Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 25

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 25.

Ông Ích Khiêm bước ra:

-Tâu hoàng thượng, theo chỗ thần biết thì quân Pháp đang bị nghĩa quân đánh cho tơi tả. Chúng đã phải thay Thống đốc Nam Kỳ vì không hoàn thành nhiệm vụ dập tắt nghĩa quân. Nếu bây giờ ký Hòa ước, ta trúng vào cái bẫy của Pháp mượn triều đình để dập tắt phong trào kháng chiến ở Nam Kỳ. Xin hoàng thượng nghĩ lại.

Cuộc tranh luận giữa phái chủ hòa và phái chủ chiến ngày càng gay gắt và không bao giờ kết thúc, cuồi cùng Tự Đức lên tiếng:

-Các ái khanh chia làm hai luồng ý kiến tạm gọi là chủ hòa và chủ chiến. Hai bên đều có cái lý riêng của mình nhưng trẫm nghĩ trước mắt cứ tiến hành hòa đàm xem Pháp đưa ra những điều kiện gì. Nếu chấp nhận được thì chấp nhận, nếu không chấp nhận được thì đánh cũng chưa muộn.

Tự Đức im lặng một lát thì nói tiếp:

-Trẫm quyết định cử Phan Thanh Giản chánh sứ, khâm sai đại thần, Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ, Phan Thanh Giản cầm đầu phái bộ triều đình vào Gia Định giảng hòa với Pháp và chuộc lại bốn tỉnh miền Nam.

Lâm Duy Hiệp, Phan Thanh Giản mừng rỡ, quỳ xuống:

-Chúng thần tuân chỉ. Hoàng thượng anh minh.

Tôn Thất Thuyết nói:

-Tâu Hoàng thương...

Tự Đức gạt đi:

-Thôi, ý ta đã quyết, khanh không cần nói nữa.

Quan nội thị đứng cạnh Tự Đức hô to:

-Bãi triều. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào điện Kính Thiên gặp hoàng thượng dặn dò trước khi lên đường.

Các Đại thần rời điện Cần Chánh trong tâm trạng nặng nề lo âu, ảo nảo, bước xuống từng bậc đá nặng nề. Trời bỗng nhiên nổi lên cơn giông gió, mây đen mù mịt, mưa như trút nước, sấm chớp tóe lửa nổ vang trong cơn giận dữ, trong thê lương buồn thảm, báo hiệu một thời kỳ đen tối của miền Nam và đất nước.        

VIII.

Vốn chìm đắm mê muội trong học thuyết hủ Nho lạc hậu, phi thực tiễn, không đủ năng lực phân tích tình hình chính trị  thế giới và trong nước, lại thêm ám ảnh nỗi sợ hãi nông dân hơn sợ giặc, Tự Đức nghiêng về phe chủ hòa. Tự Đức nói:

-Thôi thì hãy nghị hòa với Pháp may ra thì chuộc lại một số tỉnh đã mất.  Phan Thanh Giản đâu.

Phan Thanh Giản vội quỳ:

-Tâu hoàng thượng, có thần:

-Khanh hãy viết thư cho tướng Pháp đề nghị giảng hòa. Nếu Pháp đồng ý thì khanh và Lâm Duy Hiệp tự lo liệu cuộc đàm phán.

-Thần tuân chỉ                                                                Tháng 6 năm 1862 Nam Kỳ chan hòa ánh nắng, Những dòng sông, kinh rạch nhận được nước của sông Tiền, sông Hậu dồi dào vươn khắp miền đất Nam Bộ làm cho cây cỏ thêm tươi tốt. Trong Tổng hành dinh của quân đội Pháp ở Gia Định, Thiếu tướng Pháp De La Langrandire đang ngồi bàn chiến sự với Đô đốc Luis Adolphe Bonard. De La Langrandiere vừa tuân lệnh của hoàng đế Napoleon III đem 70 chiến hạm, 3.500 binh sĩ tiếp viện cho cuộc chiến tranh xâm lược Nam Kỳ. Luis Bonard rót hai ly rượu vang trên bàn và nói:

-Xin mời Thiếu tướng, chúc mừng cuộc hội ngộ của chúng ta, đa tạ ngài đã thay mặt hoàng thượng đem quân tới tiếp viện kịp thời vì chúng tôi quả cũng đang rất khó khăn.

La Grandiere nâng ly và đáp:

-Cảm ơn ngài Đô đốc, các ngài ở Nam Kỳ đã thu được nhiều thắng lợi. Hoàng thượng qua tôi gửi lời thăm ngài và các binh sĩ, chúc Đô đốc và quân ta chiếm trọn Nam Kỳ và Đại Nam.

