Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 4)

PHẦN NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

PHẦN THỨ NHẤT: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018-2023

I. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý và các đơn vị hành chính

Hà Nội là Thủ đô và Thành phố trực thuộc Trung ương, đứng trong danh sách một trong hai đô thị loại đặc biệt quan trọng, về các trụ cột kinh tế - xã hội - văn hoá - giáo dục của Việt Nam.

Nằm trong khoảng từ 20°34' đến 21°18' vĩ độ Bắc và từ 105°17' đến 106°02' kinh độ Đông, sau những thay đổi về địa giới hành chính, tính đến năm 2023, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 13 quận, 16 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 360 xã, 199 phường và 20 thị trấn (Phụ Lục 1), đây là Thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Việt Nam có thị xã. Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh lân cận, bao gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Cách thành phố Hải Phòng 120 km và thành phố Nam Định 87 km, Hà Nội tạo nên ba cực chính của Đồng bằng sông Hồng.

Các điểm cực của thủ đô Hà Nội là:

- Điểm cực Bắc tại: thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

- Điểm cực Tây tại: thôn Lương Khê, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì.

- Điểm cực Nam tại: khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

- Điểm cực Đông tại: thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.

1.2. Diện tích sử dụng đất và dân số

Hà Nội nằm về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có đặc điểm địa hình độc đáo với vùng đồng bằng trung tâm và vùng đồi núi tại phía bắc và phía tây của Thành phố. Với diện tích rộng lớn là 3.359,89 km², trong đó diện tích đất tự nhiên vùng ven đô chiếm tới gần 70% (Hình 1). Về dân số, Hà Nội có 8.587.620 người, là thành phố đông dân thứ hai và có mật độ dân số cao thứ hai trong số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phân bố dân số không đồng đều các vùng, đặc biệt là vùng nội đô diện tích thấp nhưng dân số rất đông.

1.3. Đặc điểm địa hình

Đại bộ phận diện tích Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với độ cao trung bình từ 5 - 20m so với mực nước biển. Địa hình của Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông phản ánh rõ nét qua hướng dòng chảy tự nhiên của các con sông chính chảy qua Hà Nội, và có thể chia ra làm hai vùng.

Vùng đồng bằng thấp và khá bằng phẳng, chiếm đại bộ phận diện tích của các huyện thị xã và các quận nội thành, được bồi đắp bởi các dòng sông với các bãi bồi hiện tại, bãi bồi cao và các bậc thềm, đất rất màu mỡ. Xen giữa các bãi bồi mới và các bãi bồi cao còn có các vùng trũng với các hồ, đầm. Đó là các ô trũng tự nhiên rất dễ bị úng ngập trong mùa mưa lũ và khi có mưa lớn ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Do được khai phá và canh tác từ lâu đời nên hiện nay ở Hà Nội có hệ thống đê điều ngăn lũ chạy dọc những triền sông.

20a12008-tckt-04-1718760678.jpg

Ảnh minh hoạ

Vùng đồi núi tập trung ở ngoại thành phía bắc và phía tây Thành phố, thuộc các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai và Mỹ Đức, với các đỉnh núi cao như Ba Vì (1296m), Viên Nam (1031 m), Hàm Lợn (462 m); trong đó đỉnh Ba Vì là điểm cao nhất của thành phố Hà Nội. Khu vực nội thành có một số gò đồi thấp như gò Đống Đa, núi Nùng, núi Sưa. Phần lớn các gò đồi trong nội thành tập trung ở quận Ba Đình và Đống Đa.

Sự đa dạng địa hình là lợi thế trong khai thác tiềm năng về phát triển đa dạng nông nghiệp và du lịch. Vùng đồi núi thấp và trung bình ở phía Bắc thuận lợi cho xây dựng, phát triển công nghiệp, lâm nghiệp và tổ chức nhiều loại hình du lịch. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của Thành phố.

