CỘT ĐỒNG MÃ VIỆN 

Nguyên tác ĐÀO DUY ANH

Bản dịch NHẤT THANH V 

L.T.S:. Cột đồng Mã Viện vẫn là chuyện bí ẩn khó mà biết rõ, cho đến nay chưa một nhà sử học nào làm sáng tỏ được. Henri Maspero, trứ danh về môn học khảo cứu Trung Hoa, trong tập san Trường Viễn Đông Bác cổ quyền XVIII số 3 năm 1918, viết về cuộc viễn chinh của Mã Viện có nói đến những cột đồng kia nhưng chỉ là để bác bỏ, cho là không có. Mới đây, trong tạp chí Tri Tân số 14 ra tháng 9 năm 1941, Nguyễn Văn Tố, hội viên trợ bút Trường VĐBC, đã sưu tập một số bài xưa chữ Hán và chữ Việt nói về những cột đồng sử tích kia, nhưng cũng vẫn không đem lại gì thêm minh bạch cho vấn đề.

Những cột đồng kia có thực sự đã được dựng lên chăng? Nếu chẳng tìm thấy dấu vết gì thì làm sao có thể phỏng đoán được là đã dựng ở đâu? Nay ta thử tìm cách giải đáp hai câu hỏi trên.

Trước hết ta hãy gạt bỏ một bên lời nguyền của Mã Viện khắc trên cột đồng. Theo chỗ chúng tôi biết, sách An Nam chí lược của Lê Tắc (đầu thế kỷ XIV) là sách xưa nhất đã nói đến cột đồng. Truyền rằng ngày xưa ở vùng động Cô Sâm đất Khâm Châu có những cột đồng do Mã Viện dựng với lời nguyền “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ tiêu diệt”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) chép lời nguyền kia có nói rõ đó chỉ là do khẩu truyền mới về sau. Nhưng không một sử sách nào thời xưa thuật lại cuộc viễn chinh của Mã Viện có nói đến lời nguyền kia. Chúng tôi tán đồng quan điểm của ông Nguyễn Văn Tố coi truyền thuyết kia như chuyện cổ tích.

*

Nhưng chính những đồng trụ kia thật có chăng? Sách Hậu Hán thư (chương nói về tiểu sử Mã Viện) và cả sách Hậu Hán kỷ đều không nói đến việc dựng đồng trụ, và chính vì vậy mà ông Maspero cho là không có cột đồng.

Nhưng sách Quảng Châu ký (thế kỷ IV hoặc V) có ghi chép là từ xa xưa đã có truyền thuyết Mã Viện dựng đồng trụ. Hơn nữa, trước sách Quảng Châu ký, còn có sách Ngô lục của Trương Bột (đầu thế kỷ IV) cũng đã nói về những cột đồng ấy như sau, mà không nói là do Mã Viện dựng: “Ở Tượng Lâm, ngoài biển khơi, có một hòn đảo nhỏ sản xuất nhiều vàng. Đi chừng 30 dặm đường từ phía bắc xuống, thì đến đất Tây Thục. Dân cư đây vẫn tự nhận là dòng dõi Hán tộc. Ở đây có những cột đồng mà người ta bảo là để phân định ranh giới đất Hán.

Nhưng ở sách Thủy Kinh chú ta mới thấy truyền thuyết kia có vẻ rõ ràng hơn cả, sách này (cuối thế kỷ VI) chép: “Mã Văn Uyên (bút hiệu của Mã Viện) đã dựng những cột bằng kim khí (kim tiêu) để đánh dấu biên giới phía nam đất Hán.” Lời xác nhận này lại được phụ thêm lời giải thích của Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá: “Mã Văn Uyên dựng hai cột đồng trên bắc ngạn Lâm Ấp (Lâm Ấp bắc ngạn) và để lại chừng một chục gia đình quân lính không quay trở về, định cư trên nam ngạn Thọ Linh (Thọ Linh ngạn nam) đối diện với những đồng trụ. Bọn họ thuộc tộc đảng Mã Hy, kết hôn với nhau và ngày nay đông đảo đến khoảng hai trăm gia đình. Người Giao Chỉ coi họ như từ tha phương lưu đày, và gọi họ là bọn Mã lưu. Ngôn ngữ, ẩm thực của họ ngày nay vẫn còn giống như người Trung Hoa. Tang thương biến đổi, những cột đồng ngày nay thành ra ở ngoài biển khơi, và chỉ còn có bọn Mã lưu kia để chứng minh dấu tích nơi xưa.

