Học vị, chức tước phẩm hàm xưa trong nghiên cứu lịch sử cội nguồn

Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Nước Việt thời nhà Đinh, nhà TIền Lê chưa tổ chức khoa cử Đến triều đại nhà Lý, đời vua Nhân Tông (1072-1076) mới mở khoa thi Bác học đầu tiên. .Đến đời Lý Anh Tông (1138-1140) có phép thi Đình, xây dựng quy chế dùng người, điều mục và đại cương gần như đầy đủ. Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính chỉ ra, năm Thái Bình thứ tư đời vua Thánh Tôn (1075) nước ta mới bắt đầu mở khoa thi kén lấy người minh kinh bác học. Thời vua Lý Anh Tông đã mở khoa thi Thái học sinh, ai đỗ được bổ dụng làm quan. Đến đời nhà Trần, đường khoa cử mở rộng phép thi chia thành tam giáp, định lệ để các đời sau tuân theo. Phép thi ngày càng hoàn chỉnh; nhà Lê khai quốcđã mở khoa thi Hội; đến đời vua Lê Thái Tông (1434-1442) định lệ 3 năm một khoa,qua bốn trường khác nhau truyền đến thời nhà Nguyễn.

anh-chup-man-hinh-2023-06-10-luc-151805-1686385137.png

Trong nghiên cứu lịch sử cội nguồn ngày nay, các nhà phân tích dễ bi lầm lẫn về học vị chức tước, phẩm hàm của cán danh nhân và những người có công với đất nước. Nhằm hạn chế bớt khó khăn thường gặp, sau nhiều trao đổi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến chuyên gia. Diễn đàn xin gợi ra một số vấn đề dưới đây để cùng trao đổi.

1. Về chế độ Khoa bảng và Học vị thời xưa

Khoa cử mang hàm nghĩa của chế độ tuyển bạt người hiền tài bằng hình thức khảo thí. Tại Việt Nam chế độ này được gọi là khoa bảng.

Người xưa quan niệm, một người học chữ nho giỏi ở thôn, xã được chính quyền công nhận là Nho sinh. Nho sinh sát hạch ở cấp phủ/huyện nếu trúng tuyển được gọi là khóa sinh. Khoa sinh trúng tuyển ở cấp Tỉnh được gọi là Thí sinh. Họ được dự kỳ Thi Hương do Nhà Nước tổ chức. Ở một khu vực rộng, gồm một số Tỉnh sẽ có trường thi Hương. Theo những cụ Đồ kể lại, trường thi Hương thường là một bãi rộng được rào kín, Thi sinh phải mang theo lều trõng đến để dự thi.

anh-chup-man-hinh-2023-06-10-luc-151811-1686385137.png
Khoa bảng ở Nam Định năm 1897      (Ảnh Wikipedia)

Kỳ thi Hương phả trải qua 4 trường (nhất, nhị, tam, tứ) mỗi trường thi một vài môn. Trúng tuyển tam trường đạt một học vị đáng nể, còn tứ trường lấy một số Hương Cống (Công sinh) hoặc Cử nhân và số ít xuất sắc hơn gọi là Sinh Đồ hoặc Tú Tài.

Người đỗ từ Cử nhân trở lên được bổ nhiệm làm Quan, người chờ bổ nhiệm gọi là Hậu bổ. Người đỗ Tú tài chưa đươc bổ nhiệm phải thi lại khóa sau, đỗ Tú tài 2,3 lần được gọi là Tú kép.

Đỗ từ Cử nhân trở lên được dự kỳ thi Hội ở kinh đô, trúng tuyển thi Hội được cấp bằng Tiến sĩ, Đỗ đầu thi Hội Hội nguyên. Các Tiến sĩ được dự thi Đình gọi là Đình thí hoặc Điện thí, do Vua làm Chánh chủ khảo, Trúng tuyển thi Đình được phân thành 3 mức đó là Đệ nhất giáp cập đệ; Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ lấy 3 người đỗ đầu gọi là Tam khôi, người đỗ thứ nhất là Trạng nguyên thứ 2 là Bảng nhãn và thứ ba là Thám hoa. Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân lấy một số Hoàng giáp, còn Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ chỉ là Tiến sĩ thông thường.

Người đỗ đầu thi Đình được gọi là Đình nguyên; có nhiều khóa thi Đình nguyên chỉ là Thám hoa hoặc Hoàng giáp.