1.4. Đặc điểm khí hậu và tài nguyên

- Khí hậu

Khí hậu Hà Nội mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa lạnh bắt đầu từ cuối tháng 11 đến hết tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình mùa đông của Thành phố không vượt quá 22°C, với tháng lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình 16,4°C, lúc thấp xuống tới 2,7°C. Nhiệt độ trung bình mùa hạ của Hà Nội từ tháng 5 đến tháng 9 đều vượt 27°C, với tháng nóng nhất là tháng 7 với nhiệt độ trung bình đạt 29,2°C, lúc cao nhất lên tới 42,8°C. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,6°C, lượng mưa trung bình hàng năm vào mức 1.500-1.900 mm. Việc bị ảnh hưởng bởi El Nino trên toàn thế giới, Hà Nội phải hứng chịu đợt nóng dữ dội trong 1 tuần với nhiệt độ có thể lên tới 50°C.

Đặc điểm khí tượng và thủy văn nói trên của Hà Nội có tạo ra một số thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Tổng tích ôn cao trên 8000°C và có mùa đông lạnh cho phép làm 3 vụ trong năm, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mạng lưới sông ngòi, ao hồ, kênh mương trên địa bàn khá phong phú, gồm có: sông Hồng, sông Đuống, sông Thiếp (Hoàng Giang), sông Cà Lồ, kênh Thạch Phú; đầm Vân Trì, hồ Phương Trạch (Đông Anh); sông Thiên Đức (Gia Lâm); sông Nhuệ, sông Tô Lịch (Thanh Trì); sông Đáy (Đan Phượng - Hoài Đức). Mạng lưới này có chức năng giao thông thủy, cung cấp nước phục vụ cho nông nghiệp, tiêu thoát nước và cải thiện vi khí hậu cho khu vực. Tuy nhiên, đặc điểm đa dạng địa hình này có ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của Thành phố.

- Tài nguyên

Hà Nội có quỹ đất khá đa dạng, được hình thành từ 7 nhóm đất với 21 loại đất khác nhau, trong đó: đất phù sa chiếm 36,13%, đất đỏ vàng chiếm 14,44%, đất xám bạc màu chiếm 5,65% diện tích tự nhiên. Sự đa dạng này cũng là lợi thế tạo ra sự đa dạng về chất lượng các sản phẩm nông sản của Thành phố. Hơn thế nữa là các vùng du lịch trải nghiệm như Vườn nhãn bên bãi bồi sông Hồng thuộc quận Long Biên, Làng hoa Quảng Bá, Tây Hồ, hay vựa hoa của huyện Mê Linh.    

Với gần 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 327 làng nghề truyền thống và làng nghề đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: (1) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 70 làng nghề; (2) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; (3) sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 200 làng nghề; (4) sản xuất và kinh doanh SVC có 14 làng nghề; (5) xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; (6) các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 05 làng nghề. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.. Hà Nội mang những giá trị văn hóa hơn 1.000 năm văn hiến, với các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo và đa dạng, thu hút được nhiều lượt khách du lịch trong, ngoài nước. Cùng với đó, khu vực ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú như Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Núi Tản - Ba Vì, mỏ than Bùn thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, đá ong ở Thị xã Sơn Tây tạo nên sự đa dạng Thành phố có tiềm năng lớn phát triển du lịch nhờ hệ sinh thái đa dạng, nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc, và nhiều di tích danh lam thắng cảnh và du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết hợp nông nghiệp.

Rừng là một nguồn tài nguyên, không chỉ có mục đích quan trọng là phòng hộ và cung cấp nông lâm sản, mà còn cung cấp một trữ lượng oxi lớn, đóng góp cho môi trường, khí hậu tiểu vùng sinh thái được trong lành, là nguồn tài nguyên để khai thác du lịch, giáo dục trên địa bàn Thành phố như Vườn quốc gia Ba Vì, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, một số xã thuộc huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, trữ lượng rừng tự nhiên sau năm 2019 thì đang giảm đáng kể cần phải có chiến lược bảo tồn, trồng mới để tạo cảnh quan, đóng góp bảo vệ môi trường sống, phát triển dịch vụ tạo đa giá trị kinh tế.

