Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 15

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 15.

-Chúng tôi là người của Tiểu La Nguyễn Thành từ Quảng Nam vào.

-Nam mô a di đà Phật. Mời hai thí chủ vào tăng phòng.

  Ba người bước vào tăng phong, Trần Thị gọi:

-Người đâu.

Chú tiểu bước ra:

-Dạ, sư phụ.

-Pha trà.

-Dạ, có liền.

Chú tiểu đem trà ra, Trần Thị lại nói:

-Nấu ba suất cơm chay.

-Dạ con rõ rồi.

Sau bữa cơm thì đêm đã về. Bên ấm trà và bên ngọn đèn ba người uống trà và trò chuyện thăm hỏi nhau. Cuối cùng Phan Bội Châu nói:

-Thưa sư phụ, ngài Tiểu La Nguyễn Thành và chúng tôi sắp tới sẽ lập Đảng cách mạng, gọi là Duy Tân hội để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc trong toàn quốc theo khuynh hương mới, phương pháp mới. Cái mới ở đây là có sự lãnh đạo thống nhất phong trào trong toàn quốc dùng bạo động vũ trang, cái mới thứ hai là sau khi giành độc lập vẫn duy trì chế độ nhà nước quân chủ nhưng là quân chủ nghị viện, có vua nhưng có Quốc hội, có Hiến pháp, có thủ tướng để hành pháp như kiểu đa số các nước Phương Tây và Nhật Bản vừa giữ gìn truyền thống dân tộc nhưng vẫn bảo đảm được quyền dân chủ cho đồng bào. Cái mới nữa là có thể cầu ngoại viện. Chúng tôi dự kiến bầu Kỳ Ngoại hầu Cường Để là cháu 5 đời của Hoàng Thái tử Cảnh, con đầu hoàng đế Gia Long là ngọn cờ tập hợp lực lượng làm Minh chủ Duy Tân Hội. Còn nhiều vấn đề sau này sư phụ ra Quảng Nam dự thành lập hội sẽ tìm hiểu thêm. Hôm nay chúng tôi tới gặp sư phụ là ngài Tiểu La muốn nhờ sư phụ nhờ những cựu nghĩa sĩ ngày xưa đã chống Pháp, thông qua họ để họ tuyên truyền tới đồng bào Nam Kỳ, các sĩ phu văn thân, những địa chủ giàu có, những quan lại yêu nước, giới công thương biết được mà tham gia Duy Tân hội, thứ hai là quyên góp giúp đỡ tiền bạc để hội hoạt động, đặc biệt là mua sắm vũ khí hiện đại thì mới mong chiến thắng quân Pháp được.

Sư Trần Thị đáp:

-Cảm ơn ngài Tiểu La Nguyễn Thành và tiên sinh đã tín nhiệm bần tăng, bần tăng sẽ cố hết sức hoàn thành những nhiệm vụ mà ngài Tiểu La và Duy Tân hội giao phó.

Phan Bội Châu đáp:

-Thay mặt ngài Tiểu La Nguyễn Thành, ngài Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Duy Tân hội cảm tạ sư phụ.

Sư Trần Thị nói:

-Ngày mai hai tiên sinh lên đường ra Trung Kỳ, bần tăng gửi lời chúc sức khỏe ngài Tiểu La, ngài Kỳ Ngoại hầu và tất cả tiên sinh trong hội. Chúc sự nghiệp của hội ta phát triển thành công.

-Đa tạ, Đa tạ sư phụ, bao giờ đại hội thành lập hội chúng tôi sẽ thông báo và mời sư phụ và các đồng chí Nam Kỳ ra tham gia, có lẽ là mùa xuân năm Giáp Thìn 1904, địa điểm dự kiến là ở biệt phủ của ngài Tiểu La ở Thăng Bình, Quảng Nam.

-Đa tạ hai tiên sinh. Chúng tôi nhất định sẽ ra, mong tiên sinh thông báo thời gian và địa điểm. Tạm biệt hai tiên sinh. Thượng lộ bình an.

-Sẽ có phái viên vào đón sư phụ và các tiên sinh ở Nam Kỳ ra. Đa tạ sư phụ, Nam mô a di đà Phật. Tạm biệt sư phụ, sư phụ bảo trọng, hẹn ngày gặp lại.

-Nam mô a di đà Phật.

 Từ Châu Đốc, Phan Bội Châu và Tư Đoãn về Sài Gòn và về Quảng Nam. Sau bữa cơm chiều, Phan Bội Châu và Tiểu La lại ngồi bên ấm trà nóng. Tiểu La hỏi:

-Chuyến đi Nam Kỳ của đệ thế nào?

  Phan Bội Châu kể về cuộc gặp nhà sư Trần Thị ở Thiết Sơn tự, Nhà sư nhận và hứa sẽ làm tốt những việc đã được giao cho. Tiểu La nghe và nói:

Tôi đã hứa là hội sẽ có phái viên vào đón sư phụ và các hội viên ở Nam Kỳ ra dự hội.