Theo sách Lâm Ấp ký, những cột đồng ấy là để phân ranh hai lãnh thổ Hán với Tây Đồ.

Vả lại, sử Trung Hoa thường chép những việc dựng cột để kỷ công những cuộc viễn chinh. Sau Mã Viện, có nhiều tướng Trung Hoa như Hà Lí Trinh, Trương Chu, và Mã Tông đời Đường, Mã Hy đời Hậu Tấn, đã dựng cột đồng ở mấy xứ phương Nam, theo gương viên danh tướng nọ nhà Hán.

Chúng tôi thiết tưởng dù ta không có bằng chứng đích xác không thể chối cãi được về việc Mã Viện dựng cột đồng thì ta cũng vẫn không có lý lẽ chắc chắn để quyết đoán phủ nhận việc ấy. Vậy, chừng nào chưa tìm ra chứng cứ trái ngược, ta hãy chấp nhận đã có việc dựng cột đồng, và thử tìm hiểu xem những cột ấy có thể được dựng ở nơi nào.

Thế thì cột đồng dựng ở đâu? Ngày nay còn vết tích gì không? Về điểm này thì những kiến giải của các nhà trước thuật Trung Hoa và Việt Nam, cũng như những truyền thuyết ở Trung Hoa và Việt Nam, đều bất nhất, chẳng tương đồng. Có ý kiến cho rằng cột đồng dựng ở đất Quảng Đông thuộc Trung Hoa, hoặc cho rằng dựng ở tỉnh Phú Yên thuộc lãnh thổ Chàm xưa. Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp (đời Đường) và sách An Nam chí lược đã kể trên, thì những cột đồng đã được dựng ở Khâm Châu trong vùng động Cô Sâm. Thực là khó mà dựa vào thuyết này được, vì bờ cõi Hán bao gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, ắt phải rộng xuống nhiều hơn về phía nam. Đó chỉ là chuyện vu vơ, nguyên do vì thời Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, viên đô hộ sứ Mã Tông có dựng ở núi Phân Mao đất Khâm Châu những cột đồng, noi gương tiền nhân (Mã Viện) mà Tông nhận là dòng dõi. Truyền thuyết này được thêu dệt thêm ra, đã làm cho người ta tưởng những cột đồng này là ở nơi Mã Viện đã dựng cột từ xưa. Trái lại, sách Tân Đường thư cũng như dã sử của ta có chép rằng cột Mã Viện dựng ở trên một trái núi tục gọi là Núi Đá Bia, còn có tên chữ là Ngũ Đồng Trụ Sơn, ở phía nam sông Đà Rằng (Đà Lang), tỉnh Phú Yên. Thuyết này cũng không thể chấp nhận được, vì cái cột ở đây chỉ là một phiến đá thiên nhiên ở trên núi.

Sách Lĩnh biểu lục dị nói cột đồng Mã Viện dựng ở nơi khác. Sách này chép: Vi Công Cán khi làm thứ sử Ái Châu thấy trong hạt mình cai trị có những cột đồng sinh lòng tham muốn mưu bán. Dân không chịu, đem việc tố cáo với viên đô đốc Hàn Ước. Ông này gửi văn thư khiển trách Công Cán mới từ bỏ ý định. Nói như vậy là cột đồng Mã Viện ở trong khu vực Ái Châu, điều này cũng ám hợp với những suy luận của H. Maspero về lộ trình của Mã Viện. Dù H. Maspero có nghi hoặc về những cột đồng kia, ông cũng đã biện bạch rằng nơi cuối cùng Mã Viện đã mang quân đến là huyện Cư Phong, ông đã nói rõ vị trí huyện này ở phía nam tỉnh Thanh Hóa ngày nay, tức là Ái Châu đời Đường (huyện Cư Phong thời Tiền Hán và Hậu Hán thuộc Cửu Chân, đất Cửu Chân thời Lương, Tùy và Đường đổi tên là Ái Châu). Ông còn nói chắc rằng huyện Cư Phong sang thế kỷ III đổi tên là Di Phong, sau thành ra lị sở của Cửu Chân ở trên Lương Giang (tức Sông Chu, tỉnh Thanh Hóa ngày nay).

