Lâm Đồng: Phát huy lợi thế đưa Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao

12/04/2022 20:56

Nongthonvaphattrien - Sáng 12/4, Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Tham dự Đại hội có ông Trần Công Cảnh - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam; ông K’ Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và 150 đại biểu đại diện cho hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh và các đại biểu đến từ các huyện, thành phố.

Qua báo cáo trình bày tại Đại hội cho thấy đến cuối cuối năm 2021, tổng số hội viên của tỉnh có gần 4000 người đang sinh hoạt tại 78 chi hội xã phường, thị trấn và 40 câu lạc bộ thuộc 11 huyện, thành hội. 53,6% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội SVC. Tổng diện tích đất sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh toàn tỉnh của hội viên: 150 ha trong đó 120 ha nhà lưới, nhà kính có hệ thống tưới tự động và bán tự động. Giá trị đầu tư cơ sở vật chất sản xuất sinh vật cảnh cả tỉnh khoảng 500 tỉ đồng, trong đó khoảng 15 ha có mức đầu tư trên 10 tỉ đồng/ha. Số lao động làm việc trực tiếp thường xuyên ở các cơ sở sản xuất sinh vật cảnh trên 8.000 người. Doanh thu từ sinh vật cảnh năm 2020 của hội viên đạt 1.200 tỉ đồng.

svc1-1649770472.jpg
Ông Trần Công Cảnh, PCT Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Đặc biệt, Hội SVC tỉnh Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc triển khai các hoạt động Hội gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là gắn hoạt động của các cấp Hội SVC tỉnh, huyện, xã với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển du lịch, tôn tạo các công trình văn hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệp cao; phối hợp cùng chính quyền tỉnh, huyện, thành phố trong tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa – du lịch trên địa bàn; xây dựng, phát triển lực lượng nghệ nhân sinh vật cảnh thông qua các tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị thẩm mỹ cao tham dự các triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức dạy nghề, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và người lao động trong ngành.

Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Công Cảnh, PCT Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã biểu dương những thành tích mà cán bộ, hội viên và các cấp Hội Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong nhiềm kỳ qua.

Đồng tình với đánh giá của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Công Cảnh cho rằng: Lâm Đồng là điểm sáng của cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với 60 ngàn ha, chiếm 20% diện tích đất canh tác. Vùng chuyên canh hoa có trên 9 ngàn ha với sản lượng 3,6 tỉ cành hoa/năm. Nơi đây hội tụ nhiều nhiều điều kiện cần và đủ để phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, đóng góp thiết thực vào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. 

"Trong những năm qua, Hội Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng đã có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với bàn tay khéo léo, tâm hồn nghệ thuật cao để tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Hoạt động của Hội ngày càng chuyên môn hóa cao, nâng giá trị kinh tế, tạo ra giá trị bình quân trên đơn vị diện tích rất lớn với mức bình quân doanh thu 8 tỷ đồng/ha, nâng giá trị kinh tế từ sinh vật cảnh cao hơn rất nhiều so với diện tích chuyên canh nông nghiệp khác. Càng có ý nghĩa hơn, khi Đại hội Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng diễn ra trong bối cảnh cả nước có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây; 33 năm ngày Truyền thống Sinh Vật Cảnh Việt Nam và hướng tới Đại hội đải biểu Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ VII, chúng ta càng thấy rõ hơn vị thế vai trò của Sinh Vật Cảnh trong đời sống kinh tế, xã hội hôm nay...", ông Trần Công Cảnh nhấn mạnh.

svc3-1649771537.jpg
Đại biểu quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về phương hướng phát triển của Hội trong nhiệm kỳ mới

Cũng theo chia sẻ của PCT Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, thì ngày nay, ngành Sinh Vật Cảnh của cả nước trong những năm vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt vai trò của Sinh Vật Cảnh đã được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh. Ngày nay, Sinh Vật Cảnh không chỉ là một nét nét đẹp văn hóa có truyền thống lâu đời của ông cha mà là một ngành kinh tế sinh thái có vị trí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Sinh Vật Cảnh không chỉ là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo những không gian văn hóa mà thông qua các hoạt động Sinh Vật Cảnh còn góp phần hun đúc tinh thần dân tộc, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

"Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hoa cây cảnh, cá cảnh và các loại sinh vật cảnh khác ngày càng tăng và đã có đóng góp rất đáng kể trong con số trên 4 tỷ USD hàng năm của nhóm ngành Rau, Hoa, Quả. Chính vì vậy, ngày 12/4/2018, Chính phủ đã chính thức công nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn quan trọng theo Nghị định số 52/2018/NĐ – CP. Đây thực sự là cơ hội phát triển cho ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam nói chung, Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng nói riêng...", ông Trần Công Cảnh thông tin thêm.

Từ những cơ sở thực tiễn và tiềm năng thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Công Cảnh đã nêu một số giải pháp thúc đẩy tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng trong nhiệm kỳ tới với một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành các cấp trong tỉnh để triển khai có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao; Hội cần chủ động phối hợp cùng Ngành Nông nghiệp triển khai có hiệu quả Nghị quyết liên tịch về phối hợp nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp với Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam trong việc Phát triển Sinh Vật Cảnh trong quá trình xây dựng Nông thôn mới và tái cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thứ hai, Tập trung đi sâu đầu tư và phát triển những lĩnh vực Sinh Vật Cảnh mà tỉnh Lâm Đồng có lợi thế phát triển vượt trội so với các tỉnh bạn, Hội lấy hoạt động phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh làm động lực để phát triển tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh…

Thứ ba, Xây dựng những mô hình phát triển Sinh Vật Cảnh hiệu quả gắn với nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương, Sinh Vật Cảnh…Đặc biệt gắn với nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh, gắn với việc phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đưa Sinh Vật Cảnh vào các cơ sở thờ tự tôn giáo tín ngưỡng, các danh thắng di tích lịch sử để tôn tạo cảnh quan và thu hút du lịch.

Thứ tư, Tăng cường hoạt động tuyên truyền tôn chỉ mục đích điều lệ Hội, mở rộng việc kết nạp Hội viên, mở rộng các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại và liên kết để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của các sản phẩm Sinh Vật Cảnh.

Thứ năm, Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, chủ động phối hợp với các ngành các cấp xây dựng các đề án phát triển các mặt hàng Sinh Vật Cảnh có lợi thế để trình các cấp chính quyền phê duyệt ban hành một số cơ chế chính sách ưu tiên phát triển.

svc2-1649771443.jpg Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng khóa V, nhiệm kỳ 2022 – 2027

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, ông Trần Công Cảnh đã bày tỏ sự tin tưởng với sự quan tâm của cấp ủy chính quyền và đoàn thể cùng các ngành trong tỉnh, Hội Sinh Vật Cảnh tỉnh Lâm Đồng sẽ có những bước phát triển mới trong thời gian tới.

Đặc biệt, ông Trần Công Cảnh đã chúc mừng 25 vị được Đại hội bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng khóa V, nhiệm kỳ 2022 – 2027, bầu 4 vị vào Ban Thường trực Hội, chúc mừng ông Nguyễn Đức Dũng tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 – 2027 và 3 Phó Chủ tịch là ông Ngô Hữu Hay, Nguyễn Văn Giai, Trần Xuân Tuất. 

Xuân Nguyên