Phú Thọ: Huyện Yên Lập dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trước khi bước vào năm học mới

Trước thềm năm học mới năm học 2024 - 2025, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp các em tự tin trong học tập khi năm học mới bắt đầu.

dt-1722999429.jpg
Học sinh trường tiểu học thị trấn Yên Lập vùng dân tộc thiểu số của huyện miền núi này được tăng cường tiếng Việt trong dịp nghỉ hè

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Lập cho biết: Trong những năm qua, công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số luôn được ngành GD&ĐT huyện quan tâm chỉ đạo các trường trên địa bàn triển khai thực hiện. Năm học 2024 - 2025, phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các trường quan tâm bố trí thời gian, hình thức hợp lí để tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi bắt đầu năm học mới. Đồng thời, tích hợp rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục. Phòng GD&ĐT huyện cũng chỉ đạo các trường tiểu học đã rà soát, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo điều kiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Trong đó quan tâm thực hiện xã hội hóa trang bị đồ dùng, tài liệu, xây dựng môi trường tiếng Việt đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học. Về tài liệu, sử dụng bộ tài liệu, tranh ảnh theo Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” do Bộ GD&ĐT thẩm định.

Để thực hiện hiệu quả dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, các trường tiểu học, TH&THCS Nga Hoàng, Phổ thông DTBT Tiểu học Trung Sơn A đã rà soát, bố trí đội ngũ giáo viên có năng lực dạy học và tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trong đó, ưu tiên những giáo viên là người địa phương, giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số vùng có học sinh trong diện cần tăng cường tiếng Việt.

Ngoài ra, các trường đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cho 100% cán bộ, giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức dạy học theo hướng tăng cường thời lượng môn Tiếng Việt; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường, xây dựng thói quen đọc sách, báo cho học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động thư viện; quan tâm tổ chức thực hiện linh hoạt các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập, giao lưu tiếng Việt... Từ đó tạo tâm thế sẵn sàng, trang bị cho học sinh tiểu học vốn tiếng Việt cơ bản để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt trong môi trường lớp học; đồng thời hình thành cho học sinh nền nếp học tập, làm quen với bạn bè, thầy cô giáo và tự tin trong học tập, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đình Thơn

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/phu-tho-huyen-yen-lap-quan-tam-day-hoc-tang-cuong-tieng-viet-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-vung-dan-toc-thieu-so-a9904.html