Vấn đề và giải pháp phát triển Hợp tác xã trong nông nghiệp hiện nay theo luật Hợp tác xã năm 2012

Nongthonvaphattrien - Luật Hợp tác xã (HTX) đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ 3 vào năm 2012, đến nay đã được 2 năm, nhưng HTX trong nông nghiệp vẫn chưa được hình thành và phát triển theo luật này. Nhiều địa phương do “bệnh thành tích”, muốn sớm đạt 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nên đã vội vàng ép thành lập tổ hợp tác hay HTX trên hình thức, mà không có họat động thực chất. Đó là chưa kể hàng ngàn HTX, do lịch sử hàng chục năm để lại, hiện chỉ tồn tại về mặt pháp lý. Vậy, vấn đề của việc phát triển HTX trong nông nghiệp theo luật 2012 là gì? Giải pháp nào để khắc phục các vấn đề đó?

gs111-1651188543.jpg
GS. TSKH Trần Duy Quý thăm mô hình lúa tại HTX Nông nghiệp Phú Xuyên, Hà Nội

Trước hết, phải khẳng định là, luật 2012 đã có nhiều tiến bộ, phù hợp hơn với bản chất kinh tế-xã hội theo những nguyên tắc do Liên minh HTX Quốc tế đề xướng, có thể và cần phải áp dụng trong việc phát triển HTX trong nông nghiệp nước ta hiện nay. Nhưng có luật đúng, chưa phải là tất cả.

I. Những vấn đề đang cản trở sự phát triển HTX trong nông nghiệp

1.1. Xét trên tầm vĩ mô

1.1.1. Trên thực tế, các cấp chính quyền, nhất là ở cấp huyện và xã vẫn coi HTX “là của mình”, do “mình lập ra, lãnh đạo và quản lý”, từ việc tổ chức thành lập, biên soạn điều lệ, lập và thẩm định phương án hoạt động, phân phối thu nhập, bố trí nhân sự quản lý HTX…

Trong nhận thức và trong hành động, chính quyền chưa thực sự coi HTX là một tổ chức dân sự, do người dân tự nguyện thành lập và tự quản lý mọi hoạt động, nhằm mang lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực cho chính các thành viên HTX.

1.1.2. Các chính sách khuyến khích phát triển HTX của chính phủ và chính quyền địa phương chưa thật phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là không đi kèm với kế hoạch cân đối ngân sách hàng năm của mỗi cấp chính quyền. Do vậy, các chính sách này, tuy nhiều, nhưng kém khả thi, hiệu quả thấp, thậm chí còn gây tác dụng tiêu cực, làm cho người dân ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, không coi HTX là của mình, do mình xây dựng và quản lý, vì lợi ích của chính mình.

1.1.3. Hiện nay, chính phủ còn lúng túng trong việc thiết lập cơ quan quản lý nhà nước hữu hiệu đối với sự phát triển HTX trong nền kinh tế. Ở trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có Vụ HTX, làm tham mưu cho bộ và chính phủ về luật pháp và chính sách phát triển HTX. Có ý kiến đề nghị chuyển vụ này thành tổng cục quản lý HTX trực thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư để thống nhất quản lý HTX trong cả nước. Trong khi đó, các bộ quản lý chuyên ngành, như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công- Thương, Bộ Giao thông-Vận Tải, Bộ Xây dựng…đều có cơ quan quản lý HTX chuyên ngành. Bộ Nông nghiệp và PTNT có Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, có mạng lưới đến tỉnh là chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Mặt khác, Liên minh HTX cấp trung ương và cấp tỉnh, về pháp lý là tổ chức phi chính phủ, do các HTX lập ra. Nhưng trên thực tế, Liên minh HTX hoạt động không khác gì cơ quan quản lý nhà nước.

Vì thế, sự chồng chéo chức năng và hoạt động không thống nhất là điều thường xảy ra trong quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển HTX.