Nếu coi Cư Phong là nơi cuối cùng Mã Viện đã mang quân đến thì ta chỉ có thể chấp nhận hai định kiến sau đây về vấn đề đồng trụ:

Một là thừa nhận có đồng trụ. Trong trường hợp này, thì phải cho là đồng trụ đã được dựng ở Lương Giang; nhưng ở miền này tuyệt nhiên không có di tích gì, cũng không có truyền thuyết gì về đồng trụ. 

Hai là không nhận có đồng trụ như Henri Maspero đã quyết đoán. Nhưng ta đã nhận thấy, như đã nói ở trên, không có đủ lý lẽ để chối cãi cho rằng không có đồng trụ.

Nhưng ta có thể coi Cư Phong là điểm chót của cuộc viễn chinh Mã Viện chăng? Theo cổ sử thì Mã Viện đuổi đánh quân bà Trưng Trắc, như tì tướng Độ Dương, đến Cư Phong, tại đây quân bà thua phải hàng. Mã Viện bèn sai dựng cột đồng để đánh dấu ranh giới cùng kiệt lãnh thổ Hán. Nếu hiểu rộng nghĩa câu vừa kể thì ta thấy rằng Cư Phong chỉ là nơi Độ Dương và quân lính ta ra hàng, nhưng có gì cấm đoán ta không được nghĩ rằng Mã Viện đã chẳng tiến quân xuống quá đấy sao? Mà chính thể, sách Thủy Kinh chú chép rằng sau khi quân bà Trưng ra hàng ở Cửu Chân, Mã Viện chia quân của ông ra làm hai đạo, một đạo tiến đến châu Vô Biên, một đạo tiến đến châu Cư Phong. Thời Tiền Hán, Vô Biên là một phần đất Cửu Chân, thời Vương Mãng (9-23 sau Tây lịch) gọi là Cửu Chân đình, tức là lị sở của Cửu Chân; thời Đường (620-907), Vô Biên là một phần lãnh thổ Long Trì (phủ Diễn Châu ngày nay). Như vậy, quân Mã Viện đã tiến xuống đến đất Nghệ An ngày nay.

Theo giải thuyết của Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá trên kia thì Mã Viện đã dựng cột đồng trên bắc ngạn Lâm Ấp. Nhưng hồi ấy Lâm Ấp chưa thành lập như một nước. Hai nhà thuyết giải kia viết như vậy là muốn nói bắc ngạn con sông về sau đã dùng làm biên giới giữa Lâm Ấp và đất mới quy hàng quân Hán, nghĩa là theo ý họ con sông ấy là Thọ Linh. Nhưng đến đây ta vấp phải vấn đề rất quan trọng đã tranh luận nhiều, là vấn đề ranh giới đất Chàm.

Theo hai nhà thuyết giải trên thì Thọ Linh là ranh giới của Lâm Ấp. Sách Thủy Kinh chú còn viện dẫn rằng năm Chính Thủy thứ 9 triều Ngụy (247) quân Lâm Ấp xâm chiếm lãnh thổ Thọ Linh và đặt nơi đây làm ranh giới, lại có nói rõ thêm rằng tên sông Thọ Linh là do tên huyện Thọ Linh mà ra. Nhưng phải xác định vị trí huyện Thọ Linh. 

Vào chỗ nào? Vẫn theo sách Thủy Kinh Chú thì vào năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh (III trước Tây lịch), vua Hán Vũ Đế đặt lị sở Nhật Nam ở Tây Quyền, và theo sách Tổng Châu Quận Chí thì vào năm thứ 10 niên hiệu Thái Khang, vua Tấn Vũ Đế chia cắt đất Tây Quyền lập ra huyện Thọ Linh. Vậy huyện Thọ Linh trước là một phần đất Tây Quyền sau trở thành đất tiếp giáp nhau, và cả hai huyện đều ở trong đất Nhật Nam. L. Aurousseau đã đưa ra lập luận bằng cách suy lí ráo riết tinh vi, dựa theo bằng chứng lịch sử, địa dư thiên văn dẫn ở các sách cổ, cho rằng Tây Quyền hẳn là ở vùng lân cận tiếp giáp với Huế ngày nay, và sông Thọ Linh chính là con sông đào Phủ Cam (tức là sông Lai xưa). Nhưng chúng tôi lấy làm ngờ vực việc xác định vị trí sông Thọ Linh của ông L. Aurousseau, là điều ta quan tâm khi cho nó là ranh giới Lâm Ấp.

