Không biết tự khi nào, mỗi lần nhắc đến Hậu Giang là nhớ ngay đến Ngã Bảy, mặc dù Hậu Giang đâu chỉ có Ngã Bảy. Chắc có lẽ câu chuyện tình mộc mạc của anh bán chiếu quê tận Cà Mau với cô gái nơi chợ nổi đã in sâu vào tình cảm, tiềm thức của người miền Tây. “Bảy sông dồn nước, cuồn cuộn nước. Phù sa lớp lớp, quyện phù sa”. Và nhắc đến Hậu Giang là nhớ đến hình ảnh: “Má già trong túp lều tranh. Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô. Một mình má, một nồi to. Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười”. Nụ cười đôn hậu của bao người Hậu Giang.
Qua nhiều lần chia tách địa giới hành chính, nhưng tên gọi miền Hậu Giang vẫn còn đó với bao cảm xúc về một nơi thấp trũng vùng châu thổ sông nước. Những mảng xanh của Lung Ngọc Hoàng - “Vùng đất trũng ngập nước của ông Trời” vẫy gọi những cư dân nơi đây và khách thập phương hãy quay về, tìm đến môi trường thiên nhiên trong lành. Hậu Giang còn có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc, lâu đời của vùng đất, con người. Hậu Giang cũng có nhiều di tích văn hoá lịch sử như Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, đền thờ Bác Hồ, di tích Chiến thắng Chương Thiện, di tích Tầm Vu...
Câu chuyện về kênh xáng Xà No trăm năm trước, biến Hậu Giang từ đồng hoang trở thành vựa lúa gạo Tây sông Hậu, một thời trên bến dưới thuyền, “Cá trê trắng nấu với rau cần. Muốn về Kinh Xáng cho gần với em”. Các con kênh ngang được xẻ thẳng vào tận cánh đồng, được đặt tên từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn, rồi Mười Bốn Ngàn Rưỡi, sau này hình thành nên “Xứ Ngàn” của Hậu Giang ngày nay. “Kênh Xà No vẫn kiên trung tần tảo. Bao đời nay chăm vun đắp đôi bờ”, để đến hôm nay: “Thương câu hát để ru bao đời. Thương cây lúa lớn nhanh theo người”.
Hậu Giang đâu chỉ có lúa gạo, mà còn có khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, cá thác lác Vị Thanh ngon nức tiếng khắp vùng. Người Hậu Giang tự hào về những địa danh thân thương gắn với hình ảnh đặc sản quê nhà. Dù trên hành trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, người Hậu Giang vẫn nhớ rằng mình sinh ra và lớn lên từ những làng quê, từ những hạt gạo, con cá, cọng rau dân dã mà đậm vị đất, hương trời và cả sự cần lao của con người.
Không tự ti, người Hậu Giang tự tin với nghề làm nông, tự hào với những giá trị ông cha đã dầy công tạo dựng và gửi trao. Rồi, người Hậu Giang nhận ra rằng, những sản phẩm quê nhà, càng tăng thêm giá trị, nhờ vào niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, sự chăm chút tỉ mẩn từ chất lượng đến hình thức để tạo ra giá trị tinh tuý, “ngon từ đất, chất từ tâm”, thay vì chỉ chạy theo số lượng. Sản phẩm OCOP, làng nghề cũng hướng đến mục tiêu như vậy. Khi ấy, người nông dân còn là những nghệ nhân giàu sáng tạo, luôn tìm ra những giá trị mới.
Người Hậu Giang đang tìm cách tiếp cận mới hơn về nghề nông. Đất đai chỉ chừng ấy, nhưng dân số càng ngày càng nhiều hơn. Không thể làm nông theo cách nghĩ cũ, cách làm cũ. Không thể đong đếm nông nghiệp bằng năng suất, sản lượng, vì cũng đã tiệm cận giới hạn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều lần hơn trên một đơn vị diện tích. Phải tích hợp đa tầng giá trị thay vì chỉ nhìn vào một giá trị duy nhất. Phải chuyển nghề nông truyền thống bằng nghề nông chuyên nghiệp, nghề nông dựa vào hàm lượng tri thức. Người Hậu Giang rồi sẽ không chỉ sống từ nghề nông, mà mở ra, đón nhận những cơ hội việc làm từ khu vực kinh tế nông thôn bằng các làng nghề truyền thống và các nghề mới.
