Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản), cá tra là loài nuôi phổ biến ở ĐBSCL. Sản lượng nuôi tăng nhanh từ 90.000 tấn năm 2000 lên 300.000 tấn năm 2004 và đạt 1,5 triệu tấn năm 2021.
Sau nhiều năm cá tra bị rớt giá mạnh, người nuôi thua lỗ phải bỏ ao ầm mà chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác. Đặc biệt, gần 2 năm nay ngành hàng cá tra đã tăng trưởng mạnh, trong 7 tháng đầu năm 2022.
Theo thống kê, năm 2022, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL có 1.913 cơ sở sản xuất ương dưỡng cá tra giống tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An… Tại thời điểm cuối tháng 7/2022, giá cá tra giống tại Ðồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ đang ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg giống loại 30-35 con/kg.
Còn giá cá tra thương phẩm có thời điểm tăng trên 32.000 đồng/kg, chính vì vậy đã giúp các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu đều có lãi.
Để có con giống phục vụ cho nghề nuôi cá tra, trước đây chất lượng giống cá tra ở ĐBSCL chưa được coi trọng. Từ thực trạng đó, ông Như Văn Cẩn còn đưa ra các dẫn chứng, nguyên nhân, con giống trước đây được sản xuất từ nguồn cá bố mẹ có nguồn gốc không rõ ràng, kích thước cá bố mẹ nhỏ, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục chưa đạt, đẻ ép, khai thác quá mức do đẻ nhiều lần trong năm.
Từ đó, cá giống không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hao hụt đầu con nhiều khi nuôi, cá giống đề kháng kém, cá nuôi chậm lớn, dịch bệnh xuất hiện nhiều trên đàn cá nuôi…
Giai đoạn 2010-2020, Bộ NN-PTNT đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm nâng cao chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, xây dựng chuỗi sản xuất liên kết giống cá tra 3 cấp chủ yếu ở An Giang và Đồng Tháp đang phát triển mạnh để phục vụ nhu cầu giống chất lượng cao cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Những đề án, đề tài, dự án này đã đã tạo ra sự chuyển biến lớn, góp phần thay đổi tích cực ngành công nghiệp cá tra trong thời gian vừa qua.
Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục Trưởng, Chi Cục Thú y vùng VII (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2021 dihcj bệnh gây thiệt hại trên cá tra là 500ha, chủ yếu do dịch bệnh tại 32 xã của 13 huyện thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP. Cần Thơ.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, thiệt hại trên cá tra được ghi nhận trên 300 ha, chủ yếu là do dịch bệnh, tại 53 xã thuộc 18 huyện của 3 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Cơ quan thú y đã giám sát, phát hiện bệnh nguy hiểm trên cá tra là bệnh gan thận mủ và một số bệnh thông thường phổ biến khác như bệnh xuất huyết, ký sinh trùng...
Theo ông Tiền Ngọc Tiên, những khó khăn, tồn tại trong sản xuất cá tra giống hiện nay là một số địa phương bố trí lượng kinh phí còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, có địa phương không bố trí kinh phí gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều địa phương thiếu nhân lực làm công tác thú y thủy sản tại tuyến xã, huyện dẫn đến công tác quản lý dịch bệnh, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho người nuôi bị ảnh hưởng.
Công tác giám sát chưa gắn liền với giám sát dịch bệnh nên hiệu quả không cao, không phản ánh mối liên hệ giữa môi trường và dịch bệnh cũng như không phân tích được tác động qua lại giữa mỗi trường và dịch bệnh một cách đầy đủ.
Nguyên nhân là do không có sự chia sẻ thông tin giữa hai hệ thống làm công tác thú y thủy sản và nuôi trồng thủy sản và hiểu biết còn có sự khác biệt giữa hai hệ thống nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hoặc phản ứng còn chậm và chưa đồng bộ.
Hiện nay, công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất cá tra an toàn dịch bệnh, hướng dẫn việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá tra... chưa được quan tâm, đẩy mạnh. Các doanh nghiệp chưa chủ động triển khai các chương trình giám sát tại cơ sở, đa số là không có kế hoạch giám sát.
Con giống là khâu then chốt
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp chiếm hơn 33% diện tích và gần 35% sản lượng cá tra toàn vùng, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Hằng năm, tỉnh cung cấp khoảng 20 tỷ con cá tra bột và khoảng 1,2 - 1,3 tỷ con cá tra giống, đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, từ chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm chất lượng, liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, giá bán cá tra thương phẩm và cá giống biến động liên tục.
Người nuôi thiếu thông tin định hướng thị trường, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, sức ép về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại, các yêu cầu kỹ thuật của thị trường ở các nước nhập khẩu ngày càng khắc khe hơn. Các hệ thống phân phối tiêu thụ, logistics còn rất nhiều hạn chế là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành hàng cá tra, trong đó giống cá tra đang được tỉnh chú trọng hàng đầu về mặt chất lượng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành thủy sản nói chung và đặc biệt ngành hàng cá tra đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Hiện các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đều có lãi. Trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, con giống là khâu then chốt, quyết định sự thành bại.
Giai đoạn trước năm 2010, chất lượng giống cá tra chưa được coi trọng, nhưng từ năm 2010-2020, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương triển khai một số đề tài dự án nhằm nâng cao chất lượng di truyền đàn cá tra bố mẹ và sản xuất cá tra giống chất lượng cao nhằm phục vụ nuôi cá thương phẩm để xuất khẩu.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các tỉnh thành nuôi cá tra tại ĐBSCL phải tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm. Ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên.
Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp. Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra quan tâm liên kết với vùng sản xuất giống một cách chặt chẽ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.