Dương Ngũ Hành là học thuyết ưu tú và quan trọng trong lý giải nhiều vấn đề phức tạp cả về tự nhiên và xã hội. Thuyết Âm Dương, Ngũ Hành ngày nay có nhiều biến cải nhưng không thể phủ nhận giá trị mang lại, đặc biệt là trong những vấn đề phong thủy, tâm linh.

Thuyết âm dương là quan niệm khởi nguồn từ những năm 2880 trước công nguyên và được duy trì, phát triển cho tới ngày nay. Mặc dù duy vật biện chứng thịnh hành cùng với nhiều trường phái triết học khác, song thuyết âm dương vẫn được nhiều học giả sử dụng trong những công trình nghiên cứu về dự đoán học. Sự tiến hoá theo quy luật vận động được phát hiện qua thái cực sinh lưỡng nghi (âm, dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thiếu âm và thiếu dương), tứ tượng sinh bát quái(càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài). Cơ cấu của sự biến hoá không ngừng đó là tính ức chế, hỗ trợ, nương tựa vào nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển. 

Người xưa coi thuyết “âm-dương” là thuộc tính của mọi hiện tượng diễn ra trong vũ trụ, trong từng tế bào và những chi tiết nhỏ. Nhất nguyên vũ trụ sinh lưỡng nghi, rồi phân thành những cấp tiếp theo là tứ tượng (nước, lửa, đất và khí). Thuyết âm dương cho thấy, mọi biển thể sinh diệt, sống chết đều do sự vận động của âm và dương. Dương bao gồm những thuộc tính mạnh mẽ như sự biểu lộ của trời, nam tính, bề trên, sang trọng, ban ngày, ánh sáng, sức nóng, năng lượng, sự chuyển động mạnh mẽ, náo nhiệt và hưng phấn. Âm bao gồm những thuộc tính yếu mềm, biểu lộ của nữ tính, bóng tối, mặt trăng, sự mềm mại, yếu đuối, trầm tính và mối quan hệ thụ động.

Trong bát quái, âm dương được thể hiện qua hai màu đối lập trắng/đen thể hiện tính“nhị nguyên; cũng như sự hòa quyện lẫn nhau để nói lên sự hòa hợp. Quy luật âm dương đối lập và thống nhất xuyên suốt trong mọi sự vật; âm và dương dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Theo đó, không có âm thì không có dương và ngược lại. Thực chất, âm dương không thuần nhất mà trong dương có âm và trong âm vẫn tiềm ẩn dương, hai thuộc tính này có thể chuyển hóa lẫn nhau. Chuyển hóa âm-dương là quy luật tất yếu để tạo ra sự phát triển hài hòa và bền vững.  Âm dương vận hành thể hiện ở thế động. Theo đó, cân bằng cũ bị phá vỡ theo quy luật vận hành và cân bằng mới sẽ được thiết lập. Mọi sự vật, hiện tượng luôn thay đổi, vận động; qua ngày tới đêm, hết sáng đến tối và nóng đi lạnh đến.

Ngày nay, còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm khởi nguồn của thuyết Ngũ hành. Thuyết ra đời giải thích về sự vật, hiện tượng một cách rõ ràng và hợp lý hơn với những quy luật sinh khắc vô thường. Thuyết Ngũ hành được khởi xướng từ hàng nghìn năm trước Công nguyên. Theo đó, bất kì một dạng thể nào của thế giới vật chất và thực thể sống đều tùy thuộc vào Ngũ hành, bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nhờ vậy, việc nắm bắt các thuộc tính của sự vật và hiện tượng được quy định rõ ràng hơn. Hoạt động Ngũ hành được miêu tả bằng các quy luật. Quy luật tương sinh là một vòng khép kín, tạo mối quan hệ tương hỗ cho sự sinh sôi nảy nở, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi hành đều có quan hệ với 2 hành khác, mối quan hệ này diễn tả bằng cái Sinh ra nó và cái Nó sinh ra. Sự hỗ trợ lẫn nhau dễ suy đoán. chẳng hạn như Thủy sinh Mộc vì nước tưới giúp cây tươi tốt; Mộc sinh Hỏa vì gỗ là nguyên liệu giúp bén lửa. Cứ như vậy, vòng tròn tương sinh đã được ra đời.

