Chàng trai đặt mục tiêu bán sổ gạo cho hàng vạn dân Việt

Đưa cuốn sổ gạo thời 4.0 cho tôi, Cường cười: “Đây là cuốn thứ 800 của em đấy”. Tôi mân mê nó mà bồi hồi nhớ cuốn sổ gạo của bố mẹ mình thời trước.

Câu chuyện của Ngỗng

Tấm sổ gạo của Bùi Ngọc Cường - Giám đốc Công ty CP Thực Phẩm An Biên (489 đường Hoàng Quốc Việt, TP Hà Nội) có sự kết nối với quá khứ bằng bức tranh cổ động các nhân vật đại diện cho nhiều tầng lớp lao động, trong đó một người đang cầm sổ gạo và dòng slogan “Mua gạo trả trước. Ích nước lợi nhà”. Bên dưới là dòng chữ to “Hợp đồng sổ gạo”, họ tên khách hàng. Lật giở bên trong là thư ngỏ về dự án “Cánh đồng sẻ chia”:

“Chúng tôi đang số hóa giải pháp này, khách lên chỉ cần lên web, lên app có thể theo dõi gạo còn bao nhiêu, xem được quy trình sản xuất của nông dân và không sợ bị mất sổ nữa, lúc đó sổ chỉ là vật để chụp ảnh check in. Sổ gạo trước kia là của thời bao cấp, còn ngày nay là của thời đổi mới, công nghệ 4.0. Hơn cả hợp đồng mua bán, nó là biểu tượng niềm tin của khách vào nông sản chất lượng, vào những nông dân chân chính, vào những người trẻ đam mê và theo đuổi nông nghiệp bền vững như chúng tôi. Chúng tôi tin rằng giải pháp bán hàng này khắc phục được tình trạng giải cứu nông sản, giúp cho nông dân có đầu ra ổn định, giá bán tương xứng với chất lượng”.

Cường bên tấm sổ gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cường bên tấm sổ gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cường học Khoa Chăn nuôi thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với ý định về tiếp nối trang trại rộng tới 76ha của bố ở Hải Phòng, sau đó học tự túc văn bằng hai ở Hà Lan vì muốn xem làm nông kiểu Tây. Ở đó anh tiếp cận khái niệm phát triển bền vững và nhân kỳ gap year (kỳ nghỉ kéo dài để tự nâng cao kiến thức xã hội) anh trở về, đi xuyên Việt hơn 1 năm trên chiếc xe máy đến mức đứt cả công tơ mét để xem người Việt đang làm nông nghiệp bền vững thế nào.

Cứ "sớt" mạng ở đâu có các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp bền vững là anh tìm đến. Đi mà không xác định điểm đến tiếp theo, thời gian dừng lại bao lâu, làm cùng chủ trại đến khi học đủ kinh nghiệm thì lại lên đường tiếp. Dọc đường anh còn gặp cả những chuyên gia nông nghiệp quốc tế và đồng hành cùng họ. Ở Hội An (Quảng Nam) tiếp xúc với nhóm sản xuất hữu cơ kết hợp du lịch, giáo dục, lúc đó anh cùng tham gia và quen cô gái mà sau này thành vợ.

Có đi anh mới biết không phải Việt Nam không sản xuất được nông sản an toàn mà là câu chuyện niềm tin. Muốn tạo niềm tin thì các trang trại hay phải làm chứng nhận. Anh vào một tổ chức chứng nhận là PGS Việt Nam làm để xem cách người ta làm chứng nhận hữu cơ cho hơn 400 nông dân thế nào, chất lượng đến đâu, học kiến thức về giám sát, thanh tra… Hơn 1 năm làm như thế, anh mở ra thương hiệu gạo Ngỗng.

