Ứng dụng các giá trị của cây sen trong sản phẩm thương mại về trà sen tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra "Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" vào chiều ngày 12/7/2024. Nhân dịp này, Công ty TNHHMTV Chuông Vàng chia sẻ một số thông tin về giá trị của cây sen trong sản phẩm thương mại về trà sen tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu một số thông tin liên quan.

Ở Việt Nam, sen là loài cây được trồng phổ biến ở tất cả các địa phương. Đây là loài cây mà tất cả các bộ phận từ cuống, lá, củ, hoa… đều được sử dụng, và trong Đông y, thường sử dụng những bộ phận của cây sen để bào chế thành các vị thuốc có lợi cho sức khỏe. Còn trong văn hóa Việt Nam, hoa sen đã trở thành biểu tượng xuất hiện trong nhiều di tích kiến trúc văn hóa Phật giáo. Hoa sen cũng được đề xuất chọn làm Quốc hoa… Tơ sen, lá sen hiện cũng được nhiều người khai thác để chế biến làm thành những tấm lụa mát mịn, hay để pha nước uống có lợi cho sức khỏe…

Với người Hà Nội, hoa sen là loài hoa quen thuộc. Cứ mỗi độ hè về, những đầm sen ven hồ Tây lại khoe sắc. Người Hà Nội thích chơi hoa sen vì sự thanh tao của loài hoa này. Ngoài ra, theo phong thủy, trưng hoa sen trong nhà có tác dụng điều hòa khí vượng, tăng cường những năng lượng về sức khỏe cho ngôi nhà, giúp gia chủ gỡ bỏ mọi ưu phiền, bình an.

Ven hồ Tây, người dân trước đây trồng nhiều loại sen, trong đó nổi tiếng nhất là sen Bách Diệp. Gọi là sen Bách Diệp bởi trung bình mỗi bông sen có tới 100 cánh. Sen Bách Diệp có 2 màu chính là hồng và trắng, mỗi sắc hoa đều mang một nét đẹp riêng. Đặc biệt, thời gian nở của loài hoa này rất dài, từ lúc bắt đầu bung nở đến lúc tàn kéo dài từ 15 - 20 ngày.

Hoa sen Tây Hồ ngoài việc phục vụ nhu cầu chiêm ngắm, hoặc trang trí thì chủ yếu được khai thác phục vụ nghề ướp trà sen. Trà sen hồ Tây từng được ví là “Thiên cổ đệ nhất trà” - một loại trà hảo hạng. Pường Quảng An của quận tây Hồ từ xưa cũng đã nổi tiếng với những gia đình làm nghề ướp trà sen cung cấp cho thị trường. Nhiều người gắn bó với nghề ướp trà sen ở đây đã trở thành những nghệ nhân tên tuổi, với bí quyết ướp trà sen riêng. Nghề ướp trà sen nói chung, và ướp trà sen Tây Hồ nói riêng, trải qua nhiều công đoạn, rất tỉ mỉ. Từ việc lựa sen, lựa thời điểm hái hao sen, cho tới lựa loại trà để ướp… Để ướp được một kg trà sen, cần từ 5.000-7.000 bông hoa sen. Do đó, giá thành của trà sen thành phẩm thường khá cao. Xưa, trà sen là thức uống chỉ dành riêng cho vua chúa, sau này thì những gia đình giàu có mới có cơ hội thưởng thức loại trà này…

trasen-1720775781.jpg

I. Giới thiệu trà sen Tây Hồ (còn được gọi là Trà sen hồ Tây, Thiên Cổ Đệ Nhất Trà)

Là một đặc sản trong ẩm thực Hà Nội làm từ hoa sen bách diệp mọc tại một số khu vực ở hồ Tây (nay thuộc quận Tây HồHà Nội). Người ướp trà sen sử dụng trà đặc sản từ một số vùng tại Thái NguyênHà Giang hoặc Phú Thọ. Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng sen Tây Hồ và trà, các nghệ nhân sẽ tiến hành một quy trình ướp và sấy trà khá cầu kì để cho ra sản phẩm trà sen. Giống sen Bách Diệp Tây Hồ, là loại sen có nhiều cánh nhỏ, có 2 màu (màu trắng hoặc màu hồng phớt), có nụ mọc không đáng kể. Thổ nhưỡngkhí hậu, nguồn nước đặc biệt của hồ Tây được cho là lí do tạo nên sen bách diệp.