Mối quan hệ tương khắc trong Ngũ hành cũng giống như âm và dương, nó tạo thành thế cân bằng với tương sinh, tương khắc. Tương khắc chỉ mối quan hệ khắc chế lẫn nhau giữa 2 hành. Cụ thể là Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.

Tương tự là mối quan hệ tương sinh, mỗi một hành đều liên hệ với 2 hành khác thông qua quan hệ khắc chế (Cái nó khắcCái khắc nó). Sự khắc chế cũng được suy luận theo lẽ tự nhiên như Thủy khắc Hỏa vì nước sẽ dập tắt lửa. Hỏa khắc Kim vì lửa có thể nung chảy kim loại. Trong ngũ hành, bất kì hành nào cũng bị quy luật này chi phối. Theo đó, sự phát triển cực thịnh dẫn đến dư thừa và dư thừa có nguy cơ làm suy giảm. Để diễn giải quy luật Ngũ hành phản sinh, có thể mô hình hóa bằng hình ảnh chăm sóc một đứa trẻ nhỏ. Muốn em bé lớn nhanh phải cho ăn uống đầy đủ; nhưng nếu cho ăn quá độ dễ gây bệnh tật, thậm chí dẫn đến tử vong. Thổ sinh Kim, nhưng quá nhiều Thổ lại dễ chôn vùi mất Kim.

Thuyết âm dương được ứng dụng đa dạng trong việc luận giải hiện tượng trong các chuyên ngành như đông y, quân sự, thể biến, thiên biến, Trong phong thủy, thuyết âm dương là chỗ dựa cho nhiều lý giải. Các nhà phong thủy, địa lý cũng dựa vào học thuyết này để xem xét, đề xuất hay sửa chữa những sai lệch của nhiều vấn đề có liên quan. Cùng với vấn đề gợi ra, thuật phong thủy còn vận dụng kiến thức tương sinh, tương khắc và ngũ hành để chỉ ra tính chất của đất đai. Từ đó đề xướng, sửa đổi để thu được những cái lợi mà tính chất môi trường mang lại. 

2. Y học dân tộc dựa trên hệ kinh lạc với khả năng châm cứu

Theo triết lý phương Đông, mọi sự vật và hiện tượng đều có 2 mặt đối lập hỗ trợ và kiềm chế lẫn nhau; để tồn tại và phát triển phải đảm bảo cân bằng trong các hệ thống. Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng các cơ quan vận hành trơn tru, con người khỏe mạnh, tinh thần sung mãn. Lúc mất cân bằng, thể trạng suy yếu khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Nguyên tắc khôi phục là tạo cân bằng âm dương nhằm điều hòa chức năng của lục phủ, ngũ tạng, tăng cường lưu thông khí huyết và thông kinh mạch.

Từ từ cổ xưa, trong Y học phương Đông, người ta đã xác định, trong cơ thể người có hệ thống kinh lạc, bao gồm những đường kinh nối phủ tạng ra ngoài da và các đường lạc nối những đường kinh với nhau. Kinh lạc là đường khí huyết vận hành trong cơ thể, liên kết đan xen ngang dọc, liên thông trên dưới, trong ngoài, là cái lưới liên lạc toàn thân. Trong các đường kinh lạc có sinh khí vận hành nhằm điều hòa khí huyết, giúp cơ thể khỏe mạnh và chống lại những tác nhân gây bệnh. Hệ kinh lạc với tác dụng lưu thông khí huyết, dưỡng âm dương tố chất, nuôi dưỡng các cơ quan (Hành khí huyết, dinh âm dương, nhu cân cốt, lợi quan tiết ) thuộc lục phủ, ngũ tạng, thông trong đạt ngoài, vận hành khí huyết để duy trì bình thường công năng sinh lý của các bộ phận trong tổ chức cơ thể. 

y-hoc-phuong-dong-1684583222.jpg

                                                         Sơ đồ hệ kinh lạc trên cơ thể người (Nguồn: trithucvn.org).

