Từ ngày 1/1/2025, Thông tư 53/2024 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này không chỉ quy định về dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch mà còn đưa ra phân loại phương tiện theo mức độ tự động hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa ngành giao thông vận tải.
Phân loại phương tiện theo năng lượng sử dụng
Thông tư 53/2024 chia phương tiện giao thông đường bộ thành hai nhóm chính dựa trên nguồn năng lượng:
- Xe cơ giới sử dụng nhiên liệu truyền thống: Bao gồm các phương tiện chỉ được trang bị động cơ sử dụng xăng hoặc diesel.
- Xe cơ giới thân thiện với môi trường: Là những phương tiện sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giảm phát thải carbon so với các loại xe thông thường.
Các phương tiện thân thiện với môi trường tiếp tục được phân loại chi tiết như sau:
- Xe thuần điện (PEV/BEV): Sử dụng hệ thống truyền động hoàn toàn bằng điện.
- Xe sử dụng pin nhiên liệu thuần túy (PFCEV/FCEV): Được trang bị pin nhiên liệu làm nguồn năng lượng duy nhất cho hệ thống động lực.
- Xe sử dụng nhiên liệu hydro.
Bên cạnh đó, dòng xe hybrid điện (HEV) cũng được định nghĩa và phân loại cụ thể:
- Xe hybrid điện nhẹ (MHEV): Sử dụng động cơ điện hỗ trợ động cơ đốt trong trong một số nhiệm vụ như khởi động, tăng tốc và phanh tái tạo. Xe không thể nạp điện từ nguồn ngoài.
- Xe hybrid điện hoàn toàn (FHEV): Có khả năng di chuyển bằng năng lượng điện trong những điều kiện nhất định mà không cần nguồn điện ngoài.
- Xe hybrid nạp điện ngoài (PHEV): Cho phép nạp điện từ nguồn bên ngoài.
Theo Thông tư 53/2024, các phương tiện giao thông thân thiện môi trường sẽ được nhận diện qua tem kiểm định nền màu xanh lá cây khi tham gia giao thông. Cụ thể, mẫu tem sẽ được quy định trong các văn bản hướng dẫn về kiểm định xe cơ giới và kiểm soát khí thải.
Đây là dấu hiệu quan trọng giúp dễ dàng phân biệt và khuyến khích sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng sạch, đồng thời tạo cơ sở cho các chính sách ưu đãi về thuế hoặc lệ phí trong tương lai.
Phân loại phương tiện theo mức độ tự động hóa
Một điểm mới quan trọng khác của Thông tư 53/2024 là việc phân loại phương tiện giao thông theo mức độ tự động hóa.
Theo đó, các phương tiện được chia thành hai nhóm. Phương tiện thông thường là loại xe mà người lái thực hiện toàn bộ nhiệm vụ điều khiển, kể cả khi có sự hỗ trợ từ các hệ thống an toàn chủ động.
Phương tiện thông minh là các xe được tích hợp công nghệ tự động hóa, được phân chia theo 5 cấp độ:
- Cấp độ 1, 2, 3: Cho phép tự động hóa một phần, ví dụ như hỗ trợ giữ làn hoặc kiểm soát hành trình.
- Cấp độ 4, 5: Đạt tự động hóa toàn phần, có thể tự điều khiển, xác định lộ trình và xử lý tình huống mà không cần sự can thiệp của người lái.
Các cấp độ tự động hóa này được định nghĩa theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/SAE PAS 22736:2021, đảm bảo tính đồng bộ với các quy chuẩn kỹ thuật toàn cầu.