Vĩnh Ninh là xã vùng bãi sông Hồng, gồm 4 thôn Duy Bình, Kim Xa, Xuân Chiểu, Hậu Lộc nằm ở phía Nam huyện Vĩnh Tường, là đỉnh của tam giác đồng bằng Bắc Bộ, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 470 ha.; trong đó đất canh tác hơn 220 ha, có 1.456 hộ với 5.276 khẩu. Dân xã Vĩnh Ninh chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp là chính, kết hợp với chăn nuôi và các loại hình dịch vụ nhỏ lẻ khác để sinh sống.
Đảng bộ xã Vĩnh Ninh hiện có 236 đảng viên, trong đó có 4 chi bộ ở 4 thôn (làng) dân cư; còn lại 5 chi bộ là gồm các Chi bộ trường học, công an, y tế, các chi bộ đảm bảo sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thực hiện tốt phê bình, tự phê bình, tự soi, tự sửa, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị công tác được giao. Các chi bộ và đảng bộ xã Vĩnh Ninh nhiều năm liền được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, các chi bộ và Đảng ủy xã Vĩnh Ninh thực hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, làm nòng cốt lãnh đạo hệ thống chính trị, từng bước tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội theo mục tiêu đề ra từng năm trong nhiệm kỳ công tác. Từ năm 2015, xã Vĩnh Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nay tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Những con đường đất nhỏ hẹp ngày nào giờ được bê tông hóa kiên cố, rộng mở, người dân xã Vĩnh Ninh thêm gắn bó với đồng đất quê hương khi máy móc, cơ giới hóa về tận đồng ruộng, công việc nhà nông vơi đi phần vất vả, đời sống từng bước được cải thiện, nâng cao.
Không chỉ có giao thông nội đồng mà 100% tuyến trục chính, đường liên thôn của Vĩnh Ninh đều được cứng hóa, bê tông, hầu hết đường ngõ xóm có điện chiếu sáng
Cùng với đó, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, đi lại, giao thương của người dân địa phương thuận tiện, dễ dàng.
Nói về công cuộc xây dựng NTM nâng cao, đồng chí: Phùng Lâm Bưu -Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh, cho rằng, thành quả đạt được trước hết là sự quyết tâm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền địa phương, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt là được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Tường , đồng thời hỗ trợ nguồn lực để xã Vĩnh Ninh triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư công quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn ở Vĩnh Ninh.
Ngay sau khi được UBND huyện chấp thuận về chủ trương, UBND xã trình Đảng ủy, HĐND xã Vĩnh Ninh cho ý kiến về chủ trương và bản thảo; tiếp đó giao cho các thôn tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư công khai, minh bạch và thống nhất ý kiến bằng văn bản.
Tiếp đến, UBND xã lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật gửi tới phòng Tài chính Kế hoạch huyện thẩm định; sau khi được thẩm định tại thực địa xong, UBND xã báo cáo phòng Tài chính - Kế hoạch huyện để tiến hành cấp vốn và tổ chức thực hiện đúng theo quy định.
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tất cả các gói thầu đều được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia đúng quy trình, trình tự các bước từ mời thầu, dự thầu, mở thầu, chấm thầu đến ký kết hợp đồng. Đến nay, các gói thầu dự án được triển khai trên địa bàn đều được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng xây dựng với sự giám sát chặt chẽ của đơn vị tư vấn giám sát và Ban giám sát đầu tư cộng đồng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình đầu tư xây NTM.
Một trong những trăn trở nhất của Đảng bộ xã Vĩnh Ninh là với đồng đất và truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, làm sao thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững? Đây là bài toán khó, không chỉ Vĩnh Ninh mà nhiều địa phương khác trong vùng.
Từ đóng góp ý kiến của đảng viên các chi bộ, hiến kế của nhân dân 4 thôn, Đảng ủy xã Vĩnh Ninh với tư duy đổi mới, phá thế độc canh “tự túc, tự cấp” ngự trị bao đời, nay sản xuất nông nghiệp phải gắn với thị trường, xác định rõ tinh thần chỉ đạo “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, đồng thời gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động”, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM nâng cao.
Trên tinh thần đó, hơn 165 ha ruộng cấy hai vụ lúa và cây màu bấp bênh, chiếm hơn 80% diện tích đất nông nghiệp của xã Vĩnh Ninh đã chuyển sang trồng cỏ ngoại (cỏ voi) nuôi bò sữa và bò thịt hàng hóa. Bò sữa cung ứng cho Công ty sữa Vinamilk và Công ty sữa cô gái Hà Lan; bò thịt cung ứng cho các đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Nội. Nhiều hộ còn thuê đất canh tác ở các địa phương lân cận trồng cỏ nuôi bò sữa và bò thịt với giá từ 1,6 đến 2 triệu đồng/ sào Bắc Bộ/năm. Hộ nuôi bò sữa nhiều nhất ở Vĩnh Ninh là gần 100 con, hội nuôi ít nhất từ 10 đến 15 con.
