Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong năm 2022"

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cố gắng giúp cho người nông dân tiếp cận được tri thức, tiếp cận thị trường,…Từ đây, xây dựng hình ảnh nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng nâng cao năng suất lao động, biết phân loại, chế biến sơ chế sản phẩm do mình làm ra, có kỹ năng bán hàng, biết dùng thương mại điện tử để nâng cao thu nhập cho chính bản thân họ.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với phóng viên báo chí về hướng đi của chương trình xây dựng Nông thôn mới trong năm 2022 nhân dịp Xuân Nhâm Dần.

Phóng viên (PV): Theo đánh giá của Bộ trưởng, những vấn đề nào được xem là nổi bật nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2021?

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nổi bật trong năm 2021, chúng ta có thể thấy là đứt gãy chuỗi ngành hàng. Điều này tạo ra ùn ứ nông sản, đứt gãy chuỗi phân phối do giãn cách xã hội, do quy định không thống nhất với nhau giữa các địa phương gây ách tắc. 

Đã có một cơn “bão giá” vật tư đầu vào, kể cả trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi đều tăng. Nhập khẩu trong nông nghiệp của chúng ta tăng là do nhập vật tư đầu vào. Điều này nói lên hai điều. Đó là chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng vì chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường. Ngành Nông nghiệp từ Trung ương, địa phương chỉ đạo sản xuất là chủ yếu nhưng chưa quan tâm tới xúc tiến thị trường nên chưa đầu tư logistics ở thị trường nội địa nên tạo ra đứt gãy.

lmh1-1644194790.jpeg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong năm 2022"

Bên cạnh đó, vật tư tăng giá do thế giới sau đại dịch rất chông chênh, đứt gãy chuỗi cung ứng. Cung không tăng, cầu vẫn vậy nên giá tăng. Điều này cũng cho thấy nói tới nông nghiệp sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao.

Vậy qua thực tế này thì điều gì là dấu ấn của ngành Nông nghiệp trong năm 2021? Trong bối cảnh trên, Bộ NN&PTNT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đảm bảo cho các đô thị, khu trung tâm công nghiệp,… không bị đứt gãy bữa ăn, đồng thời lập ra Tổ công tác 970 ở Thành phố Hồ Chí Minh, tổ hoạt động xuyên suốt tới bây giờ để kết nối sản xuất và tiêu thụ. Đây là câu chuyện xử lý tình huống trong đại dịch, nhưng đồng thời Bộ cũng thông qua đó nhìn lại chuỗi cung ứng vì sao ùn ứ và giải pháp kết nối thị trường thế nào cho từng loại nông sản của các địa phương.

Chúng tôi thấy rằng thông tin kết nối thị trường vừa qua gần như bỏ ngỏ, tức là người trồng cứ trồng, người mua cứ mua. Thị trường không có sự kết nối. Tôi dùng từ nông nghiệp “mù mờ” thông tin. Qua các diễn đàn kết nối đó, chúng tôi bắt đầu tích hợp thông tin để bớt “mù mờ” hơn, để chuyển sang năm 2022 hướng tới nền Nông nghiệp minh bạch thông tin sản xuất, thị trường, phục vụ quản lý điều hành của Bộ chuyên ngành cùng với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Thông qua câu chuyện kết nối cung - cầu để hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối, khớp nối với nhau về mặt quy mô sản lượng, thời vụ, truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản, kết nối về nhu cầu thị trường. Chúng ta không để cảnh lúa chín vàng trên cánh đồng mới tìm thị trường; xoài, cam chín rộ rồi mới tìm thị trường. Mà khi bắt đầu đầu vụ đã kết nối được với thị trường để có sự chủ động giữa cả hai bên, giữa đầu cung và cầu.

Một hệ thống phân phối các doanh nghiệp thu mua để phục vụ trong nước và xuất khẩu cũng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị nguồn vốn, kho bãi, hậu cần, thị trường. Không phải chúng ta cứ nghĩ là chợ, chúng ta mang ra đó bán sẽ có người mua.

PV: Đứng trước cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhưng cũng đã xuất hiện rào cản thương mại về kỹ thuật, bảo hộ và từ chính yêu cầu của xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm, vậy Ngành Nông nghiệp đang triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn này, thưa Bộ trưởng?

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm qua, thành công của Bộ NN&PTNT cũng như của các Bộ khác là khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về gỗ, góp phần cho xuất khẩu gỗ cuối năm tăng cao, đạt hơn 15 tỷ USD. Chúng ta sống trong bối cảnh thương mại toàn cầu, câu chuyện phòng vệ thương mại phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp của chúng ta cũng ít quan tâm tới quy định từng loại thị trường, trong khi đó các quy định này thay đổi nhanh. Về vấn đề này, thông qua các hiệp hội, ngành hàng, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường truyền thông về quy định mới, kịp thời, nhanh, đầy đủ đến cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân để chúng ta thấy rằng nó đầy rủi ro. Vậy thì cần sự chủ động, năng động của doanh nghiệp, phải cộng với trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành từ hải quan, tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nhanh chóng đưa các quy định mới xuất hiện liên tục trong giao thương thương mại quốc tế, để chúng ta quan tâm tạo ra được cầu nối về thông tin, thực hiện vai trò chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, đó là cung cấp thông tin dữ liệu, thị trường cho doanh nghiệp, người nông dân.