1.5. Đặc điểm môi trường

Hà Nội thường xuyên đứng đầu các Thành phố ô nhiễm, thậm chí nhiều ngày trong năm là Thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chỉ số bụi mịn ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu 2018, Hà Nội có hàm lượng bụi mịn cao gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO (40.8 mg/m³, mức khuyến cáo: 10mg/m³). Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thì Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất với số ngày chất lượng không khí lên mức kém, xấu, nguy hại chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, các con sông chảy qua Hà Nội (sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) và các hồ cũng bị ô nhiễm rất nặng do 78% nước thải của Hà Nội xả thẳng trực tiếp ra sông, hồ mà không qua xử lý. Chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô còn chưa bảo đảm, nhất là ở nhiều khu vực đông dân cư, tập trung sản xuất lớn như các khu công nghiệp, làng nghề.... Úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra, nhất là khi mưa to kéo dài…

Quận Tây Hồ đang có chỉ số ô nhiễm cao nhất trong thời điểm cập nhật hiện tại thông qua đài quan trắc (02/12/2023), thông tin từ trang website: https://aqicn.org/station. Theo tổng hợp dữ liệu của Trung tâm quan trắc môi trường Miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (CEM) dữ liệu chất lượng không khí của thành phố Hà Nội trong 3 năm gần đây đang ở mức cực kỳ báo động, chỉ số bụi mịn P2.5 ở mức vượt ngưỡng liên tục. Xu hướng thường cao đỉnh điểm vào các tháng 1, 2 trong năm.

 Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã lấy 80 mẫu bụi mịn từ tháng 8/2019 đến 7/2020 tại điểm đo trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích để xác định nguồn gây ô nhiễm. Kết quả cho thấy nguồn ô nhiễm đến từ đốt sinh khối (vật liệu sinh học) chiếm 26%, hoạt động công nghiệp khoảng 29%, giao thông chiếm 15% tổng lượng bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội. Như vậy, Hà Nội cần phải đưa ra những giải pháp cấp bách, và những giải pháp mạng chiến lược, dài hạn để khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi mịn độc hại đảm bảo sức khỏe cho người dân thủ đô.

2. Đặc điểm kinh tế

2.1. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018-2023

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 đạt 9,68%/năm (theo giá so sánh 1994). Giai đoạn 2011-2022, GRDP bình quân đạt 6,70%/năm, tăng gấp 1,1 lần so với mức tăng chung cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) đã đạt 774,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022. Cơ cấu GRDP năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,65%; khu vực dịch vụ chiếm 64,06%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,32% (cơ cấu GRDP năm 2022 tương ứng là: 2,08%; 24,03%; 63,22% và 10,67%) (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu kinh tế nông nghiệp 2018-2023

Cơ cấu kinh tế chung

Ngày 27/6/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo đó Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 của thành phố Hà Nội Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ dự kiến đạt 65-65,5%; Thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm khoảng 10,4-10,6%; Công nghiệp - Xây dựng kỳ vọng đạt 22,5-23%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 1,4-1,6%. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Số lượng hợp tác được thành lập và hoạt động: khoảng 2.500 hợp tác xã  (Kế hoạch số 174/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025).

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Hà Nội thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường liên kết giữa các khu vực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế gắn với phát triển đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực phía Nam và Tây Nam Thành phố cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển.

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa các hình thức thanh toán trên nền tảng số, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số. Đổi mới phương thức, thay đổi thói quen, hành vi thương mại theo hướng văn minh, hiện đại như bán hàng livestream trên các nền tảng số Facebook, TikToK cho các sản phẩm đạt OCOP.

Về diện tích và số trang trại sản xuất nông nghiệp, Hà Nội dẫn đầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên theo số liệu thống kê thì tỉ lệ trang trại của Hà Nội giảm dần trong 5 năm trở lại đây.

2.3. Tình hình phát triển các khu vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,67%). Cơ cấu các ngành được điều chỉnh, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…

Hằng năm, Thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2010, trên địa bàn chỉ có 53 sản phẩm được công nhận, thì đến hết năm 2022, Thành phố đã công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt hơn 250.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô.

