Cụ Đào Duy Anh đã trở thành Đào Duy Anh chỉ đơn thuần do tình yêu tha thiết đối với văn hóa Việt Nam, được củng cố bởi một nghị lực phi thường, một tinh thần lao động cần cù, mẫu mực. Cụ không hề được một may mắn nào về hoàn cảnh, gia đình, không hề được một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Cụ không sinh ra từ một gia đình khoa bảng, được tiếp thu văn hóa cổ ngay từ nhỏ, như trường hợp học giả Đặng Thai Mai chẳng hạn. Chữ Hán cụ học khi còn nhỏ rồi về sau này, chủ yếu là tự học. Về học vấn nhà trường, cụ chỉ đỗ bằng Thành chung năm 1923, tương đương với lớp tám hiện nay, tức là không đủ để nghiên cứu văn hóa phương Tây. Tốt nghiệp thành chung, cụ được bổ đi dạy một trường tiểu học và tranh thủ thời gian học chữ Hán và học về văn học, sử học… qua hàm thụ với trường École Universelle của Pháp. Nhờ tự học, cụ đã trở thành người am hiểu văn hóa phương Đông và phương Tây.
Từ năm 1927 đến năm 1929, cụ thành lập tủ sách Quan Hải tùng thư. Mục đích của tủ sách này như cụ nói, là lợi dụng xuất bản hợp pháp để gieo vào tâm trí thanh niên một ít kiến thức khoa học và một ít hiểu biết về chủ nghĩa Mác, mà cụ thấy là lí luận tiên tiến nhất thời nay. Vào giai đoạn này, ở nước ta, cơ quan duy nhất đã giới thiệu phương Tây, phương Đông là báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, với mục đích đề cao sứ mạng khai hóa của Pháp ở Việt Nam. Các bài viết của nó không kể nội dung xuyên tạc, mà ngôn ngữ còn cầu kì rất khó đọc. Trong lúc đó, các sách của Quan Hải tùng thư lại cố gắng giới thiệu một cách duy vật về lịch sử và văn hóa với lời văn mộc mạc, giản dị với quần chúng. Chữ “quan hải” ở đây lấy ở câu “quan hải nan vi thủy” của Mạnh Tử (nghĩa là xem biển mới thấy làm ra nước là khó). Cụ lấy biệt hiệu là Vệ Thạch theo cái nghĩa “xem bể học mênh mông bát ngát mà nguyện làm con chim Tinh Vệ ngậm đá lấp biển không hề chán nản”. Trước đó, năm 1926, cụ đã từ chức giáo học để hoạt động chính trị, tham gia xây dựng đảng Tân Việt, cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng tờ báo Tiếng Dân. Về những điểm này, tôi là kẻ hậu sinh không biết rõ, nên xin nhường lời cho những người khác có thẩm quyền hơn.
Tủ sách Quan Hải tùng thư do Đào Duy Anh chủ trương đã ra được mười ba tập sách mỏng, trong đó ngoài những cuốn do những người cộng sự (Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu…) viết, bản thân cụ Đào đã biên soạn các công trình sau đây:
* Lịch sử các học thuyết kinh tế (lược dịch theo các sách chữ Pháp và chữ Hán).
* Phụ nữ vận động (dịch sách của Đông Phương văn khố).
* Lịch sử nhân loại (trình bày các giai đoạn phát triển của loài người theo quan điểm Marx).
* Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì? (dựa vào sách của Bukharin và lí luận của Lenin).
Có thể nói đây là một trong những cố gắng đầu tiên phổ biến chủ nghĩa Marx-Lenin bằng con đường công khai (nên tất nhiên có sự hạn chế) vào nước ta (xem Sông Hương số 24, 1987).
