Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 12

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 12.

  Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh đáp:

-Chúng tôi không bị theo dõi, huynh yên tâm.

Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Tốt, về tài chính hoạt động tôi sẽ lo cho hai đệ hết.

Phan Bội Châu nói:

-Về người trong hoàng tộc thuộc dòng Minh Mệnh, hiện này là vua Thành Thái thì không được vì đa số đều thân Pháp. Bây giờ phải tìm dòng con cháu của Đông Cung Thái tử Cảnh thì may ra còn có lòng yêu nước.

Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Được vậy thì tốt lắm. Sau khi vận động được số hội viên khoảng 20-30 người và tìm được Minh chủ thì ta tiến  hành lập Hội. Có thể tiến hành Đại hội lập Hội tại đây.

Nguyễn Quýnh hỏi:

-Huynh bị mật thám theo dõi, sao đại hội ở đây được?

Tiểu La đáp:

-Từ lâu không thấy tôi động tĩnh gì nên chúng chỉ lãng vãng ban ngày, con ban đêm không sao. Vả lại tôi với chúng quan hệ tốt, tôi vẫn khoản đãi chúng thường xuyên, ăn uống, rượu chè, tiền bạc.

-Vậy ngày mai chúng tôi xin cáo biệt về Huế và bắt đầu hoạt động, Huynh bảo trọng.

-Hai đệ bảo trọng.

Sớm hôm sau, sau bữa ăn sáng và uống trà, ba người chia tay. Sau những lời tạm biệt, Tiểu La Nguyễn Thành đứng nhìn Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh lên đường, bóng hai người khuất dần trên nẻo đường đầy gió bụi.

  Phan Bội Châu về Huế, vẫn tá túc ở Quốc Tử giám. Qua tìm hiểu một tháng, Phan Bội Châu được biết ở Huế có Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là đích tự của Đông cung Anh Duệ Thái tử Cảnh và lại là người có lòng yêu nước.

Nguyễn Phúc Cảnh sinh ngày 6-4-1780, mẹ là nguyên phi Tống Thị Lan. Hoàng Tử Cảnh được Nguyễn Phúc Ánh phong làm Đông cung Thái tử năm 1793. Năm 4 tuổi, Đông cung thái tử Cảnh phải đi Pháp làm con tin do cố đạo Bá Đa Lộc dẫn dắt và cầu cứu Pháp đánh Tây Sơn nhưng việc không thành vì ở Pháp 1789 đã bùng nổ  cách mặng tư sản lật đổ triều đại Buốc Bông. Về nước do bị bệnh đậu mùa mà Đông Cung Thái Tử Cảnh mất năm 1801, khi mới 21 tuổi. Đáng Lý con trưởng của Đông Cung Thái tử Cảnh là Nguyễn Phúc Đán (Hoàng Tôn Mỹ Đường) kế vị nhưng Gia Long lại cho con thứ là Nguyễn Phúc Đảm, con của thứ phi họ Trần kế vị Đông Cung Thái tử năm 1817 (Sau này là Minh Mệnh hoàng đế). Hoàng Tôn Mỹ Đường Nguyễn Phúc Đán sinh ra Ứng Hòa Hầu Lệ Chung. Ứng Hòa Hầu Lệ Chung sinh ra Hàm Hóa Hương Công Nguyễn Phúc Tăng Nhu. Nguyễn Phúc Tăng Nhu sinh ra Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.

  Kỳ Ngoại hầu Cường Để tên là Nguyễn Phúc Dân, còn có tên là Nguyễn Phước Cường Để, tước vị Kỳ Ngoại hầu (1882-1951-mất tại Tôkio). Ông sinh ngày 11tháng 1 năm 1882 tại Huế. Cha là Hoàng Hóa Hương Công Nguyễn Phúc Tăng Du, là cháu đích tôn 5 đời của Hoàng thái tử Cảnh. Do Hoàng Tử Cảnh mất sớm, Tể phụ là Hoàng Tôn Đán bấy giờ còn nhỏ nên sau khi vua Gia Long mất năm 1819 đã truyền ngôi cho Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mệnh. Từ đây ngôi vua nhà Nguyễn nằm trong tay cành thứ hai, hậu duệ của vua Minh Mệnh.

  Thời Phan Đình Phùng khởi nghĩa, khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt năm 1888, các vua Nguyễn sau này phần lớn theo Pháp nên Phan Đình Phùng muốn đưa cha Cường Để là Nguyễn Phúc Tăng Du lên ngôi nhưng ông Nguyễn Phúc Tăng Du từ chối lấy cớ gia yếu, ông cho Cường Để thay mặt ông tham gia phong trào. Cường Để lấy biệt danh là Nguyễn Phúc Trung Hưng từ đó. Khi Phan Đình Phùng mất năm 1896 và khởi nghĩa Hương Khê thất bại, Cường Để trở về Huế nằm im chờ thời, ngày đêm cũng nung nấu hoài bão giải phóng đất nước.