  Nghe xong, Tiểu La nói:

-Cũng còn thời gian một năm nữa nhưng thời gian cũng không nhiều. Tôi và Cường Để cùng đệ phải nhanh chóng vạch ra cương lĩnh, cách thức tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, mục đích chiến lược và sách lược, phương pháp hành động của hội để cho đại hội thống nhất. Đại hội phải bí mật nhanh chóng, không thể kéo dài mà chỉ tròn trong 5 giờ đồng hồ. Các hội viên từ các nơi về phải đến rải rác vào ban đêm. Đại hội cũng tiến hành vào đêm khuya. Đêm Đại hội tôi sẽ cắt cử những gia nhân trung thành có vũ trng, có tín hiệu báo động canh gác vòng trong vòng ngoài từ xa đến gần sơn trang. Dạo này mật thám hơi nhiều nhưng chỉ nhòm ngó ban ngày. Có lẽ chúng đánh hơi được cái gì đó như chuyến đi Huế vừa rồi của tôi mặc dù tôi đã hóa trang là nhà buôn rồi.

Phan Bội Châu nói:

-Còn thiếu mục cử người vào ban lãnh đạo hội.

-Đúng rồi đây là danh sách khoảng 20 hội viên, đệ về nghiên cứu xem thêm tiểu sử của họ vì đó là những nhân vật cốt cán để phát triển hội ra toàn quốc, họ sẽ là những người lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, không thể chọn người sai sót.

-Về Huế tôi sẽ đọc. Huynh yên tâm.

Đêm Huế dù thành phố kinh đô nhưng vẫn rất yên tĩnh. Bóng đêm phủ lấy toàn bộ hoàng thành, núi non cung điện thành quách chìm trong tối. Trên sông Hương le lói những ánh đèn mờ mờ ảo ảo của các thuyền, thi thoảng dòng sông lại vang lên những tiếng ca nô tuần tiễu của Pháp nghe đinh tai nhức óc. Trái ngược lại tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang chầm chậm như đánh thức từ bi của thế gian chứa chan nỗi sầu nhân thế thê lương nỗi buồn mất nước.

  Đêm nay Phan Bội Châu bên ngọn đèn dầu lạc vàng khè đóm lửa bằng ngón tay trên ngọn bấc bập bùng leo lét. Phan Bội Châu ngồi viết chương trình nghị sự và cương lĩnh hoạt động của Duy Tân Hội, đọc lại danh sách của 20 hội viên sẽ dự Đại hội thành lập Duy Tân hội sắp tới. ông phấn chấn nên dù đêm đã khuya mà vẫn thấy tỉnh táo. Gió từ sông Hương thổi vào mát rợi.

                             III.

                  Tháng 11 năm 1904 ở miền Trung nên dù là mùa xuân nắng vẫn chan hoàn rải khắp Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam, trời vươn cao xanh, vài làn mây trắng biến thành những hình thù kỳ quái trôi lang thang vô định. Sóng biển Đông dội vào bờ tung bọt trắng xóa. Nam Thịnh sơn trang chìm trong cây lá xanh rờn dưới nắng. Những mái cong của đầu đao các dinh thự in màu rêu xám thanh bình. Tháng này ban ngày Sơn trang yên tĩnh, không ai ra vào nhưng ban đêm lại đón một vài lái buôn đi vào. Nhưng ly kỳ là họ vào sơn trang mà không thấy ra, họ ở một nơi nào đó của sơn trang mà không ai biết.

 Vị khách đến sớm nhất, khoảng vào cuối tháng 3  là nhà sư Trần Thị cùng mấy đồng chí khác ở Nam Kỳ. Cho đến ngày 15 tháng 11 năm Giáp Thìn 1904 thì vừa đủ 20 người. Đó là Cường Để, Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Lê Võ, Hoàng Thị Tòng, Trần Nhật Thị, Trần Chánh Chiếu, Lê Thị Đàn (Ấu Triệu), Trần Thị Trâm, Bùi Thị Cẩm, Nguyễn Anh Khương, Nguyễn Văn Đảng, Hoàng Đình Tuân, Hồ Học Lãm, Tăng Bạt Hổ…Tối mùng 15 tháng 11, trong một căn nhà nằm ở giữa sơn trang có 20 người đến ngồi dự họp. Chung quanh sơn trang và xa hơn một dặm, hàng chục gia nhân trung thành của Tiểu La bí mật đi lại canh phòng. Dưới ánh đèn lù mù của vài ngọn đèn và nến, Tiểu La Nguyễn Thành bước lên, trước mặt là chiếc bàn trước mặt mọi người. Ông nói:

               -Kính thưa các quý vị, hôm nay chúng ta về đây dự cuộc Đại hội thành lập Đảng cách mạng gọi là Duy Tân Hội, thời gian chúng ta họp chỉ cần 4 giờ đồng hồ. Để bảo đảm an toàn ngoài cổng sơn trang đã có những gia nhân trung thành của Nam Thịnh Sơn trang canh phòng, nếu có nguy hiểm họ sẽ báo động bằng tiếng chuông. Căn nhà này có một cửa hầm bí mật phía sau ghế các vị ngồi, nếu có báo động, gia nhân sẽ mở cửa và các vị xuống nhà hầm bí mật dưới đất. Thứ hai trong cuộc họp này các vị không được ghi chép, tất cả phải dùng trí nhớ. Sở dĩ chỉ có 20 đại biểu vì không thể tổ chức đông hơn. 20 người đây là những cán bộ chủ chốt ở ba kỳ về để phát triển hội viên ở địa phương để phát triển hội và tổ chức lực lượng cách mạng trong toàn quốc. Như vậy các vị là những người lãnh đạo các cấp của Hội ở các địa phương từ Kỳ hội, Tỉnh hội và các cấp thấp hơn trở xuống.

                (Còn nữa)

                  CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-15-a8947.html