Thanh Hóa: Bàn việc khôi phục Đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục tại thôn Mỹ Lộc,  xã Định Tiến (Yên Định)

Sáng 25/7/2024, thôn Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị “Diên hồng” gồm 50 các bô lão từ 70 tuổi trở lên để nghe Kiến trúc sư trình bày mô hình và phương án khôi phục lại Đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục mà dân địa phương quen gọi là “Nghè làng Mỹ Lộc”.
img-7794-1721875283.jpeg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự họp có ông Nguyễn Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Định Tiến; ông Lê Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Tiến và Đại diện Công ty TNHH Vĩnh Định đơn vị thiết kế Công trình nghè Mỹ Lộc.

Bản vẽ do kiến trúc sư trình bày lần này được các đại biểu dự họp từng chứng kiến sự tồn tại và biết mất của ngôi đền này. Đa số các bô lão của làng Mỹ Lộc đều tán thành và góp ý bổ sung các tiểu tiết để hoàn chỉnh mô hình bản vẽ giống với nguyên mẫu trước đây gồm tiền đường và hậu cung thiết kế hình chữ ĐINH theo phương án 1.

img-7795-1721875283.jpeg

Ông Vũ Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Định giới thiệu về bản vẽ thiết kế nghè Mỹ Lộc để xin ý kiến nhân dân cho phù hợp

Các ông Nguyên Xuân Lương 82 tuổi, Kỹ sư địa chất; Nhà báo, Cử nhân Sử học Vũ Xuân Bân 75 tuổi, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (nongthonvaphattrien.vn) là những người con của quê hương Mỹ Lộc hiện công tác, thường trú tại Hà Nội, khi còn nhỏ tuổi từng học 4 năm cấp 1 (Tiểu học) tại Nghè này đã về dự, đều phát biểu nêu rõ: Dù ở xa nhưng luôn luôn quan tâm đến quê hương, mong muốn được đóng góp cùng bà con quê nhà khôi phục lại Nghè làng Mỹ Lộc trên nền móng cũ nguyên bản như ngày xưa.

img-7800-1721875666.jpeg
Ông Nguyên Xuân Lương 82 tuổi người dân làng Mỹ Lọc ( Mỹ Lộc) tham gia về thiết kế xây dựng nghè Mỹ Lộc

Không phải đến bây giờ mà cách nay 27 năm, tức vào năm 1997, sau khi nhận được bản Hương ước cổ làng Mỹ Lộc bằng chữ Nho từ quê gửi ra Hà Nội, ông Vũ Xuân Bân đã thuê Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch Hương ước này, trong đó có nói về lai lịch Nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục, là Thành Hoàng làng. Trên cơ sở đó, ông Vũ Xuân Bân đã viết bài giới thiệu “Về Hương ước cổ làng Mỹ Lộc” trình bày, lưu hành tại Hội nghị thông báo kết quả thường niên năm 1997 của Viện nghiên cứu Hán Nôm và sau đó đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2 (297) (III –IV) năm 1998. Bài viết này tiếp tục được phát trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, lưu giữ trên mạng Internet. Bài “Hương ước cổ làng Mỹ Lộc” được tuyển chọn đăng trong Tập Truyện ký “ Ứng nghiệm thành đạt” của Quân Yên, tức bút danh của Vũ Xuân Bân do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2023.

Giải pháp kiến trúc, thiết kế kỹ thuật thi công Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục tại thôn Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định được lập trên cơ sở phục hồi dựa trên nền móng cũ của Đền và tham khảo trí nhớ của các cụ cao niên trong làng hiện còn sống, đảm bảo khôi phục trên 90% như nguyên bản. Nội dung thiết kế, tuân thủ các quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 15/2019/TTBVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