Ta sẽ không hiểu tại sao một người như cụ Đào, một mình làm được nhiều công trình như vậy, nếu không biết rằng cụ có một bà vợ vô song. Đó là bà Trần Thị Như Mân. Chúng ta đã biết người đàn bà Việt Nam chung thủy, trung hậu, đảm đang. Nhưng người vợ suốt đời tận tụy giúp chồng làm nên sự nghiệp to lớn về văn hóa và khoa học, thì mặc dầu cuộc đời cho phép tôi gần gũi nhiều nhà văn hóa đàn anh của thế kỉ này, tôi chỉ thấy có bà Đào Duy Anh là một. Ở phương Tây có thể có nhiều người khác nữa, nhưng ở Việt Nam cho đến hôm nay, mặc dầu số người làm về văn hóa là hàng ngàn hàng vạn, tôi chỉ biết được có một con người tuyệt vời như thế. Tôi đã được sống với cụ Đào cùng một nhà ở Mỹ Lâm (nay thuộc xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) trong thời gian 1951, khi tôi làm cộng tác viên Ban Sử mà cụ Đào làm Trưởng ban thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật do nhà văn Hoài Thanh làm Vụ trưởng. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu được tại sao ở Việt Nam có hiện tượng Đào Duy Anh và hiện tượng này lại hiếm đến thế. Nơi ở của cụ Đào lúc đó rất vui và ấm cúng. Mọi người sống ở đây thân mật lạ lùng. Bà Đào thỉnh thoảng về đấy. Bà không chỉ là người vợ hiền, mà còn là người thư kí giúp tất cả các công trình của chồng. Bà đánh máy, sửa lại mọi bản thảo, chữa mọi bản in thử, làm mọi việc sắp xếp về từ điển cẩn thận, chu đáo tột bực. Bà bao giờ cũng nhẹ nhàng, kín đáo, khi thì bà giống như người con gái của cụ, vì cụ Đào không dễ tính, khi bà giống bà mẹ khuyên bảo, chăm nom sức khỏe, khi bà là người lo về kinh tế giúp chồng, khi bà là người cộng tác.
Nếu ta biết thêm rằng bà xuất thân trong một gia đình quan lại lớn ở Huế, đã từng tham gia cách mạng rất sớm, thì ta càng thêm quí con người như vậy. Mãi gần đây một tác giả nước ngoài mới nêu lên rằng bà là người phụ trách tờ Phụ nữ tùng san, một trong hai tờ báo đầu tiên của phong trào phụ nữ nước ta (cùng với Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn) đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, yêu cầu phụ nữ phải được tham gia công việc xã hội (xem Sông Hương, số 24, 1987).
Công trình lớn đầu tiên của cụ Đào là bộ Hán Việt từ điển, bắt đầu biên soạn năm 1930, xuất bản năm 1932 thành hai tập gồm bốn vạn từ với năm nghìn chữ khối vuông. Đó là một công trình đồ sộ không những vượt xa những quyển từ điển đã xuất bản trước đó, mà mãi cho đến nay sau năm mươi năm, vẫn là công trình nằm trên bàn làm việc của những nhà nghiên cứu. Sau này người ta có phê phán cụ về chữ này chữ nọ, nhưng ngay những người chỉ trích cụ cũng phải thừa nhận địa vị độc nhất vô nhị của cụ trong ngành từ điển học. Dĩ nhiên cụ Đào không phải là người học giỏi Hán học nhất nước, cũng không phải là người giỏi tiếng Pháp nhất nước. Nhưng cụ có đầu óc của một nhà từ điển học và có cái nhìn viễn kiến của con người dự kiến đúng đắn được sự phát triển của tiếng Việt. Cụ lại biết nhờ cậy sự giúp đỡ của những người thông thạo Hán học như cụ Giải nguyên Lâm Mậu biệt hiệu là Giao Tiều và cụ Phan Bội Châu lấy biệt hiệu là Hãn Mạn Tử.