Từ khi sáp nhập một số địa phương thuộc phía Tây, Hà Nội đã có quỹ đất để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong 3 năm 2021-2023, đã tổ chức khởi công được 16/43 cụm công nghiệp đã được phê duyệt theo quy hoạch, 27 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 327 làng nghề truyền thống và làng nghề đã được công nhận đã thu hút hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nội địa (trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) được chú trọng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 3 trung tâm logistics, 2 cảng cạn và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khác. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 779,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 488,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức và tăng 10,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 107,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng mức và tăng 11,2% (dịch vụ lưu trú đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 18,5%; dịch vụ ăn uống đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và tăng 10,5%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,7% và tăng 47,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 158,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4% và tăng 5,9% (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

Thời điểm hết năm 2008, trên toàn địa bàn chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, 382 chợ... thì nay Thành phố đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 415 máy bán hàng tự động (Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”).

Năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tăng 24,7%. Đó là một số những nhân tố quan trọng, đóng góp nhiều vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội. Du lịch cũng được thành phố Hà Nội chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024). Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 Thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

2.4. Tình hình thu chi ngân sách

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 20% so với năm trước. Chi ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện 102,1 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán năm và tăng 9,9% so với năm 2022. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, có 10 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 810,8 tỷ đồng. Trong đó Quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 7 huyện (Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức) với tổng kinh phí là 270,8 tỷ đồng, quận Long Biên (278,7 tỷ đồng), quận Hoàng Mai (85 tỷ đồng), quận Hoàn Kiếm (65,7 tỷ đồng) (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

2.5. Tình hình xuất - nhập khẩu nông sản thực phẩm

 Trong năm 2023, xuất khẩu nông lâm sản của Hà Nội đạt 1.345 triệu USD, trong đó hàng nông sản đạt 777 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Hiện nay, Thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có trên 1.700 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, với trên 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương (Báo cáo kinh tế xã hội quý 3 năm 2023 của Cục thống kê Hà Nội, 2023).

 Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng càng ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe, và nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các mặt hàng có nguồn gốc, chất lượng cao càng nhiều. Chính vì vậy, tại các cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, siêu thị ngày càng nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu có chứng nhận USDA, JAS, EU, hay Canada. Đây là cơ hội cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản đạt tiêu các tiêu chuẩn này, hoặc các mặt hàng hữu cơ, hoặc sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.

3. Đặc điểm xã hội

3.1. Đặc điểm nhân khẩu học

Thành phố Hà Nội dân số trung bình khoảng 8.587 nghìn người, khu vực thành thị đạt khoảng 4.213 nghìn người, khu vực nông thôn đạt khoảng 4.374 nghìn người. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, Thành phố còn 690 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03% (hoàn thành mục tiêu Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025). Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm thúc đẩy. Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên được thực hiện kịp thời, hiệu quả (Niên giám Thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

3.2. Tình hình lao động, việc làm, nguồn nhân lực lao động nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động

Hết năm 2023, Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào hoạt động kinh tế là 4.282 nghìn người, trong đó 4.234 nghìn người có việc làm, tăng 3,1%. Tỷ lệ thất nghiệp toàn Thành phố là 2,01%, giảm 0,22 điểm % so với năm trước, trong đó khu vực Thành thị là 2,97%, giảm 0,21 điểm %; nông thôn là 1,01%, giảm 0,06 điểm %. Trong năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 214,3 nghìn lao động, đạt 132,2% kế hoạch năm, tăng 5,6% so với năm trước, quyết định hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 86,3 nghìn người với số tiền 2.416 tỷ đồng (Niên giám Thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

Khi cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, cơ cấu lao động cũng thay đổi, so với năm 2015, lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng hiện nay đã tăng khoảng 6,5%; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm từ 19,7% xuống chỉ còn 6,9%. Năng suất lao động cũng được nâng cao. GRDP bình quân đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng khoảng 73% của Quảng Ninh, 84% của Hải Phòng, 82% của Bắc Ninh và thấp hơn nhiều so với một số thủ đô trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, Thành phố cần đặt ra các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

4. Các lợi thế so sánh của Thủ đô Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Do vậy, Hà Nội có các lợi thế trong phát triển nông nghiệp đô thị, bao gồm:

- Vị trí địa kinh tế: Về vị trí, Hà Nội là nơi đặt các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Hà Nội là trung tâm của Vùng Thủ đô -  khu vực phát triển kinh tế xã hội giữa Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận (Luật Thủ đô, 2012). Về kinh tế, cơ cấu nền kinh tế dịch chuyển theo hướng dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.