Ở tình huống bệnh lý, hệ kinh lạc liên quan tới sự phát sinh và truyền bệnh tật. Cơ thể bị xâm nhập nếu tác dụng bảo vệ phần ngoài không bình thường, bệnh sẽ men theo đường kinh mà truyền vào phủ tạng. Ngược lại, tạng phủ có bệnh, nó cũng sẽ men theo đường kinh lạc để thể hiện triệu chứng tương ứng ra phía ngoài cơ thể (Wikipedia 2022).

Đường kinh lạc hoạt động tùy thuộc vào công năng của lục phủ, ngũ tạng.Tác động lên các huyệt đạo trên mạch có thể khắc phục được những rối loạn kinh mạch. Theo đó, châm cứu là phương pháp gây kích thích để tạo ra phản xạ có tác dụng ức chế hoặc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Châm cứu vào các huyệt đạo có thể loại bỏ được những tác nhân gây bệnh trong nhiều trường hợp khác nhau. Tác động của châm cứu thường diễn ra theo cơ chế tại chỗ, tiết đoạn và toàn thân.

Do tổn thương nội tạng có quan hệ với giao cảm của vùng da trong cùng tiết đoạn khi sử dụng  huyệt đạo để điều trị bệnh lý bên trong, Tác động vào những huyệt dạo này sẽ gây phản ứng tiết đoạn, tạo luồng xung đột thần kinh hướng tâm. Những xung động được truyền đi tạo cung phản xạ li tâm theo sợi vận động đến tiết đoạn châm cứu hoặc các mạch máu và cơ quan nội tạng tương ứng để điều hòa cơ năng sinh lý của cơ thể. Theo đó, thầy thuốc sẽ lựa chọn vùng da và huyệt vị ở cùng tiết đoạn thần kinh tương xứng với với cơ quan nội tạng bị tổn thương. Một huyệt đạo có thể được dùng để chữa nhiều tổn thương và một bệnh có thể được sử dụng nhiều huyệt đạo để điều trị. Cho dù lựa chọn cách nào thì bất kỳ một kích thích nào trên cơ thể cũng liên quan đến hoạt động của vỏ não và tác động đến toàn thân. Nhờ đó, sau khi tác động, các luồng xung động thần kinh đều liên tục truyền về tủy sống và não bộ, làm biến đổi nội tiết và thể dịch. Từ đó, ảnh hưởng đến các hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa và bài tiết.

3. Cấy chỉ, nét mới của châm cứu trong nền y học hiện đại

Cấy chỉ được đánh giá là phương pháp trị liệu đạt hiệu quả cao nhờ kết hợp giữa châm cứu truyền thống với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Cấy chỉ còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ hoặc thắt buộc chỉ với hàm nghĩa đưa chỉ tự tiêu (catgut) vào các huyệt đạo của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích, tạo tác dụng điều trị lâu dài. 

Với phương pháp châm cứu truyền thống, người châm thường đưa kim vào huyệt vị và lưu lại tại đó chừng 30 phút, kích thích chỉ được tạo ra tại thời điểm châm cứu và sau đó vài giờ nên bệnh nhân thường phải châm cứu hàng ngày. Bằng cách trị liệu mới, chỉ được đưa vào huyệt vị và lưu lại, tạo kích thích liên tục nên tác dụng kéo dài cho đến khi tiêu hết nên người bệnh không phải làm thủ thuật hàng ngày. Đến nay, phương pháp cấy chỉ đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở y học dân tộc và đã thu nhận được nhiều kết quả tích cực sau các liệu trình trị liệu. 