UBND huyện Yên Định kính đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo đối với Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục tại thôn Mỹ Lộc, xã Định Tiến nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện.
Di tích Đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 98/QĐ-VHTT, ngày 23/3/1999 của Giám đốc Sở văn hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa. Trải qua biến thiên của lịch sử, di tích không còn nguyên vẹn, đã bị phá  hủy nhưng phần nền móng của ngôi đền vẫn còn nguyên. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của nhân dân địa phương về việc bảo tồn Di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Căn cứ Luật Di sản văn hóa và các căn cứ pháp luật liên quan, ngày 5/1/2023, UBND huyện Yên Định đã  kính trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chấp thuận chủ trương tu bổ tôn tạo đối với Di tích Đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục tại thôn  Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Nguồn vốn đầu tư: Xã hội hóa và vốn huy động hợp pháp khác. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng nhà chính và các hạng mục phụ trợ cổng, tường rào, sân đường, cây xanh cảnh quan và ao. Thời gian thực hiện: trong 02 năm (năm 2023-2024) nhưng do chưa thống nhất được mô hình và bản vẽ kiến trúc và khái toán vốn đầu tư nên đến nay vẫn chưa triển khai được.
Việc góp ý thống nhất mô hình, bản vẽ khôi phục lại Đền thờ Đông hải Đại vương Nguyễn Phục tại làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến là bước tái khởi đầu, tạo đà đẩy nhanh các thủ tục hành chính tiếp theo để hoàn chỉnh Hồ sơ công trình, có thể sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, khởi công khôi phục đền thờ này.

Theo Hương ước cổ của làng Mỹ Lộc do TS Cung Khắc Lược (Viện nghiên cứu Hán Nôm) dịch từ chữ Nho sang tiếng Việt, thì Nghè làng Mỹ Lộc có vào thời Vua Thiệu Trị 7 (1847) đến nay (2024) là 177 năm.
Theo Bách khoa toàn thư  (vi.wikipedia.org): Đông Hải Đại Vương (chữ Hán: 東海大王) hay Nguyễn Phục (阮復) hay còn gọi Phục Công (復公) hiệu là Tùng Giang tiên sinh (松江先生) là một vị quan thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông quê Thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
Đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa 11 (năm 1453), ông thi đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Quý Dậu, năm 20 tuổi, được vua phong chức quan Hàn lâm kiêm Vương phó (thầy dạy học cho các vương tử). Vốn thông minh, tài đối đáp, ông được vua Lê Thánh Tông giao cho ba lần đi sứ nhà Minh. 
Khi làm quan ông dốc lòng vì công việc, dù ở cương vị Đô lý tự khanh tra xét các vụ kiện, Vương phó, tham nghị binh chính hay Quan ty cẩm y vệ, cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các quan trong triều kính trọng, nể phục.

Khi vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô Chỉ Huy Sứ đốc vận chuyển quân nhu. Khi xuất phát đi tiếp tế quân lương gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào (cửa Hới) Thanh Hóa, ông quyết định chờ tan bão mới đi, thuyền quân lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội “Bất tuân quân lệnh”, xử tội chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470). Ông được mai táng tại Nam Đường, nay là xã Quảng Trường, Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Sách “Thần tích Việt Nam” ghi: “Sau khi chiến thắng giặc Chiêm Thành trở về ngang cửa Thần Phù, gặp sóng to, gió lớn, biển động dữ dội khiến cho đoàn thuyền của nhà vua không thể qua được. Đêm đó, nhà vua thao thức, tai nghe gió gào, sóng dậy, trằn trọc không sao ngủ được. Vua sực nhớ đoàn thuyền lương trễ hạn cũng là do sóng lớn gây ra. Trong lòng hối hận thương quan đốc lương bị thác oan... Trong lúc mơ màng, vua thấy ông nhung trang chỉnh tề đứng trước giường ngự tâu rằng:

"Kẻ hạ thần cảm ơn tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác linh hồn vẫn theo ra chiến trận, nay nhờ hồng phúc quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm hầu, hạ thần lại xin hộ giá khải hoàn".

Vua Lê chợt tỉnh, vừng đông đã hửng sáng, trông ra biển lặng sóng êm. Đại quân vượt biển trở về yên ổn. Vua Lê Thánh Tông truy phong Đốc lương quan Nguyễn Phục tước "Đại vương biển Đông Hải", lại hạ chiếu truyền cho thiên hạ, địa phương nơi nào ngày trước có nhà cửa của Phụ Công tại các làng xóm, thì cho dân rước sắc về lập đình thờ”. Vâng lệnh vua, đồng thời để tưởng nhớ công lao đức trạch của ông, nhân dân các vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đình Định và một số nơi khác đã xin rước sắc, lập đình thờ tôn ông làm Thành hoàng, đời đời phụng sự.

Nghè làng Mỹ Lộc xã Định Tiến (Yên Định – Thanh Hoá) – 1 trong 72 nơi thờ Hoàng giáp Nguyễn Phục.