Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 29

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 29.

IX.

Tháng 6 năm 1862, mặt trời tỏa nắng xuống khắp miền Nam Kỳ. Miền Gò Công cũng chan hòa ánh nắng, gió đưa nhè nhẹ, cây lá vươn lên xanh tươi. Những đàn cò nhởn nhơ bay trên trời. Trong Tổng hành dinh ở Tân Hòa, Gò Công, Trương Công Định đang ngồi cùng Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu bàn việc quân. Trương Công Định bê ly trà uống và nói:

-Mời hai quân sư dùng nước.

Đồ Chiểu và Phan Văn Trị bê ly và nói:

-Kính mời Bình Tây tướng quân.

Ba người uống cạn vừa đặt ly xuống. Chợt có lính vào báo:

-Dạ bẩm tướng quận có tin rất xấu.

Trương Công Định hỏi:

-Tin xấu gì vậy?

-Dạ, ngày 5 tháng 6 năm 1862 triều đình đã phái Khâm sai đại thần là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh phó sứ và nghị đàm với Pháp và đã ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 rồi ạ.

Nguyễn Đình Chiểu hỏi:

-Bản Hòa ước viết gì vậy?

-Dạ, theo Hiệp ước, triều đình nhường hẳn ba tỉnh miền Đông và Côn Đảo cho Pháp, phải bồi thường chiến phí rất nặng nề, mở các cửa biển cho Pháp đi lại vào ra, phía Pháp trả lại cho ta tỉnh Vĩnh Long, không đánh ra các tỉnh miền Tây nữa.

Trương Công Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu nghe xong bàng hoàng. Nguyễn Đình Chiểu hỏi lại:

-Có chính xác không?

-Dạ chính xác ạ. Còn nữa, triều đình phải ra sức dùng chiếu chỉ mệnh lệnh giải tán tất cả những cuộc khởi nghĩa chống pháp ở miền Đông, kháng chỉ là các thủ lĩnh bị tội ạ.

Trương Công Định đập tay xuống bàn giận dữ:

-Khâm sai đại thần gì mà ngu vậy. Chúng ta đã đánh cho Pháp tơi bời sắp bị tiêu diệt, sắp bị xua đuổi khỏi Nam Kỳ thì nay triều đình hèn nhát đàm phán, không chỉ cứu kẻ thù lúc chúng lâm nguy, còn cắt ba tỉnh miền Đông cho chúng, lại vét tiền bạc cạn kiệt bồi thường cho chúng.

Nguyễn Đình Chiểu nói:

-Hòa ước này đã đưa triều đình thành đồng minh với chúng chống lại lực lượng kháng chiến của nhân dân.

Phan Văn Trị nói:

-Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã trúng vào cạm bẫy của chúng rồi. Khi đã dập tắt được phong trào kháng chiến của nhân dân, chúng sẽ quay ra xé hiệp ước, tiếp tục đánh nốt ba tỉnh miền Tây và đẩy mạnh xâm lược cả Đại Nam.

Trương Công Định nói:

-Triều đình và Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đã phạm tội bán nước, thành tội nhân của dân tộc rồi.

Phan Văn Trị hỏi:

-Thưa tướng quân, triều đình đã cắt đứt ba tỉnh miền Đông cho Pháp thì ta phải giải giáp trao lại đất cho chúng, thứ hai đã là hòa ước thì sẽ hòa bình, không có chiến sự giữa ta với Pháp nữa cũng buộc ta giải giáp. Thưa tướng quân, ta phải làm thế nào đây?

Nguyễn Đình Chiểu nói:

-Bọn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đẩy chúng ta vào thế thật khó xử, không giải giáp thì chống lại triều đình, phạm tội bất trung, giải giáp thì chống lại nhân dân và chúng ta cũng thành những kẻ bán nước, vào hùa với bọn Phan-Lâm.

Trương Công Định nói:

-Chờ xem thái độ của triều đình đối với chúng ta thế nào đã. Trung nhưng không có nghĩa ngu trung. Vua đã bán nước thì không trung nữa mà chỉ còn  trung với nước, với dân mà thôi. Cho nên nếu buộc giải giáp thì ta nhất định không theo.

Vài ngày sau khi Trương Công Định đang ngồi trong hành dinh ở Gò Công thì có lính do thám vào báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, khắp ba tỉnh miền Đông sĩ phu  và nhân dân sôi sục phản đối hòa ước ngày 6-5-1862, họ nói Phan-Lâm mãi quốc, triều đình khí dân ạ (Họ Phan và họ Lâm bán nước, triều đình bỏ rơi dân chúng).

Trương Công Định hỏi:

-Còn tình hình gì nữa không?

-Dạ có tin triều đình đã sai nội thị chuyển chiếu chỉ đến Tướng quân Nguyễn Trung trực điều tướng quân đi Phú Quốc, Kiên Giang xa ba tỉnh miền Đông ạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-29-a7334.html