Trà sen Tây Hồ thường có giá trị kinh tế tại thị trường Việt Nam. Không chỉ trà sen Tây Hồ được xem là thức uống đáng chú ý trong nền văn hoá trà tại Việt Nam, nghệ thuật ướp trà cũng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Năm 2023, trà sen Tây Hồ vinh dự là một trong 3 phẩm trà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mời Chủ Tịch Tập Cận Bình. Hồi tháng 3 năm 2024, trà sen Hồ Tây được sử dụng để mời tỷ phú Bill Gates (người Mỹ) cùng bạn gái thưởng thức.

trahoasen-1720775923.jpg

Trà ướp sen là một vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho vua chúa và những gia đình quyền quý. Và nghề ướp trà sen có từ rất lâu đời, chủ yếu đến từ người dân các làng cổ gồm: Quảng Bá, Tây Hồ và Nghi Tàm. Từ khi quận Tây Hồ được thành lập, địa bàn phường Quảng An là nơi tập trung nhiều hộ ướp trà sen nhất là khu đất của làng Quảng Bá cũ.

II. Các thương hiệu Trà sen tại Việt Nam được biết tới dưới nhiều hình thức

2.1.  Những nghệ nhân ướp Trà sen nổi tiếng

- Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần

Cụ Dần sinh năm 1924, từ 9 tuổi, cụ Dần đã theo mẹ bán sen để ướp trà.
Cụ Dần vẫn nhớ những vị khách đến nhà, những lần đài truyền hình Nhật Bản đến làm phim. Và bà Thân, người con gái duy nhất của cụ Dần, đang giữ nghề làm trà sen như mạch nguồn thẳm sâu, tao nhã, riêng có của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội…

- Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm

Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ làm trà sen Tây Hồ truyền thống, ông Ngô Văn Xiêm (sinh năm 1948) là một nghệ nhân làm trà sen nổi tiếng bậc nhất Tây Hồ. Với 4ha đầm sen bách diệp, mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, gia đình ông Xiêm thu hoạch được khoảng 2.000 - 2.500 bông sen đầu mùa, đến chính vụ sẽ thu được khoảng 10.000 bông.

Cho đến nay, trà sen Hiền Xiêm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao; là đơn vị được các cấp lãnh đạo tin tưởng sử dụng trà để tiếp các đối tác quan trọng, quan chức cấp cao trong và ngoài nước.

Hình tượng nghệ nhân có vai trò quan trọng trong gìn giữ các giá trị truyền thống, là tượng đài trong làng nghề. Vì vậy, cần phủ sóng hình ảnh nghệ nhân gắn liền với các hoạt động thương mại cũng như văn hoá của làng nghề.

2. 2. Hợp tác xã thương mại về trà sen

Hoạt động dưới cơ sở pháp lý như doanh nghiệp, là một tập thể các hộ kinh doanh… có những quyền lợi đặc thù riêng biệt.

- HTX Nông nghiệp dịch vụ Quảng An do ông Vũ Hoa Thảo làm chủ nhiệm
Theo một ước tính năm 2012 của ông Vũ Hoa Thảo, Chủ nhiệm hợp tác xã Quảng An cho biết tổng diện tích mà phường này còn khoảng hơn 15ha chia đều cho 4 hồ, đầm là hồ Đầu Đồng, hồ Thủy Sứ, đầm Trị và ao Chùa. Vào mùa sen nở, mỗi ngày 4 hồ này cho thu hoạch xấp xỉ 10.000 bông hoa đạt tiêu chuẩn để ướp trà.

- HTX Sen Thường Tín

Hoạt động từ năm 2022 , nổi bật với các sản phẩm về trà Shan tuyết ướp sen bách diệp, diện tích 30 mẫu, trung bình một ngày lấy hoa sen ướp trà đạt 10.000b /1 mẫu.

- HTX Hoàng Trà (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam)

Được thành lập từ năm 2019, xây dựng được 15 mẫu vùng nguyên liệu Sen Bách Diệp dùng để ướp trà.

- HTX Sen Nam Đàn

Năm 2018, HTX nông nghiệp Sen quê Bác ra đời, gồm 17 thành viên, với số vốn 10,6 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng, chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen.

2.3 Thương hiệu Trà Sen tư nhân

- Trà Sen Minh Cường

Chuyên về các mặt hàng trà ướp hương, trà sen Bách Diệp.