2. Về Tổ chức và Chức vụ nhà nước

Trong các triều đại phong kiến, đứng đầu triều đình thường là Thái sư, Thái phó, Thái bảo được gọi là Tam công hoặc Tam thái. Thái sư là người đứng đầu Tam công thường là chú, bác nhà Vua hoăc công thần đặc biệt (Thái sư Trần thủ Độ thời nhà Trần; Trần Quang Khải là chú ruột Trần Thánh Tông; Cương Quốc Công Nguyễn Xí phò vua Lê Thánh Tông v…v..). Dưới Tam công có Tam côThiếu sư, Thiếu phó, Thái bảo. Dưới tam cô có lục Khanh gồm Thái tể và các Bộ (Lễ, Hộ, Binh, Hình. Công ) hoăc Cửu Khanh là Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Trủng tể (Thừa tường), Tư đồ (Lễ), Tư bá (Hộ), Tư mã (Binh), Tư khấu (Hình) và Tư không (Công).

anh-chup-man-hinh-2023-06-10-luc-151818-1686385137.png
Quan lại trong xã hội phong kiến Việt Nam

Ở nước ta, thời Trần đã đặt ra chức tả, hữu Tướng quốc Bình chương sự đứng đầu triều đình. Đầu một Bộ là Quan Hành Khiển; cấp Trấn có Tông trấn hoặc Tri quân dân sự điều hành. Thời Hậu Lê dưới Tể tướng có lục Bộ; đến đời Lê trung Hưng ở phủ chúa có chức Tham tụng (ngang Tể tướng) và lục Phiên (như lục Bộ) và Bồi tụng là cấp phó của Tham tụng. Trong các triều đình còn có Sử đài do Đô ngự sử cầm đầu, chuyên việc can giàn nhà Vua; Đô sát Viện đứng đầu là Đô ngự sử, làm nhiệm vụ kiểm sát; Đại học Quốc gia (Quốc Tử giám) do Tế tửu đứng đầu, Tư nghiệp là cấp phó; Quốc sử quánChánh phó Tổng tài lãnh đạo, lo về quốc sử và Ngự y viện chuyên chăm sóc sức khỏe cho Vua và gia đình nhà vua do Chánh ngự y đứng đầu. Ngoài ra, còn có tòa Thái giám do Tổng quản đứng đầu, cai quản các hoạn quan lo việc hầu hạ Vua và các bà vợ, thiếp của Vua.

Triều đại nhà Nguyễn không có Tể tướng mà có lục Bộ (lại, hộ ,hình, bimh, công, học). Đứng đầu các Bộ là chức Thượng thư, Thứ trưởng là Tham tri, cấp cục, vụ trưởng là Thị lang. Trong đó Thượng thư Bộ Lại đứng đầu triều đình.

Đến đời Vua Minh Mạng đất nước mới bắt đầu chia thành tỉnh, Đứng đầu tỉnh lớn là Tổng đốc, tỉnh vừa là Tuần phủ, tỉnh nhỏ là Quản đạo. Phủ doãn là quan hành chính đứng đầu kinh đô với cấp phó là Phủ thừa. Ở từng tỉnh đều có Bố chánh sứ, Án sát sứ, Đốc học hoặc Huấn đạo. Tỉnh chia ra các Phủ do Tri phủ đứng đầu, Dưới Phủ có Huyện. Huyện lớn đứng đầu là Chế Lệnh  huyện và huyện nhỏ do Tri huyện cầm đầu. Trong các cơ quan cấp Phủ, Huyện  đều có chức Đề lại, Thừa phái, Thơ lại và Giáo thụ (chuyên lo học hành). Ở vùng dân tộc ít người, Huyện được gọi là Châu do Tri châu đứng đầu. Dưới Huyện có Tổng do Chánh, Phó Tổng lãnh đạo, Dưới Tổng là Xã, Thôn  (Làng ,Bản, Ấp), Ở những Thôn, Xã lớn thường chia thành Giáp. Thôn có chức Lý trưởng và Xã có Xã trưởng. Ngoài ra, còn có Hương tri, Hương mục, Bản bạ và Hương kiểm (Trương tuần) giúp việc. Thời thực dân Pháp cai trị các Huyện trực thuộc Tỉnh, sau cách mạng tháng Tám 1945 cấp Phủ không còn, tất cả đều là Huyện.

