Làm gì khi gặp các câu hỏi phỏng vấn vượt giới hạn?

Phỏng vấn xin việc đôi khi không chỉ xoay quanh kỹ năng hay kinh nghiệm làm việc. Có những lúc bạn sẽ gặp phải những câu hỏi phỏng vấn khiến bạn cảm thấy hơi sai sai, từ chuyện gia đình, tình trạng hôn nhân cho đến tín ngưỡng, sức khỏe hay thậm chí là kế hoạch sinh con. Những câu hỏi này không chỉ gây khó xử mà còn có thể được xem là vượt giới hạn.
pr-1-1747637868.png

Vậy khi rơi vào tình huống đó, bạn nên phản ứng thế nào để vừa khéo léo, vừa không làm mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng tại TPHCM hay bất cứ nơi nào khác?

Giữ bình tĩnh, đừng phản ứng thái quá

Trước hết, đừng hoảng sợ hoặc tỏ ra phòng thủ. Đôi khi, người phỏng vấn không cố ý gây khó chịu, chỉ là họ không nhận ra đó là câu hỏi “nhạy cảm”. Thay vì phản ứng mạnh mẽ, hãy hít thở và dành cho mình một giây để suy nghĩ. Bạn thậm chí có thể nói điều gì đó như: “Đó là một câu hỏi thú vị - em có thể hỏi nó liên quan như thế nào đến vai trò mà em đang ứng tuyển không?”. Điều này giúp họ có cơ hội giải thích và có thể giúp chuyển hướng cuộc trò chuyện sang chủ đề an toàn hơn.

Chuyển hướng nhẹ nhàng sang công việc

Khi đối mặt với câu hỏi phỏng vấn có phần riêng tư, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là lái cuộc trò chuyện trở lại vấn đề thực sự quan trọng: kỹ năng và trình độ của bạn.

Nếu được hỏi: “Em có dự định sinh con trong vài năm tới không?”, bạn có thể phản hồi rằng: “Hiện tại em đang tập trung Phát triển sự nghiệp và mong muốn tìm một môi trường ổn định để gắn bó lâu dài. Em tin là vị trí này sẽ là cơ hội tốt để em thể hiện năng lực và học hỏi thêm”. 

Đây là cách trả lời lịch sự mà không tiết lộ thông tin cá nhân, không lảng tránh hoàn toàn nhưng đủ để khéo léo chuyển chủ đề từ đời tư sang tập trung vào cam kết của bạn đối với công việc. 

Chọn cách trả lời chung chung

Nếu bạn muốn tránh đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn muốn phản hồi với những câu hỏi hơi riêng tư, hãy giữ mọi thứ chung chung. Giả sử, nếu người phỏng vấn hỏi rằng: “Em có vấn đề sức khỏe nào mà chúng tôi nên biết không?”, bạn có thể trả lời bằng cách: “Em không có lo ngại nào ảnh hưởng đến khả năng thực hiện tốt vai trò này. Em luôn tự hào khi duy trì đạo đức nghề nghiệp và độ tin cậy trong công việc lẫn cuộc sống”. 

Ngắn gọn, lịch sự, không đi vào chi tiết mà vẫn thể hiện sự trưởng thành và chuyên nghiệp. Một lần nữa, bạn không tiết lộ thông tin cá nhân, nhưng bạn đang biến khoảnh khắc đó thành cơ hội để nói về các giá trị và đó luôn là điều tốt trong các cuộc phỏng vấn.

Đặt lại câu hỏi – chuyển thế bị động thành chủ động

pr-2-1747637893.png

Khi gặp những câu hỏi riêng tư trong buổi phỏng vấn, thay vì trả lời ngay, bạn hoàn toàn có thể hỏi ngược lại để giữ thế chủ động và đưa cuộc trò chuyện về đúng trọng tâm công việc. Cách này vừa giúp bạn né câu hỏi một cách khéo léo, vừa thể hiện sự tự tin và chuyên nghiệp.

Nếu đối mặt với câu hỏi “Em đã có gia đình chưa?”, thay vì nói “Có” hay “Chưa” bạn có thể chuyển sang hỏi lại về yêu cầu công việc, vừa tránh bị soi đời tư, vừa cho thấy bạn chủ động và sẵn sàng đáp ứng nếu cần như: “Dạ, em muốn hỏi thêm là công việc này có yêu cầu gì đặc biệt về thời gian hay di chuyển không ạ? Em rất linh hoạt và có thể sắp xếp phù hợp nếu công việc cần”. 

Biết khi nào nên dừng lại

Đôi khi, cách tốt nhất để đối diện với một câu hỏi quá riêng tư là dũng cảm nói “không” một cách lịch sự. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối trả lời nếu cảm thấy bị xâm phạm đời tư hoặc câu hỏi không liên quan đến công việc. Việc giữ ranh giới rõ ràng không làm bạn mất điểm, ngược lại nó cho thấy bạn là người biết rõ giá trị và ranh giới của bản thân. 

Nếu người phỏng vấn hỏi rằng: “Em có từng bị trầm cảm hay gặp vấn đề tâm lý gì không?”, bạn có thể trả lời thẳng nhưng vẫn giữ được sự lịch sự và chuyên nghiệp như: “Em xin phép không chia sẻ về những vấn đề cá nhân không liên quan đến hiệu suất công việc. Tuy nhiên, em luôn đảm bảo mình có đủ năng lượng và tinh thần để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. 

Chú ý đến các tín hiệu cảnh báo

Nếu người phỏng vấn liên tục hỏi những câu hỏi không phù hợp hoặc khiến bạn không thoải mái, thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Một nơi làm việc tôn trọng bắt đầu bằng một quy trình tuyển dụng tôn trọng. Nếu họ không thể hiện điều đó ngay bây giờ thì có lẽ họ sẽ không thể hiện điều đó sau này. Nếu được mời làm, hãy cân nhắc kỹ văn hóa công ty trước khi đưa ra quyết định. 

Phỏng vấn là cuộc trò chuyện hai chiều và bạn được quyền nói “không” với những câu hỏi phỏng vấn không hợp lý. Hãy trả lời một vài câu lịch sự, giữ bình tĩnh và tiếp tục đưa cuộc trò chuyện trở lại vấn đề thực sự quan trọng: tại sao bạn là người phù hợp cho công việc này. Điều này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn là dấu hiệu cho thấy bạn tôn trọng chính mình.