Muốn giải thích được một từ cho rành rọt, phải có cái biệt tài bẩm sinh là qui một từ ra thành một tập hợp khái niệm cần và đủ để khu biệt với một từ khác. Một ông tiến sĩ chắc sử dụng chữ Hán giỏi hơn cụ Đào, nhưng không có thói quen qui nó ra thành một tập hợp những khái niệm đơn giản nhất. Ưu điểm to lớn nhất của cách làm từ điển của cụ, ưu điểm tạo thành phong cách từ điển học của cụ mà tôi nhận thấy, với tư cách người làm ngôn ngữ học chuyên nghiệp, là cụ không nhìn về quá khứ, không dừng lại ở hiện tại, mà nhìn về tương lai. Nếu quay lại với quá khứ thì sách sẽ nhan nhản những từ Hán Việt cổ mà giờ đây không ai dùng nữa. Chỉ cần làm một thí nghiệm là thấy ngay điều này. Các bạn thử dùng quyển Hán Việt từ điển để tra các chữ Hán Việt trong bài Tụng Tây hồ phú thì sẽ ngạc nhiên, quá nửa các từ trong Tụng Tây hồ phú của Nguyễn Huy Lượng ở thế kỉ XVIII đều không có trong Hán Việt từ điển. Quyển từ điển này không thể dùng để đọc sách Nôm cổ. Nó cũng không dừng lại ở hiện tại như các công trình của Ta-be, Thơ-ren, Gê-ni-bren (Taberd, Theurel, Génibrel), Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký… Vì các công trình này dừng ở hiện tại, cho nên mới ra đời xong đã lạc hậu, vì một lẽ đơn giản là bị tiếng Việt vượt qua. Chính cụ Phan Bội Châu đã nhìn thấy vấn đề này khi cụ viết lời đề từ cuốn từ điển của cụ Đào năm 1931.
Cái bí quyết khiến cho quyển Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh tồn tại thách thức tháng năm là ở chỗ nó viết cho tiếng Việt trong tương lai. Vì nhìn vào tương lai của tiếng Việt, biết trước thế nào nó cũng phải sử dụng những khái niệm mới, cho nên cụ đưa hầu như toàn bộ các từ của Trung Hoa, Nhật Bản dùng để dịch các khái niệm phương Tây vào. Cách dự đoán của cụ đã tỏ ra đúng. Kết quả cái công trình mà mới thoạt nhìn ai cũng tưởng là đồ cổ ấy, lại là một công cụ để xây dựng ngôn ngữ mới, hiện đại. Nếu các bạn chịu khó một chút sẽ phát hiện thấy một sự thực kì thú: hầu hết các khái niệm mác xít ta dùng hiện nay đều đã có trong quyển từ điển và được giải thích hết sức chính xác.
Viết xong Hán Việt từ điển, cụ bắt tay vào một bộ từ điển khác hùng vĩ hơn. Đó là bộ Pháp Việt từ điển. Trước Đào Duy Anh đã có trên chục bộ từ điển Pháp Việt, nhưng quyển từ điển của cụ không những vượt xa các công trình trước, mà còn mở ra con đường từ điển học song ngữ cho tiếng Việt. Các quyển từ điển trước chỉ thu hẹp vào việc dịch những từ Pháp thông thường ra tiếng Việt hôm nay. Đào Duy Anh xây dựng từ điển để đẩy tiếng Việt lên trình độ ngôn ngữ tầm cỡ thế giới, đuổi kịp các ngôn ngữ tiên tiến. Trước hết tất cả các từ Pháp được dịch hết, dù có khó, có chuyên môn đến đâu. Thứ hai là bỏ lối dịch nói loanh quanh, mà dịch đối ứng khái niệm thành khái niệm. Nói khác đi phải tạo cho tiếng Việt những khái niệm mới, ngay dù như hiện nay chưa ai nói như vậy. Đó cũng là con đường tác giả đã đi khi biên soạn bộ Hán Việt từ điển. Với tư cách một nhà ngôn ngữ học, tôi khẳng định quyển Pháp Việt từ điển đã mở ra một giai đoạn mới của tiếng Việt. Nhưng phải đợi đến sau năm 1945, khi tiếng Việt trở thành công cụ văn hóa của cả nước, thay thế được tiếng Pháp, thì giai đoạn này mới được thực hiện đầy đủ. Nhưng sở dĩ nó được thực hiện thành công triệt để như vậy, cũng là nhờ được chuẩn bị chu đáo về mặt ngôn ngữ học, trong đó hai bộ từ điển của Đào Duy Anh và bộ Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn là những công trình bất tử.