Theo sách Thủy Kinh Chú và những thuyết giải của Du Ích Kì và Hàn Khang Bá, sông Thọ Linh có lúc đã là biên giới của Lâm Ấp. Nếu vậy thì phải là một con sông lớn chảy từ tây sang đông mới có thể dùng làm biên giới nơi đây được. Và như vậy Thọ Linh không thể chỉ là một con sông nhỏ ngày nay nhờ có đào vét khơi rộng mới thành con sông đào Phủ Cam, mà dòng nước chảy thì từ bắc xuống nam.

L. Aurousseau đã phỏng định đúng vị trí của sông Lộ Dũng nhưng không đúng về sông Thọ Linh; sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho rằng sông Thọ Linh với Linh Giang hay sông Gianh chỉ là một. Mặc dù Nhất Thống Chí chỉ căn cứ vào hai chữ [Tiếng trung] khác nhau mà đồng âm, chúng tôi cũng thấy sự nhận định ấy còn do khả.

Nếu sông Thọ Linh xưa là Linh Giang bây giờ thì ta phải kê cứu xem có phải cột đồng Mã Viện dựng ở phía nam Hoành Sơn trên sông Gianh, cách Đồng Hới 34 cây số về phía bắc? Như ta đã nhận xét về con sông Lương Giang tỉnh Thanh Hóa, ở vùng này không có một di tích nào cũng không có truyền thuyết gì liên quan đến cột đồng. Thế thì ta phải gạt bỏ ý tưởng cho con sông này là biên giới cũ của Hán, và do không còn có chứng cứ nào để nhận định tìm ra ở vùng này nơi đã có dựng cột đồng. 

Vả lại ta không chắc gì Mã Viện đã tiến quân qua dãy Hoành Sơn. Theo sự nhận xét của chúng tôi, Du Ích Kì và Hàn Khang Bá thấy sử sách xưa có chép về cột đồng đánh dấu biên giới phía nam lãnh thổ Hán, thì nghĩ rằng những cột ấy hẳn là ở biên giới Lâm Ấp. Biết đâu các ông ấy đã chẳng làm chỉ vì thấy thời Ngụy (xem Thủy Kinh Chú) nước Lâm Ấp đã chiếm cứ vùng Thọ Linh và đặt ranh giới ở đấy, mà cho rằng cột đồng đã được dựng trên sông Thọ Linh.

Nhưng, dù biên giới của Lâm Ấp về thế kỉ IV là dãy Hoành Sơn (biên giới này không thấy được xác nhận trong sử Trung Quốc), người Chàm đã nhiều lần vượt qua tràn lên miền Hà Tĩnh Nghệ An ngày nay, tàn phá quận Cửu Chân. Hồi Lâm Ấp chưa lập thành nước thì miền đất ở phía nam dãy Hoành Sơn là quận Nhật Nam thuộc Hán, dân cư đây không phải người Việt Nam mà là những bộ lạc giống người Nam Dương cũng như người Mọi ngày nay; một vài bộ lạc ấy về sau đã hỗn đồng với giống người Mã Lai từ phía nam lên kết thành dân tộc Chàm. Những rợ này trong số có một chủng tộc gọi là Tây Đồ Di, đã vượt qua dãy Hoành Sơn vùng Nghệ Tĩnh ngày nay, hồi ấy còn là đất quận Nhật Nam, vào khoảng năm 264 nhà Ngô mới chia cắt lập ra quận Cửu Đức.

Vậy thì, nếu một đàng đất Nhật Nam bao gồm cả miền Nghệ Tĩnh ngày nay, và đàng khác nếu Mã Viện đã không tiến quân qua dãy Hoành Sơn, thì ta phải tìm cột đồng ở phía bắc chứ không phải ở phía nam dãy núi này.

