Tết Nguyên đán là dịp để các gia đình sum họp, nhưng cũng kéo theo nỗi lo về phương tiện di chuyển, đặc biệt với những ai không sở hữu ô tô riêng.
Khi việc chen chúc trên các phương tiện công cộng trở thành nỗi ám ảnh, xe máy lại nổi lên như một giải pháp linh hoạt, tiết kiệm cho các chuyến hành trình ngắn và trung bình. Tuy nhiên, để đảm bảo chuyến đi an toàn và suôn sẻ, người dân cần chú ý một số vấn đề quan trọng sau.
1. Sắp xếp hành lý gọn gàng, khoa học
Với khối lượng hành lý lớn mỗi dịp Tết, việc sắp xếp gọn gàng trên xe máy là ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên mang theo những đồ dùng thiết yếu, đồng thời xếp đồ chắc chắn phía sau xe.
Những đồ dùng cần thiết như giấy tờ, nước uống, áo mưa nên để trong ba-lô nhỏ phía trước để tiện lấy khi cần. Lưu ý không đặt quá nhiều đồ phía trước, tránh ảnh hưởng đến tay lái và sự ổn định khi di chuyển.
2. Lựa chọn xe máy phù hợp
Nếu gia đình sở hữu nhiều xe máy, hãy chọn chiếc xe vận hành tốt nhất, có yên và cốp rộng rãi để tăng sự thoải mái. Đối với các tuyến đường bằng phẳng, xe tay ga với sàn để chân rộng sẽ là lựa chọn lý tưởng, vừa thoải mái vừa tiện lợi khi mang đồ.
Trước chuyến đi, hãy kiểm tra kỹ các bộ phận như lốp, phanh, nhông xích, dầu máy và hệ thống đèn. Đừng quên đổ đầy bình xăng trước khi xếp đồ để tránh việc phải dừng lại giữa chừng.
3. Chuẩn bị trang phục thoải mái, phù hợp thời tiết
Trang phục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thoải mái và an toàn. Vào dịp Tết, khi thời tiết lạnh giá, đặc biệt ở miền Bắc, cần trang bị áo khoác ấm, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân và áo phản quang khi đi vào ban đêm. Ngoài ra, chuẩn bị áo mưa ở vị trí dễ lấy để sử dụng khi thời tiết xấu.
Chọn quần áo rộng rãi, co giãn để không gây khó chịu khi ngồi lâu trên xe. Các vật dụng cá nhân như ví, điện thoại nên để trong ba-lô thay vì túi quần để tránh cảm giác cấn, chật.
4. Lập kế hoạch lịch trình hợp lý
Trước khi xuất phát, cần xác định trước cung đường, điều kiện thời tiết và thời gian xuất phát để tránh đi vào giờ cao điểm hoặc ban đêm. Với các quãng đường dài, nên chia nhỏ hành trình, dừng nghỉ sau mỗi 50 - 70 km để giảm mệt mỏi và tránh hư hại xe.
Khi nghỉ dọc đường, chọn các điểm dừng rộng rãi, thoáng mát và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Đồng thời, đây cũng là thời gian để xe "hạ nhiệt" sau quãng đường dài.
5. Tuân thủ luật giao thông
Một chuyến đi an toàn không thể thiếu việc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Người lái cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đi đúng tốc độ, đúng làn đường và không vượt đèn đỏ. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, mang theo đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái và các giấy tờ liên quan khác để tránh bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.