Kỳ 8.
-Chương trình do Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ?
-Thưa tướng quân, chương trình do tổ chức văn hóa “Đông Á Đồng Văn Thư Viện” của Nhật giúp đỡ. Tại hạ sẽ vận động chính phủ Nhật Bản sau.
-Xin chúc mừng thành công bước đầu của tiên sinh. Lão phu vũ trang chống Pháp, Phan tiên sinh cũng bạo động chống Pháp. Vậy là hai chúng ta cùng chí hướng, cùng phương pháp. Người đâu.
-Dạ.
-Đem rượu ra đây.
-Dạ.
Có rượu, Hoàng Hoa Thám cầm chén và nói tiếp:
-Khi tối là cùng các thủ lĩnh chúc tiên sinh là chúc chung, bây giờ đến lượt lão phu chúc riêng tiên sinh. Xin chúc tiên sinh mai thượng lộ bình an, chúc sự nghiệp cứu nước của tiên sinh, của Hội Duy Tân thành công. Qua tiên sinh xin gửi lời chúc sức khỏe gia đình, chúc sức khỏe ngài Hội trưởng Cường Để và anh em trong Hội Duy Tân.
Phan Bội Châu nâng chén:
-Đa tạ tướng quân, chúc sự nghiệp vũ trang chống Pháp của tướng quân thu nhiều thắng lợi, chúc gia đình tướng quân sức khỏe, thành công, may mắn.
-Đa tạ tiên sinh, nếu có dịp, tiên sinh lại về thăm Yên Thế, về với lão phu.
-Đa tạ, đa tạ tướng quân.
-Xin mời công tử, chúc công tử thành đạt trên con đường sự nghiệp và cứu nước của mình.
Nguyễn Khắc Nhu nâng chén cúi mình đáp:
-Đa tạ Đề đốc tướng quân. Kính chúc gia đình tướng quân sức khỏe, thu nhiều thắng lợi trong sự nghiệp chống Pháp.
-Lão phu đa tạ.
Sớm hôm sau, sau bữa ăn sáng và những ly rượu tiễn biệt, buổi tiễn đưa thật là lưu luyến. Hoàng Hoa Thám sai Cả Trọng dùng ba con ngựa đưa Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu về bến đò nam sông Thương. Từ đó Phan Bội Châu đi về miền Trung, Nguyễn Khắc Nhu đi về Yên Dũng. Trước khi lên ngựa, Phan Bội Châu lại cúi đầu cáo biệt Hoàng Hoa Thám:
-Tại hạ xin cáo biệt tướng quân, xin tướng quân bảo trọng.
Hoàng Hoa Thám cũng vòng tay:
-Xin cáo biệt Phan tiên sinh, tiên sinh bảo trọng, chúc thượng lộ bình an.
Nguyễn Khắc Nhu cúi mình vòng tay:
-Xin cáo biệt Đề đốc tướng quân.
-Cáo biệt công tử, chúc thượng lộ bình an.
Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu lên ngựa cùng Cả Trọng rời đồn Phồn Xương. Hoàng Hoa Thám đứng nhìn theo ba người cho đến khi vó ngựa đã khuất, chỉ còn bụi cuốn mịt mù theo gió sớm ban mai. Đó là một ngày mùa hạ năm 1903.
III.
Đó là một ngày đông cuối năm 1902, một học trò của Phan Bội Châu từ Huế nhắn tin mời ông vào đô thành có việc quan trọng. Phan Bội Châu từ biệt vợ con và các thân sĩ ở Nghệ An, đi xe ngựa vào Huế. Bấy giờ cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương của Pháp chỉ mới bắt đầu, tàu hỏa chưa có, ô tô cũng không. Phan Bội Châu hành trình dài ngày trên nhiều chuyến xe ngựa. Mãi tới đầu năm 1903 Phan Bội Châu mới tới Huế. Học trò Nguyễn Quýnh ra đón ông về ở một căn nhà gần Quốc Tử giám. Xa lâu ngày, thầy trò gặp lại nhau chuyện trò mãi không hết. Cơm chiều xong, bên ấm trà nóng, Nguyễn Quýnh rót cho Phan Bội Châu và cho chính mình và nói:
-Kính mời thầy.
-Đa tạ, mời tiên sinh.
Xong ly nước, Nguyễn Quýnh hỏi:
-Vừa rồi thầy đi Bắc Giang gặp “Hùm thiêng Yên Thế” thế nào ạ.
Phan Bội Châu chậm rãi đáp:
-Qủa lời đồn không sai, “Hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám quả nhiên là con người ngoan cường, gan dạ, dũng cảm và có tài chỉ huy. Những người dưới quyền, những người lính của Đề Thám là những anh hùng hảo hán kiểu nông dân, có mối thù không đội trời chung với Pháp, coi cái chết là một sự hy sinh cho nghĩa lớn, cộng với điều kiện tự nhiên của Yên Thế vô cùng hiểm trở, cho nên quân Pháp liên tục bị thua trận và vì thế Yên Thế vẫn tồn tại, cho dù phong trào Cần Vương miền Bắc, miền Trung đã bị dập tắt.
Nguyễn Quýnh hỏi:
-Nhìn về lâu dài, tương lai của Yên Thế thế nào thưa thầy?
- Bây giờ đường sá vận tải và hành quân còn khó khăn, việc vận chuyển lương thực, quân đội khó khăn, cho nên khi tấn công Yên Thế dù thất bại hay thắng lợi quân Pháp vẫn phải rút, quân Yên Thế tận dụng khoảng thời gian đó lại hồi phục và phát triển. Nhưng với đà đẩy nhanh khai thác thuộc địa của Pháp, đường sá rộng lớn làm cho Yên Thế mất hiểm địa, quân Pháp lại vận chuyển được nhiều lương thực, súng đạn vũ khí, quân số để đánh, bao vây lâu dài làm Yên Thế khốn đốn và sẽ bị tiêu diệt như phong trào Cần Vương thôi.
Một lát Phan Bội Châu hỏi tiếp:
-Tiên sinh mời tôi vào đây có việc quan trọng, là việc gì vậy?
-Dạ, học trò muốn thầy gặp một người quan trọng, nổi tiếng có thể cùng thầy giải quyết được đường lối mới để giải phóng dân tộc.
-Vậy tốt quá, ai vậy?
-Dạ người này là Tiểu La Nguyễn Hàm nhưng nay gọi là Tiểu La Nguyễn Thành ở Nam Thịnh Sơn Trang ở Phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thầy đã nghe nói đến chưa?
-Tôi có nghe tăm tiếng của ngài ta thời kỳ Cần Vương Quảng Nam nhưng nay thì ít nghe. Phải chăng ngài ấy đang nằm im chờ thời? Tiên sinh kể về toàn bộ về Tiểu La Nguyễn Thành cho tôi nghe đi.
-Dạ.
-Nguyễn Hàm có tên là Nguyễn Thành, hiệu Tiểu La, sinh năm Quý Hợi (1863) tại làng Thanh Mỹ, Phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tiểu La Nguyễn Thành xuất thân trong một gia đình quan lại, thân phụ là Nguyễn Trường làm quan dưới triều Tự Đức, từng giữ chức Bố chánh tỉnh Bình Định, sau sung chức Kinh lược sứ An Khê, hàm Tham tri. Nguyễn Thành là con thứ được phong hàm ấm tử Triệu Phu, hiệu Nam Thịnh.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-8-a8653.html