Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới

PV
Nongthonvaphattrien - Sáng 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam. 

Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. 

tt-1645427755.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên.

Trên thế giới, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng thiếu vững chắc. Trong nước, đợt bùng phát dịch Covid-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm đã xảy ra tại nhiều địa phương. Một số trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm đã bị ảnh hưởng nặng; tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Trước bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động; đồng thời, ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022-là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022-2023.

Do vậy, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.