Những thông tin tuyên truyền sai trái, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận thanh niên phai nhạt lý cộng sản, mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào con đường đi lên CNXH, vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều này đặt ra vấn đề là cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ đó đề xuất một số biện pháp phát huy vai trò trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
1. Mở đầu
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng vai trò của thanh niên, coi thanh niên là “chủ nhân tương lai của đất nước”, “là rường cột của nước nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặt nhiều kỳ vọng và luôn chăm lo đến việc giáo dục, rèn luyện cho đoàn viên, thanh niên. Trong Di chúc, Người đã dành một phần nói về thanh niên và căn dặn Đảng cần phải quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên - thế hệ cách mạng cho đời sau. Người căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(5).
Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi là một lực lượng đông đảo, chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Thanh niên Việt Nam nhìn chung đều có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên thanh niên Việt Nam cũng dễ bị lôi kéo, kích động, thường dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời… Đây là những đặc điểm dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Ngày nay, internet và mạng xã hội đã và đang tác động trực tiếp, xâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, tạo môi trường lan truyền hiệu ứng xã hội mau lẹ, rất khó quản lý, kiểm duyệt. Trong đó, thanh niên là đối tượng sử dụng nhiều nhất, chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất. Thanh niên cũng là lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Chính vì lẽ đó, trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã luôn coi thanh niên là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, chống phá. Chúng triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tấn công vào thanh niên. Các thế lực thù địch hướng đến thanh niên chính là nhằm phá hoại tương lai của đất nước ta; phá hoại niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, của Bác và của nhân dân dành cho thế hệ tương lai của nước nhà. Đây là một âm mưu thâm độc mà các thế lực thù địch đã sử dụng, tấn công vào thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, nhằm “phá hủy lực lượng cộng sản tiềm năng không thể coi thường ở các nước xã hội chủ nghĩa”(6). Điều này đặt ra vấn đề là cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ đó đề xuất một số biện pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
2.1. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nhận diện các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng nhằm vào thanh niên
Để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn hướng vào thanh niên. Trong đó, những âm mưu, thủ đoạn chủ yếu mà các thế lực thù địch thường sử dụng để xuyên tạc, chống phá là:
Thứ nhất, làm phai nhạt lý tưởng cao cả nhất của thanh viên Việt Nam - lý tưởng cộng sản bằng cách lấy sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cái cớ để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cho đến nay, các thế lực thù địch vẫn luôn rêu rao rằng, sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là một “tất yếu lịch sử” vì bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin”; và bởi “CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một CNXH “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(1). Họ cũng cho rằng, CNXH khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng”... Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới bằng nhiều hình thức, trên các diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Xuất phát từ sự xảo biện đó, họ cho rằng hiện nay, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng” để “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”(?!). Những luận điệu này được tung ra nhằm làm lung lạc tinh thần, lung lay ý chí của thanh niên; khiến cho thanh niên hoài nghi về con đường đi lên CNXH của Việt Nam; từ đó, làm phai nhạt lý tưởng cộng sản, mất mục tiêu phấn đấu.
Thứ hai, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm suy giảm niềm tin của thanh niên đối với Đảng. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”(1). Từ những hạn chế của công cuộc đổi mới, nhất là sự tụt hậu về kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, các thế lực thù địch đã lên tiếng đổ lỗi cho Đảng ta lãnh đạo đất nước không hiệu quả nên cần phải “trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình và của đất nước”(1). Với danh nghĩa đứng về phía nhân dân, các thế lực thù địch đã khuyên nước ta cần phải đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện chính sách “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập”. Chúng còn xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hòng làm cho thanh niên mất niềm tin vào Đảng, từ đó hoài nghi, dao động về lập trường tư tưởng, mất phương hướng.
Thứ ba, các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam làm cho một bộ phận không nhỏ thanh niên có nhận thức sai lệch. Ngoài ra, các thế lực thù địch còn ra sức thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tuyên truyền, cổ xúy lối sống phương Tây với những biểu hiện thực dụng, coi trọng các giá trị vật chất, lối sống cá nhân, vị kỷ,… nhằm làm cho thanh niên dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dễ bỏ quên những giá trị truyền thống tốt đẹp, có biểu hiện “sính ngoại”, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích của tập thể, của dân tộc…
Thứ tư, chúng lập ra nhiều trang web mạo danh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,… để bình luận, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động đưa lên mạng xã hội và internet những mặt trái của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, không chính thống, sai trái để hướng lái, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người đọc mơ hồ, mất cảnh giác nhằm mục đích tạo nên sự hoài nghi, phản kháng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, chuyển dần sang tư tưởng sai trái, thù địch, phản động.
Trước sự chống phá đó, không ít thanh niên đã có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, hút sách, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp. Đây là những biểu hiện không thể coi thường”(2). Thực trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của thanh niên mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai của đất nước.
2.2. Một số biện pháp phát huy vai trò của thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, thế giới và cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, cách ứng xử của thanh niên trên không gian mạng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, để phát huy vai, trò trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần thực hiện đồng bộ những biện pháp cơ bản như sau:
Một là, tích cực tuyên truyền cho thanh niên về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thanh niên về những nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW thông qua những bài viết, bài nói chuyện, thông tin chuyên đề về Nghị quyết. Chủ thể tuyên truyền có thể là Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; song quan trọng nhất phải là tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên - những tổ chức chính trị - xã hội liên quan trực tiếp đến thanh niên. Các hình thức tuyên truyền cần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm thanh niên ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vùng, miền để thu hút sự quan tâm, chú ý của thanh niên; giúp cho thanh niên hiểu đúng, hiểu đủ tinh thần của nghị quyết và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đặc biệt chú ý, quan tâm đến các hình thức, kỹ thuật, phương pháp đấu tranh trên không gian mạng.
Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì “địch đứng trong bóng tối, ta đứng ngoài ánh sáng; địch có năm bảy kẻ thù với nhiều âm mưu, thủ đoạn, được sự hậu thuẫn của tài chính, khoa học - kỹ thuật còn ta vẫn chỉ là một nước đang phát triển”(3). Do đó, để phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, trước hết, cần tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thanh niên vững tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên về mạng xã hội, cách sử dụng mạng xã hội an toàn, thông minh. Đồng thời, động viên thanh niên cần tích cực tự học, tự trang bị các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống để nhận diện thông tin xấu độc, hình thành khả năng phân tích trước các thông tin tràn lan trên mạng xã hội. Đặc biệt, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tham gia đấu tranh chống “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trên không gian mạng cho thanh niên. Coi việc phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đấu tranh chống lại các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra “hệ miễn dịch”, “sức đề kháng” đối với mọi thông tin sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch. Đây chính là thước đo kết quả xây dựng bản lĩnh chính trị của thanh niên.
Ba là, cần có cơ chế, chính sách trong việc huy động thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế “chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu về vật chất, tinh thần thỏa đáng để thu hút đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh”(4). Do đó, để phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, cần có cơ chế, chính sách để huy động thanh niên như đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật để phục vụ cho việc rà quét, phát hiện, bóc gỡ, xử lý các thông tin xuyên tạc, sai trái; có cơ chế tài chính, cơ chế đảm bảo an toàn cho thanh niên khi thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp trong việc định hướng tư tưởng, chính trị cho thanh niên, đa dạng hóa và đổi mới các hình thức tập hợp thanh niên xây dựng lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Hiện nay, phần lớn thanh niên đều sử dụng internet và mạng xã hội nên dễ dàng tiếp xúc với những thông tin trái chiều, có nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Không phải ai cũng có khả năng kiên định hoặc nhận thức đúng bản chất của những thông tin đó nên không ít thanh niên dễ bị lôi kéo, kích động. Do đó, tổ chức Đoàn các cấp cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên; từ đó có những biện pháp, cách thức định hướng tư tưởng chính trị cho thanh niên giúp họ tránh được sự lôi kéo, mua chuộc, kịp thời tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn những thanh niên có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, có xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh đó, tổ chức đoàn các cấp cần đa dạng hóa và đổi mới các hình thức tập hợp thanh niên tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cần coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong thanh niên để chủ động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Tập trung vào đội ngũ cán bộ trẻ trong những cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn; thanh niên hoạt động trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật… Cần lựa chọn những thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận chính trị và khả năng diễn đạt các vấn đề cần đấu tranh,…làm lực lượng nòng cốt để viết chuyên đề, viết các bài đấu tranh có chất lượng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Năm là, phát huy vai trò “nêu gương” của cán bộ đoàn các cấp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Quán triệt chủ trương của Đảng về thực hiện chế độ “nêu gương” của người đứng đầu, để huy động được đông đảo thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đoàn các cấp. Đó là những bí thư, phó bí thư, cán bộ đoàn chuyên trách ở các cơ sở đoàn. Các cán bộ đoàn cần tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW; tích cực học tập lý luận chính trị để trang bị kiến thức, nâng cao “khả năng miễn dịch”, tăng cường “sức đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Ngoài ra, các cán bộ đoàn cần tích cực, xung kích trong việc tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tốt theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác các thông tin có nội dung sai trái, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự tiên phong, xung kích của đội ngũ cán bộ đoàn các cấp sẽ góp phần lan tỏa, cổ vũ, khích lệ tinh thần trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Sáu là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Để hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có hiệu quả, mỗi thanh niên cần ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển tư duy lý luận của mình, khắc phục triệt để tình trạng “lười” học tập lý luận chính trị, hoặc học tập một cách đại khái, qua loa, đối phó… Việc trang bị cho mình những kiến thức lý luận chính trị là cách thức hữu hiệu để tăng cường khả năng “miễn dịch” trước sự lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch; góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng. Ngoài ra, mỗi thanh niên cũng phải không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng thực tiễn sinh động, bằng những tri thức khoa học mới. Muốn bảo vệ một cách đúng nghĩa nhất phải thực sự sử dụng vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận của nền tảng tư tưởng trong hoạt động thực tiễn; từ đó tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần không ngừng học tập nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận điện các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng để việc đấu tranh đạt hiệu quả cao.
3. Kết luận
Cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thanh niên Việt Nam ngày càng chứng minh được vị trí, vai trò quan trọng của mình. Đây tuy là nhiệm vụ rất khó khăn, nhiều thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nhiệt huyết cách mạng, sự trẻ trung, nhạy bén, sáng tạo của tuổi trẻ, chúng ta tin tưởng nhiệm vụ này sẽ tiếp tục dành được những thắng lợi to lớn, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 48, 49, 51, 127.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh dành cho sinh viên Đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh(tái bản có sửa chữa), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.264.
3. Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Bảo vệ và phát triển tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21-22.
4. Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.131.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 622.
6. Tống Thế Gia: “Vì sao Liên Xô sụp đổ”, Báo Thời nay, số 2, ngày 07-01-2010.