Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 20

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 20.

       Tình hình đó buộc phái chống Mạc Phủ phải hành động nhanh chóng, khẩn trương. Họ coi Thiên hoàng là công cụ phải nắm lấy để tiến hành lật đổ Mạc Phủ.

        Tháng 12 –1866, Thiên hoàng chết. Mútsuhitô khi đó mới 15 tuổi lên kế vị. Hoàng thái hậu là người của phái chống Mạc Phủ. Mútsuhitô dựa vào phái chống Mạc Phủ. Tháng 10-1867, Thiên hoàng hạ lệnh cho các công quốc Tây nam đem quân đánh Mạc Phủ. Mạc Phủ yếu thế, tháng 11 năm đó phải đồng ý trao quyền lực cho Thiên hoàng. Tháng 3-1868 Thiên hoàng tuyên bố Vương chính khôi phục, truất quyền lực của Shôgun Mạc Phủ. Các quí tộc mới của bốn Công quốc Tây Nam giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền trung ương mới. Trước nguy cơ bị tước hết quyền lực và ruộng đất, Mạc Phủ điều động quân đội phát động chiến tranh chống lại chính quyền mới. Quân đội của phái chống Mạc Phủ đã đập tan 15.000 quân của Mạc Phủ ở các mặt trận Taba và Phutômi. Khắp nơi thị dân và nông dân cũng nổi dậy tấn công Mạc Phủ. Run sợ trước phong trào cách mạng của quần chúng, phái chống Mạc vội thương lượng với Mạc Phủ, giữ nguyên dòng họ Tôkugawa, giáng xuống hàng lãnh chúa (Đaimiô) với mức thu nhập hàng năm 70 vạn thạch. Quân Chính phủ tiến vào chiếm Êđô, sau đổi là Tôkiô. Tháng 3-1869 Tôkiô trở thành Thủ đô của Chính quyền mới. Cuộc cách mạng 1868 ở Nhật đã thắng lợi, giai cấp tư sản Nhật đã lên nắm chính quyền, mở đường cho Nhật tiến lên chủ nghĩa tư bản.

        Sau cách mạng 1868, Chính phủ của Thiên hoàng Mútsuhitô (Minh Trị) đã tiến hành một loạt các cải cách kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự để xây dựng, phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nhật mà lịch sử gọi là thời kỳ Minh Trị duy tân .

        Về cải cách hành chính, để bảo đảm cho một quốc gia tư sản thống nhất, chính phủ xoá bỏ các công quốc, chia toàn quốc thành ba phủ, 72 huyện trực thuộc trung ương. Các lãnh chúa (Đaimiô) làm quan phủ, quan huyện và các chức quan khác trong bộ máy chính quyền. Về kinh tế, Chính phủ thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất, cho phép mua bán ruộng đất. Nhà nước tạo điều kiện cho công, thương nghiệp phát triển, thiết lập nền  giáo dục từ tiểu học đến đại học theo mô hình và kiến thức của phương Tây. Về quân sự, từ 1873 Nhật Bản đã xây dựng quân đội thường trực kiểu châu Âu .

        Cách mạng 1868 của Nhật đã đưa giai cấp tư sản, quí tộc mới lên cầm quyền và tiến hành những cải cách tư sản từ 1868 đến 1912. Nhờ đó, Nhật từ nước phong kiến đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa hùng mạnh, tiến lên đế quốc chủ nghĩa, là nước duy nhất ở châu Á thoát khỏi sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Cách mạng Nhật đã mở rộng qui mô chiến thắng của chủ nghĩa tư bản sang châu Á. Nó minh chứng vào những năm 60 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chế độ phong kiến và đang trở thành hệ thống trên phạm vi thế giới. Cách mạng 1868 ở Nhật thành công là nhờ cuộc đấu tranh mạnh mẽ của thị dân và nông dân phối hợp với những đòn tấn công quân sự của lực lượng chống Mạc Phủ. Cách mạng tư sản và việc hùng cường của nước Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Á. Nó minh chứng tấn thảm kịch mất nước của các nước châu Á thời đó là có thể tránh được, nếu như nhà cầm quyền các nước khi đó biết chớp thời cơ  phát triển đất nước.

