Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 1)

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trên thế giới, gần đây khái niệm Nông nghiệp đô thị (NNĐT) được đặc biệt chú ý trong bối cảnh đô thị hoá nhanh và sau những biến động lớn liên quan đến An ninh lương thực thực phẩm. Có một số khái niệm về Nông nghiệp đô thị khác nhau có thể áp dụng ở Việt Nam.

Khái niệm nông nghiệp đô thị của Jac Smit, năm 1990: NNĐT là một ngành sản xuất, chế biến và bán thực phẩm và nhiên liệu, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong một thị trấn, thành phố, hay đô thị, dựa trên đất và nước có trên khắp đô thị và ven đô thị, áp dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị để trồng đa vụ và làm đa dạng chăn nuôi. Theo đó, NNĐT được xem là một ngành sản xuất, phân biệt theo vị trí địa lý (vùng ven đô, trung tâm nội đô), chú trọng vào sản phẩm và phương pháp canh tác nông nghiệp.

kinh-te-nong-nghiep-1718585832.jpg

Theo Tổ chức nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc - FAO (1999): Nông nghiệp đô thị và ngoại vi đô thị đó là các hoạt động nông nghiệp xảy ra bên trong và xung quanh các thành phố, sử dụng toàn bộ các nguồn lực tự nhiên (đất, nước, năng lượng, lao động) cũng như từ các dịch vụ cung ứng cho các mục đích khác để đáp ứng cho nhu cầu của dân cư đô thị. Các yếu tố quan trọng của nông nghiệp đô thị và ngoại vi đô thị bao gồm: làm vườn, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có định nghĩa cụ thể về nông nghiệp đô thị trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên các hoạt động nông nghiệp tại các thành phố, thị xã thị trấn đều được cho phép trên các không gian theo quy định của pháp luật và được thể hiện trong các Nghị quyết của một số đô thị lớn. Theo tác giả Đào Thế Anh, nông nghiệp đô thị phù hợp với Hà Nội là ngành kinh tế tổng hợp, đa chức năng có phạm vi trong nội đô, vùng ven đô thị (thuộc quy hoạch đô thị) và vùng nông nghiệp phục vụ đô thị, bao gồm hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm và tạo ra giá trị dịch vụ về rau, hoa, quả, thảm xanh thực vật, cây xanh, cây cảnh, cây trang trí, cây dược liệu, và các sinh vật hữu ích khác; sử dụng các không gian có khả năng làm nông nghiệp ở các cùng nội đô, đô thị hoá và ven đô; dùng phương pháp canh tác hữu cơ, sinh thái, công nghệ cao, chính xác và giải pháp kỹ thuật truyền thống kết hợp với hiện đại, không cần nhiều diện tích, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải sinh hoạt nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh, không khí trong lành; giảm tiếng ồn, hiệu ứng nhà kính và bê tông hóa, đồng thời kiến tạo cảnh quan kiến trúc môi trường, không gian nghỉ dưỡng thư giãn, chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đô thị. Nông nghiệp đô thị đặt ra những yêu cầu ứng dụng các nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết những vấn đề đặc thù của đô thị.

Nông nghiệp đô thị là một nền nông nghiệp đa chức năng có các vai trò chính:

(1) Chức năng cung ứng lương thực, thực phẩm;

(2) Chức năng tạo cảnh quan xanh, đảm bảo môi trường bền vững;

(3) Chức năng kinh tế và tạo việc làm, thu nhập.

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp (GRDP) của Thành phố đạt mức tăng trưởng 2,74%, tuy nhiên tỷ trọng GRDP của nông nghiệp chỉ chiếm 1,97%. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30 - 65% tùy theo từng loại sản phẩm so với nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể với các tiểu ngành là nông nghiệp Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%, thuỷ sản 50% (Niên giám thống kê Hà Nội, 2023). Lượng nông sản thực phẩm còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, tình hình an ninh lương thực, tính liên kết của Hệ thống sản xuất nông nghiệp đô thị - cung lương thực thực phẩm Thành phố rất cần những cơ chế chính sách, kế hoạch hành động cụ thể để sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và dinh dưỡng cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, trong điều kiện đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội dẫn đến nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị chia cắt không phục vụ được tưới, tiêu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít nông dân bỏ ruộng, không sản xuất. Thành phố Hà Nội hiện có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn các quy hoạch này đều phải điều chỉnh bởi tốc độ đô thị hoá quá nhanh thời gian qua đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp, nhường chỗ cho các khu đô thị và hạ tầng đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không chỉ dẫn tới suy giảm nhiều giá trị lịch sử văn hoá của nông nghiệp để lại từ ngàn xưa mà còn tác động mạnh mẽ đến môi trường, cảnh quan đô thị của Thành phố.

