Trao đổi với VnBusiness, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khẳng định, đây cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết tốt nhất bài toán tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới ngành này.
Thưa ông, 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, xuất khẩu đạt 23,24 tỷ USD. Điều gì đã giúp ngành vượt lên trên những khó khăn do dịch COVID-19 tác động?
Có thể nói, kết quả phát triển của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đã thể hiện sự nỗ lực của người nông dân, các HTX, DN... cùng với đó là sự đồng hành của các địa phương, bộ, ngành trong công tác quản lý.
Như chúng ta đều biết, dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không nhỏ tới đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, nhờ việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, thông qua làm việc với các địa phương, các nước nhập khẩu nên đã tháo gỡ được khó khăn.
Tôi còn nhớ, đã có thời điểm, một số địa phương ở biên giới đã làm việc với cơ quan chức năng của các Bộ ngay trên cầu để thảo luận phương án tiêu thụ nông sản trên các cửa khẩu, thông đường xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc.
Đặc biệt, năm nay, nhiều mặt hàng nông sản lần đầu tiên được đưa lên sàn thương mại điện tử. Điều mà trước đây chúng ta vẫn tưởng rằng không thể. Chính những sáng kiến này đã giúp nông sản vượt qua những khó khăn về đầu ra do dịch COVID-19 gây ra.
Ông vừa đề cập tới vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong chuỗi giá trị nông sản. Xin ông có thể nói rõ hơn về điều này, cụ thể chúng ta phải làm gì để giúp quy mô HTX lớn hơn?
Tính đến thời điểm này, cả nước có 17.800 HTX nông nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp thì khu vực kinh tế hợp tác, HTX không thể thiếu. HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi nông sản, cũng như thực hiện chuyển đổi sang mô hình từ sản xuất nhỏ thành lớn, từ thủ công sang ứng dụng công nghệ tin học.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác ủng hộ một chương trình cơ giới hóa và chế biến nhỏ. Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến nhưng phù hợp với mô hình DN lớn, công nghệ hiện đại, trong khi rất nhiều HTX có nhu cầu về các công nghệ chế biến đơn giản, quy mô nhỏ.
Rõ ràng, cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khu vực này. Đầu tiên là phải đào tạo đội ngũ giám đốc HTX một cách bài bản. Tôi cho rằng, 17.800 giám đốc HTX cần phải được hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý.
Đồng thời, để đưa được HTX vào chuỗi nông sản, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo thí điểm 5 vùng nguyên liệu. Hỗ trợ hạ tầng nhỏ trong vùng nguyên liệu, kết nối sản xuất với nhà máy, hạ tầng thương mại như tăng cường xây dựng kho lạnh để tạm trữ, bảo quản nông sản trong vùng trước khi chuyển về nhà máy.
Trong vùng nguyên liệu, chúng ta cần củng cố các HTX nông nghiệp, làm cầu nối để giúp nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình, liên kết chặt chẽ với DN. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị vùng nguyên liệu, chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch.
Dùng công nghệ thông tin để giúp rải vụ, bố trí kế hoạch sản xuất tránh tình trạng nhiều địa phương cùng sản xuất một mặt hàng, để rồi ùn ứ.
Như vậy, việc đẩy mạnh nâng cao giá trị sản xuất của nông sản cũng là một trong những mô hình mà ngành nông nghiệp hướng đến, thưa ông?
Đúng vậy! kinh nghiệm cho thấy, muốn đẩy mạnh mô hình tăng trưởng thì câu chuyện không phải sản lượng hay năng suất, mà phải kiên trì nâng cao giá trị. Kiên quyết thúc đẩy phát triển theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh khâu chế biến nông sản.
Phát triển thương mại đi kèm với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao thương nông sản trên các sàn giao dịch điện tử. Nói như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là lấy nông thôn bao vây thành phố, tức là chuyển đổi số nông thôn trước. Nông thôn mà chuyển đổi số trước, nhanh hơn, thành công hơn thì sau đó sẽ kích thích thành thị chuyển đổi số. Điều này hoàn toàn khả thi với hàng chục triệu hộ nông dân.
Trong mô hình tăng trưởng mới cần đầu tư mạnh hơn về con người, đào tạo ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công nghệ chế biến, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương. Thời gian tới, chúng ta cố gắng thực hiện mục tiêu đưa nông sản Việt vào thị trường thế giới với tiêu chuẩn minh bạch, chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt quan tâm tới chuyện sản xuất theo tín hiệu thị trường, ngay từ khi gieo hạt giống xuống, chúng ta phải nghĩ tới thị trường cũng như phương án tiêu thụ.
Thực tế hiện nay, có những sản phẩm khi thị trường mở ra, cơ quan quản lý rất khó nói với địa phương này hay hộ nông dân kia rằng không được sản xuất. Do vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Nhật Linh (thực hiện)