  *

*

       

       

        Sáng ngày 20 tháng giêng năm 1905, bà Huyên và bà Em dậy sớm nấu cơm và chuẩn bị hành trang thức ăn dọc đường cho Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Cơm nước xong thì trời đã sáng. Bà Huyên gói hành trang cá nhân, bà Em gói 4 cái bánh chưng và 4 cái giò lợn làm thức ăn dọc đường. Phan Bội Châu ôm ba đứa con và thơm khi chúng còn ngủ say, cầm tay bà Huyên và bà Em và nói:

        -Hai bà ở nhà khỏe mạnh và chăm con, xin đa tạ hai bà, hai bà đã giúp ta trên con đường cứu nước rất nhiều. Đa tạ, đa tạ, hẹn ngày gặp lại.

        Bà Huyên và bà Em nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nén tiếng khóc:

        -Thầy đi cứ yên tâm mà vì đại nghiệp, đừng lo gì cho các con và hai thiếp. Vì ba con chứ không thì hai thiếp đã đi theo hầu hạ thầy. Thầy nhớ bảo trọng.

        Phan Bội Châu cố gắng lấy nghị lực để bước ra sân. Hai bà bước theo đưa tiễn. Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ cũng vô cùng xúc động nói:

        -Cảm ơn hai phu nhân, hai phu nhân nhớ bảo trọng.

        -Đa tạ hai ngài, hai ngài nhớ bảo trọng để ba huynh đệ giúp đỡ nhau.

         Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính chắp tay:

        -Đa tạ, đa tạ, chúng tôi sẽ làm như hai phu nhân mong muốn. Hai phu nhân yên tâm.

        Bóng ba người xa dần trong màu xanh thôn dã. Hai Phu nhân còn đứng trông theo với những dòng nước mắt tuôn chảy làm mờ đi trong sương sớm.

        Ba người lên tàu chở khách từ biển Cửa Lò ra Hải Phòng. Do Tiểu La Nguyễn Thành đã nhờ cho nên ba người được đi nhờ trên một chuyến tàu buôn từ Hải Phòng bí mật tới Quảng Đông, Từ Quảng Đông ba người đi Hồng Kông tới Thượng Hải rồi từ Thượng Hải đi tàu thủy tới cảng Yokohama, tỉnh lỵ của tỉnh Kanagawa, một cảng lớn trong vùng thủ đô Tô ki ô. Lên bờ Tăng Bạt Hổ do thông thạo đường đất Tô Ki ô, dẫn Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính lên phố thuê một phòng ba người để trọ. Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính đã trông thấy nhiều đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng so với Tô Ki ô thì các thành phố đó quả là quá lạc hậu. Tô Ki ô đã là một đô thị hiện đại nhất so với các đô thị Á châu thời kỳ bấy giờ. Đường sá rộng rãi, sạch đẹp, nhà cao tầng, thấp tầng nhưng tòa nào cũng như chọc lên mây. Nhật Bản ở về miền đông-bắc nên mùa xuân khắp Tô Ki ô gió lạnh, mù mịt hơi sương. Các đường phố màu trắng, màu đỏ  và màu hồng của rừng hoa anh đào như cõi thần tiên. Nhưng Tô ki ô là một thành phố nhộn nhịp hiện đại, ô tô cuốn gió xuân đầy đường, phố sá thương mại buôn bán sầm uất, còn là thành phố phát triển công nghiệp. Những ống khói nhà máy cao chót vót phun khói lên trời như hơi thở gấp của con quái vật khổng lồ huyền thoại.

        Một tối Tăng Bạt Hổ nói với Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính:

        -Tôi đã liên hệ được rồi, sớm mai, chính khách danh tiếng Nhật Bản là Okuma Oshi (Đại Ôi Trọng Tín) và Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị) sẽ gặp chúng ta.

        Phan Bội Châu đề nghị:

        -Nhân đây đệ nói qua về Khuyển Dưỡng Nghị để chúng tôi biết về ngài ta.

        Tăng Bạt Hổ uống một ngụm trà rồi đáp:

        -Khuyển Dưỡng nghị sinh ngày 4 tháng 6 năm 1858 trong một gia đình Sa mu rai (võ sĩ). Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị là một nhà báo. Năm 1898 ông là Bộ Trưởng Bộ giáo dục, cùng năm đó ông thành lập một đảng chính trị mới, Đảng Quốc Gia hiến pháp, sau này là Đảng Tiến bộ, là một thành viên của Quốc hội Nhật Bản.

      (Còn nữa)

      CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-20-a9454.html