Cụ thể, thứ nhất là về lúa gạo, cả nước đã đạt 13,44 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ xuất được trên 8 triệu tấn gạo. Về chăn nuôi, với quy mô trên 28,6 triệu con lợn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng 3,7%; đàn gia cầm là 558 triệu con, tăng 2,2%. Tổng sản lượng thịt, trứng, sữa đều tăng trưởng khá. Riêng về lĩnh vực thủy sản có tổng sản lượng đạt 2,74 triệu tấn, tăng 2,5%. Về lâm nghiệp, khai thác gỗ khoảng 9 triệu m3, tăng khoảng 3%. Nguồn nguyên liệu trên cơ bản đáp ứng đủ cho chế biến xuất khẩu.
Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt giá trị xuất siêu đạt 4,74 tỷ USD, tăng 71,5% và chiếm trên 50% giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế.
Từ đầu năm, sản xuất nông nghiệp chịu tác động của biến đổi khí hậu, điển hình là khô hạn, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó nên ngành không bị ảnh hưởng nhiều ở vụ Đông Xuân, nhưng những tác động trên khả năng kéo dài làm ảnh hưởng tới vụ Hè Thu.
"Trước tình hình trên Bộ NN&PTNT đã tổ chức giao ban để phân tích và có những giải pháp kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, điển hình xâm nhập mặn, mưa đá, giông lốc… Từ đó, duy trì được đà tăng trưởng của quý II cũng như quý III để cuối năm tăng tốc về đích", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thiên tai, Bộ NN&PTNT đã có những điều hành rất cụ thể. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là đơn vị truyền thống, có bề dày lâu năm trong dự báo. Chính những dự báo chính xác đó nên sản xuất vụ Đông Xuân ít chịu tác động bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu xuống giống không theo khuyến cáo dự báo đã bị ảnh hưởng trong sản xuất. Mặc dù bị ảnh hưởng không quá lớn nhưng Bộ NN&PTNT đã tăng cường các nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tổng kết để có những dự báo chính xác hơn. Qua đó, khuyến cáo cho các tỉnh thành đảm bảo thời vụ, hiệu quả sản xuất, từ đó hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn"
Riêng về thiên tai như: mưa bão, giông lốc, mưa đá… Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng đã đưa ra kịch bản dự báo đối với các địa phương, các khu vực để có phương án chủ động một cách tích cực nhất, hạn chế ảnh hưởng thấp nhất.
Dự báo giữa tháng 5 vẫn còn đợt hạn mặn, tuy nhiên nhẹ hơn so với tháng 4. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, dự báo như vậy, ngành sẽ hạn chế được những thiệt hại do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dông lốc.
Với gói giải ngân 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản, nhưng ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tới 30 nghìn tỷ đồng và nay đã giải ngân được gần 20 nghìn tỷ đồng. Đây chính là động lực để hai ngành hàng chủ lực tăng trưởng tốt từ đầu năm.
Trong 4 tháng, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.
Cơ cấu thị trường cho thấy, xúc tiến thương mại đang có kết quả tích cực theo hướng chất lượng cao và sản phẩm truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi. Qua đó cũng cho thấy, sau nhiều năm tái cơ cấu, các ngành hàng đang đi vào chiều sâu theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói và truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn.
Với kết quả đạt được này, từ các đối tượng chủ lực, Bộ sẽ mở rộng các đối tượng khác, kết hợp với việc xúc tiến thương mại quyết liệt hơn, tích cực hơn.
Thời gian qua, thị trường có những khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Chẳng hạn như khó khăn ở các nước châu Âu, xung đột giữa Nga – Ukraine… làm khó khăn khi phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng cũng là thời cơ Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nông sản ở quy mô lớn hơn, giá trị cao hơn và nhiều khu vực dư địa lớn hơn.
"Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam còn những hạn chế. Đơn cử như chi phí cho xúc tiến thương mại, cho hội chợ còn rất hạn chế. Với những khó khăn nhất định thì khi doanh nghiệp tiếp cận các thị trường cũng là bài toán. Do vậy, Bộ NN&PTNT xác định việc xúc tiến thương mại với các cơ cấu thị trường cần cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điển hình, trong 2 - 3 năm vừa qua, có sự tập trung vào thị trường Anh, nên nông sản Việt Nam đã có vị thế tương đối tốt. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Đại sứ quán ở các nước trong xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
PV
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nganh-nong-nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-a6037.html