Nhưng tại sao sách Ngô Lục chép cột đồng ở Tượng Lâm? Tượng Lâm là một huyện ở phía nam Tượng quận đời Tần và quận Nhật Nam đời Hán. Quận Nhật Nam sau bị người Chăm xâm chiếm và lập ra nước Lâm Ấp; Lâm Ấp cũng lại là tên cũ của một huyện mà người Hán gọi là Tượng Lâm; và chính vì vậy mấy nhà trước thuật Trung Hoa đời sau đã lầm lẫn về thời đại, có lúc đã gọi Nhật Nam là Lâm Ấp là Tượng Lâm. Trương Bột trong sách của ông viết thế kỷ IV nghĩa là vào hồi người Chàm đã kiến lập nước họ, có lẽ đã muốn gọi chung tất cả lãnh thổ Nhật Nam đời Hán bằng tên Tượng Lâm, chứ không riêng gì một huyện Tượng Lâm mà L. Aurousseau cho là ở Tra Kiệu tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Phần thì ta đã nhận thấy rằng có thể Mã Viện đã tiến quân đến vùng Nghệ An ngày nay, phần thì ta đã ý thức rằng những cột đồng có thể đã được dựng ở phía bắc dãy Hoành Sơn, vậy thì ta chỉ còn phải tìm tòi ở quanh vùng Nghệ Tĩnh ngày nay. Sự chú mục của ta hẳn là phải dồn cả vào một quả đồi cô lập ở tả ngạn Lam Giang, nơi đường xe lửa vượt qua sông, cách Vinh chừng mười cây số về phía tây nam (quả đồi này ghi độ số cao 169 trên địa đồ). Sách Đại Nam Nhất Thống Chỉ (đời Thành Thái) gọi đồi này là Hùng Sơn, nhưng tục vẫn gọi là Núi Thành hay Núi Lam Thành và còn gọi là Núi Đồng Trụ. Trên đỉnh đồi còn di tích một thành cũ của tướng Trung Hoa Trương Phụ xây để chống đánh ta hồi cuối đời Trần. Ở trong thành ta còn nhận ra được một đống đá là nơi có lẽ Trương Phụ đã cho dựng cột cờ, nhưng có truyền thuyết trong dân chúng cho rằng đây là nơi đã dựng cột đồng. Trong sách Nghệ An chí, một nho gia thời Lê mạt và thời Tây Sơn là Bùi Dương Lịch đã căn cứ vào tên cũ quả đồi và vào truyền thuyết kia, quyết đoán là Mã Viện đã dựng cột đồng ở đây. Henri Le Breton trong sách Le Vieux An Tịnh ông viết, có lập lại thuyết ấy mà không trưng thêm bằng chứng gì khác. Giờ ta hãy xét xem ức thuyết ấy có thể đem khảo cứu được chăng?

Theo một đoạn sách Ngô-lục đã kê trên, xưa ở vùng Tượng Lâm, ngoài khơi có "một hòn đảo nhỏ sản xuất nhiều vàng". Đi chừng 30 dặm từ Bắc xuống Nam thì đến nước Tây Đồ. Dân cư ở đây tự nhận là dòng dõi Hán tộc; ở đấy có những cột đồng.

Suốt dọc ven biên Nghệ Tĩnh chỉ có đảo Hòn Niêu là có thể coi như ám hợp ít nhiều với lời chép trong đoạn sách trên kia, dù đảo này không sản xuất vàng. Từ Hòn Niêu nếu ta đi theo hướng Bắc xuống Nam hay hướng Đông Bắc sang Tây Nam thì sẽ đến cửa sông Lam Giang hay Cửa Hội. Nếu đi ngược dòng sông ấy, ta đến Núi Thành, đường đi như vậy tất cả chừng 35 cây số. Nhưng nếu theo đường thẳng thì đường đi chỉ độ 20 cây số, nghĩa là cũng xấp xỉ 30 dặm như Trương Bột đã viết trong sách. Núi Thành phải chăng là nơi có cột đồng mà Trương Bột đã nói? Ông gọi miền này là nước Tây Đồ. Theo sách Lâm Ấp Kí, chính là để đánh dấu biên giới giữa lãnh thổ Hán và nước Tây Đồ mà Mã Viện đã dựng cột đồng. Như chúng tôi đã nói trên kia, nước Tây Đồ có thể là một trong những bộ lạc dòng giống Nam Dương ở rải rác đến tận phía Bắc dãy Hoành Sơn.

Theo thuyết giải của Du Ích Kì Hàn Khang Bá và theo sách Lâm Ấp Kí thì Mã Viện, sau khi đã dựng cột đồng, có để lại một chục gia đình quân lính ở lại trên bờ phía Nam (ngạn Nam) sông Thọ Linh, đối diện với những cột đồng.