  Sáng nay, Cường Để đang ngồi trong phủ uống trà sau khi ăn sáng. Ông suy ngẫm về thời cuộc đất nước. Ông điểm lại cho đến nay thì tất cả phong trào Cần Vương lớn nhỏ đã thất bại, đã bị Pháp dùng lực lượng của chúng, lực lượng của triều đình, của bọn đại Việt gian tiêu diệt hết, vua Hàm Nghi lá cờ của phong trào bị bắt và bị đày sang An giê ri xa xôi. Năm đó Cường Để mới 6 tuổi. Vua Hàm Nghi bị bắt lại cũng do hai tên Việt gian là Đặng Đình Tình và Trương Quang Ngọc trong đội ngự lâm quân của nhà vua dẫn đường cho Pháp bắt ngài ở tận Chiến Khu rừng sâu núi thẳm Quảng Bình. Cường Để càng nghĩ càng bức xúc. Chưa bao giờ các triều đại Việt Nam, các hoàng tộc Việt Nam lại đê hèn phản quốc nhục nhã như vậy. Vua Hàm Nghi tuy bị đi đày tận châu Phi xa xôi không biết bao giờ trở về cố quốc, nhưng cuộc đời của ngài cũng đã làm được một việc vinh quang, cũng đã sống xứng đáng với liệt tổ, liệt tông, với những hoàng đế anh hùng thưở xưa của Đại Việt. Phong trào đấu tranh vũ trang bây giờ chỉ còn một Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, Bắc Giang anh dũng bất khuất, đang làm chấn động Đông Dương, chấn động nước Pháp, quả xứng “là hùm thiêng Yên Thế”.

  Cường Để vừa uống trà vừa nhìn lên giá sách. Ông biết trên giá đó có nhiều sách Nho học nhưng cũng nhiều sách tân thư mới du nhập vào Việt Nam mà ông mua được và đã đọc. Ông nghe nói từ tư tưởng của tân thư mà ở Việt Nam đã xuất hiện hai trào lưu cứu nước mới: Một là xu hướng võ trang bạo động của Phan Bội Châu, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, thứ hai là xu hướng ôn hòa của Phan Chu Trinh, quê ở Tiên Phước, Quảng Nam. Xu hướng của Phan Chu Trinh là dựa vào Pháp để cải cách, nâng cao dân trí nhờ văn hóa mới Phương Tây, từ đó nâng cao dân khí rồi nâng cao dân sinh, sau cùng mạnh lên mới giành độc lập dân tộc. Cường Để thấy con đường của Phan Bội Châu nếu không có gì mới, lắp lại vũ trang bạo động kiểu phong trào Cần Vương thì cũng sẽ thất bại. Con đường của Phan chu Trinh thì hoàn toàn mới nhưng có vẻ như huyền thoại, cổ tích vì Pháp không bao giờ  lại khai dân trí, dân khí, dân sinh cho Việt Nam. Mọi chính sách của chúng chỉ nhằm đàn áp để vơ vét bóc lột, đồng hóa. Hiện nay với chính sách đẩy mạnh khai thác thuộc địa rầm rộ quy mô lớn thì công cuộc vơ vét bóc lột càng tàn khốc dã man hơn. Cường Để ước sao được gặp Phạn Bội Châu hoặc Phan Chu Trinh để hiểu rõ hơn chủ trương con đường của các ông để sớm mở ra con đường hoạt động cứu nước cho mình. Chợt có gia nhân bước vào cắt đứt dòng suy nghĩ của Cường Để:

-Dạ bẩm chủ nhân.

-Có việc gì?

-Dạ bẩm chủ nhân, hôm qua ngài dặn con đi ra đường nếu gặp thầy tướng số thì mời về cho ngài. Hôm nay con ra đường đã gặp và dẫn về đây ạ.

-Ông thầy đang ở đâu?

-Dạ, đang chờ ngoài sân ạ.

-Cho mời vào đây.

-Dạ.

  Người thầy xem tướng số bước vào, Cường Để nhìn thì thấy thầy đó khoảng 40 tuổi, đầu đội khăn thếp đen, mặc áo lụa đen, quân trắng, mặt hơi vuông và dài, mắt đeo kính râm, môi dầy, oai phong quắc thước, dáng dấp một nhà Nho đạo mạo. Khác với sự mường tượng của Cường Để sẽ gặp một ông thầy áo quần lam lũ đầy gió bụi phong sương, cam khổ gầy đói. Ông thầy nhìn Kỳ Ngoại hầu Cường Để chỉ mới là một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi, mắt sáng thông minh nhưng không có vẻ công tử con nhà hoàng tộc. Trái lại Cường Để có vóc dáng khỏe mạnh, khuôn mặt rám nắng phong sương. Có lẽ trong mấy năm tham gia khởi nghĩa Hương Khê đã làm cho Cường Để thay đổi, khỏe mạnh phong trần hơn.

  Cường Để vội đứng dậy cung kính:

-Chào thầy, kính mời thầy ngồi.

Ông thầy tướng số đàng hoàng ngồi xuống ghế tràng kỷ sang trọng đối diện với chủ nhân, đặt tấm vải trắng dài 1 mét có chữ Hán quảng cáo xem tướng số cắm vào cây trúc nhỏ dài khoảng 2 mét lên mặt bàn màu gụ sáng bóng như gương. Cường Để gọi:

-Người đâu.

-Dạ, chủ nhân.

-Rót nước mời thầy.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-12-a8821.html