Tổng đàn bò của Vĩnh Ninh hiện có hơn 3.800 con của gần 1000 hộ nuôi, trong đó có 2.700 con bò sữa ngoại và hơn 1.100 con bò thịt cao sản giống ngoại 3B, là bò lang trắng xanh của Bỉ (Blanc-Blue-Belgium - Blanc Bleu Belge), là bò "cơ bắp" chuyên dụng để lấy thịt, lớn nhanh, chất lượng thịt ngon bổ dưỡng. Sữa tươi và bò thịt là hai sản phẩm hàng hóa chủ lực của nông dân xã Vĩnh Ninh gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Trong đó sữa tươi mà nông dân Vĩnh Ninh cung ứng cho Công ty sữa Vinamilk và Công ty sữa cô gái Hà Lan bình quân 3000 lít/ngày, vắt sữa hoàn toàn bằng máy, với giá hiện tại 15.000đ/lít. Mỗi ngày nông dân xã Vĩnh Ninh thu 450 triệu đồng; một tháng thu từ 13 đến 16 tỷ đồng và nếu tính cả năm thu từ sản phẩm sữa tươi là gần 200 tỷ đồng, một nguồn thu không hề nhỏ từ một xã thuần nông chuyển sang sản xuất hàng hóa để thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Đó là chưa kể bò thịt giống 3B nuôi từ năm rưỡi đến 3 năm có con nặng 500 đến 600 kg với giá dao động từ 80.000đ đến 100.000 đ/kg hơi thì mỗi con bò thịt xuất chuồng cũng thu từ 40 đến 50 triệu đồng. Theo hạch toán của nhiều hộ ở Vĩnh Ninh chuyển đổi đất canh tác sang trồng cỏ nuôi bò sữa và bò thịt thu nhập tăng ít nhất 3 lần so với cấy lúa 2 vụ và cây màu khác. Ngoài ra ở Vĩnh Ninh cũng có nhiều hộ nuôi lợn thịt, xuất chuồng 15.000 con/năm, đạt doanh thu hơn 82 tỷ đồng/năm, chiếm gần 20% thu nhập của toàn xã. Không ít hộ ở Vĩnh Ninh sản xuất nông sản hàng hóa gắn với thị trường, thu nhập cao như trường hợp đảng viên Đặng Thị Hòa vừa Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Duy Bình kết hợp chăn nuôi lợn, bò thịt, trồng bưởi Diễn, nuôi cá theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) thu hoạch 1 tỷ đồng/năm. Trường hợp đảng viên Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội CCB xã – Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Hậu Lộc nuôi bò thịt và lợn thu nhập cũng đạt hàng tỷ đồng/năm, trở thành những hộ có thu nhập cao ở Vĩnh Ninh...
Cùng với chuyển dịch đất sang trồng cỏ nuôi bò sữa và bò thịt, không ít hộ ở Vĩnh Ninh đã chuyển đất vườn sang trồng bưởi Diễn đã được thuần hóa, thích hợp với vùng đất bãi ven sông với diện tích hơn 20 ha. Giá bưởi Diễn ở Vĩnh Ninh dao động từ 15.000đ đến 25.000đ/quả. Mỗi ha trồng bưởi Diễn ở Vĩnh Ninh thu hoạch đạt giá trị từ 200 triệu đến trên 250 triệu đồng/năm, cao gấp từ 4 đến 5 lần so với trồng lúa.
Giống bưởi Diễn trồng ở Vĩnh Ninh có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, chín vào dịp Tết Nguyên Đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không ảnh hưởng. Theo chỉ đạo của phòng nông nghiệp huyện, Vĩnh Ninh đang cùng với các xã liền kề là Phú Đa, Vĩnh Thịnh tạo thành vùng trồng bưởi Diễn đặc sản quy mô bước đầu hơn 100 ha, xây dựng thương hiệu hương vị “bưởi đất phủ Vĩnh Tường” theo quy trình trồng bưởi hữu cơ và Vietgap, trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ mà tiêu biểu là Đảng ủy xã Vĩnh Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, tạo ra nông sản hàng hóa gắn với thị trường, thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Ninh mấy năm gần đây tăng liên tục. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của Vĩnh Ninh đạt 49,1 triệu đồng; năm 2021 đạt 54,1 triệu đồng; năm 2022 đạt 59,6 triệu đồng; năm 2023 phấn đấu đạt trên 65,6 triệu đồng/người; năm 2024 phấn đấu đạt trên 69 triệu đồng/ người.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vĩnh Ninh gắn với chuyển dịch lao động phát triển trong năm nay là: Nông nghiệp = 18%: Trong đó: (Trồng trọt = 8,0%; Chăn nuôi = 9%; thủy sản =1,0%); Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng = 18,4%; Thương mại, dịch vụ, lao động làm ngoài = 63,6%. Theo đó, Vĩnh Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại; tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ; tăng số lượng và giá trị các sản phẩm OCOP; giảm số hộ nghèo xuống dưới 1% (từ 18 hộ xuống 15 hộ).
Về Vĩnh Ninh hôm nay, diện mạo nông thôn mới đã thay đổi rõ rệt. Không chỉ đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, thông thoáng, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất mà 100% hộ dân trong xã Vĩnh Ninh được sử dụng nước sạch, điện an toàn; nhà ở của nhiều hộ dân được mái bằng hóa, thiết kế dạng biệt thự hai, ba tầng đẹp mắt; trạm xá khám chữa bệnh, trường học, công sở, nhà văn hóa xã và các thôn được đầu tư xây dựng, chỉnh trang sạch đẹp. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng - lòng dân đồng thuận, tin tưởng rằng Vĩnh Ninh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
V.X.B - N.T.D
Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/vinh-phuc-dang-bo-xa-vinh-ninh-vinh-tuong-tao-buoc-dot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a6324.html