Cận cảnh sổ gạo thời 4.0. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh sổ gạo thời 4.0. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Chữ Ngỗng là mong muốn của những người trẻ rất "ngông" chấp nhận khó khăn, vấp ngã để mang nông sản chất lượng của nông dân đến với khách, ra thế giới. Nhưng nó cũng là câu chuyện của nông dân không bán được gạo sạch mà phải mang đi nuôi ngỗng là bố tôi, ông Bùi Minh Họa. Bố tôi ở góc độ nào đó là nông dân rất giỏi so với nhiều nông dân khác. Nhưng giỏi đến như ông, lại có sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình nông thôn mới như cho máy cày, máy gặt, máy gieo hạt, máy cấy, thêm vào đó gạo ruộng rươi rất sạch mà vẫn phải loay hoay về đầu ra.

Sau khi đem biếu, đem cho công nhân ăn (trang trại của ông có tới 100 công nhân) vẫn không hết, ông không biết bán đi đâu dù chào giá chỉ bằng giá gạo thông thường, cuối cùng đành nuôi gà, vịt, ngỗng. Thấy cả trăm tấn thóc trong kho bị mọt, tôi quyết định đi bán gạo, sau mấy năm mới hiểu tại sao bố không bán được. Thứ nhất là dù có sản phẩm sạch thật nhưng khách hàng không biết đó là sạch, sản xuất ở đâu, quy trình như thế nào. Thứ hai là giá, nếu bán như gạo thông thường nông dân sẽ không duy trì được sản xuất mà muốn bán được giá cao thì phải làm thương hiệu, phải có chứng nhận.

Chuẩn bị chuyển gạo cho khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị chuyển gạo cho khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có tờ giấy chứng nhận, nếu khách hàng không tin thì cũng chẳng nghĩa lý gì mà lại đội chi phí lên. Thay vì chi phí làm chứng nhận, quảng cáo ấy thì tôi chuyển sang làm tour, đưa khách về trực tiếp nơi sản xuất, gặp nông dân để họ hiểu hơn. Khi sản phẩm có vấn đề gì đó, khách phản hồi thì nông dân cũng điều chỉnh cách sản xuất của mình. Một khi kết nối được như thế thì cả hai bên đều có niềm tin.

 

Dựa vào mối quan hệ của bố, tôi đến các đầm để hợp tác sản xuất. Tôi muốn xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và những nhát cuốc đầu tiên là gạo Ngỗng dựa vào tài nguyên bản địa ở Hải Phòng đang có cỡ 2.000ha ruộng rươi. Ở đó họ có 2 nguồn thu, chính là rươi và phụ là lúa nên giảm được áp lực phun thuốc, chỉ dùng mỗi phân hữu cơ. Chúng tôi đồng hành cùng  nông dân dựa vào vùng sản xuất đã sạch sẵn rồi đưa chuyên gia trong nước, quốc tế đến hướng dẫn thêm về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và minh bạch hóa thông tin”.

Bán hàng khi hạt giống chưa được gieo

Theo cách bán hàng cũ, doanh nghiệp sẽ mua lúa của nông dân, dự trữ rồi bán theo kênh phân phối truyền thống, tức bày lên kệ đợi khách đến. Khi không bán hết thì họ hoàn trả lại, hàng tồn kho, hàng hủy, công nợ, vốn đọng rất nhiều, vụ cũ còn chưa thu, chưa bán đã phải hợp đồng với nông dân để làm vụ tiếp. Mọi thứ đều theo dự đoán nên nhiều lúc doanh nghiệp không thể thực hiện cam kết với nông dân và nông dân cũng không gắn bó với doanh nghiệp, giá sản phẩm bị đội lên rất nhiều. Bởi thế gạo hữu cơ, gạo sinh thái bán tới 50, 60, 70 nghìn đồng/kg, khách phải có thu nhập rất cao mới sử dụng được và sản phẩm cũng không được tươi mới.