Thời phong kiến, chi huy quân sự chung cả nước thường là chức Tiết chế hoặc Thái úy (Thái úy Lý Thường Kiệt, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo) tương đương với chức Thống tướng ngày nay. Ngoài ra còn có Đại Tư mã là Thượng thư Bộ binh. Thời Chúa Trịnh, Chúa trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân sự giữ chức Nguyên soái điều hành. Dưới Tiết chế và Thái úy có các chức Phiêu kỵ Tướng quân, Thượng tướng quân rồi đến Đại tướng, Đô tướng quân. Đô tướng và Tướng quân là những Tướng chỉ huy các binh chủng khác nhau. Theo đó, quân đội thường chia thành ngũ Quân bao gồm: Trung quân, Đông quân, Tây quân, Bắc quân và Nam quân hoăc là Tả quân, Hứu quân. Mỗi quân đều có có cơ quan Đô thống phủ là Bộ chỉ huy do Đô thống chương sự đứng đầu. Dưới Đô thống chương phủ sự có các Đô thống, Đô đốc, Cấp dưới Quân là các Cơ Vệ, Đội đứng đầu Cơ là Quản cơ, Chương cơ hoặc Đề đốc; đứng đầu Vệ là Chương vệ và Đội là Đội trưởng. Theo cơ chế này, đứng đầu quân Cấm vệ là Điện tiền chỉ huy sứ; chỉ huy một cơ cấm vệ là Đô chỉ huy sứ, dưới chỉ huy sứ là Nhất đẳng thị vệ, Thân binh phó vệ úy, phò mã Đô úy Dưới quản cơ có các cức vụ như phó quản cơ, Tam đẳng thị vệ, Phó thủ úy, Phi kỵ úy, Ngũ đẳng thị vệ, Chánh đội trưởng suất đội, Chánh bát phẩm đội tưởng, Chánh bát phẩm bá hộ, Chánh cửu phẩm Đội trưởng, Chánh cửu phẩm đội trưởng, Chánh cửu phẩm bá hộ, Phủ lệ mục,Huyện lệ mục. Ở cấp tỉnh có Lãnh binh nắm quyền chỉ huy quân sự

3. Về các tước vị được Vua phong

Đây là danh hiêu nhà Vua ban cho các Quan cai trị thường có các các tước Vương và Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước Vương dùng để phong cho Hoàng thân quốc thích là anh em nhà Vua, có 2 mức là Vương và Đại Vương; Trần Quốc Tuấn là Đại Vương và các con ông đều được phong Vương. Cũng có khi Vua phong cho các thần linh như Diên Khánh Đại Vương.

Do sự phụ thuộc vào phong kiến Trung Hoa, Bác Quốc chỉ phong cho Vua nước ta ở 2 mức là Quốc Vương và Quận Vương. Các Vua nhà Trần và triều Lê được phong là An Nam Quốc vương, còn Mạc Đăng Dung chỉ là Giao chỉ Quận vương.

Tước Công có mức Quốc Công và Quận Công, là tước của cả nước và của Quận, Khi Vua phong tước thường đi kèm cùng mỹ tự như Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Xuân Quận Công Nguyễn Nghiêm. Các tước vị Hầu, Bá, Tử Nam đều có mỹ tự đặt ở trước như Ôn như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Tán trụ Bá Nguyễn Trãi.

anh-chup-man-hinh-2023-06-10-luc-151832-1686385137.png

Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương. Ảnh: Internet

Ngoài những tước vị nêu trên, còn có tước Tứ điện, Ngũ tự và Hàn lâm viện. Tứ điện là tên của 4 điện lớn trong Hoàng cung theo thứ tự là Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển và Đông Các đại học sĩ. Ngũ tự là 10 tước lớn lấy tên Tự Khanh và Thiếu Tự Khanh của 5 ngôi chùa mang tên Đại Lý, Thái Bộc, Thái Thường, Quang Lộc và Hồng Lô tự. Còn Hàn lâm viện có 12 tước là Thi độc học sĩ, Thi giảng học sĩ, Hàn lâm viện thị độc, Hàn Lâm viện thị giảng, Hàn Lâm viện trước tác, Hàn Lâm viện tu soạn, Hàn Lâm viện biên tu, Hàn Lâm viện kiểm thảo, Hàn Lâm viện điển tịch, Hàn Lâm viện kiểm bộ, Hàn Lâm viện cung phụng và Hàn Lâm viện đại chiếu.