Với sự gia tăng không ngừng của dân số đô thị, áp lực lên nguồn nước, đất đai và không khí đang ngày một tăng. Môi trường đô thị đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn, đến mất cảnh quan xanh và không gian mở. Theo Báo cáo của Uỷ ban toàn cầu Lancet về sức khỏe và ô nhiễm năm 2019 thì tổng số người chết do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam năm 2017 (71.365 người, trong đó chết do ô nhiễm không khí là 50.232 người, chiếm tỷ lệ 70,4%, ngoài ra chết do ô nhiễm nước, ô nhiễm chì và chết do ô nhiễm nghề nghiệp; tỷ lệ số người bị mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn thành phố Hồ Chí Minh từ 1,3-1,5 lần (Báo cáo của Uỷ ban Lancet toàn cầu về ô nhiễm và sức khoẻ). Các khu vườn và cánh đồng đô thị của Nông nghiệp đô thị không chỉ là nơi sản xuất thực phẩm mà còn là những "lá phổi xanh" quý báu, giúp làm giảm hiện tượng đô thị nhiệt và cải thiện chất lượng không khí. Chính vì vậy việc phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội để huy động các lực lượng xã hội đóng góp vào xây dựng môi trường xanh ở Hà Nội là hết sức cấp thiết. Hiện nay tỷ lệ che phủ xanh đô thị của Hà Nội thấp hơn mức yêu cầu, do vậy đây cũng là một nguyên nhân của ô nhiễm không khí ở mức cao của Hà Nội. Khái niệm cây xanh đô thị cần được mở rộng theo theo khái niệm không gian xanh bao gồm cả không gian cây xanh đô thị và nông nghiệp sinh thái đô thị. Theo kinh nghiệm của nhiều đô thị lớn trên thế giới, đây là giải pháp để tăng tỷ lệ không gian xanh trong đô thi.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất. Trong đó, phải kể đến tình trạng “già hóa” lực lượng sản xuất nông nghiệp, thiếu lao động vào thời vụ, sản xuất chủ yếu mang tính nông hộ nhỏ lẻ, tự phát; chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao.

Dự thảo Luật Thủ đô năm 2024 sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, khóa XV gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu; trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều) cho phép xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật Thủ đô 2024 dự thảo đã bổ sung Điều 35 về Phát triển nông nghiệp, nông thôn đã định hướng phát triển Nông nghiệp đô thị phù hợp với các đặc thù của Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn…(những thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp đô thị). Đặc biệt đã đặt ra vấn đề cần có chính sách “khuyến khích phát triển sinh vật cảnh, trồng cây vùng nội đô…” (Điều 35, khoản 1, điểm a).

Ngoài ra, trong Luật Thủ đô 2024 dự thảo có nhiều nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp đô thị như: Không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh, không gian ngầm  của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên Sông Hồng. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu vực nội đô lịch sử, khai thác cảnh quan Sông Hồng và các trục cảnh quan theo quy hoạch; các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội về giảm phát thải, bảo vệ môi trường  (Điều 22, khoản 1, 3); Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Trên địa bàn Thủ đô nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích (Điều 28, khoản 1, 2); Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô. Các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường; năng lượng tái tạo, và các dự án có sử dụng năng lượng tái tạo, dự án hỗ trợ chuyển dịch năng lượng (Điều 28, khoản 5, điểm b,c);

Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. Hà Nội không chỉ có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, mà còn có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa. Nếu phát triển nông nghiệp đô thị vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đảm bảo được nguồn thực phẩm bổ dưỡng và có thể gia tăng nguồn thu từ du lịch, trải nghiệm từ nông nghiệp.

Như vậy, việc phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô Hà Nội không chỉ dừng lại ở phát triển sản xuất nông nghiệp đơn thuần như các địa phương khác mà cần tập dụng hết các không gian có thể sản xuất nông nghiệp, kết nối chặt chẽ với an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng, đồng thời giải quyết được các thách thức về môi trường và tạo cảnh quan môi trường xanh cho đô thị. Thực tế trên cho thấy việc phát triển nông nghiệp đô thị cần áp dụng tiếp cận toàn diện của chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững - là nơi cung cấp thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và bao trùm là hết sức cần thiết. Hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững cùng các hệ thống phân phối hiệu quả và bao trùm là một trong những giải pháp hữu hiệu cho những thách nói trên.

Do vậy, việc xây dựng và thực hiện “Đề án Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội” thực sự phù hợp và cần thiết để cụ thể hóa các  mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền nông nghiệp của Thủ đô, đơn vị tiên phong thực hiện và thử nghiệm nông nghiệp đô thị và trở thành mô hình điểm cho các tỉnh lân cận có mối quan hệ mật thiết với liên kết, giao thương với Hà Nội.

Còn tiếp...!

Đào Thế Anh và cộng sự

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nong-nghiep-do-thi-va-nhung-van-de-dat-ra-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-ky-1-a6297.html