Thế giới đã bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế xanh. Những kết quả tích cực gần đây ghi nhận Hậu Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để phát triển nhanh và bền vững, người Hậu Giang bắt đầu hành trình chuyển đổi mô hình trồng lúa truyền thống sang trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra nhiều sản phẩm mới, từ tất cả những phế phẩm, phụ phẩm tưởng chừng phải bỏ đi. Vậy là nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều việc làm ở nông thôn được tạo ra, bớt đi những dòng xe mang biển số 95 rong ruổi tìm sinh kế nơi khác.
Người Hậu Giang không chỉ nhìn nông nghiệp là một ngành sản xuất mà là một cấu trúc kinh tế - xã hội, nông nghiệp có bền vững thì cấu trúc mới bền vững. Rồi đây, ngược dòng với xu thế “ly nông, ly hương”, bằng cách tiếp cận khác, sẽ có dòng xe mang biển số 95 “quy nông, quy hương” trở về làm giàu ngay trên mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên.
“Đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát” là căn nguyên sâu xa làm cho nông nghiệp chậm phát triển, luôn đương đầu với muôn vàn rủi ro thị trường mỗi mùa vụ. Người Hậu Giang đã nhìn thấy những điểm nghẽn đó nên bắt đầu tổ chức lại sản xuất, bắt đầu khơi gợi tinh thần hợp tác, liên kết trong nông dân và doanh nghiệp. Đây là việc khó, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm từ các cấp lãnh đạo, ngành chuyên môn, không thể chỉ bằng nghị quyết, đề án, chính sách là có kết quả. Hơn lúc nào hết, người Hậu Giang kế thừa sức mạnh của công tác dân vận trong các cuộc kháng chiến, chuyển thành công tác “nông vận” - vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác, với các cách thức đa dạng, năng động, sáng tạo.
Một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt giúp đưa nước tưới mát cho những cánh đồng, vườn tược, rồi sẽ trở thành những tuyến du lịch trải nghiệm văn hoá miền sông nước nếu biết cách chăm chút hơn. Lung Ngọc Hoàng một thời thế hệ đi trước chọn làm căn cứ địa trong các cuộc kháng chiến, một mảng xanh tự nhiên, đa dạng sinh học sẽ được khoác lên hình ảnh mới đầy sức sống khi trở thành điểm đến cho những người đam mê du lịch sinh thái.
“Du lịch nông nghiệp” hoặc “Nông nghiệp du lịch” sẽ tạo không gian phát triển mới nhờ tích hợp giữa nông nghiệp và du lịch. Nhiều đất nước phát triển, xem đó là một phân ngành kinh tế, tạo ra không gian sáng tạo không giới hạn, giúp hồi sinh sức sống cộng đồng nông thôn vốn lặng lẽ trong dòng chảy hối hả của đô thị hoá. Phân ngành kinh tế tích hợp này còn hướng đến những thế hệ nhà nông mới, vừa biết làm nông nghiệp kiểu mới, biết tự hào giới thiệu với du khách về cách làm nông trên chính làng quê của mình.
Tạm xa “xứ Ngàn” thân thương, đường về mang theo những ca từ da diết: “Đời vui, sáo bay gọi bầy. Về miền Tây thăm đất Hậu Giang”. Rồi đời sẽ vui, người người sẽ vui, vui vì đã cùng nhau vun bồi, cho ngày nay, cho ngày mai, cho bao ngày sau. Vui vì “thân thiện” đã trở thành “đặc sản” của người Hậu Giang bao đời nay và đang thấm sâu vào bộ máy công quyền.