4.Về phẩm hàm nhà nước thời xưa

Phẩm hàm là thứ bậc, trật tự của Quan hàm. Tổ chức phẩm hàm thường được áp dụng trong quan chế Cửu phẩm Quan giai như sau: Quan lại trong triều đình chia làm hai (2) ban văn võ được gọi là Văn giai, Võ giai. Mỗi ban có chín (9) bậc phẩm. Văn giai có chín (9) phẩm, Võ giai cũng có chín (9) phẩm với Cửu phẩm là phẩm hạng thấp nhất và Nhất phẩm là phẩm hạng cao nhất. Theo đó, Đường quan là 5 phẩm trên từ nhất phẩm đến ngũ phẩm; thuộc quan là quan cấp dưới từ lục phẩm đến cửu phẩm.

Mỗi bậc phẩm lại được chia nhỏ làm 2 trật khác nhau là Chánh và Tòng. Trật Chánh cao hơn trật Tòng. Vì vậy, nên mỗi ban Văn võ có mười tám (18) trật khác nhau Mỗi trật (Chánh hoặc Tòng) có một hoặc nhiều hàm cùng trật. 

Đối với quan Nhất phẩm Văn giai bậc chánh là các chức Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển và Đông Các điện học sĩ. Đối với nhất phẩm Võ giai là cấp Đô thống Trưởng phủ sự ngũ Quân .Với hàng tòng phẩm văn giai là chức Hiệp biện đại học sĩ, còn  võ giai là chức Đô thống.

Đối với chánh nhị phẩm văn giai thuộc hàng Thượng thư, Tổng đốc, Đô ngự sử; võ giai là Thống chế, Đô đốc,Đề đốc; Tòng nhị phẩm văn giai là Tham tri, Tuần phủ, phó Đô ngự sử; tòng nhị phẩm Võ giai là các chức như Chưởng vệ, Dô chỉ nhuy sứ, phó Dề đốc.

Hàm chánh Tam phẩm Văn giai tương ứng với chức Trưởng viện  học sĩ, Thị lang, Bố chính, Phủ doãn, Phó Đô ngự sử; còn Võ giai là chức Nhất đẳng thị vệ. Chỉ huy sư, Cấm vệ úy hoặc lãnh binh.

Chánh Ngũ phẩm văn giai có các chức Giám sát ngự sử. Hàn lâm viện thị độc, Lang trung. Còn Hàn lâm viện điển tịch, Chánh bát phẩm thơ lại, Chánh bát phẩm đội trưởng và Chánh bát phẩm bá hộ, dịch mục thuộc hàng chánh bát phẩm.

Sau cùng là hàng Cửu phẩm; Chánh Cửu phẩm Văn giai tương ứng với cấp Hàn lâm viện cung phụng, Chánh cửu phẩm thơ lại, Phủ lại mục… Chánh cửu phẩm võ giai ứng với Phủ lệ mục, Chánh cửu phẩm Đội trưởng, Tòng cửu phẩm Văn giai có Hàn lâm viện đại chiếu; tòng cửu phẩm thơ lại, Huyện lại mục và tòng cửu phẩm võ giai có các chức tòng cửu phẩm Đội trưởng, tòng cửu phẩm bá hộ và Huyện lệ mục.

5. Về linh vị các vị tiền bối và gia đình

Linh vị các bậc tiền bối viết theo trật tự chữ Hán thường đảo ngược, tên húy, tên tự, tên thụy; ngày giờ sinh tử, tuổi thọ. Trong các sử cũ từ phu nhân thường dùng để chỉ vợ Vua hoặc vợ các quan nhất phẩm; thục nhân là vợ của các quan từ tứ phẩm đến nhị phẩm; lệnh phẩm là vợ quan ngũ, lục phẩm và nhụ nhân là vợ quan thất phẩm cho đến dân thường. Bà nội của Vua là Hoàng Thái hậu, mẹ Vua là Thái hậu, vợ vua là Hoàng hậu. Dưới Hoàng hậu có Tam phi, Cửu trầnlục chức. Tam phi là Quý phi, Minh phi và Kinh phi. Cửu trần gồm Tam chiêu (chiêu Nghi, chiêu Dung và chiêu Viên), Tam tu (tu Nghi, tu Dung, tu Viên) và Tam sùng (sùng Nghi, sùng Dung, sùng Viên); Lục chức có Tiệp dư, Dung hoa, Huyền vinh, Tài nhân, Lương nhân và Nữ nhân.

anh-chup-man-hinh-2023-06-10-luc-151839-1686385136.png
Hậu cung của các Phi tần

Thành Ý

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/hoc-vi-chuc-tuoc-pham-ham-xua-trong-nghien-cuu-lich-su-coi-nguon-a4505.html