Đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam, ô tô Trung Quốc "điêu đứng" trước doanh số lẹt đẹt

Năm 2024, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ rầm rộ của hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên, khi năm 2024 khép lại, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những dự kiến ban đầu.

Chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam lại chứng kiến sự xuất hiện dồn dập của các thương hiệu ô tô Trung Quốc như trong năm 2024. Trong vòng một năm, hàng loạt hãng xe như BYD, Chery (Omoda & Jaecoo), GAC, Aion, Lynk & Co… đã chính thức ra mắt với nhiều dòng xe từ xe điện đến SUV và MPV chạy xăng.

Một số mẫu xe tiêu biểu có thể kể đến như BYD Dolphin, Atto 3, Seal (thuần điện), Omoda C5, Jaecoo J7 (SUV xăng), GAC GS8, M8, M6 Pro, Aion ES, Y Plus (xe điện), Lynk & Co 01, Lynk & Co 05 (SUV xăng).

14
 

Các thương hiệu này mang đến lợi thế cạnh tranh lớn với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá thành hấp dẫn hơn so với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu.

Đặc biệt, dòng xe điện của Trung Quốc nổi bật với dung lượng pin lớn, phạm vi hoạt động dài và nhiều tính năng thông minh. Những yếu tố này giúp xe Trung Quốc tạo được sức hút ban đầu trong ngành ô tô Việt Nam.

Doanh số ảm đạm và những dự báo kém sáng sủa

Mặc dù ra mắt rầm rộ và nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng đến nay, các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn chưa công bố doanh số chính thức tại Việt Nam. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) không ghi nhận doanh số bán hàng từ những hãng xe này.

Điều đáng chú ý là xe Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Việt Nam khá ít, ngay cả ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

15
 

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 31.112 xe, tổng kim ngạch hơn 909 triệu USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm khoảng 10.000 xe.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, phần lớn lượng xe nhập khẩu này là xe tải, trong khi xe du lịch chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều này cho thấy triển vọng thị trường của ô tô du lịch Trung Quốc tại Việt Nam trong năm 2025 vẫn khá mờ nhạt.

Rào cản khiến ô tô Trung Quốc chưa được đón nhận

Dù có giá thành cạnh tranh và nhiều trang bị hấp dẫn, ô tô Trung Quốc vẫn gặp không ít rào cản trong việc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Nguyên nhân lớn nhất đến từ tâm lý e dè của khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.

Trước đây, nhiều mẫu xe Trung Quốc từng bị đánh giá thấp về độ bền, chất lượng vật liệu, khả năng vận hành và độ an toàn. Những ấn tượng không tốt từ quá khứ khiến người tiêu dùng khó đặt niềm tin vào các thương hiệu xe hơi đến từ quốc gia này.

16
 

Ngoài ra, hệ thống đại lý và dịch vụ hậu mãi của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, tạo tâm lý lo ngại cho khách hàng về việc bảo dưỡng và thay thế phụ tùng trong tương lai.

Bên cạnh đó, với thị trường ô tô Việt Nam vốn bị thống trị bởi các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, việc các hãng xe Trung Quốc chen chân vào và giành thị phần không phải là điều dễ dàng.

Tương lai nào cho ô tô Trung Quốc tại Việt Nam?

Với sự phát triển mạnh mẽ của xe điện và xu hướng chuyển đổi công nghệ trong ngành ô tô, xe Trung Quốc vẫn có cơ hội tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để thực sự bứt phá, các hãng xe Trung Quốc cần cải thiện hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống hậu mãi vững chắc.

17
 

Nếu không, làn sóng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam rất có thể chỉ là một cơn sóng ngắn, nhanh chóng lụi tàn khi không thể tạo ra chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.