• TĂNG TRƯỞNG TỐT TRONG NHIỀU LĨNH VỰC
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7/2022 do ông Bùi Sơn Điền – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày, cho biết: Tiến độ sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ; tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đảm bảo an toàn về dịch bệnh; ngành Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; lĩnh vực dịch vụ duy trì tốc độ phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng; lượng khách du lịch tăng trên 120%, khách qua lưu trú tăng mạnh so cùng kỳ; tiến độ thu ngân sách nhà nước tăng khá, nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt; doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng; công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục thực hiện tốt theo kế hoạch đã đề ra; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, từ cuộc họp này sẽ tổ chức theo hướng vướng mắc, tắc nghẽn ở chỗ nào thì địa phương kiến nghị để xử lý và giải quyết chỗ đó, không dàn trải báo cáo đều đều. Chủ tịch khẳng định, tình hình quản lý bảo vệ rừng, trồng cây xanh đang có chuyển biến tích cực. Việc vận động doanh nghiệp, hội, đoàn thể trồng thêm cây xanh sẽ ý nghĩa hơn các diễn đàn chỉ phát biểu. Tăng trưởng trên mọi lĩnh vực, thu ngân sách và kiểm soát dịch bệnh tốt. Thương mại dịch vụ khởi sắc ngoài mong đợi và vượt cả sự kỳ vọng của chính quyền… Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương và các ngày lễ như ngày Thương binh - Liệt sĩ; xử lý nghiêm việc bạo hành trẻ em hay hành hung trong cộng đồng.
• XỬ LÝ NGHIÊM TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG, QUYẾT LIỆT GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh đã giao 6.045,5 tỷ đồng; đến ngày 31/7, khối lượng thực hiện đạt khoảng 2.920 tỷ đồng, bằng 48,3% kế hoạch, giải ngân đạt 2.852 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch… Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm…
Trong tháng, toàn tỉnh phát hiện 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 4 vụ (tăng 17,4%); diện tích thiệt hại 5,52 ha, tăng 2,9 ha; lâm sản thiệt hại 210,5m3, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, phát hiện 159 vụ vi phạm, giảm 146 vụ (giảm 48%); diện tích thiệt hại 28,0 ha, tăng 9,3 ha (tăng 49,7%); lâm sản thiệt hại 784,0 m3, giảm 5,72 m3 (giảm 7,3%) so với cùng kỳ. Chủ tịch UBND 4 huyện thị “nóng” (Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh) báo cáo về lấn chiếm đất rừng, dù các địa phương đã tăng cường lực lượng, trang thiết bị và giải pháp chống lấn chiếm, phá rừng…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm của UBND các cấp trong bố trí, sắp xếp, điều hành. Nếu không bố trí sắp xếp vốn được thì chuyển vốn sang địa phương khác. Địa phương nào mà lãnh đạo không có khả năng quản lý thì xem xét thay. Có dấu hiệu cán bộ địa phương “bật đèn xanh” cho người dân lấn chiếm đất dự án để gây khó cho nhà đầu tư, tạo nên tình trạng hỗn loạn trên địa bàn. Do đó, cơ quan cấp huyện phải có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng; phải có phương án tái định canh cho bà con; tổng kiểm kê nhận khoán bảo vệ rừng…
• CÒN NHIỀU NHIỆM VỤ PHẢI NỖ LỰC VÀ ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cảnh báo về tình hình vi phạm lâm luật, dịch bệnh trên người, công tác tiêm phòng... Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng nhắc nhở tiếp tục công tác xây dựng, quản lý và duy trì chỉ số PAPI. Kế hoạch khảo sát, đánh giá, xây dựng các chương trình cho người nghèo nếu chung chung thì không làm được; vì vậy, cách làm từ tổng hợp trên số liệu và số phiếu thu khảo sát của Sở LĐ-TBXH là cụ thể, tuy nhiên, phải kiểm tra, đối chiếu số phiếu thu về và số phiếu phát ra; Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp triển khai đến các huyện thành và tiến hành thực hiện các nội dung...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu các sở, ngành phải nghiêm túc xem xét các vấn đề tồn tại và có giải pháp khắc phục. Những vấn đề có thể thấy rõ là: giá xăng đã giảm nhưng giá cả nguyên vật liệu không giảm khiến người dân vẫn gặp khó khăn; tình trạng vi phạm lâm luật trong tháng 7 giảm, nhưng tổng 7 tháng vẫn tăng về diện tích thiệt hại là điều không thể chấp nhận; giải ngân vẫn cần phải tăng tốc; Sở Kế hoạch - Đầu tư phải nghiên cứu, tìm hiểu, trả lời về việc còn nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngưng hoạt động, thu hút đầu tư còn thấp, thủ tục đầu tư vẫn khiến nhà đầu tư phiền lòng… Ngành Giao thông chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn giao thông; không chấp nhận việc các nhà hàng, quán ăn chiếm dụng lòng đường, vỉa hè đậu xe; không thể bình dân hoá dịch vụ du lịch ở Đà Lạt... Các sở, ngành và địa phương phải dự báo tình hình; nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, sức khoẻ và nâng cao đời sống Nhân dân; đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chính trị, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong năm 2022.