Hoàn thành mục tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng đã kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Đồng thời, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh để thay đổi thói quen và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được chuẩn này, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu về môi trường và chất lượng môi trường sống, đặc biệt là về cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhiều địa phương đã phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân, chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể tổ chức trồng, chăm sóc hoa, cây xanh trên các tuyến đường và địa điểm công cộng, cùng các chi hội, đoàn thể phụ trách công tác vệ sinh môi trường. Tiêu biểu có các xã như Hoằng Đồng, Hoằng Lộc (Hoằng Hóa); Quảng Trung (Quảng Xương); Đông Thịnh (Đông Sơn); Trường Sơn, Hoàng Giang (Nông Cống); Bãi Trành (Như Xuân).

screenshot-2024-06-20-000418-1718816766.png
Người dân tích cực vệ sinh đường làng ngõ xóm

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn thực hiện tiêu chí môi trường cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hướng dẫn công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, và triển khai các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện như Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Thường Xuân và thị xã Nghi Sơn.

Qua công tác tuyên truyền và hướng dẫn, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được hình thành và nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như mô hình phân loại rác thải tại nguồn kết hợp chống rác thải nhựa tại huyện Nông Cống với sự tham gia của 368 hộ dân; mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh tại huyện Hoằng Hóa; mô hình Ngôi nhà thu gom phế liệu phòng chống rác thải nhựa tại huyện Hậu Lộc; và câu lạc bộ bảo vệ môi trường xã Ngư Lộc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng đủ đến tạo cảnh quan môi trường nông thôn và mới chỉ đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định. Tình trạng vứt rác thải và súc vật chết xuống các dòng sông, kênh mương vẫn còn diễn ra, và việc phân loại, tận dụng rác thải làm phân bón mới chỉ ở dạng mô hình thử nghiệm.

Để củng cố và phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7746/UBND-NN ngày 3/6/2024, yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai các giải pháp duy trì và chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn. Công văn này nêu rõ các nhiệm vụ cần tập trung như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân duy trì vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, áp dụng biện pháp xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân bón vi sinh, và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển xử lý rác thải. Đồng thời, cần bảo vệ và chỉnh trang các ao, hồ công cộng, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng thân thiện, và tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan để đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Ngọc Ánh

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/hoan-thanh-muc-tieu-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-hoa-a6621.html