Vào năm 1938, cụ Đào Duy Anh xuất bản quyển Việt Nam văn hóa sử cương. Đây là bản tổng kết đầu tiên về văn hóa Việt Nam. Nó trình bày theo quan điểm duy vật toàn bộ văn hóa Việt Nam truyền thống. Theo Đào Duy Anh, “văn hóa tức là sinh hoạt”, do đó qua 342 trang sách, tác giả đi từ sinh hoạt vật chất, kinh tế để lên đến tổ chức xã hội và cuối cùng nói đến phong tục văn hóa tinh thần (ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật)… Nhìn lại thời trước ta chỉ thấy có Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú làm công việc này, nhưng công trình của các cụ cũng chỉ mới đề cập một số mặt của văn hóa Việt Nam (Vân Đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí…). Sau này có một số học giả Pháp và Việt nghiên cứu văn hóa Việt Nam truyền thống, nhưng cũng chỉ mới đi sâu vào một số mặt, thậm chí đi rất sâu nữa. Nhưng đến Việt Nam văn hóa sử cương thì sự tổng kết đã đạt đến mức toàn diện, theo quan điểm tiến bộ nhất so với đương thời, mà đến nay vẫn chưa có công trình nào tương đương. Sau mỗi chương, tác giả còn cung cấp cho người đọc một thư mục đầy đủ bao gồm thư tịch Hán Nôm của ta cùng các tài liệu của Trung Hoa và Pháp.
Trong giai đoạn này cụ còn viết quyển Khổng giáo phê bình tiểu luận. Đó là một tác phẩm xuất sắc. Đào Duy Anh không phải là người duy nhất viết về Khổng giáo. Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Phạm Quỳnh… đã nghiên cứu trước cụ. Nhưng cụ là người đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những người đầu tiên của thế giới áp dụng lí luận duy vật lịch sử để khảo sát Khổng giáo một cách khách quan. Nếu nói đến sự du nhập của tư tưởng Mác vào Việt Nam, thì phải nói đến cả cách áp dụng tư tưởng Mác để đánh giá lại di sản văn hóa quá khứ, bên cạnh các hoạt động chính trị. Mà nếu đặt vấn đề như vậy thì đây là lần đầu quan điểm duy vật được sử dụng nghiêm túc để đi đến những phát hiện độc đáo, sáng tạo: Khổng giáo là học thuyết của giai cấp chủ nô và chữ “quân tử” là chỉ lí tưởng chủ nô. Tác giả dùng lập trường giai cấp để đánh giá, phê phán đạo Khổng. Tuy tác phẩm rất ngắn, nhưng nó đã giúp cho người đọc hiểu đạo Khổng sâu sắc hơn những công trình dày cộp nặng về tán dương ca ngợi.
Năm 1943 quyển Khảo luận về Kim Vân Kiều ra đời. Tuy là một quyển sách nói về văn học nhưng tác giả đã chọn đúng chỗ đứng thích hợp với tài năng của mình là nhà sử học. Lần đầu tiên tiểu sử Nguyễn Du được trình bày cặn kẽ. Truyện Kiều được đối chiếu với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, thơ chữ Hán của Nguyễn Du được phân tích, đáng chú ý nhất là những bài trong Nam trung tạp ngâm là tác phẩm mà ở miền Bắc đã thất lạc. Chính những bài giảng của thầy Đào về Nguyễn Du năm 1942 và công trình của thầy đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi viết quyển Thử tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Năm 1942 tôi có được học tiếng Việt với thầy. Tôi chỉ đi dự cho vui vì tôi thi tiếng Anh và tiếng La-tinh chứ không thi tiếng Việt. Trong một bài luận thầy ra “Anh suy nghĩ gì về câu nói của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”, tôi viết phần kết luận như sau:
“Câu của Nguyễn Công Trứ là nhắc lại một câu của Khổng Tử. Tôi rất tiếc là không thể theo câu ấy được. Công và danh là do cái bên ngoài đem đến. Hôm nay công mai tội, hôm nay danh mai nhục, biết đâu mà lường? Tôi chỉ muốn sống làm người có ích. Mình muốn sống có ích thì sẽ có ích cho người khác. Cái đó luôn luôn thuộc vào mình, lúc nào, hoàn cảnh nào cũng làm được. Không hiểu sao ít người nghĩ đến một lẽ sống đơn giản như vậy”.
