Theo đó, Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ: “HOA HẬU là người ĐẸP phù hợp nhất với các tiêu chí trong khuôn khổ một sự kiện truyền thông, giải trí theo quy định của pháp luật hiện hành như bao người tiêu biểu trong các cuộc thi, sự kiện khác.
Vì thế xã hội không nên đặt quá nhiều kỳ vọng về sự “tiêu biểu” hay tính đại diện cho một hệ giá trị cộng đồng nào đó lên chiếc VƯƠNG MIỆN gắn với danh xưng HOA HẬU.
Trước hết, bản thân mỗi HOA HẬU cần phải nhận thức rất rõ về việc này. Đừng quá ẢO TƯỞNG về sức nặng của chiếc VƯƠNG MIỆN, hay hào quang từ danh xưng HOA HẬU để tránh những suy nghĩ và hành động lệch lạc gây hệ lụy cho cộng đồng”.
Đồng tình với ý kiến của Nhà báo Vương Xuân Nguyên, tác giả Trần Hồng đã chia sẻ với báo chí rằng, nỗi thất vọng lớn đến mức sôi trào của công chúng về chất lượng hoa hậu những ngày gần đây thực ra cũng bắt nguồn từ sự kỳ vọng quá mức vào các cô gái đội vương miện, từ sự đánh giá quá cao giá trị của ngôi hoa hậu. Tin rằng hoa hậu là danh hiệu cao quý được trao cho cô gái sắc hương vẹn toàn, đủ để đại diện cho vẻ đẹp, trí tuệ và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, người ta giận dữ khi cô gái vừa đăng quang kém quá xa so với tiêu chuẩn đó. Họ không thể chấp nhận việc cô ấy “dìm giá” chiếc vương miện.
Nhưng cô ấy cũng hơi oan, vì thật ra từ nhiều năm nay, giá trị của vương miện đã không còn nhiều nhặn gì mấy.
Chiếc vương miện từng là biểu tượng vô cùng quý giá trong khoảng 2 thập kỷ, kể từ khi cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức năm 1988. Trong khoảng thời gian đó, người ta nhớ rõ từng người đẹp giành chiến thắng: Bích Phương, Diệu Hoa, Kiều Anh, Thu Thủy… cũng như những nét riêng của mỗi người. Nhiều năm trải qua hành trình có đủ thăng trầm, đủ ngọt bùi lẫn đắng cay của đời người, trong mắt công chúng họ vẫn đẹp và đáng trân trọng. Ấy là vì họ được chọn ra để đăng quang từ những cuộc thi được tổ chức như một hoạt động văn hóa, ban giám khảo là những nhân vật của văn hóa như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NSND Trà Giang…
Nhiều cư dân mạng rất có lý khi nói rằng, không nên cho phép dùng hai chữ “Việt Nam” trong tên cuộc thi do các công ty tổ chức cũng như danh hiệu hoa hậu của họ. “Miss World Vietnam nên được đổi tên là Miss Sen Vàng hoặc Miss World Sen Vàng thì mới chính xác và thực chất, như vậy để công chúng đỡ hiểu lầm rằng cô gái chiến thắng trong cuộc thi này là hoa hậu quốc gia, đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam”, ý kiến này được rất nhiều cư dân mạng tán thành.
Quả thật, nếu đặt các hoa hậu thời nay về đúng vị trí của họ, công chúng sẽ không thất vọng, phẫn nộ đến mức sục sôi đòi tước vương miện như chuyện vừa xảy ra. Thi hoa hậu bây giờ cũng chỉ là một dạng gameshow mà các thí sinh là người chơi. Hoa hậu là người chiến thắng cuối cùng trong gameshow đó, vậy thôi. Không cần đặt lên vai họ gánh nặng “đại diện cho phụ nữ Việt Nam” để rồi buộc họ phải cư xử xứng đáng với vai trò đại diện ấy. Khi ấy, cô gái giành ngôi hoa hậu cũng sẽ đỡ ảo tưởng về bản thân, đỡ ảo tưởng về sự cao quý của danh hiệu mình có được, điều có thể khiến cô bị vùi dập bẽ bàng khi tự khoác lên vầng hào quang không phải của mình.
Đó là cách chúng ta điều chỉnh sự kỳ vọng về gần với thực tế để khỏi phải thất vọng. Thế nhưng, khi nói về cái đẹp, con người luôn khao khát những giá trị đỉnh cao, luôn muốn vượt lên khỏi những thứ tầm thường dưới mặt đất để vươn tới cái lấp lánh của sao trời. Thuở ban đầu, chiếc vương miện của hoa hậu vốn là biểu tượng của sự khao khát cái tận thiện, tận mỹ ấy, và đó cũng là một động lực để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế, thật buồn khi tình hình hiện tại buộc ta phải nhìn nhận rằng, thi hoa hậu cũng chỉ là một dạng gameshow mà thôi!
Minh Trí