Tôi cho rằng, nông nghiệp nước ta đang đứng trước 3 thách thức, đó là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Nếu chúng ta xem chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì một ngày nào đó, nông sản Việt Nam xuất khẩu không chỉ dừng lại ở kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng chất cấm mà còn phải dán nhãn sinh thái vào sản phẩm. Đây mới là vấn đề khó khăn. Xu thế tiêu dùng không phải người ta muốn ăn ngon, mua giá rẻ, sạch, mà nông sản đó còn phải được sản xuất không gây biến đổi khí hậu, tác động tới môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học,… Đó là xu thế tiêu dùng xanh.

“Ba cái biến” này sẽ thay đổi cách vận hành nền Nông nghiệp theo xu thế kinh tế xanh theo đúng yêu cầu, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP-26.

Đây là vấn đề mới xuất hiện nhưng xu thế tiêu dùng quyết định cách sản xuất. Đây là câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, góp phần hướng nền nông nghiệp trở thành nền Nông nghiệp xanh.

Khi chuyển đổi nền nông nghiệp nâu - thâm dụng đầu vào, tài nguyên đất đai, sang nền nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, tri thức, để hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp xanh. Chúng ta phải xem đó là cơ hội, từ đó chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn… Mỗi vấn đề kèm theo mô hình nông nghiệp thích ứng xu thế, nông nghiệp xanh, tạo ra sản phẩm mới, ngành hàng mới, doanh nghiệp khởi nghiệp mới và việc làm mới ở nông thôn.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án, tham vấn với đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước tiên ở EU để xây dựng chiến lược, đề án xuất khẩu nông sản bền vững. Không phải tới mùa vụ mới thu gom nông sản để xuất khẩu sang châu Âu mà khởi tạo từ vùng nguyên liệu chuẩn hoá. Xu thế tiêu dùng xanh quyết định hình ảnh sản xuất, giá trị gia tăng. Truy xất nguồn gốc cần bắt đầu từ vùng nguyên liệu, người nông dân, địa phương, chuẩn hóa quy trình canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời kể cả sự tham gia của doanh nghiệp logistics, để giảm cước phí logistics cho ngành hàng nông sản, kích thích tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.

Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng liên minh, hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường. Lần đầu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp logistics, làm sao để giảm chi phí về vận chuyển cho nông sản.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về xu thế giao dịch điện tử của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hiện nay, Chiến lược của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không phải chỉ dành cho Bộ NN&PTNT mà còn là chiến lược của doanh nghiệp, của nông dân. Chúng ta mở đường cho thị trường đi thông qua những chuẩn mực, thông qua những quy định chứ chúng ta không làm thay được thị trường. Chính sự vận động sàn giao dịch điện tử trong lĩnh vực nông sản đã góp phần giải quyết được vấn đề đứt gãy hàng hóa trong thời gian qua và quan trọng là góp phần kích hoạt thị trường, mở rộng nguồn cầu. Tại sao vậy? Vì tiện ích cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn. Người tiêu dùng chỉ cần click chuột là vải thiều tới nhà,… rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, thị trường sẽ tăng thông qua nhờ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bản chất của sàn giao dịch điện tử không chỉ dừng lại ở mức kết nối cung - cầu nữa mà nó tạo ra và kích hoạt dòng cầu. Mà chúng ta biết tư duy kinh tế học là cầu tăng thì giá sẽ tăng, cầu giảm thì giá sẽ giảm. Ví dụ như: giá thịt heo lên, xuống thì do cầu nó giảm, du lịch, khách nội địa không lớn, không ăn thịt lợn, các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng đóng cửa,… nên nhu cầu thịt lợn xuống thì giá sẽ xuống.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết về những định hướng của chương trình xây dựng Nông thôn mới của nước ta trong năm 2022?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chương trình xây dựng Nông thôn mới sắp tới, chúng ta sẽ chú trọng nhiều hơn không chỉ là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, hệ thống hạ tầng thủy lợi,… mà chúng ta còn chú ý đến hạ tầng kinh tế nông thôn, kích hoạt kinh tế nông thôn từ hợp tác xã, du lịch nông thôn, từ các sản phẩm OCOP. Đó là mới là câu chuyện chúng ta hướng tới để nâng cao năng lực cộng đồng. Đó mới chính là điều quyết định giá trị của nông thôn mới.

Chúng tôi sẽ cố gắng đưa tri thức đến nông dân để chúng ta hướng tới giúp cho người nông dân tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường,… Từ đó, để xây dựng hình ảnh nông dân chuyên nghiệp sẽ phải như thế nào? Nông nghiệp chuyên nghiệp cần những người nông dân chuyên nghiệp, họ có kỹ năng để nâng cao năng suất lao động, biết chế biến sơ chế sản phẩm mình làm ra, phân loại…. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm tất cả những vấn đề này, do vậy, để làm sao nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đảm nhận phần nào trong chuỗi ngành hàng thay cho doanh nghiệp để cho thu nhập của người nông dân không chỉ từ sản lượng họ làm ra, mà còn từ giá trị gia tăng của mình tạo ra từ sản phẩm thô sang sản phẩm sơ chế. Đó là hướng đi của nông thôn mới.

Bên cạnh đó, làm sao để chúng ta xây dựng hình ảnh người nông dân khác đi, để họ biết kỹ năng bán hàng. Họ biết dùng thương mại điện tử, dùng những thiết bị thông minh; chuyển đổi số từ người nông dân, nông dân biết livestream,… Từ đó thiết kế chương trình giúp đưa các kỹ năng, các công cụ đến gần với người nông dân.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!./.

Bùi Thủy (ghi)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/bo-truong-le-minh-hoan-xay-dung-hinh-anh-nguoi-nong-dan-chuyen-nghiep-trong-nam-2022-a98.html