1.2. Xét trên tầm vi mô

1.2.1. Về nhận thức, phần lớn người dân chưa hiểu về bản chất HTX, chưa coi HTX là của mình, là tổ chức do chính mình lập ra, tự chủ trong quản lý, tự chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Do vậy, tâm lý chung, người dân coi HTX là tổ chức do nhà nước thành lập, quản lý nên ỷ lại vào tài trợ tiền bạc và hướng dẫn quản lý từ phía các cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế.

1.2.2. Nhu cầu và khả năng quản lý HTX

HTX trong nông nghiệp lập ra là để đáp ứng nhu cầu của nông dân, trước hết là cung ứng nguồn lực đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống xác nhận, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, khuyến nông…) và đặc biệt là giải quyết đầu ra – tiêu thụ nông sản, sao cho có lợi cho sản xuất của các thành viên, hơn các tổ chức khác.

Như vậy, những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, với 5-7 công đất trồng lúa, nuôi vài con heo…, không có nhu cầu thành lập HTX. Bởi vì, nông dân có thể tự thỏa mãn các nhu cầu này rất dễ dàng thuận tiện nhờ hệ thống đại lý vật tư và thương lái thu gom rộng khắp chốn thôn quê. Mặt khác, nếu HTX được thành lập chỉ để đáp ứng nhu cầu của các hộ nông dân sản xuất nhỏ, với khối lượng vật tư và nông sản hàng hóa vừa nhỏ, vừa phân tán, chất lượng không đồng đều thì chắc chắn không có hiệu quả bằng hệ thống buôn bán truyền thống. Hơn nữa, những nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không có năng lực quản lý HTX của mình, xét cả về chuyên môn và tâm lý.

Theo luật HTX 2012, HTX có sự tách bạch 2 bộ máy hội đồng quản trị và giám đốc điều hành là hợp lý. Chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị nhất thiết phải là thành viên HTX, nhưng phải có đủ năng lực thuê và kiểm soát bộ máy điều hành, từ giám đốc đến các nhân viên kinh tế, kỹ thuật của HTX. Giám đốc điều hành và bộ máy điều hành HTX phải được đào tạo chính quy, phải là những nhà kinh tế, kỹ thuật chuyên nghiệp, có trình độ, kỹ năng đủ đáp ứng yêu cầu của HTX. Như vậy, những thành viên HTX là nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không đủ năng lực thuê và giám sát hoạt động của những nhà quản trị HTX chuyên nghiệp. Do tâm lý sản xuất nhỏ, họ không dễ chấp nhận trả mức thù lao xứng đáng theo giá cả thị trường cho các nhà quản trị HTX chuyên nghiệp. Mặt khác, các nhà quản trị HTX có trình độ cao, lại hay coi thường và “qua mặt” các ông bà chủ của mình là hội đồng quản trị.

Như vậy, chỉ có những nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hóa lớn mới có nhu cầu và khả năng quản lý HTX của họ. Trên thực tế, nền nông nghiệp nước ta hiện nay mới manh nha hình thành, chứ chưa có một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn. Vì vậy, HTX đích thực phải là và chỉ có thể, trước hết và chủ yếu là do nông dân sản xuất hàng hóa lớn thành lập và quản lý.

Do đó, cả nhu cầu và khả năng thành lập và quản lý HTX của nông dân nước ta hiện nay không cao.

1.2.3. Đội ngũ quản trị HTX chuyên nghiệp

Để hoạt động của HTX vừa phản ánh đúng bản chất kinh tế-xã hội của nó, vừa mang lại hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu của các thành viên, cần thiết phải có đội ngũ quản trị kinh tế-kỹ thuật chuyên nghiệp được đào tạo chính quy và được nhận thù lao theo giá cả sức lao động trên thị trường.

Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa có đội ngũ nhà quản trị HTX chuyên nghiệp. Mặt khác HTX phải có quy mô đủ lớn với hàng ngàn hay hàng vạn thành viên, hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng doanh thu hàng năm, mới có đủ khả năng tài chính thuê các nhà quản trị chuyên nghiệp.

