Chuyện làng - Chuyện phố: Thằng “con nuôi” lật mặt nhanh thât ! - Kỳ 10

Có thể nói làng quê Việt Nam giờ khác trước một trời một vực. Còn đâu cái cảnh “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” (thơ Nguyễn Bính). Còn đâu cái cảnh “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo" (thơ Nguyễn Khuyến).

Làng quê nông thôn mới thời nay, đường sá được bê tông hoá, không còn lầy lội mỗi khi mưa xuống, có điện sáng, nước máy trong, hàng hoá nhiều. Nhiều hộ nhà cao cửa rộng, thiết bị khá đầy đủ cho cuộc sống, không đến nỗi kém cạnh so với thị thành.

dt1ql1-1722184733.jpg

Tranh biếm họa về chống tham nhũng quyền lực. Nguồn: Internet.

 

Đối với người Việt, dù đi đâu về đâu, dù thành đạt hay không thành đạt, đều nhớ về quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi sinh thành và lớn lên, giúp ta khôn lớn. Bởi “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”… Câu ca ấy của Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc từ bài thơ của Nhà thơ Đỗ Trung Quân, mỗi khi cất lên làm bao con tim xúc động, bởi nó đã chạm vào chỗ sâu thẳm của tình cảm mỗi người - tình yêu quê hương.

Có dịp trở về làng quê Lạc Y bên bờ sông Cái có nhiều người thành danh nhưng đáng chú ý có nhân vật họ Lý là “con nuôi” của Phạm Vấn từng là lãnh đạo đứng đầu tỉnh.

Vị “con nuôi” này, dân làng gọi là “Lý Tân” trưởng thành từ ngành thuế, tính toán thiệt hơn như thần, lại có em trai là chủ doanh nghiệp lớn và có những thằng em đồng hao rất giỏi. Chúng nó đã tư vấn cho “con nuôi” họ Lý tạm dừng đầu tư bất động sản, “hùn vốn” đầu tư cho “bố nuôi” Phạm Vấn  “lãi” hơn nhiều.

Cũng chẳng nhớ rõ là từ khi nào, “con nuôi” họ Lý xưng con ngọt xớt với “bố nuôi” Phạm Vấn mà không ngượng nghịu khi bố nuôi chỉ nhỉnh hơn “con nuôi” chục tuổi. Khi “bố nuôi” còn lơ ngơ chưa quen cương vị mới, chưa biết “thu” từ đâu thì anh em họ Lý xuất hiện, cung phụng cho “bố nuôi” không thiếu thứ gì, thoải mái tiếp khách, không cần phải chi vào khoản kinh phí của văn phòng, khỏi phải ghi vào sổ lưu cơ quan rách việc.

Tiền và quyền lực đã gắn bó mật thiết hai con người này, bất chấp tất cả. Từ đó, “con nuôi” họ Lý bắt đầu nổi lên như ngôi sao sáng và băng băng trên con đường quan lộ. Mặc dù “bố nuôi” sau khi về nghỉ hưu bị kỷ luật “cách tất cả chức vụ” khi đương nhiệm, nhưng đã cài cắm được “con nuôi” “vượt vũ môn” chỉ đứng sau một người, đứng trên muôn người ở địa phương này.

“Bố nuôi” tưởng bở sẽ cậy nhờ vào “con nuôi” khi thất thế buộc phải về hưu. Nhưng khi quyền nằm trong tay, Lý Tân biết tin “bố nuôi” bị kỷ luật, lúc đầu hắn cũng bị sốc, chột dạ. Trải qua nhiều cuộc vật lộn ở chốn quan trường để có vị trí hôm nay, “con nuôi” họ Lý rất nhạy cảm, hình thành ngay trong đầu phương án nhanh chóng phủi tay đối với “bố nuôi”. Lý Tân ngẫm nghĩ, có được vị trí công tác hôm nay là do nỗ lực của bản thân và điều quan trọng là đã đầu tư hiệu quả bằng những “phong bao” từ lâu, chứ “bố nuôi” cũng chẳng tử tế gì, từng là kẻ đi buôn chuối xanh sang Tàu, tham lam vô độ, cứ có “hào” và có lãi là áp phe ngay. Phải tìm cách xa lánh để khỏi phải mang tai, mắc tiếng núp bóng “bố nuôi” bị kỷ luật. Lý Tân liền gặp bộ phận văn phòng và tổ thường trực cơ quan quán triệt từ nay nếu “bố nuôi” đến gặp thì bảo đi vắng, từ chối khéo không cho vào phòng tiếp khách.

“Bố nuôi” Lý Tân bị choáng vì bị kỷ luật nặng, suy cho cùng là do tham sân si; công danh, sự nghiệp bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển, tiền nhiều để làm gì? Nhưng cũng vẫn còn may không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải vào “nhà đá” bóc lịch như mấy vị đứng đầu địa phương bên cạnh. Huân, huy chương vẫn còn treo lủng lẳng trên tường không bị thu hồi. Biệt phủ kín cổng cao tường, của nả tích cóp được khi đương nhiệm ăn vài ba đời sau không hết, không giống như cánh cán bộ hưu nghèo lớp trước. Tuy vậy “bố nuôi” Lý Tân vẫn tiềm ẩn hiểm hoạ khi đứa con trai duy nhất không chịu học hành, sa vào nghiện hút, cờ bạc, phá phách, gây ra bao điều tiếng, không khéo lại “của thiên trả địa”, vì nó có khi phải ra đê mà ở. Về nghỉ hưu thân cô, thế cô, lúc đầu thỉnh thoảng “bố nuôi” đến cơ quan muốn gặp “con nuôi” Lý Tân để cậy nhờ nhưng bảo vệ cơ quan đều báo đi vắng, không ai thèm nhìn mặt, chào hỏi, đành lủi thủi đi về. “Bố nuôi” Lý Tân mới thấm thía:

“Đương chức như phượng như rồng

Hưu rồi mới thấy chẳng không là gì

Khi đương chức lắm người dạ bẩm

Về hưu rồi lẩm nhẩm kêu ca…”

Thằng “con nuôi” này lật mặt nhanh thật, hắn “háu ăn”, muốn nhanh chóng làm giàu, tìm mọi cách thu hồi vốn nhanh. Khoản này Lý Tân cao tay ấn, tinh vi hơn hẳn “bố nuôi”. Khi có quyền lực, Lý Tân tìm mọi mánh lới lèo lái, những công trình, dự án ở địa phương đều rơi vào tay chân thân tín trúng thầu, đố ai ở ngoài chen chân vào được.

(Còn nữa)

Q.Y

Quân Yên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/chuyen-lang-chuyen-pho-thang-con-nuoi-lat-mat-nhanh-that-ky-10-a8857.html