Cấy chỉ mang lại hiệu quả cao, bệnh nhân cảm nhận rõ rệt sự thuyên giảm của các triệu chứng bệnh tật ngay từ những lần điều trị đầu tiên. Bên cạnh đó, phương pháp này còn duy trì được tác dụng lâu dài, hạn chế bệnh tái phát trở lại.

Là phương pháp trị liệu không dùng thuốc, chỉ bằng kết hợp với kim châm để đưa chỉ tự tiêu vào bên trong cơ thể. Phương pháp này an toàn cho sức khỏe, giúp tăng lưu thông máu, tăng thể trạng và sức đề kháng. Khi cấy đoạn chỉ tự tiêu vào huyệt vị sẽ làm tăng phản ứng đồng hóa, giảm dị hóa, đồng thời tăng cường chuyển hóa protein, hydratcacbon tại các cơ gần huyệt vị. Thông thường cấy chỉ diễn ra từ 30 phút đến 1 giờ với khoảng cách giữa 2 lần cấy từ 10 đến 15 ngày. Do đó, người bệnh không tốn nhiều thời gian, giúp giảm tối đa chi phí điều trị.

Theo các nhà y học, cấy chỉ đầu tiên được áp dụng rộng ở Việt Nam vào những năm 1970-1971 trong điều trị các bệnh hen phế quản, viêm loét dạ dầy tá tràng, liệt dương, hội chứng thắt lưng hông, các chứng liệt vận động. Trước đây, để đưa chỉ catgut vào huyệt vị, người ta phải rạch da rồi vùi chỉ vào huyệt hoặc dùng kim khâu chỉ vào huyệt nên cấy chỉ khó áp dụng rộng rãi. Ngày nay, với phương pháp cấy chỉ bằng kim có nòng thông, một yếu tố quan trọng để phổ cập nên cấy chỉ ngày càng phát triển rộng rãi 

Nhờ những thiết bị đo và kiểm nghiệm sinh hóa hiện đại, việc dùng chỉ catgut cấy vào huyệt vị có tác dụng làm tăng protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng ở cơ. Bằng cơ chế kích thích huyệt vị, tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của nhiều bệnh nhân đã được cải thiện, đồng thời với gia tăng những sợi cơ tạo thành nhiều bó, đặc biệt đối với những sợi cơ lỏng lẻo được kết chặt lại và bên trong có thể phát sinh những sợi dây thần kinh mới

4. Đôi dòng suy ngẫm thay cho lời kết

Nghiên cứu y học dân tộc hiện còn dựa nhiều vào hiện tượng nên chưa thể thấy hết bản chất về khí và các hệ Kinh lạc, còn xa mới hiểu tường tận về sự huyền bí của cơ thể con người theo những nguyên lý cổ truyền. Điều đáng tiếc là, từ những tiến bộ của y học phương Tây, trong thời gian dài không ít quốc gia đã coi nhẹ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm để chuyển hướng sang khoa học thực chứng. Ngày nay, khi các nhà khoa học tìm về văn hóa phương Đông thì những gì còn lại chỉ là những kiến thức tản mạn, thất truyền hoặc chủ yếu là qua truyền miệng. 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Công sản Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, đã coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển dân tộc và quốc gia. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã chỉ ra“Vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đảng chủ trương: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại” (Đảng Cộng sản Việt Nam 2021).

Trong bối cảnh ngày nay, phát huy giá trị văn hóa truyền thống còn góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc. Từ quan điểm của Đảng lãnh đạo, khi những bí ẩn được làm sáng tỏ, cuộc cách mạng khoa học mới chắc chắn sẽ mang lại cho ngành y học cổ truyền những bước phát triển tốt đẹp và mạnh mẽ hơn nhiều./.

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/bao-ton-van-hoa-truyen-thong-voi-thanh-cong-chua-tri-cua-y-hoc-dan-toc-a4409.html