- Công ty cổ phần Sen Cộng

Hệ sinh thái đầm sen, cung cấp nhiều giống Sen khác nhau, du lịch dịch vụ liên quan đến Sen, sản xuất và bán trà ướp Sen.

- Trà Sen Bách Diệp Tây Hồ Sonsen

Chuyên cung cấp các set quả tặng trà Sen, hướng đi tiếp cận thị trường dưới góc độ giáo dục di sản.

- Và các đơn vị kinh doanh theo hộ cá thể

III. Khai thác các giá trị của cây Sen

3.1 Giá trị về nông nghiệp

Ngoài các sản phẩm trà Sen như đã nói ở trên, cây Sen còn ban tặng cho chúng ta rất nhiều những giá trị đặc biệt khác như:

Tơ sen: Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận, người đã thành công nghiên cứu ra tơ sen Việt Nam, đã được nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới ưa thích.

Trà Lá sen tinh chất bình vôi, trà lá sen tam thất, sản xuất theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Công ty xuất nhập khẩu Biona Việt Nam.

HTX Sen Vân ĐàiThái Bình đã chuyển đổi thành công 6ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại sen. Bà Nguyễn Thị Chiến, Phó giám đốc HTX Sen Vân Đài Cho biết:

Hiện nay, giống sen lấy hoa ướp trà cho năng suất hoa khoảng 40.000 bông/1.000m2 trong thời gian 6 tháng; giống sen lấy hạt tỷ lệ đậu quả đạt 98%. Đối với giống sen lấy ngó, một lứa trung bình thu hoạch từ 150 - 200kg/ha. Với giống sen lấy củ, sau gần 3 tháng cho thu hoạch củ với sản lượng từ 9 - 10 tấn/ha.

3.2 Giá trị về văn hoá, mỹ thuật

Hình tượng hoa sen dưới thời Lý, trần

Hoa cỏ dưới thời Lý, thời kỳ mà Đạo Phật được đề cao, cũng là giai đoạn chính quyền quân chủ được khẳng định, ít nhiều dựa trên hệ tư tưởng Phật giáo, nên đương thời quan tâm nhiều tới hoa sen nhiều hơn các loài hoa khác.

Có thể thấy rằng, hầu như trên hiện vật nào cũng có hoa sen, như chân tảng kê cột, trang trí trên miệng bình thạp, hay vẽ trên gốm…Nhà nghiên cứu Vương Kim – Phan Bá Cầm, trong bài “Hoa sen với Đạo Phật” (đăng trên Tạp chí Vạn Hạnh, số 4, Sài Gòn, 1965), cho chúng ta biết:

“Với các tôn giáo thời cổ, hoa sen được xem là vật thiêng liêng, tượng trưng cho vũ trụ vô hình và hữu hình, cho sức sáng tạo vật chất và tinh thần.”
Còn theo PGS.TS Triệu Thế Hùng trong bài “Về hình tượng thực vật qua di sản văn hoá Việt” (Tạp chí Di sản văn hoá, số 4, 2012) thì: “Sen có hương hơn các thứ hương, sạch hơn trong mọi chỗ sạch. Đồng thời, hoa sen cũng là hiện thân của mọi nguồn hạnh phúc trần gian và ở mặt nào nó, sen là hiện thân của sự sinh sôi, nảy nở… Chính bởi như vậy, nên dưới thời Lý, đôi khi biểu tượng gắn với vua là rồng, thường được chạm nổi từng cặp trong lòng cánh hoa sen. Hình tượng này, như nói lên sự đồng nhất giữa vương quyền và thần quyền ở đầu thời tự chủ.”

Hoa sen trong kiến trúc

Chùa Kim Liên là ngôi chùa nằm trên phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội được xây dựng năm 1443 dưới thời nhà Lý, nhà Trần. Chùa Kim Liên được mệnh danh là “bông sen vàng trên mặt nước hồ” nhờ sở hữu vị trí đắc địa, xung quanh bốn bề sông nước, kiến trúc chùa có bố cục chữ Tam, mặt bằng hình chữ nhật, các đầu đao nở xoè, mang dáng đoá sen với ngụ ý của tên chùa Kim Liên.

Một đồ án Rồng phù đội sen tìm thấy ở phía ngoài điện thiêu hương hay ở tam quan chùa Kim Liên, trán rồng phù hình cánh sen có cùng lối tả với đấu Việt, nằm giữa vân mây xoắn, đao mây lửa, thành cụm hoa văn khá sinh động.

