Một tình huống giao thông gây nhiều tranh cãi vừa được ghi nhận tại TP.HCM vào ngày 5/5 khi một người điều khiển xe máy cố tình chen ngang vào giữa đoàn học sinh đang nối đuôi nhau sang đường. Toàn bộ sự việc được camera hành trình của một ô tô ghi lại.
Theo đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, khi chiếc xe ô tô dừng hẳn để nhường đoàn học sinh đi bộ qua đường, người đi xe máy từ phía sau đã cố tình điều khiển phương tiện vượt lên, lách qua giữa các em nhỏ đang di chuyển theo hàng lối.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hành vi của người điều khiển xe máy.

Không ít người vẫn quan niệm rằng chỉ cần nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ, còn những vị trí khác thì không cần. Tuy nhiên, theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), đây là một quan niệm sai lầm.
Cụ thể, tại bất kỳ vị trí nào trên đường, nếu người điều khiển phương tiện phát hiện có người đi bộ, đoàn người, hoặc xe lăn của người khuyết tật đang băng qua đường thì đều phải giảm tốc độ và nhường đường. Thậm chí, ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông đang bật xanh, phương tiện vẫn có trách nhiệm nhường đường nếu phát hiện người đi bộ đang qua đường ở phía trước.
Việc không nhường đường trong các trường hợp như trên bị coi là hành vi vi phạm và có thể bị xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Mức phạt dành cho người điều khiển ô tô là từ 4 - 6 triệu đồng, trong khi người đi mô tô, xe máy sẽ chịu mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người đi bộ cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện tham gia giao thông.
Theo Điều 30 của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường hoặc làn đường dành riêng cho người đi bộ. Trong trường hợp không có những khu vực này, họ bắt buộc phải đi sát mép phải của phần đường theo đúng hướng di chuyển để tránh va chạm với phương tiện đang lưu thông.
Khi muốn sang đường, người đi bộ chỉ được phép băng qua tại các vị trí được quy định rõ ràng như nơi có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn dành cho người đi bộ, cầu vượt hoặc hầm chui được thiết kế riêng. Ngoài việc tuân thủ tín hiệu đèn và các chỉ dẫn trên đường, người đi bộ cũng cần chủ động quan sát kỹ lưỡng trước khi quyết định sang đường.
Nếu không có các thiết bị hỗ trợ như đèn tín hiệu hay vạch kẻ đường, việc qua đường chỉ được thực hiện khi người đi bộ đã kiểm tra tình hình giao thông và đảm bảo rằng không có nguy cơ gây tai nạn. Khi băng qua đường trong trường hợp này, họ cần sử dụng tay để ra hiệu, tạo điều kiện cho các phương tiện nhận biết và giảm tốc độ.
Luật cũng nghiêm cấm người đi bộ thực hiện các hành vi nguy hiểm như leo qua dải phân cách, bám hoặc đu vào phương tiện đang di chuyển trên đường. Ngoài ra, khi mang theo vật dụng lớn hoặc cồng kềnh, người đi bộ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và không cản trở dòng phương tiện hoặc người khác đang tham gia giao thông.