II. Giải pháp phát triển HTX trong nông nghiệp

2.1. Hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiêp sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đội ngũ quản lý HTX chuyên nghiệp, thực hiện GAP, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Họ chính là các chủ trang trại gia đình hay trang trại cá nhân không có cấp quản trị trung gian (1 cấp quản lý) và các nhà quản lý HTX đủ năng lực bảo đảm cho hoạt động của HTX đạt hiệu quả cao cả về kinh tế-xã hội và môi trường.

- Nhà nước cần đầu tư đào tạo đội ngũ “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lý trang trại sản xuất hàng hóa và có khả năng thành lập, quản lý HTX của họ, dần thay thế nông dân “cha truyền con nối”, những “lão nông tri điền”, đồng thời đào tạo đội ngũ những quản trị HTX chuyên nghiệp cả về kinh tế, tài chính, thương mại và kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Toàn bộ hệ thống các trường, khoa nông nghiệp, từ đại học đến trung học chuyên nghiệp, sẽ được chính phủ thuê bằng hình thức đấu thầu để đào tạo nông dân, nhà quản trị HTX trẻ chuyên nghiệp theo kế hoạch phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, áp dụng GAP, hội nhập với thế giới và theo kế hoạch cân đối ngân sách 5 năm trên mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (không theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã như hiện nay).

- Nhà nước ban hành khung pháp lý để hình thành thị trường mua-bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, thuận lợi, minh bạch. Cần xóa bỏ định chế “thu hồi” quyền sử dụng đất có bồi hoàn theo giá nhà nước quy định. Thay vào đó là thực thi định chế mua-bán quyền sử dụng đất theo quan hệ cung- cầu của thị trường, giữa các chủ thể dân sự (kể cả tổ chức nhà nước). Nhờ đó, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra thuận lợi để hình thành các trang trại sản xuất hàng hóa lớn, các “nông dân lớn”, có đam mê và năng lực làm giàu từ kinh doanh nông nghiệp ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Điều đó tạo ra “CẦU” trên thị trường mua-bán quyền sử dụng đất.

- Nhà nước đầu tư và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu đô thị phân tán ở các tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Khu đô thị nông thôn phải bao gồm 2 bộ phận: tiểu khu công nghiệp-dịch vụ để tạo việc làm, tiểu khu dân sinh để tạo lập cuộc sống văn minh.

Tiểu khu công nghiệp-dịch vụ trong khu đô thị nông thôn ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái trước hết phải đáp ứng nhu cầu đầu vào-đầu ra của sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn trong mỗi khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tạo việc làm để thu hút, sử dụng sức lao động nông nghiệp dôi dư. Tiểu khu dân sinh trong khu đô thị phải có đủ năng lực tạo lập cuộc sống thường ngày cho người dân, bằng các tiện ích công cộng văn minh, như nhà ở, nhà trẻ, trường học các cấp, bệnh xá, nhà văn hóa - thể thao, chợ, hệ thống thông tin-liên lạc, giao thông nội khu có kết nối với bên ngoài…

Nhờ đó, người nông dân khi rời bỏ nông nghiệp, trở thành thị dân ở khu đô thị văn minh được “an cư lạc nghiệp”. Khi đó và chỉ khi đó, họ mới thực sự “li nông”, bán quyền sử dụng đất ở quê nhà cho những nông dân lớn. Điều đó đã tạo ra “CUNG” trên thị trường mua bán quyền sử dụng đất.

Còn nếu người nông dân ra làm công nhân ở khu công nghiệp vẫn phải gửi con về quê cho ông bà nuôi, dạy thì lúc đó, họ sẽ không thể bán quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2.2 Nhà nước xác định chiến lược và qui hoạch, kế hoạch phát triển các loại nông sản hàng hóa chủ lực theo vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.