Tôi rất ngạc nhiên là hôm sau thầy đến tìm tôi tại nhà tôi. Thấy nhà tôi nhiều sách Hán thầy ngạc nhiên. Tôi nói: “Thưa thầy, sống có ích khó lắm, vì khó nên phải học”. Từ đó thầy đến nhà tôi luôn và cho tôi mượn nhiều văn bản rất quí như bài Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch. Tôi xin phép nhắc lại một kỉ niệm nhỏ này để chuẩn bị cho câu kết ở cuối bài.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, năm 1950 thầy đã đạp xe từ Thanh Hóa về Yên Thành, cách 90 kilômét để gọi tôi cùng đi lên Việt Bắc. Khi thấy tôi ở sư đoàn 304, thầy lên sư đoàn xin cho tôi đi để làm việc với thầy ở Vụ Văn học nghệ thuật. Đến nơi thầy cho tôi xem quyển Cổ sử Việt Nam, lúc đó bản thảo đã xong xuôi, nhưng đến năm 1955 mới in được.
Nước Việt Nam có sử đã lâu, nhưng xây dựng một phương pháp khoa học cho môn học này, trong đó mỗi nhận định, mỗi sự kiện đều được kiểm tra công phu, thì đó là việc làm của Cổ sử Việt Nam của Đào Duy Anh và Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn. Cụ Đào không phải là nhà khảo cổ học trên thực địa, cụ không có dịp khai quật, khảo sát di vật. Nhưng chính cụ là người mở đầu cho ngành khảo cổ học Việt Nam. Trước Đào Duy Anh các di chỉ được xét như những hiện tượng rời rạc của cả vùng, không ai nhắc tới vai trò của Việt Nam. Cụ Đào là người đầu tiên hệ thống hóa các tài liệu, rồi dựa trên thư tịch cổ xây dựng các khái niệm làm thành nền tảng cho khảo cổ học Việt Nam: nước Lạc Việt, con rồng tô tem của người Việt, văn hóa Đông Sơn là một giai đoạn của văn hóa Việt cổ… Thực tế, các khái niệm quen thuộc hiện nay của khảo cổ học và của lịch sử Việt Nam nói chung, là bắt nguồn từ cuốn sách được biên soạn trong những năm tháng gian khổ đó. Nó đã được dịch ra tiếng Nga và tiếng Trung Hoa.
Từ năm 1955 đến 1957, cụ dạy sử Việt Nam ở trường Đại học Sư phạm. Cụ không phải là ông thầy dạy bóng bẩy lôi cuốn. Cụ trình bày đều đều chậm chạp, kết luận rút ra bao giờ cũng thận trọng. Nhưng cụ chính là con người đào tạo được người nghiên cứu và nếu như hầu hết những nhà sử học có uy tín hiện nay đều là học trò cụ thì phải có lí do. Tôi không được học sử với cụ, nhưng đã làm việc với cụ nên hiểu được tại sao cụ đào tạo được con người nghiên cứu. Lúc bấy giờ tôi cùng cụ nghiên cứu chính sách ruộng đất thời Minh Mạng. Đối với cụ, trước hết tài liệu phải chính xác. Cụ giao cho tôi bộ Minh Mạng chính yếu gồm mười tám tập, cụ đánh dấu trong tập đầu các đoạn cần dịch để cho tôi hiểu cách chọn, sau đó bảo tôi đọc tiếp mười bảy tập kia để chọn. Sau hai tuần lễ chọn xong, cụ đọc lại kiểm tra rồi phân công nhau dịch. Sau đó cụ xem lại phần tôi dịch, tôi xem lại phần cụ dịch, rồi chép sạch. Có tư liệu tốt rồi mới bàn về các mục. Khi viết, dù chỉ trích dẫn một câu văn vẫn phải có cả một bài dịch trước mặt. Cụ không cho phép viết chỉ đơn thuần nhìn tư liệu gốc. Cụ làm việc giờ giấc chặt chẽ. Tôi không được rõ cách cụ đào tạo sinh viên, nhưng nếu cụ đào tạo được nhiều người nghiên cứu xuất sắc, thì ngoài tài năng và học vấn uyên bác, phải nói đến lòng chí tình của cụ.