-  Nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội: Về giao thông, Hà Nội có 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn Thành phố, trong đó có 7 tuyến kết nối với các tỉnh/ thành phố lân cận gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngoài ra, cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài là tuyến đường hàng không quan trọng vận chuyển hành khách và hàng hóa.

- Tài nguyên thiên nhiên:

Nhìn chung, địa hình của Hà Nội khá đa dạng với núi thấp, đồi và đồng bằng, trong đó phần lớn là đồng bằng. Hà Nội có số lượng hồ, đầm lớn rất thuận lợi cho phát triển thủy sản và du lịch nhưng do địa hình thấp, trũng nên khó khăn trong tiêu thoát nước cục bộ.

Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng và nhiều mưa. Mùa mưa từ tháng 5-10 và chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa toàn năm, từ tháng 11-4 ít mưa và mưa phùn. Khí hậu đa dạng giúp Hà Nội có thể trồng các loại rau quanh năm. Mùa đông lạnh giúp phát triển vụ đông độc đáo ở miền nhiệt đới.

Hệ thống sông, hồ thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Lượng nước chảy qua hệ thống sông Hồng rất lớn, phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp, xây dựng và sinh hoạt.

Về đất đai, Hà Nội có 335.984 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 197.793 ha, chiếm 58,9%. Diện tích đất nông nghiệp tập trung ở một số huyện như Sóc Sơn (15.251 ha), Đông Anh (9.252 ha), Mê Linh (8.062 ha), và Gia Lâm (4.918 ha) (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

- Tài nguyên nguồn nhân lực

Dân số Thủ đô năm 2023 trung bình  8.587 nghìn người, gồm 2,24 triệu hộ gia đình, trong đó 49,1% số hộ sống ở khu vực thành thị, 50,9% ở khu vực nông thôn. Dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) tăng nhanh thể hiện của cơ cấu dân số vàng trong thời kì phát triển. Dân số từ 15 tuổi trở lên của Thành phố Hà Nội là khoảng 3,9-4,0 triệu người, trong đó số người đang làm việc là 3,9 triệu, tỷ lệ đã qua đào tạo là 53,14-70,25%. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi chỉ từ 1,78-2,68% (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024).

5. Tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội

-  Tiềm năng về phát triển hạ tầng nông nghiệp đô thị

Phát triển hạ tầng nông nghiệp đô thị sẽ được thực hiện đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nông thôn kết nối với đô thị (hạ tầng kho bãi, bảo quản, chế biến, giao thông; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; hạ tầng đê điều, phòng chống thiên tai; hình thành các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung) (Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 09/5/2023 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện chương trình hành động số 21-CTr/TU này 02/02/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).

- Tiềm năng về phát triển không gian nông nghiệp đô thị theo quy hoạch

Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã định hướng xây dựng Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Với quy mô dân số khoảng 9 triệu người vào năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển các chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Nhờ sự phát triển theo các đô thị vệ tinh mà không gian nông nghiệp đô thị của Hà Nội được mở rộng. Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch bảo tồn được phát triển tại Sơn Tây. Hệ thống làng nghề phát triển tại Xuân Mai. Phú Xuyên sẽ là khu vực phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía nam sông Hồng. Sóc Sơn sẽ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Về phát triển nông thôn, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình “nông thôn mới”, trong đó điểm nhấn là các khu nông nghiệp CNC. Hệ thống dịch vụ thương mại nông nghiệp sẽ hình thành các mạng lưới chợ nông sản đầu mối cấp vùng tại 5 khu vực: Phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Phú Xuyên), phía Tây (Quốc Oai), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), phía Tây Bắc (Sơn Tây). Về du lịch, hình thức du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề sẽ được tích hợp với các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử và danh lam thắng cảnh của địa phương (Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và thầm nhìn đến năm 2050). Như vậy, không gian nông nghiệp đô thị của Hà Nội sẽ được mở rộng và gắn kết với các hoạt động kinh tế - xã hội trong quy hoạch phát triển của Hà Nội. Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, thành phố Hà Nội sẽ căn cứ vào việc điều chỉnh quy hoạch Thủ đô mới để thực hiện mở rộng không gian cho nông nghiệp đô thị.  