2.3. Nhà nước xây dựng qui hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo vùng nông nghiệp sinh thái, phù hợp với chiến lược kế hoạch phát triển các loại nông sản hàng hóa chủ lực của mỗi vùng.

Cần lưu ý: không xây dựng chiến lược sản phẩm và qui hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo đơn vị hành chính: tỉnh, huyện, xã như hiện nay. Bấy lâu nay, tư duy quản lý kinh tế theo cấp hành chính đã tạo mâu thuẫn nội tại, khiến cho nhiều tỉnh tự giác hay được trung ương chỉ đạo xây dựng và thực hiện cơ chế liên kết vùng, theo qui trình ngược.

2.4. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp HTX đầu tư áp dụng công nghệ cao trong chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Tổ chức sản xuất theo hợp đồng, liên kết với nông dân (chủ trang trại) sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị trong mỗi ngành hàng nông sản, trên từng vùng nông nghiệp sinh thái. Ví dụ như, chính sách tài trợ kinh phí khuyến nông, tài trợ 1 phần lãi suất tín dụng để đầu tư áp dụng công nghệ cao, lấy chứng chỉ thực hiện GLOBALGAP hay VIET GAP , giảm thuế thu nhâp doanh nghiệp trong 3-4 năm đầu,…..

Đồng thời, cần xóa bỏ các chính sách gây bất công hay tạo tâm lý ỷ lại vào nhà nước, làm méo mó thị trường, như chính sách tài trợ lãi suất tín dụng để doanh nghiệp mua tạm trữ nông sản, tài trợ phí thủy lợi cho doanh nghiệp thủy nông, trợ giá giống lai hay giống biến đổi gene cho các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi, ưu đãi doanh nghiệp nhà nước về đất đai, vốn…tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Chính sách này chỉ tạo ra quan hệ xin-cho, mảnh đất phát sinh tham nhũng.

2.5. Liên minh HTX phải làm đúng chức năng của tổ chức phi chính phủ, do HTX thành lập và quản lý, có thể nhận tài trợ của nhà nước để có thêm kinh phí hoạt động, liên minh HTX không phải là cấp trên của HTX, càng không thể hoạt động như “cánh tay nối dài” của bộ máy nhà nước như hiện nay. Liên minh HTX phải là tổ chức đại diện lợi ích của các HTX thành viên, bảo vệ quyền lợi của họ theo pháp luật, là cầu nối giữa HTX và các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật của nhà nước.

2.6. Chính sách khuyến khích phát triển HTX phải gắn với kế hoạch tài khóa, do Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì xây dựng; các bộ ngành chỉ có trách nhiệm hướng dẫn thực thi chính sách, kế hoạch theo đặc trưng kinh tế-kỹ thuật của mỗi ngành, và phát hiện những khiếm khuyết, kiến nghị sửa đổi chính sách, kế hoạch phát triển HTX hiện hành.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, HTX nói chung và HTX trong nông nghiệp nói riêng, mới phát triển lành mạnh. Chỉ khi nào nông dân coi HTX là của mình, đủ năng lực tự quản, tự chịu trách nhiệm về sự thành bại của HTX, còn nhà nước thực sự coi HTX là của nông dân, chỉ làm đúng vai trò kiến tạo phát triển, thì HTX đích thực mới ra đời và hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn, luật HTX 2012 mới phát huy tác dụng tích cực; HTX mới trở thành một trong những nhân tố mới quan trọng của việc xây dựng lại nền nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại cả trong sản xuất và quản trị./.

---

* Bài viết trong loạt bài về chủ đề "Góp ý thực hiện chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn" của PGS.TS Vũ Trọng Khải.

 

PGS.TS Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường quản lý cán bộ NN 2, TP HCM.

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/van-de-va-giai-phap-phat-trien-hop-tac-xa-trong-nong-nghiep-hien-nay-theo-luat-hop-tac-xa-nam-2012-a799.html