Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 8)

PHẦN THỨ BA
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. Quan điểm phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội

Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững phục vụ định hướng đô thị xanh và bền vững của Luật Thủ đô trong giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn 2030.

Kế thừa các định hưởng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội.

nong-nghiep-cnc-1-1718804682.jpg

 

Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp đô thị là nhiệm vụ mang tính liên ngành. Chủ thể của nông nghiệp đô thị là đa chủ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và ngành Kiến trúc-Xây dựng, cùng với các ngành khác cùng tham mưu cho UBND thành phố. Về khách thể quản lý nông nghiệp đô thị và không gian nông nghiệp đô thị: bao gồm Hộ nông dânHTX, doanh nghiệp và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị. Đổi mới quan điểm về vai trò công bằng của các thành phần kinh tế là cần thiết để đảm bảo tính khả thi của các đề án.

Trong bối cảnh hiện tại, Đề án cần được xây dựng theo hướng Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng Chuyển đổi hệ thống lương thực-thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững theo Kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ.

II. Mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội

1. Mục tiêu chung của Đề án

Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị, đồng thời khai thác được tiềm năng và thế mạnh của cả ba vùng trên địa bàn Thành phố (nội đô, ngoại thị và nông thôn ven đô) về nông nghiệp đô thị, phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong hỗ trợ hoạt động dịch vụ du lịch, tạo không gian xanh và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.

2. Mục tiêu cụ thể của Đề án

Đến năm 2030, nông nghiệp đô thị Hà Nội sẽ đạt được một số chỉ tiêu sau:

- Nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp đô thị gắn với phát triển hệ thống thực phẩm bền vững.

- Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đô thị (nông, lâm nghiệp và thủy sản) hàng năm từ 2,0-3,0%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ đạt trên 70%.

- Các sản phẩm nông nghiệp đô thị trên các không gian nông nghiệp  đô thị có tiềm năng được đầu tư phát triển (SVC, khu vực bãi ven sông, nội đô, công trình xây dựng đô thị, đất nông nghiệp sử dụng kém hiệu quả...)

- Tăng tỷ lệ tự cung ứng các nông sản thực phẩm của nông nghiệp đô thị đạt 50%.

- Phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường.

- Phát triển các mô hình vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã số vùng trồng cung ứng cho đô thị.

- Tăng tỷ lệ che phủ xanh trong nội đô thông qua nông nghiệp đô thị;

- Sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, bền vững thông qua chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp đô thị, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Đào Thế Anh và cộng sự

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nong-nghiep-do-thi-va-nhung-van-de-dat-ra-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-ky-8-a6608.html