Cường đang làm thí nghiệm lúa cùng chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cường đang làm thí nghiệm lúa cùng chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Tôi cắt chuỗi cung ứng quá dài đó đi bằng cách đưa khách đến với nông dân, khi cả hai tin tưởng nhau rồi mới xây dựng sổ gạo, tức khách trả trước cho nông dân rồi dùng gạo dần với số lượng 60kg dành cho gia đình ăn ít giá 42.000 đồng/kg, 100kg dành cho gia đình ăn trung bình giá 39.000 đồng/kg, 200kg dành cho gia đình ăn nhiều giá 36.000 đồng/kg, thậm chí 500kg dành cho các đơn vị, trường học giá 33.000 đồng/kg, so với giá gốc trước là 54.000 đồng/kg.

Sổ gạo không phải là hình thức mua chung với giá rẻ mà là khách đồng hành cùng nông dân ngay từ đầu vụ bằng ứng vốn trước, sau đó lấy dần sản phẩm trong thời gian dài. Gạo luôn tươi mới bởi 1 năm Ngỗng có 3 vụ, tháng 2 vùng lúa tôm Sóc Trăng, Bạc Liêu, tháng 6 vụ chiêm vùng rươi lúa Hải Phòng, tháng 10 vụ mùa vùng rươi lúa Hải Phòng. Tất cả đều chỉ sản xuất lúa 1 vụ trong năm và nuôi trồng kết hợp để đảm bảo đa dạng sinh học. 

Về phía doanh nghiệp, biết được sản lượng khách đặt để làm việc với nông dân, cam kết không chỉ qua hợp đồng mà còn bằng tiền trả trước từng giai đoạn của mùa vụ. Thay vì kinh doanh gạo phải mất các chi phí logistic qua nhiều khâu, hỏng, hủy, vay vốn, tồn kho, công nợ… thì doanh nghiệp làm thuê cho chính khách hàng và nông dân, không phải bỏ vốn, bán hàng từ khi hạt giống còn chưa được gieo nên có thời gian 4 - 5 tháng để chủ động. Về phía nông dân thì yên tâm sản xuất vì có đầu ra chắc chắn. Về phía khách hàng thì được sản phẩm chất lượng, giá hợp lý. Về môi trường sinh thái thì bền vững vì không sử dụng hóa chất”. 

Dự án cánh đồng sẻ chia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dự án cánh đồng sẻ chia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lúc đầu anh Cường có trồng giống lúa Nhật nhưng giờ đây chỉ trồng ST25 - giống cho gạo ngon nhất thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu do nhà khoa học Việt nghiên cứu với 3 tùy chọn xát trắng hay xát dối, xát lứt. Mới thực hiện sổ gạo được nửa năm nhưng giờ đã có 800 cái được phát hành và tốc độ đăng ký mỗi lúc một nhiều hơn, dự kiến năm nay sản lượng sẽ đạt 1.000 tấn và kế hoạch 1 - 2 năm tới sẽ có hàng vạn sổ với số lượng 20.000 - 30.000 tấn gạo.

“Vụ đầu chúng tôi phát hành được 200 sổ gạo, chủ yếu ở Hà Nội là những khách cũ, đã tham gia tour “Chuyến đi của Ngỗng”, sau đó giới thiệu cho bạn bè, người thân, nhưng giờ thì ở khắp mọi nơi. Có những khách mới còn đến tận nơi xem bọn Ngỗng này là ai, đến thăm ruộng xem nông dân sản xuất ra sao, trước dịch chúng tôi đã tổ chức được hơn 20 tour như vậy. Thậm chí có khách là nhà đầu tư khá lớn trong ngành, sau khi dùng thử sổ gạo đã bay từ Sài Gòn ra để nghe Ngỗng kể cụ thể về ý tưởng này. Còn nông dân cũng tự giới thiệu cho nhau để cùng hợp tác”.

Cường đang kiểm tra chất lượng gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cường đang kiểm tra chất lượng gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài dự án sổ gạo anh còn có dự án “vườn đồng hành”, đi xây dựng thương hiệu rồi tặng lại cho nông dân như Cam chú Phúc ở Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và Bột sắn dây ông Hòa ở Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng với mong ước họ sẽ là “đầu tàu” để lôi kéo những nông dân khác vào.

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/chang-trai-dat-muc-tieu-ban-so-gao-cho-hang-van-dan-viet-a873.html