Nếu ta chỉ nhìn số lượng sách to lớn mà cụ đã viết, ta sẽ tưởng đâu cụ là một học giả thư phòng. Sự thực trái lại. Cụ đã đi khắp nước để sưu tầm tư liệu. Trong thời gian năm 1943, tôi đã được đến nhà và nhìn tủ sách của cụ. Đúng như cụ nói, đó là tủ sách về văn hóa Việt Nam đầy đủ nhất mà một tư nhân có thể sưu tập được. Cụ dốc cả tiền của công sức vào công việc này. Nhà cụ có người chép sách Nho thường xuyên, chép xong cụ lại nhờ các bậc túc Nho, trong đó có thầy tôi, xem lại để đính chính sai sót.
Cả đời cụ làm việc một mình nên không hiểu được yêu cầu về lãnh đạo văn hóa. Sau khi bị kỉ luật, cụ sang làm việc ở Viện Sử. Cụ vẫn hăng hái dịch, hiệu đính các bộ sách căn bản của nước ta như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi. Trong điều kiện làm việc khó khăn, cụ vẫn viết xong quyển Chữ Nôm nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến và tiếp tục biên soạn từ điển trên một bình diện mới là quyển Từ điển Truyện Kiều.
Cụ có một đặc điểm là làm công tác khoa học theo say mê chứ không hề nghĩ đến việc xuất bản. Các quyển Từ điển Truyện Kiều, Sở Từ (dịch), Kinh Thi (dịch), Thơ Đỗ Phủ (dịch), cụ đều làm không phải do nhà xuất bản hay cơ quan nào đặt. Tôi rất áy náy về tình trạng này, nên đã chạy đến các nhà xuất bản. Tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng cũng may là các quyển Từ điển Truyện Kiều và Sở Từ được in.
Tuy nghiên cứu nhiều mặt như vậy, nhưng không bao giờ cụ tự khoe về mình. Cụ thường ân hận không bao giờ chữa lại được những quyển từ điển cũ. Cụ có những mong ước không thực hiện được. Trước hết là hiệu khảo, chú thích các bản văn Nôm. Cụ muốn xuất bản được những bản văn Nôm đứng đắn. Thứ hai là viết quyển từ điển địa danh, công việc cụ muốn làm sau khi biên soạn xong quyển Đất nước Việt Nam qua các đời.
Tên tuổi của Đào Duy Anh đã vượt ra ngoài nước. Tôi không dám bàn đến công và danh của cụ. Tôi chỉ xin bàn đến tiêu chuẩn “làm người có ích”. Cuộc đời bóng chớp, công danh cũng bóng chớp như cuộc đời. Nhưng con người đi tìm sự thực sẽ được một phần thưởng lâu dài: những giọt nước mắt biết ơn nhỏ trên trang sách cổ. Ai thành tâm nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử Việt Nam đều sẽ có dịp nhỏ những giọt nước mắt biết ơn sự cố gắng của Vệ Thạch.
(Hà Nội, tháng Giêng, năm 1988)
Phan Ngọc
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/cuoc-doi-nghien-cuu-cua-hoc-gia-dao-duy-anh-a5914.html