-Cảm ơn ngài Thiếu tướng.   

Hai tên thực dân cạn ly, khi đặt ly xuống Luis Bonard lại cầm chai rót tiếp. Sau khi cạn ly thứ hai, La Gagrandiere vừa rót ly thứ 3 vừa nói:

-Chúng ta sang cái xứ xa xôi chịu gian khổ, chết chóc để xây dựng một đế quốc Đại Pháp thống trị thế giới. Đô đốc chắc là biết hiện nay các cường quốc tư bản châu Âu cậy có nền công nghiệp hùng mạnh với những vũ khí và tàu chiến hiện đại đang đua nhau xâm lược các nước lạc hậu ở châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi làm thuộc địa để vơ vét bóc lột và làm bá chủ thế giới. Thuộc địa là những nơi giàu có, đông dân cư sẽ làm giầu mạnh cho chính quốc. Đô đốc có biết không, ngày nay nước Pháp đang cạnh tranh kịch liệt với các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Đức, Mỹ và cả nước Nhật Bản nữa, trong đó đối thủ đáng gờm nhất của nước Pháp là Vương Quốc Anh. Nước Hà Lan, Bỉ, Lúcxembua ở phía bắc nước Pháp làm cách mạng tư sản sớm nhất, lật đổ chế độ phong kiến thuộc địa Tây Ban Nha từ năm 1566-1568. Nước Anh làm cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến lạc hậu từ năm 1640 nhưng sau đó vì run sợ quần chúng nhân dân, tư sản các nước trên lại liên minh với kẻ thù của mình là phong kiến, phản bội đồng minh của mình là nhân dân để lập chế độ quân chủ nghị viện. Trong thiết chế này hoàng đế chỉ là hư vị, là nguyên thủ quốc gia, không có thực quyền. Quyền thực tế nằm trong tay giai cấp tư sản thể hiện ở Quốc hội và Thủ tướng đứng đầu Chính phủ. Sau cách mạng chính trị thì nước Anh đã sớm làm cuộc cách mạng kinh tế là Cách mạng công nghiệp từ đầu thế kỷ XVIII. Cách mạng công nghiệp đã chuyển toàn bộ lao động chân tay sang lao động bằng máy móc. Máy móc đã đưa nước Anh lên vị trí hùng cường nhất thế giới, chế tạo tàu xe, tàu chiến chạy bằng máy hơi nước làm quay chân vịt xé nước đưa tàu chạy với tốc độ cao thay cho mái chèo và cánh buồm lạc hậu. Công nghiệp cũng đã chế tạo ra vũ khí, đại bác, súng trường các loại bắn nhanh không cần nhồi thuốc súng như xưa, tạo nên sức mạnh khủng khiếp khi chiến đấu. Do đó nước Anh đã làm bá chủ mặt biển, xâm lược thuộc địa nhiều nhất so với các nước tư bản đi sau. Nước Anh đã làm chủ 2/3 châu Phi, làm chủ châu Đại Dương, ở châu Á, Nước Anh làm chủ nhiều nước như Xinh ga po, Ma lai xi a và làm chủ Ấn Độ, nước rộng lớn và đông dân nhất châu Á, người Anh tự hào nói, Ấn Độ là viên ngọc lấp lánh trên vương miện của hoàng đế nước Anh. Nay nước Anh cùng nhiều nước tư bản đang xâu xé Trung Quốc, một nước cũng rộng lớn nhất nhì thế giới, dân cư đông nhất nhì thế giới, giàu có vô biên. Nước Anh đã chiếm được Hồng Công, nhiều đất đai rộng lớn làm tô giới như xâu xé Thượng Hải với các nước. Nước Anh đang nhòm ngó Xiêm La, Miến Điện, các nước Đông Dương như Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau nước Anh, vào đầu thế kỷ XIX, các nước châu Âu, trong có nước Pháp cũng làm cách mạng công nghiệp. Do đó, quân đội các nước tư bản châu Âu đã nhanh chóng đánh bại quân đội các nước phong kiến trang bị vũ khí lạc hậu, chủ yếu giáo mác, cung tên, cố thủ trong các thành trì. Nước Pháp cũng đang trên con đường xâm lược thế giới và cạnh tranh với nước Anh. Tại Đông Dương, nếu chúng ta không nhanh chóng đánh chiếm thì ba nước Đông Dương sẽ rơi vào tay đế quốc Anh.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-25-a7019.html