Hình tượng hoa sen trong Mỹ thuật

Hoa sen là một đề tài muôn thuở và gần gũi với rất nhiều thế hệ họa sỹ tạo hình Việt Nam. Đã có rất nhiều họa sỹ vẽ về hoa sen và hình ảnh phụ nữ đẹp bên hoa sen, từ Nguyễn Gia Trí vẽ “Thiếu nữ bên đầm sen” (sơn mài – 1938) mô tả cảnh các thiếu nữ mặc áo dài thướt tha đang tung tăng dạo chơi bên đầm sen;Tô Ngọc Vân “Thiếu nữ bên hoa sen”, (sơn dầu – 1944) đến Nguyễn Sáng “Thiếu nữ bên hoa sen” (sơn dầu – 1972), được coi là tiêu biểu cho giai đoạn cuối của hoạ sỹ trong sự nghiệp sáng tác theo xu thế lãng mạn.

3.3 Ứng dụng các giá trị của hoa sen trong sản phẩm thương mại về trà sen của thương hiệu Trà Sen Bách Diệp Sonsen

Thương hiệu trà sen Bách Diệp Sonsen thuộc công ty TNHHMTV Chuông Vàng, là thương hiệu có hướng đi rõ ràng về truyền thông văn hoá thông qua hình ảnh hoa sen. Ý thức được việc bảo tồn và phát huy di sản làng nghề đang dần bị mai một, thương hiệu đã đưa những giá trị văn hoá, giá trị mỹ thuật vào thương mại quảng cáo, như một hình thức giáo dục di sản đến khách hàng.

449122776-470926778919256-582822182846451991-n-1720775593.jpg

Cái tên thương hiệu SONSEN có ý nghĩa là sự may mắn, sang trọng, ngụ ý của chữ “Son” trong Lầu son gác tía, Sơn son thếp vàng… Son trong tấm lòng son sắt, trước sau như một của người phụ nữ Việt Nam. Bởi hình tượng hoa sen mang tính âm, có tính sinh sôi nảy nở, bao bọc chở che, khởi nguồn của mọi hạnh phúc trong triết lý nhân sinh Việt. Thương hiệu Sonsen ứng dụng những đường nét hoạ tiết thời Lý, màu sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu, để đưa vào thiết kế các ấn phẩm như Logo, bao bì, ấn phẩm quảng cáo… Biến những giá trị vô hình thành một món quà hữu hình đến tay khách hàng, từ đó làm sống dậy những giá trị trường tồn đến với xã hội.

450624104-480739591271308-8546997979924381587-n-1720775593.jpg

Thực tế đã cho thấy, các sản phẩm được chế biến từ cây sen rất đa dạng và ngày càng được nghiên cứu, chế biến theo những cách tiếp cận mới, phù hợp với xu thế thời đại. Những sự sáng tạo này đã giúp cho cây sen có thêm những “giá trị gia tăng” khác, bên cạnh vẻ đẹp của những đầm sen mùa hoa nở.

Trong những hướng đi khai thác giá trị từ hoa sen để ứng dụng vào cuộc sống, thì ướp trà sen Bách Diệp Tây Hồ là một hướng đi khá mới mẻ. Điều này không chỉ giúp phục hồi những đầm sen Bách Diệp đang ngày một ít đi, có nguy cơ biến mất ở ven hồ Tây (Hà Nội) mà còn nâng tầm giá trị của trà sen Tây Hồ sau một thời gian bị trùng xuống, thậm chí sa sút về chất lượng do nhiều yếu tố của kinh tế thị trường.
Để hướng đi này trở nên bền vững và làm dày nên nét văn hóa, thành lịch của người Hà Nội, cần có sự đầu tư bài bản, từ việc khoanh vùng trồng sen, áp dụng những biện pháp kỹ thuật đúng đắn, lành mạnh với loài sen Bách Diệp đặc sắc.

Bên cạnh đó, cần có những quy trình thích hợp trong việc khai thác cũng như sự kết hợp giữa kỹ thuật ướp trà cổ truyền với sự hỗ trợ của máy móc để làm sao trà sen Bách Diệp Tây Hồ vừa “chuẩn vị”, vừa bảo quản được lâu, hướng tới những người thích uống trà ở khắp mọi nơi, ở tất cả các thời điểm trong năm…

(Tài liệu Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ung-dung-cac-gia-tri-cua-cay-sen-trong-san-pham-thuong-mai-ve-tra-sen-tai-viet-nam-a8179.html