Ví phỏng việc ấy có thực và những cột đồng đã được dựng trên Núi Thành thì những người Mã Lưu kia có thể đã được để lại trong làng Nam Ngạn ngày nay (phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trên hữu ngạn Lam Giang. Đất đai những làng Quang Du, Hưng Nghĩa và Hưng Phúc hiện giờ ở bờ sông là do đất phù sa mới bồi nên. Xem địa đồ tỷ lệ xích 1/100,000, ta thấy rõ dòng cũ Lam Giang đã chảy qua Nam Ngạn. Chúng tôi không dám quyết đoán tên Nam Ngạn của làng này có liên quan với hai chữ Ngạn Nam trong đoạn sách kể trên nói về nơi người Mã Lưu định cư; nếu chỉ là tình cờ trùng hợp thì thực không khỏi làm cho ta băn khoăn.

Sau hết, điều dẫn ra sau đây trong sách Tùy thư có thể bênh vực cho ức thuyết của chúng tôi: “Tưởng Trung Hoa Lưu Phương được cử đi đánh quân Chàm đã đem quân qua nơi có cột đồng Mã Viện và tiến xuống phía Nam, đi tám ngày đường đến kinh đô nước Lâm Ấp”. Kinh đô này là Trà Kiệu, vậy thì không phải là vu vơ khó tin khi cho rằng những cột đồng nói trong đoạn sách vừa kê là ở miền Lam Giang.

Ta đã nhận ra không có lý do gì để cố chấp mà chối cãi việc Mã Viện có dựng cột đồng, vì một số sử sách xưa đã có nói đến, và vì việc dựng cột đồng là một tập tục cựu truyền của các tướng Trung Hoa đem quân viễn chinh xuống các xứ phương Nam. Nay thì không còn vấn đề cho rằng cột đồng ở Quảng Đông hay ở Phú Yên như một số truyền thuyết của Tàu và của ta. Cũng khó có thể cho rằng cột đồng ở Thanh Hóa là đất Ái Châu đời Đường, vì ta đã biện minh được Mã Viện đã đem quân xuống đến đất Nghệ An ngày nay. Trái lại, sau khi đã khảo cứu ức thuyết của L. Aurousseau về vị trí sông Thọ Linh và mặt khác nhận xét về giả thuyết của Du Ích Kì Hàn Khang Bá cho rằng cột đồng ở bắc ngạn sông ấy, đồng thời không thể khám phá ra vị trí cột đồng ở phía nam dãy Hoành Sơn, ta đã thu hẹp lại phạm vi tìm tòi và giờ chỉ còn phải giới hạn công việc dõi tìm trong vùng Nghệ Tĩnh. Tại vùng này, chúng ta đã nhận biết Núi Thành chỉ cách Vinh chừng mười cây số về phía tây nam trên tả ngạn Lam Giang, điều gần đúng với lời chỉ dẫn trong sách Ngô-lục và sách Tùy thư về nơi có cột đồng, ý suy định này càng thêm vững chắc vì có những truyền thuyết ở địa phương gọi quả đồi này bằng tên rõ, rất có ý nghĩa là Núi Đồng Trụ. Không phải là ngụy biện khi cho rằng sau khi đã dẹp cuộc khởi nghĩa ở mấy châu quận, đích thị ở trên quả đồi này Mã Viện đã dựng cột đồng để “ghi lại mãi mãi về sau, công bình định và đồng thời để đánh dấu biên giới lãnh thổ Hán với đất đai các bộ lạc 'man rợ' ở rộng đến hữu ngạn Lam Giang ngày nay.

NHẤT-THANH dịch

LỜI BÀN CỦA NGƯỜI DỊCH

Sách An-Nam chí lược chép:

Mã Phục-ba đời Hán dẹp yên Giao-chỉ rồi dựng cột đồng để đánh dấu "biên giới lãnh thổ Hán". Đời Đường, Mã-Tông làm chức An-Nam đô-hộ, lại dựng hai cột đồng, vì Tông là dòng dõi Phục-Ba. Xưa truyền rằng ở động Cô-Sâm tại Khâm Châu có cột đồng của Mã-Viện, với lời thề rằng: "Cột đồng này gãy thì Giao-chỉ tiêu diệt." Vì thế, người Giao châu mỗi khi đi ngang qua đều lấy ngói ném vào chung quanh chân cột, và chẳng bao lâu nơi ấy hóa thành gò đống.

Thơ Đỗ-Phủ có câu: "Vũ lai đồng trụ bắc, ý tây Phục-Ba quân" (mưa phía bắc đồng trụ, muốn rửa quân Phục Ba). Nơi ranh giới nước Chiêm-Thành cũng có cột đồng. Thơ Mạnh Hạo-Nhiên có câu: "Đồng trụ Nhật-Nam đoan" (cột đồng đứng đầu đất Nhật-Nam).