- Tiềm năng về nguồn nhân lực nông nghiệp đô thị

Trình độ nguồn nhân lực có tính chất quyết định trong hiệu quả sản xuất nông nghiệp đô thị. Nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp đô thị rất đa dạng, bao gồm: (i) Các hộ sản xuất và HTX. Đây là lực lượng sản xuất đóng vai trò then chốt trong sản xuất nông nghiệp đô thị; (ii) Đội ngũ các nhà khoa học cung cấp kiến thức khoa học, mô hình thí điểm về nông nghiệp đô thị. Kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ làm cơ sở để triển khai rộng rãi các mô hình, tiến bộ khoa học để phát triển nông nghiệp đô thị; (iii) Các doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp cung ứng đầu vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm ở quy mô lớn, các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp được coi là động cơ của mối liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân và xây dựng thương hiệu cho nông sản; (iv) Nhà nước bao gồm các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Nhà nước có vai trò ban hành chính sách khuyến khích, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các tác nhân tham gia sản xuất nông nghiệp đô thị. Trong các nguồn nhân lực, các hộ sản xuất và đặc biệt là các HTX là các tác nhân trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ cho ngành nông nghiệp của Hà Nội.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia sản xuất, đóng góp vào thành tích chung của ngành nông nghiệp. Thành phố Hà Nội có 80 HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, 85 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ, 57 HTX ứng dụng công nghệ cao; 106 HTX có sản phẩm OCOP (theo Quyết định 4010-QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030). Đồng thời, thành phố Hà Nội đã quan tâm và dành các nguồn lực cho đào tạo, tăng cường năng lực cho các HTX. Hiện nay, Hà Nội có 2.920 HTX, trong đó có 1.460 HTX nông nghiệp gồm 1.266 HTX đang hoạt động (chiếm 86,7%) và 194 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 13,3%). Số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới năm 2023 là 117 HTX; giải thể 16 HTX nông nghiệp. Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030 đã đặt mục tiêu hỗ trợ 100% HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX, 70% hoạt động có hiệu quả, thành lập mới các HTX, liên minh HTX, liên hiệp HTX, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho hàng chục ngàn lãnh đạo, cán bộ HTX và cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo có liên quan đến quản lý, phát triển HTX (theo Quyết định 4381/QĐ-UBND ngày 5/9/2023 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030).        

- Tiềm năng về đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm

Nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho khu vực đô thị. An ninh lương thực, thực phẩm là vấn đến đang được quan tâm hiện nay tại các đô thị như Hà Nội, trong đó nhóm dân cư có mức thu nhập thấp là đối tượng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nông nghiệp đô thị đóng góp vào an ninh lương thực, thực phẩm của đô thị theo 3 cách: (i) Tăng số lượng lương thực, thực phẩm. Tức là tăng nguồn cung về lương thực, thực phẩm cho đô thị; (ii) Cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống cho dân cư đô thị. Do được trồng trọt, chăn nuôi ngay tại khu vực đô thị mà các sản phẩm được cung cấp một cách nhanh chóng đến dân cư đang sống tại đô thị; (iii) Cung cấp cơ hội việc làm, tạo sinh kế cho một bộ phận dân cư hoạt động trọng lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù cơ cấu về nông nghiệp trong nền kinh tế đô thị là không lớn, thậm chí là chiếm tỷ lệ rất nhỏ ở các đô thị công nghiệp - dịch vụ, nhưng nông nghiệp đô thị vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu của bộ phận dân cư làm nông nghiệp tại đô thị. Thu nhập của nhóm dân cư này phần lớn đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số ít các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp (sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản ở quy mô nhỏ) (Đào Thế Anh và cộng sự, Phát triển nông nghiệp ven đô bền vững ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, 2019).    

