Với hơn 7,8 triệu xe bán ra trong năm 2024, quốc gia này không chỉ là thị trường tiêu thụ sedan lớn nhất toàn cầu mà còn là nơi duy trì biểu tượng xe sang gắn liền với địa vị xã hội.
Sedan vẫn giữ vững “ngai vàng” tại Trung Quốc
Trung Quốc nhiều năm qua không chỉ là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, mà còn là cái nôi định hình các xu hướng ô tô toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện hóa, trí tuệ nhân tạo và xe tự hành.
Thế nhưng giữa làn sóng đổi mới mạnh mẽ, sedan vẫn là một ngoại lệ – vẫn được ưa chuộng và coi là biểu tượng thể hiện đẳng cấp xã hội.

Theo số liệu thống kê doanh số xe năm 2024, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan) tiêu thụ tới 7,89 triệu sedan, chiếm hơn 50% tổng lượng sedan bán ra toàn cầu.
Dù mức tăng trưởng chỉ khoảng 1% so với năm trước, thị phần này đủ để cho thấy sức sống bền bỉ của dòng xe 4 cửa tại quốc gia tỷ dân.
Không như tại Mỹ và châu Âu – nơi sedan đang dần bị SUV thay thế và nhiều nhà sản xuất đã loại bỏ dòng xe này khỏi danh mục sản phẩm, các hãng xe Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư phát triển sedan.
Lý do không chỉ đến từ nhu cầu tiêu dùng mà còn bởi sedan gắn liền với hình ảnh của sự thành đạt, chỉn chu và phong cách sống đô thị tại Trung Quốc.
Trung Quốc: Mỏ vàng của ngành công nghiệp sedan
Thị trường tiêu thụ sedan lớn thứ hai toàn cầu là Mỹ và Canada với 2,63 triệu xe, cũng tăng nhẹ 1%. Tuy nhiên, khoảng cách so với Trung Quốc là rất lớn.
Châu Âu – vốn là nơi khởi nguồn của nhiều dòng sedan danh tiếng lại bất ngờ rơi xuống vị trí thứ 5, chỉ sau Trung Đông và Mỹ Latin. Lý do là bởi người tiêu dùng châu Âu hiện có xu hướng chuyển dịch mạnh sang các dòng hatchback, wagon hoặc SUV.

Đáng chú ý, theo báo cáo năm 2024, trong top 10 quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ sedan cao nhất so với tổng lượng xe bán ra, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 9 với 33%. Dẫn đầu là Uzbekistan (60%), theo sau là Algeria, Ai Cập, Saudi Arabia, Iran... cho thấy sedan vẫn duy trì sức hút mạnh tại các quốc gia có đặc thù thị trường riêng.
Toyota vẫn thống trị nhưng xe Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ
Trong bảng xếp hạng doanh số sedan toàn cầu, Toyota tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với 1,75 triệu xe, bất chấp mức giảm 7% so với năm 2023. Các dòng xe chủ lực như Camry và Corolla vẫn duy trì được độ phổ biến cao tại nhiều thị trường.
Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất thuộc về các thương hiệu xe Trung Quốc. BYD – nhà sản xuất xe điện hàng đầu nước này đã vươn lên vị trí thứ 2 với 1,51 triệu sedan bán ra, tăng vọt tới 78% chỉ trong một năm. Geely cũng có mặt trong top 10 với hơn 528.000 xe, tăng 36%.

Các cái tên khác như Changan (tăng 19%) và Chery (tăng 60%) cũng góp phần củng cố vị thế của ngành ô tô nội địa. Điều này cho thấy, không chỉ duy trì sản lượng, các hãng xe Trung Quốc còn đang tích cực giành lại thị phần từ những ông lớn Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Sedan chưa lùi bước, ít nhất là tại Trung Quốc
Dù không còn giữ vị trí “vua doanh số” tại nhiều thị trường phát triển, sedan vẫn sống khỏe tại Trung Quốc – nơi người tiêu dùng vẫn xem đây là lựa chọn cân bằng giữa tiện nghi, kiểu dáng và hình ảnh sang trọng.
Giữa kỷ nguyên của xe gầm cao và xe điện, sự kiên định của thị trường Trung Quốc không chỉ giúp sedan giữ được chỗ đứng mà còn tạo ra sân chơi mới cho các thương hiệu nội địa vươn lên.
Với xu hướng đó, nhiều chuyên gia nhận định sedan sẽ tiếp tục là phân khúc quan trọng – ít nhất trong trung hạn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.