Có lẽ tác giả An-Nam chí lược đã viết đoạn trên theo sách Lĩnh-ngoại đại đáp (đời Đường). Sách này chép: "Cột đồng dựng ở Khâm châu trong vùng động Cô-Sâm." Nhưng ở đoạn dưới lại nói nơi ranh giới nước Chiêm-Thành cũng có cột đồng, như vậy nghĩa là có cột đồng khác; và liền tiếp với câu này lại kể thơ Mạnh Hạo-Nhiên như để bổ túc cho rõ nghĩa thêm là nơi có cột đồng ở Chiêm-Thành là nơi giáp giới Nhật-Nam.

Sách Ức-Trai di tập (dư địa chí) còn có tên là An-Nam Vũ-Cống của Nguyễn Trãi, chương XXV chép: "Ở về phía tây lộ Hải-đông chừng 300 dặm có núi Phần-Mao, lưng chừng núi có cái cột đồng do Mã-Viện đời Hán dựng lớn chừng ba thước. Đến giữa niên hiệu Nguyên hòa (Đường Hiển-Tôn 805-820) viên đô hộ Mã-Tông lại dựng cột đồng vào chỗ cũ." Phân-Mao là một quả núi ở đất Khâm-châu thì vẫn là cột đồng ở động Côn Sâm.

Chắc Nguyễn Trãi đã chép theo mấy tài liệu sử mà Đào Duy Anh đã kể trong bài, không có gì khác. Ngọ-Phong họ Ngô (tức Ngô Thì Sĩ) trong một bài bàn viết ở Úc Trai di tập, nói: "Theo sách Minh thống chí, cột đồng dựng ở động Cô-Sâm thuộc châu Như-Tịch nước ta."

Ở cuối chương XXV sách Úc-Trai di tập có phụ chép: "Mạc Đăng Dung cướp ngôi Lê, sai sử sang nhà Minh xin quân tiếp viện và tự mình đến Nam-quan dâng sở quy hàng và dâng hai châu Như Tịch, Chiêm-Lãng cho thuộc vào Khâm châu."

Như vậy, cột đồng ở Khâm-châu được nói đến nhiều. Ngoài ra, lại có bài thơ Đường sau đây của Trương Vị đùa tặng quan thị-ngự họ Hỗ dâng đồ cống vua, 2 câu đầu rằng:

"Đồng trụ Chu-Nhai đạo lộ nan, Phục-Ba Hoành Hải cựu dăng đàn."

(Đường đi tới cột đồng Chu-Nhai khó khăn, nơi đây Phục-Ba và Hoành Hải đã từng được phong tướng đi đánh dẹp).

Dưới bài thơ có lời chú giải: "Đồng trụ Mã-Viện chinh Giao-chỉ sở lập, kim tại Quảng-đông Liêm-châu phủ." (Mã Viện dẹp yên Giao-chỉ rồi dựng cột đồng ở tỉnh Quảng-đông phủ Liêm-châu ngày nay) (xem Đường-thi hợp-tuyển tưởng giải Sơn-ân Lưu văn Ủy).

Lời chú giải kia có lẽ là của người biên tập hoặc của nhà xuất bản sách, chắc không phải của thi nhân. Đành rằng không có giá trị lịch sử đáng tin tưởng, nhưng ta không khỏi thắc mắc khi được đọc trong các sách như vậy.

Để kết luận, chúng tôi tán đồng quan điểm của học giả Đào Duy Anh nhận định rằng: "Cột đồng Mã-Viện có lẽ đã dựng trên một quả đồi tên là Núi-Thành hay núi Đồng Trụ cách Vinh chừng 10 cây số về phía tây-nam (Vinh là tỉnh lị Nghệ An)."

Mặc dầu còn có một hai điểm có thể bàn cãi, thiết tưởng cũng khó mà nhận định khác được. Dù sao, sau này nếu có thể ngẫu nhiên tìm thấy cột đồng ở đất ta, ta vẫn có thể nghĩ rằng có thể có cột đồng khác, vì các tướng Trung-Hoa có tục dựng cột đồng để kỷ công chiến thắng, như cột đồng ở phần chú giải bài thơ Trương Vị nói trên nếu có thật thì cũng không chắc gì là của Mã Viện dựng.
 

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/cot-dong-ma-vien-a8022.html