Như đã phân tích ở trên, Hà Nội sẽ mở rộng không gian nông nghiệp đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị vệ tinh này đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước mặt, nước ngầm, hệ sinh thái) phong phú, cơ sở hạ tầng (đê, hệ thống thủy lợi, đường giao thông) thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực nông nghiệp dồi dào nên sẽ là nhân tố chính cho việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của Hà Nội.

- Tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái và không gian xanh

Theo quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, định hướng không gian xanh của Hà Nội bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Điểm nhấn của vành đai xanh là vành đai dọc sông Nhuệ với chức năng là vùng đếm giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực phía nam sông Hồng. Trong khu vực nội đô, các công viên giải trí, công viên chuyên đề (Công viên lịch sử Cổ Loa; công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì), công viên sinh thái (các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích) kết hợp với hệ thống các sông, hồ nội đô (các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; các hồ: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Thiền Quang) và diện tích mặt nước tại Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì sẽ mở ra không gian xanh cho thành phố. Việc củng cố và mở rộng các vành đại xanh sẽ tạo ra dư địa phát triển cho nông nghiệp đô thị sinh thái thông qua xác lập quy hoạch, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nguồn nước, diện tích mặt nước) và hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống đê và thủy lợi). Hệ thống làng nghề phát triển tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa sẽ là khu vực phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía nam sông Hồng. Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức sẽ trở thành khu vực ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe được quy hoạch, phát triển tại khu vực Sơn Tây - Ba Vì.

- Tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp, thành phố Hà Nội đã đề nghị xây dựng thêm 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hoài Đức, Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây (theo Công văn số 4203/UBND-KT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội vào quy hoạch chung của toàn quốc), đồng thời lồng ghép nội dung khuyến khích đầu từ và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động của thành phố như rà soát các chính sách của Trung ương và Hà Nội về phát triển nông nghiệp, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, và đặt mục tiêu trở thành địa phương dẫn đầu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công văn số 2012/UBND-KTN, về thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại Thông báo số 15/TB-HĐND ngày 19-5-2023 về thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố). 

- Tiềm năng kết nối thị trường của nông nghiệp đô thị

Hà Nội là thị trường rất lớn về lương thực, thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tại chỗ, khoảng 40% còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận hoặc nhập khẩu. Mục tiêu của Đề án này là đến năm 2030, Hà Nội sẽ tự cung ứng 50% nhu cầu lương thực, thực phẩm (Đào Thế Anh và cộng sự, Phát triển nông nghiệp ven đô bền vững ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, 2019).     .

Sản phẩm nông nghiệp đô thị có thể kết nối với thị trường thông qua hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản của chính thành phố đó. Hiện nay, Hà Nội có hệ thống phân phối thực phẩm phân bổ khắp các khu vực của Thành phố (Chợ Long Biên, Chợ đầu mối Minh Khai, Chợ đầu mối Yên Sở, Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), Chợ hoa Quảng Bá), hệ thống siêu thị (Aeon Long Biên, Aeon Hà Đông, BigC Thăng Long, MM Mega Market) và chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm gồm (Bác Tôm, Big Green, Sói Biển, Clever Food), và khoảng 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 159 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản (Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”).

Theo quy hoạch Hà Nội mở rộng đến 2030, định hướng đến 2050, mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng gắn với các vùng nông nghiệp trồng lúa, rau, hoa, quả sản lượng cao tại 05 khu vực: Phía Bắc (Mê Linh - 30 ha), phía Nam (Phú Xuyên - 30 ha), phía Tây (Quốc Oai - 20 ha), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm - 30 ha), phía Tây Bắc (Sơn Tây - 30 ha). Đồng thời hình thành mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng (khoảng 20 ha/trung tâm) gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm ( theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng, 2010).

Còn tiếp...!

Đào Thế Anh và cộng sự

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nong-nghiep-do-thi-va-nhung-van-de-dat-ra-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-ky-4-a6517.html